MẮT NGƯỜI GIỮ ĐẢO (KỲ 2)
Thân thể các anh, dẫu găm đầy mảnh đạn, vẫn thắm cờ Tổ quốc giữa đại dương... “Chúng tôi những người lính trên đảo Cô Lin, vào ngày rằm, mồng một hay những ngày lễ, tết vẫn dâng lên các anh, giữa biển xanh trùng sóng, bát cơm thơm, đĩa rau xanh, chén nước ngọt, lấy biển xanh làm chứng cho những lời thề người lính: Chúng tôi thà hi sinh chứ không bao giờ để đảo rơi vào tay giặc. Các anh còn chúng tôi, chúng tôi còn các anh, Trường Sa của chúng ta là mãi mãi…” – Đại úy Nguyễn Văn Thắng, đảo trưởng đảo Cô Lin đã rì rầm chia sẻ khi hai chữ Gạc Ma đằm đẵm trong những đôi mắt người ra biển chúng tôi. Cũng là tiếng rì rầm như thế - rì rầm trong tiếng đất - thượng úy Nguyễn Văn Tùng, một người lính trên đảo Phan Vinh, bên những khóm bàng vuông mới trổ mầm, mắt lá đỏ như mặt trời vừa thức, đã kể cho tôi hiện tượng “quả trôi về” ở đảo của anh, khi tôi thắc mắc nhiều người ra đảo cầm quả rồi nhánh bàng vuông về tới đất liền thì làm sao mà đủ cho cả chục đoàn ra đảo mỗi năm và cây lấy ở đâu ra mà nhiều thế? “Trường Sa nắng gió thì đầy chứ cây ít lắm, bàng vuông càng ít. Nhưng có điều lạ là, có rất nhiều quả bàng vuông từ đâu trôi về đảo. Chúng tôi vớt lên, tra vào từng bọc đất nhỏ, nâng niu trong nắng gió mặt trời, đôi khi còn nhường cả phần nước tắm của mình để dành cho mầm cây vừa hé. Anh em gọi hiện tượng ấy là quả trôi về nguồn”. Hàng ngàn quả bàng vuông ấy, có lẽ từ Ba Bình, từ Hoàng Sa, từ các đảo của Malaysia, Philipines hay từ đâu đó đã trôi về đây, nảy mầm trong tình yêu người lính. Mà không hiểu sao, những quả bàng ấy dẫu bị bầm dập bởi sóng, nhưng về đến đây quả nào cũng đâm chồi nảy lộc. Quả trôi về nguồn, như con người tìm về quê hương bản quán của mình. Dù sống ở đâu trên thế giới, trong môi trường hoàn cảnh, chế độ chính trị nào thì nguồn gốc vẫn là thứ đau đáu với mỗi người và sự trở về cũng là một lẽ tất nhiên. Con người luôn tìm cách về nơi chôn nhau, cắt rốn thì quả cũng biết trôi về đất mẹ. Tùng còn kể, có những Việt kiều khi ra thăm Trường Sa, đã quỳ trước sóng mà khóc, vin vào đảo mà tựa cho nỗi thương cây nhớ cội. Câu chuyện của Tùng làm tôi nhớ đến một Việt kiều ở Canada, xa Tổ quốc ngót 40 năm mới có dịp về, khao khát được ra thăm Hà Nội. Chị bảo: “Chưa đến Hà Nội bao giờ, chỉ biết vẻ đẹp lãng mạn, hào hoa của Thủ đô qua âm nhạc và thơ ca mà mê tưởng… nên đã về nước là không thể bỏ qua được”. Nhưng khi tới Hà Nội rồi thì chị thấy thất vọng vì ngoài một số điểm đẹp mang trầm tích văn hóa thì còn lại đâu đâu cũng thấy sự nhốn nháo, lệch kệch. “Nếu về nước nữa, mình sẽ không bao giờ tới Hà Nội lần thứ hai”. Tôi chỉ cười và thầm nghĩ, ở đâu trên thế gian này cũng có sự lệch kệch cả. Nhưng nếu nơi đó ta có con mắt nhìn bao dung và có một tình yêu, gắn bó thật sự, lúc đó mới thấy được vẻ đẹp của nó. Thời gian sau, chị viết thư cho tôi và xin rút lại những gì đã nói bởi “khi xa Hà Nội rồi, vẻ nhốn nháo lệch kệch đó, lúc nhìn lại cũng thấy ấm áp. Nơi phồn hoa xứ xa có thể đẹp nhưng không phải là đất nước của mình, chỉ Việt Nam và Việt Nam mới là gốc gác nguồn cội cho mọi cuộc trở về”. Không ít người khi ra Trường Sa làm nhiệm vụ đã nguyện gắn bó trọn đời với đảo. Gắn bó bởi đó là tình yêu và chỉ có tình yêu con người mới chấp nhận gian khổ, kể cả hi sinh tính mạng của mình.
