Tác phẩm và dư luận

2/1
4:41 PM 2019

ĐỌC “NƠI ẤY LÀ CHIẾN TRƯỜNG” CỦA PHẠM QUANG NGHỊ

Nguyễn Thế Khoa-Chúc mừng Phạm Quang Nghị vừa cho ra mắt bộ sách hai cuốn: Hồi ký ghi chép "Nơi ấy là chiến trường" (508 trang khổ 16×24) và tập thơ "Nơi ấy vùng ven" (45 bài thơ) đều do Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản. Đây là dấu ấn hơn 4 năm thực hiện trách nhiệm người linh văn nghệ ở chiến trường Nam Bộ trong những năm đầu tuổi 20 của anh.

                                                                  Tác giả Phạm Quang Nghị năm 1973 ở chiến trường phía Nam

Thật khâm phục là giữa bom đạn gian khổ anh đã kiên nhẫn ghi chép và nhất là sau gần 50 năm Phạm Quang Nghị vẫn giữ trọn vẹn những trang ghi chép này như những gì quý giá nhất của cuộc đời Tặng sách tôi, anh xúc động nói: "Mình đã từng cho in cả chục đầu sách. Nhưng.đây là hai cuốn sách mình thích nhất". Chúc mừng Phạm Quang Nghị tôi xin chia sẻ bài viết về "Nơi ấy là chiến trường" được in ở phần cuối sách..