Gặp một người làm xây dựng trên đảo Trường Sa, mồ hôi đầm đìa vai áo giữa chiều nắng rát khi anh vừa đặt xuống chân đảo tảng bê tông khá nặng và ngửa mặt lên hứng làn gió nhè nhẹ thoáng qua, tôi pha trò: “Anh đang đẩy sóng ra xa để kéo chân trời lại đấy à?”. Nở nụ cười tươi, anh trả lời: “Tôi chỉ đang kéo đảo lại gần với quê hương, chứ chân trời thì xa lắm, sức người có hạn, biển của ta có dài rộng mấy cũng không thể đến được chân trời. Mà anh ở đâu?”. “Hà Nội!”. “Hà Nội à? Sắp tới nơi này sẽ có một cột cờ mọc lên, đẹp và uy nghi đúng như cột cờ Hà Nội đấy”. Rồi anh khẽ hát: “Hà Nội đó niềm tin yêu hi vọng…” bằng giọng đặc sệt xứ Quảng. “Anh hát tình cảm quá! Tối nay đoàn có chương trình giao lưu văn nghệ với đảo. Mời anh lên hát nhé”. “Tôi có biết hát hò gì đâu, chỉ là nghều ngào tí làm vui và để cho đỡ mệt thôi. Ở đảo mỗi khi có đoàn ra thăm, tổ chức giao lưu văn nghệ là chúng tôi được nghe thỏa lắm. Thôi chào anh! Tôi đi làm tiếp đây. Đã ra đến đây, dù chỉ là làm thời vụ như tôi, ai cũng muốn góp chút sức mình. Chỉ ước công trình nào cũng hoàn thành trước tiến độ”. Chưa nói dứt lời đã thấy bóng anh khuất sau đống bê tông, gạch đá cồng kềnh phía chân sóng.
Mắt nhà giàn
Nhà giàn - con mắt trần gian, thơ mộng và hiên ngang giữa biển.
Chúng tôi bước lên nhà giàn DK1/19 khi trời vừa rạng. Gió êm, biển lặng, mắt người rạng ngời sau những ngày xa vắng, bỗng ồ lên quanh vũ điệu nhà giàn: “Chiều qua trời bỗng nổi giông, nhà như nhảy xập xình trên sóng, còn chúng tôi đứng ngồi không yên. Sợ các anh đến thăm mà không vào được. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn hệ thống âm thanh qua bộ đàm, chuẩn bị cả tinh thần bơi ra chào tàu. Thật may!”. Lời chia sẻ của trung tá Vũ Duy Lương, chính trị viên nhà giàn làm cho cuộc ghé thăm lắng lại. “Nhà giàn này chịu được gió cấp mấy thưa anh?”. “Dạ, cấp 10 đến cấp 12”. –“Thế còn các anh chịu được cấp mấy?”. “Cấp nào chúng tôi cũng ở đây. Hai chín năm qua, đã có ngàn cơn bão trời, bão biển và cả bão… lòng người nữa!” Anh cười. “Các anh vào cả đây. Bình thường chỗ này chỉ đủ cho khoảng 100 người cả đứng lẫn ngồi. Nhưng hôm nay 200 người cũng đủ mà đông nữa càng đủ. Ấy! Mấy cô em xinh đẹp đừng nhìn vào góc tủ, chỗ đấy không để gương, lược. Lính chúng tôi không mấy khi chải chuốt, soi gương đã có mặt biển, nếp tóc xoăn sóng cũng vuốt cho rồi. Mời các em ra trước này ngồi, cho lính nhà giàn được chiêm ngưỡng tí (anh cười). Các em có chồng chưa? Sao rụt rè đến thế. Nếu chưa thì Nhà giàn DK1/19 xin đăng kí. Ở đây vài cậu trên 30, gần 40 tuổi còn chưa lập gia đình kìa”. Lính nhà giàn đâu cũng vui tính. “Bình thường thì chỉ ta với mình, mình với ta, mấy mươi con người ăn, ở cùng nhau, hết ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm nọ, nhìn ra thì mênh mông biển cả, quay mặt vào cũng biển, biển chồng lên biển nên phải thổi vào nhau một tinh thần lạc quan yêu đời. Đó chính là yếu tố làm tăng cao tinh thần, khả năng chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ và chống chọi với nỗi cô đơn của lính nhà giàn”. Thấy một anh trong đoàn lộ vẻ hơi “choáng” sau khi trèo từ tàu lên nhà giàn bằng thang dây, rồi lại đi trên những bậc thang lên gác như thể đang leo ở ngọn cây ngày bão, anh Lương vội bảo: “Đồng chí cứ xuống gặp trung tá chuyên nghiệp Bùi Đình Dong sẽ khỏi ngay”. Tôi rời cuộc trò chuyện để cùng bạn xuống phòng quân y. Với gần 30 năm làm quân y trên các nhà giàn DK1, anh Dong nhìn rồi nói luôn: “Không sao đâu, nằm nghỉ mươi phút là khỏi liền, đây là… “bệnh nhân” nhẹ nhất của nhà giàn rồi”. Nói không sao nhưng anh Dong vẫn xoa đầu bóp trán như thể đang chăm sóc cho một người bệnh đặc biệt. Qua câu chuyện, tôi mới biết, anh quê Lương Tài, Bắc Ninh. Ở nhà, bố anh bị ung thư phổi từ hai năm nay, cách đây vài ngày, bệnh viện trả ông về cho gia đình tự chăm sóc. Ông đang gắng gượng thở bình oxi để chờ mà không biết có về được không... Có một miền cảm xúc bỗng trào dâng không phải ở riêng anh mà lan sang chúng tôi. Tôi chia sẻ: “Sinh lão bệnh tử là một quy luật của đời người mà tất cả chúng ta đều phải đón nhận những mất mát ấy. Nếu không về được thì khi nhắm mắt ông cụ hẳn cũng đã bằng lòng với một người con như anh. Ở nhà chắc chị và cháu cùng anh em họ tộc cũng sẽ chăm lo mọi điều tốt đẹp nhất cho ông”. “Cũng biết là thế nhưng những phút giây bố gần đất xa trời mà mình có nhà thì chắc cũng yên lòng hơn”. Là con trai duy nhất trong gia đình sáu người, nhưng trung tá Bùi Đình Dong rất ít khi được gần bố mẹ. Anh ra nhà giàn từ năm 1990 và gắn bó với DK1 từ bấy đến giờ. Mọi việc trong gia đình đều nhờ sự lo toan của người vợ. Hai vợ chồng anh chỉ sinh được một cô con gái vì phần lớn thời gian từ khi lấy nhau là ở trên biển. Chồng xa vợ, vợ xa chồng có những khoảng thời gian đi phép định sinh thêm con thì về lại không đúng dịp, vài lần như thế, nhiều lần như thế, thành ra lỡ mất tuổi sinh. Anh bảo, quãng thời gian gần 30 năm ấy đã chăm sóc, cấp cứu cho biết bao nhiêu người và từ lúc biết bố bị bệnh trọng không thể cứu chữa, mỗi lần ai đó dù cấp cứu hay cảm nhẹ mà tìm đến, anh đều nghĩ đến bố, đều tưởng tượng ra bố. “Ở đây đồng đội luôn coi nhau như người một nhà và hết mực sẻ chia mọi niềm vui nỗi buồn. Biết bố mình không còn sống được bao lâu nên anh em đã làm đề nghị xin với cấp trên để cho mình được về gặp ông lần cuối. Mình đang chờ và mong mỏi lắm!”.
Chia tay trung tá Bùi Đình Dong, chia tay DK1/19, có biết bao câu chuyện tôi đã được nghe, được thấy nơi “con mắt nhân gian” chưa bao giờ biết mỏi này. Ở mỗi con người đang trấn giữ vùng biên hải là biết bao cảm mến cùng sự khâm phục: “Dù gian khổ đến đâu chúng tôi vẫn vững vàng nơi tuyến đầu Tổ quốc. Các anh hãy tin ở điều đó”- một lời chào vang lên khi chúng tôi bước lên tàu.
Đường trở về vẫn là con đường của những đôi mắt
Khi biển đầy trong mắt, đảo đứng sau lưng, còn nỗi nhớ trùm lên trước mặt, tôi dõi lối khơi xa, những con sóng mang hình hài của đảo, dào dạt trôi về phía đất liền. Vẫn thấy ai kia, đang kéo đảo về gần, vẫn thấy bão giông cuồn cuộn đầu Tổ quốc, vẫn thấy những kẻ thù giấu mặt, bên những lời ngọt nhạt, là muôn thủ đoạn đớn hèn. Đã không thể khác, những ngôi làng trên biển vẫn mọc lên, những con tàu số hiệu Việt Nam vẫn lướt sóng làm bạn cùng với đảo.