ĐỌC “NƠI ẤY LÀ CHIẾN TRƯỜNG” CỦA PHẠM QUANG NGHỊ

Nguyễn Thế Khoa

Cuối tháng 10 năm 2017, khi được Phạm Quang Nghị tặng cuốn “Xin chữ” do Nhà xuất bản Hà Nội vừa xuất bản, nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ Ngô Thế Oanh và tôi, những người bạn khóa IV Hội Nhà văn, khóa đào tạo người viết trẻ cho chiến trường miền Nam năm xưa, vui lắm. Đọc những lời tâm sự đầu sách, đọc cuốn sách, nhất là đọc những bài rất hay anh mới viết sau khi nghỉ hưu như, “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở”, “Những niềm vui giản dị”… chúng tôi hiểu Phạm Quang Nghị đã dễ dàng vượt qua cái khoảnh khắc hụt hẫng rất khó vượt từ một chính khách quyền lực về lại một người dân thường. Đó là cái khoảnh khắc mà Phạm Quang Nghị ý thức rõ “cũng là thước đo giá trị, một lần kiểm nghiệm rất nghiêm khắc đối với mỗi con người” (Những niềm vui giản dị - Xin chữ). Có lẽ ý thức đó cùng một quan niệm của Bixmax mà anh tâm đắc “Chính trị là nghệ thuật của sự lựa chọn cái có thể” cũng như niềm thanh thản: “Tất cả những gì cần làm và có thể làm, tôi đã làm không chỉ với tất cả khả năng, nhiệt tình mà còn với tất cả lương tâm và trách nhiệm” (Phát biểu tại buổi bàn giao nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội) đã giúp anh chủ động vượt qua rất nhanh sự hụt hẫng “chết người” đó để bắt đầu một chặng đời mới rất ung dung, tự tại. Điều đó cũng chính là chân lý của muôn đời mà chính anh đã nhắc đến trong bài viết: “Quan nhất thời, vạn đại chính là dân”.
Đến chơi với Phạm Quang Nghị, thấy anh khá nhẹ nhõm, thanh thoát. Gặp những người bạn thời chiến tranh, rất tự nhiên, anh hào hứng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thật thú vị ở chiến trường Nam Bộ, chuyện ở R, chuyện vượt Lộ 4, chuyện tinh nghịch của các cô du kích vùng ven, chuyện các mẹ các chị ở Mỹ Tho, Đồng Tháp, Tây Ninh yêu thương che chở cho các cán bộ chiến sĩ miền Bắc, chuyện những tin yêu và nghi ngại của người dân những ngày đầu Sài Gòn giải phóng. Gần nửa thế kỷ đã qua, nhưng với Phạm Quang Nghị, tất cả như vừa mới diễn ra, rất chi tiết, cảm động, hấp dẫn. Không ai bảo ai, cả nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ Ngô Thế Oanh và tôi sau khi nghe anh kể đều bảo Phạm Quang Nghị phải dành thời gian để viết lại những câu chuyện thời chiến đáng nhớ ấy. 
Đối với chúng tôi, Phạm Quang Nghị không chỉ là một vị lãnh đạo, một nhà lý luận chính trị, văn hóa mà còn là một nhà văn, nhà báo thực thụ. Anh từng được gần gũi và được học từ các nhà văn, nhà báo lớn của đất nước như Tố Hữu, Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Kim Lân… Anh cũng từng là người viết văn, viết báo trong những năm chiến tranh. Sau này, trong các bộ sách lớn của anh xuất bản khi anh đang đương chức, như “Công cuộc đổi mới, động lực phát triển lý luận và văn hóa” (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2005), “Thăng Long - Hà Nội - Truyền thống, tầm nhìn, động lực vươn tới” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2012), “Thủ đô Hà Nội - tầm vóc mới, vị thế mới” (Nhà xuất bản Hà Nội, 2016)… bên cạnh các công trình nghiên cứu công phu, các nghị luận chính trị, văn hóa uyên bác, sắc sảo, bao giờ cũng có một seri hàng chục bài ghi chép, bút ký, tùy bút, ký sự đầy ắp đời sống, tươi tắn, chân thật, sinh động, hóm hỉnh, cho thấy khả năng báo chí văn học của Phạm Quang Nghị vẫn không ngừng được trau dồi, rèn giũa. Văn học, báo chí của chúng ta đã viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ không ít, tuy vậy, những trải nghiệm, những ký ức của Phạm Quang Nghị vẫn có thể là một đóng góp rất quý giá. 
Hôm ấy Phạm Quang Nghị hứa rằng, bây giờ có thời gian rồi, chắc chắn là anh sẽ viết, bởi đó còn là món nợ anh phải trả cho đồng bào, đồng chí chiến trường Nam Bộ thân yêu ngày nào của anh. 
Thật may mắn, chúng tôi không phải chờ đợi lâu để được đọc những trang viết về những năm tháng chiến trường của Phạm Quang Nghị. Vào dịp 30/4 năm nay, Phạm Quang Nghị vui mừng báo cho chúng tôi biết anh bất ngờ tìm được các tập nhật ký ghi chép thời chiến trong đống tài liệu ngổn ngang tầng tầng lớp lớp trong nhà. Và từ các trang nhật ký ghi chép đó, anh cho đánh máy rồi chia làm hai ấn phẩm để biên tập, công bố: tập thơ “Nỗi nhớ vùng ven” và tập nhật ký, ghi chép “Nơi ấy là chiến trường”. Hóa ra, những gì Phạm Quang Nghị kể với chúng tôi hôm gặp cuối năm 2017, anh đều đã ghi chép rất kỹ trong nhật ký. Hơn thế, hai tập sách đã cho chúng tôi biết anh đã thực thi nghiêm túc, bền bỉ thế nào trách nhiệm của một người lính cầm bút trong chiến tranh.
Với 8 chương Vượt Trường Sơn, Ở R, Về miền Đông (Bù Đốp - Lộc Ninh), Nhịp sống đồng bằng, Người vùng ven, Tây Ninh ngày ấy, Gặp gỡ Sài Gòn, Ngày trở về, với 500 trang sách “Nơi ấy là chiến trường” là những ghi chép chân thật, trung thực, tràn đầy xúc cảm hành trình hơn 4 năm đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ của một chiến sĩ cầm bút trẻ và cuộc sống lao động, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta tại chiến trường Nam Bộ. Đọc những trang ghi chép của Phạm Quang Nghị, tôi như được sống lại những ngày vượt Trường Sơn vô cùng gian khổ, ác liệt nhưng cũng vô cùng lãng mạn của lớp trẻ chúng tôi ngày ấy. Tôi rất thích những trang thật hay viết về những cảnh đẹp hiếm có ở Trường Sơn chúng tôi từng gặp trên đường hành quân cũng như những câu chuyện ở R, trong đó có sự xuất hiện của các nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Văn Linh, Lưu Hữu Phước, Trần Bạch Đằng, Bùi Kinh Lăng... mà Phạm Quang Nghị đã ghi lại được. Nhưng đáng đọc hơn cả là các trang viết thật sinh động về cuộc sống chiến đấu của cán bộ chiến sĩ và nhân dân ta ở Bù Đốp - Lộc Ninh, vùng bắc nam Lộ 4, xã Thanh Điền... những vùng tranh chấp trong chiến tranh mà ta quen gọi là vùng ven ở Mỹ Tho, Đồng Tháp, Tây Ninh…
Đọc các trang viết này, trước hết tôi rất khâm phục tinh thần dũng cảm và ý thức đến tận những nơi khó khăn nguy hiểm nhất của cuộc chiến đấu để sống và viết của Phạm Quang Nghị. Từng là một chiến sĩ cầm bút lăn lộn trong chiến tranh như anh ở chiến trường Khu 5, tôi biết không phải người viết nào cũng dám đi xa, đi sâu, đi lâu vào các vùng tranh chấp, hàng ngày cùng với chiến sĩ nhân dân trực tiếp cầm súng giáp mặt kẻ thù như Phạm Quang Nghị. Nhất là Phạm Quang Nghị là người con duy nhất của một gia đình cán bộ cấp cao. Anh tình nguyện xin đi B không phải để được “nhúng” chiến trường chút ít làm bệ đỡ tiến thân sau này rồi cáo bệnh trở ra miền Bắc như không ít trường hợp. Ngọn lửa lý tưởng và khát vọng của một chiến sĩ cầm bút chân chính là động cơ làm Phạm Quang Nghị chọn về “nằm vùng” như một Việt cộng thứ thiệt, cùng chia sẻ gian khổ, nguy hiểm, hy sinh cùng với nhân dân, sẵn sàng đổi máu mình lấy những trang viết chân thật, hào hùng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại như Nguyễn Ngọc Tấn, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Lê Anh Xuân từng làm.
Và kết quả của sự dấn thân cao đẹp ấy là hàng trăm trang viết rất hay, gây ấn tượng mạnh, có giá trị hiển nhiên về những con người, những vùng đất mà anh đã sống và dâng hiến hết mình. Dù chỉ là những trang nhật ký ghi chép nhưng hình ảnh chú bé giao liên qua Lộ 4, người chèo thuyền vượt rừng tràm Đồng Tháp Mười, anh Năm Rớt, ông Ba Quắn, những ba, những má, những anh chị thương yêu nuôi giấu cán bộ chiến sĩ, những chàng trai cô gái du kích vùng ven thông minh, dũng cảm, tinh nghịch, câu chuyện cười ra nước mắt của một cặp chị em, số phận trớ trêu của một người hàng binh… đã ám ảnh tôi mãi. Đặc biệt, 8 cái ghi chép dưới một cái tên chung “Người vùng ven” có thể được coi là chùm bút ký liên hoàn khá sinh động về cuộc sống, con người nơi đầu sóng ngọn gió trên chiến trường Nam Bộ.