Đường trở về, tôi lại được nghe Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy tâm sự. Ông bảo, đời người lính của ông gắn liền với trận mạc, mà chưa bao giờ ra khơi. Hôm nay đến Trường Sa thấy mãn nguyện lắm rồi! Có thể chỉ một lần này. Một lần thôi cũng sẽ là mãi mãi, đảo trong trái tim mình. Nếu so với Vị Xuyên thì Trường Sa nhiều gian khổ khó khăn hơn, bởi bốn bề chỉ có biển, vật chất thiếu thốn chứ không như ở đất liền, lại quá ít dân bên cạnh. Nhưng ra đến đây, ông tin lắm, tin vào người lính, tin vào lòng yêu nước, yêu biển của nhân dân mình. Rồi ông cười: “Cũng phải cảm ơn anh Giáp Biên Cương, một thủ lĩnh Hải quân có tâm, có tầm với biển. Càng thấy thấm thía câu nói của bác Hồ“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Những điều đó để thấy rằng kẻ thù dù có thâm độc, tàn bạo đến đâu cũng không dễ gì lấy được biển trời của ta. Lịch sử đã chứng minh tất cả, những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… những Điện Biên, Hà Nội, Sài Gòn. Hôm nay và mai sau, lịch sử sẽ vẫn là như thế”.
Nhà giàn - con mắt trần gian, thơ mộng và hiên ngang giữa biển - Ảnh: ĐVM |
Đêm trở về đất liền, khi tàu chuẩn bị nhổ neo, dọc phía thân tàu những quầng sáng bỗng chốc mọc lên, sau đó là những tiếng lao xao: “Ngư dân xin chào các anh”. “Xin chào, ra biển được lâu chưa?”. “Hơn mười ngày rồi!”. “Nhiều cá không?”. “Nhiều! Nhưng chưa đầy khoang, bao giờ cá đầy khoang, mực đầy giàn mới về. Các anh ra thăm Trường Sa có bị say sóng không?”. “Không”. “Cho chúng tôi gửi lời chào đảo nhé”. “Chúng tôi ra đảo rồi, đang về đất liền”. “Vậy nhớ mua cá của ngư dân nhé. Cá của ngư dân rẻ, sạch và ngon dữ lắm”. “Được rồi, sẽ mua cả tàu nếu các anh về kịp”. “Không về kịp đ…âu. Cứ mua cá của ai cũng được”. Cuộc đối thoại giữa đêm của ngư dân cùng những người trên tàu ấm áp, tự nhiên đến lạ. Có thể chỉ là vài câu trong ít phút rồi đã hút sau bóng tàu và không ai nhìn được mặt nhau nhưng ánh mắt vẫn hướng về nhau, vẫn nói cùng nhau như quen thân từ lâu lắm. Trên biển là thế, giữa lênh đênh sóng nước, đôi khi một ánh đèn xa, một tiếng còi tàu từ đâu đó vọng tới là đã rộn rã trong lòng, là chạy tới, chạy lui, ra ngó vào trông rồi, chứ kể gì có thể đối thoại được với nhau như lúc này. Trên biển là thế, chỉ cần nhìn thấy, một vỏ hộp sữa láng váng trôi xa hay một mảnh gỗ nhỏ lênh bênh theo sóng đã thấy cuộc sống đang diễn ra trước mặt mình.
Tàu cập bến Vũng Tàu, hai bên bờ cảng đèn neon vọng sáng, ngàn con sóng vỗ thầm vào vịnh vắng, vỗ vào đêm trắng. Một tiếng đàn theo giai điệu ngân lên. Một nỗi nhớ mang hình hài cánh buồm, chở đôi mắt đất liền ra với biển. Những con sóng xa như kéo đảo về gần. Những ngôi sao vẫn thức cùng người lính. Đêm ở phía vầng trăng sắp lặn, ánh lên một vùng biển đảo quê hương.
Vĩ thanh
Khi viết xong bút kí này, tôi đã gọi điện hỏi thăm trung tá Bùi Đình Dong thì biết tin anh đã được cấp trên cho theo tàu cấp nước để về đất liền gặp cha mình lần cuối. Giọng anh vang lên trong nước mắt “Đêm nay, mình được gặp bố rồi! Cảm ơn người đồng đội luôn bên mình, chia sẻ, giúp đỡ mình trong những lúc khó khăn nhất”. Nghe tiếng anh mà như tôi nghe được cả tiếng sóng biển khơi đang dào dạt vỗ về. “Tổ quốc vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”; “Nhà giàn DK1 vì Tổ quốc, Tổ quốc vì Nhà giàn DK1”(1). Đó không phải là khẩu hiệu mà là hành động tuyệt vời nhất cho những người lính ở nơi này.
Trường Sa, tháng 4 năm 2017
Đ.V.M
-----
1. Trích lời của Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
khi ra thăm Nhà giàn DK1/19, tháng 4/2017
Nguồn: Văn nghệ Quân đội