Còn rất nhiều cái có thể nói về con người, cuộc sống và cái chất Nam Bộ rất thú vị mà Phạm Quang Nghị đã ghi lại được trong “Nơi ấy là chiến trường”. Những trang viết như những bức tranh của một họa sĩ tài ba về cảnh vật, âm thanh, những buổi bình minh, hoàng hôn khó có thể quên của đồng bằng Nam Bộ trong tiếng đạn bay chiu chíu, tiếng bom pháo rít trong không trung, cùng ánh sáng hỏa châu không ngừng chớp chớp... Chỉ riêng việc dùng ngôn ngữ đặc trưng Nam Bộ khá nhuần nhuyễn trong tập sách đã chứng tỏ chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã nhập thân, gắn bó rất sâu vào vùng đất này. 
Bên cạnh chân dung cuộc sống và chiến đấu trên chiến trường Nam Bộ được ghi lại khá phong phú, hấp dẫn, “Nơi ấy là chiến trường” cũng hé lộ cho chúng ta biết chân dung tinh thần của một người lính trẻ. Đó là người lính mang vào chiến trường một nỗi nhớ quê hương, gia đình hết sức da diết, thao thức. Miền quê thanh bình ven bờ sông Mã, những câu hò trong đêm trăng, những ngày lao động trên sân kho hợp tác, hình ảnh các cô gái quê nhà… cứ thoắt ẩn thoắt hiện rất đẹp qua màn sương của kỷ niệm. Đó còn là một chàng trai trẻ có một mối tình thầm kín, nồng cháy, nhiều dằn dặt với một em Ph. nào đó đã cùng hành quân trên dải Trường Sơn. Và đó là một chàng trai yêu mẹ hơn tất thảy. Mẹ lúc nào cũng ở bên anh, kể cả trong giấc ngủ. Những đoạn như thế này “Gió lạnh gợi trong ta ngàn vạn nỗi nhớ vừa da diết, vừa xót xa. Tràn ngập nỗi nhớ mẹ già. Nhớ những mùa đông đã qua còn đọng trong ta từng chùm kỷ niệm. Gió ào ào có biết, ta muốn gào lên cho át tiếng rừng cây.
Mẹ, mẹ ơi
Quê hương ơi, quê hương.
Và em ơi anh nhớ
Những kỷ niệm như vỡ bờ rồi”.
có rất nhiều trong “Nơi ấy là chiến trường” những trang viết về mẹ, về quê hương như thế. 
Giàu tình cảm thế, có vẻ mềm yếu thế nhưng anh lại là một chiến sĩ rất cứng rắn, dũng cảm, dám chấp nhận mọi thách thức hy sinh và ý thức rất rõ những gì sẽ giúp mình đứng vững, những gì mình cần phấn đấu đạt được trong cuộc đời, cả trước mắt và lâu dài.
Trong hoàn cảnh đầy bất trắc, nguy hiểm ở chiến trường, chàng trai trẻ 23 tuổi ấy đã bình tĩnh viết: “Đấu tranh thắng bản thân là khó hơn tất cả. Biết bao công việc, biết bao trở ngại gian lao bên ngoài ta đã từng gặp và đã vượt qua. Nhưng nhiều khi mình không thắng nổi mình trong những tình cảm mềm yếu, những tính toán cá nhân không tốt. Bởi thế, ta nghĩ câu “thắng trời dễ hơn tháng người, thắng người dễ hơn thắng mình” là đúng. Có lẽ vì thế, Khổng Tử mới nói Tu - Tề - Trị - Bình. Tu thân là trên hết, trước hết và quyết định hết thảy. Không tu thân không làm gì thành công được. Phải như vậy”.
Trong cuộc sống không ít phức tạp ở căn cứ, anh tâm niệm: “Không a dua, không bè phái, không là lãnh tụ của ai, song cũng không bao giờ chịu làm vật lệ thuộc người khác. Sống như thế mới thấy được ta là ta, ta làm chủ hoàn cảnh. Ta đề ra cái đúng để làm, tự động chống lại cái ngây ngô sai trái. Sống vì lẽ phải và lòng chính trực”.
Còn trong nỗi suy tư khi nhớ một đồng đội đã sớm hy sinh, trong nhật ký của mình, anh ghi đầy day dứt một danh ngôn: “Đã là một con người thì phải có cái riêng của con người. Không thể có một con người siêu hình, Không thể phá vỡ đơn vị con người. Không còn cái riêng của con người thì xã hội sẽ mất hết ý nghĩa, mất hết cơ sở”. Theo tôi nhớ thì câu này của Tổng Bí thư Lê Duẩn, một lãnh tụ cộng sản luôn bênh vực sự riêng tư của mỗi cá nhân.
Những triết lý làm người sâu sắc mà người lính trẻ Phạm Quang Nghị đã sớm nhận ra, tâm đắc và nguyện noi theo ngay trong chiến tranh có lẽ đã phần nào lý giải những thành công của vị chính khách Phạm Quang Nghị sau này, một chính khách luôn biết “tu thân”, luôn biết “sống vì lẽ phải và lòng chính trực”.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *