Tác phẩm và dư luận

16/11
3:51 PM 2019

HOA CÚC XANH CỦA KAREL CAPEK-NGƯỜI ĐIÊN TRONG MẮT AI

NGUYỄN THANH HƯƠNG-Hoa cúc xanh là truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Karel Capek, người được vinh danh như là một “biểu tượng của Czech” với tám lần liên tiếp được đề cử giải Nobel văn học cho những tác phẩm đã chạm đến nhiều vấn đề bất ổn của xã hội. Đọc truyện ngắn này từ ánh sáng lí thuyết của M. Foucault, chúng ta sẽ thấy được “điên” trong tác phẩm cũng chỉ là một diễn ngôn và cần phải chất vấn.

 

Thế nào là điên? Điên có thực sự có hại, nguy hiểm và đáng khinh không? Trong cuộc sống này, có khi nào con người cần đến điên?

Theo quan điểm của nhà triết học M. Foucault, diễn ngôn là sự kiến tạo tri thức, luôn gắn với quyền lực và có sức mạnh tác động đến xã hội. Ở đâu có sự mất cân bằng về quyền lực giữa một nhóm người thì ở đó sẽ có sự sản sinh về tri thức - chân lí. Những tri thức này không phải là chính xác tuyệt đối hay bất biến mà được quy định bởi quyền lực. Diễn ngôn chính là nơi mà qua đó quyền lực và tri thức được hình thành và lan tỏa trong xã hội. Những diễn ngôn có hiệu lực và sức mạnh (trở thành chân lí) khi được các thiết chế xã hội hậu thuẫn. Vì thế, phân tích diễn ngôn, xét cho cùng là phân tích những quan hệ tri thức và quyền lực đã cho phép diễn ngôn đó xuất hiện và truyền bá.

Theo đó, “điên” cũng chỉ là một diễn ngôn mà con người tạo ra để kiến tạo văn hóa gắn với từng cộng đồng, qua từng thời kì lịch sử nhất định. M. Foutcault trong Bệnh điên và văn minh đã chỉ ra rằng “điên” là một kiến tạo xã hội hơn là một tồn tại thực tế - sản phẩm của tự nhiên. Bởi nếu trước thế kỉ XVI, sự khác lạ về trạng thái tinh thần này không bị coi là bệnh lí thì đến thế kỉ XVI người ta đã lập ra những nhà tù để nhốt những người điên, thậm chí họ muốn nhốt cả những “chứng điên”. Từ đó về sau những người có dấu hiệu của “điên” đã chính thức bị nhìn bằng con mắt kì thị. Cách ứng xử bất công với những con người này dần trở thành điều bình thường. Cũng theo M. Foucalt, chứng điên và bệnh điên được quy ước bởi những kẻ tự cho mình là bình thường và lí trí. Như vậy, “điên” - vấn đề tưởng như tự nhiên, bình thường - thật ra lại ẩn phía sau là những quyền lực, luật lệ, quy ước.

Trở lại với Karel Capek, truyện ngắn của ông viết về hoa cúc xanh - một loài hoa đẹp và quý hiếm mọc khuất sau đường tàu, trong khu đất cấm. Vì hai chữ “cấm đi” ở chiếc biển thông báo mà từ ông già Fullinus, ngài công tước Lichtenbersky, người làm vườn, cậu giúp việc Vencl, thậm chí cả những viên cảnh sát, đám dân phòng, các trưởng thôn, học sinh và giáo viên, cho đến cả đám mọi Tsigan… đã lùng sục từng mảnh đất mà vẫn không tìm thấy hoa cúc xanh. Ấy vậy mà Klara - một con bé câm điếc, điên điên thì hàng ngày vẫn ôm đến một bó hoa cúc xanh tươi mới, tuyệt đẹp. Ông già Fullinus vì tìm mãi không được hoa lại bị ngài công tước chửi là kẻ dở người, kẻ điên nên đã tức tối ra ga tàu để rời bỏ Lubenec. Đúng lúc ông ta “bật khóc vì không tìm thấy hoa cúc xanh” thì cái màu xanh ấy xuất hiện và ông đã băng qua biển cấm đường tàu để có được nó. Câu chuyện chỉ giản dị như thế nhưng nó gợi cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ.

Đầu tiên, câu chuyện mở ra không gian với sự có mặt của những kẻ điên. Thông thường, theo diễn ngôn truyền thống, chứng “điên” chỉ những người có tình trạng bệnh lí về tâm thần, mất năng lực tự chủ và năng lực kiềm chế hành vi. Vì thế, khi nói đến những người điên, dở thì xã hội thường dành cho họ cái nhìn thương hại, miệt thị. Những kẻ điên chỉ gây rối xã hội và nguy hiểm cho mọi người xung quanh. Thế nhưng, trong Hoa cúc xanh, Capek đã cho thấy rằng người bị coi là điên lại là kẻ duy nhất có khả năng tìm thấy loài hoa cúc xanh quý hiếm, tuyệt mĩ. Điều đó khiến cả một cộng đồng tự nhận mình là “bình thường” băn khoăn không sao hiểu nổi khi mà họ đã lục tung khắp nơi nhưng không thấy bóng dáng của loài hoa ấy. Đó là vì chiếc biển cấm trên đường tàu có sức mạnh ghê gớm đối với những “người bình thường”. Song, với Klara - cô bé điên - thì sức mạnh ấy đã mất hiệu lực. Klara dở người, câm điếc, hay nhảy nhót, không biết đọc chữ, không phân biệt được giá trị của đồng tiền, hay muốn hôn người khác… Cô khác tất cả, nên cô là người duy nhất của khu phố Lubenec không tuân theo quy định của xã hội. Nhưng cũng vì thế mà cô đã tìm ra cái đẹp tuyệt mĩ của thế gian một cách thật dễ dàng và đơn giản, điều mà những kẻ “bình thường” (có học, đọc báo, biết rõ từng hòn đá cũng như cách thu lượm thông tin) tốn rất nhiều công sức song vẫn bất lực để tìm ra dấu vết của nó. Những con người tự giam hãm mình trong những quy ước, quy tắc và luật lệ xã hội sẽ không bao giờ chạm đến được bông cúc kia, bởi sự “bình thường” cố hữu đã bó hẹp tư duy họ - mặc định hoa chỉ ở công viên. Ở cuối tác phẩm, ông già Fullinus cũng tìm được hoa cúc xanh. Nhưng giây phút Fullinus tìm được hoa cũng là lúc ông ta rơi vào trạng thái điên loạn. Và để có được nó, ông cũng giống như Klara là bước qua biển cấm, đi ngược lại với quy ước của xã hội.

Description: http://vannghequandoi.com.vn/thumbnail/VNQD-185-2019-10-15/222.jpg

Từ đây, câu chuyện đặt ra chất vấn, những quy ước, thiết chế của xã hội liệu có giới hạn con người? Những con người có cách nghĩ, hành động “bình thường” theo số đông sẽ chỉ có thể đạt đến những cái đích “bình thường”. Phần thưởng chỉ dành cho kẻ dám bứt phá, thay đổi, thậm chí dám “điên”. Vì thế, phải chăng trong những tình huống nhất định, con người cần biết đi ngược lại những thiết chế cứng nhắc, biết mạo hiểm để thành công? Các nhà bác học, nhà phát minh Einstein, Newton, Edison, Steven Jobs… từng bị xem là quái dị, rồ dại nhưng những cá nhân lệch chuẩn này lại góp phần thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của xã hội. Trong văn học, kiểu nhân vật người điên, lập dị xuất hiện với tần suất lớn và trong số đó có những hình tượng trở thành bất hủ như Don Quijote, Hamlet, Chí Phèo, Thị Nở… Những con người ấy dưới con mắt người đời thường là kẻ ngu ngốc, quái đản. Điều đó có đúng không, khi một Thị Nở dở hơi lại cứu rỗi được phần hồn của Chí Phèo, một Hamlet giả điên để tìm và nói ra sự thật “Đan Mạch là ngục thất tăm tối”? Kẻ “điên” đôi khi còn là do họ quá tỉnh, tỉnh bởi họ đã nhìn thấy bản chất thực của xã hội trong khi tất cả đang ngủ quên. Những con người điên mà tỉnh ấy, trong cái nhìn của họ biết đâu tất cả những kẻ khác lại là điên?

Hoa cúc xanh còn là thông điệp ngầm của Capek với nghiệp văn khi ông chất vấn về sáng tạo nghệ thuật. Nếu người nghệ sĩ chỉ biết viết theo những quy định của biển cấm thì không thể chạm tới cái đẹp thực sự của nghệ thuật, không thể mang đến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị lớn. Văn chương luôn cần sự sáng tạo, chất “điên” để vượt ra khỏi những giới hạn; nếu bị đóng khung trong những quy định thì tác phẩm văn học khó có thể thành công. “Điên” chính là chất xúc tác để người nghệ sĩ thăng hoa. Ấy là khi Dostoyevsky viết Lũ người quỷ ám, là Hàn Mặc Tử với Thơ điên, Chế Lan Viên lạc vào thế giới của Điêu tàn, kinh dị, Tản Đà thoát tục lên tiên để Hầu trời, và sau này là Bùi Giáng với những thi phẩm được mệnh danh “điên rực rỡ”... Những đứa con tinh thần của họ được sinh ra trong giây phút “điên” ấy đã mang đến những giá trị đẹp như loài hoa cúc xanh quý hiếm mà cô bé Klara đã tìm ra.

Nam Cao đã từng nói về trách nhiệm của nhà văn là phải “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. “Điên” trong văn học giờ đây giống như một phép thử: Điều gì xảy ra nếu người nghệ sĩ viết khác đi? Viết khác đi có nghĩa là họ đang thách thức những quan niệm, cảm quan thông thường, thách thức những chuẩn mực và thiết chế xã hội, là sự “nổi loạn” của ngôn ngữ… Đã có một thời người ta choáng váng với sự xuất hiện của trường phái thơ cụ thể (Concrete Poetry) do Augusto de Campos khởi xướng, loại thơ mà ở đó cú pháp thông thường bị khước từ, thay vào đó là một trật tự cú pháp mới mơ hồ, đứt gãy về logic liên hệ, các chất liệu nhiều khi được sắp xếp trong cấu trúc đồ họa không gian và truyền đạt ý nghĩa bằng hiệu ứng đánh máy. Bài thơ Lixo (Rác) của Augusto từng là một hiện tượng gây sốc khi nó chỉ có một chữ “LIXO” (rác) to đùng, và được tạo nên bởi rất nhiều dòng chữ “LUXO” (sang trọng, quý phái). Còn ở Việt Nam, hình thức “thơ ngoài lời” của Dương Tường cũng từng thách thức những ý niệm đã định hình của người đọc về thơ, mà tập Đàn là tiêu biểu.

Như vậy, với Hoa cúc xanh, nhà văn Karel Capek đem đến cho người đọc những suy tư mang tính phản tỉnh về những điều tưởng như rất bình thường trong cuộc sống, những điều mà ta coi là vốn dĩ, mặc nhiên. Vấn đề “điên” đặt ra trong tác phẩm đã phần nào làm lung lay ý niệm về bệnh điên trong diễn ngôn truyền thống. Nó khiến chúng ta phải hoài nghi trước những ý niệm đã quen, chất vấn những quan niệm truyền thống để nhìn thấy bản chất của hiện thực được kiến tạo. Nói như Jonathan Culler trong Literary Theory (Lí thuyết văn học), lí thuyết là sự chất vấn những cảm quan thông thường, những khái niệm được xem như là tự nhiên. Nhận định này giúp chúng ta ý thức được rằng, khi tiếp xúc một văn bản, một diễn ngôn của đời sống, hãy luôn tỉnh thức để chất vấn, nhất là những vấn đề vốn được coi là đương nhiên, là chân lí. Bởi trên thực tế, không có gì là chân lí bất di bất dịch

N.T.H

---------

1. “Người điên trong mắt ai” gợi lại tên một bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy - Hà Nội trong mắt ai (1982). Chúng tôi xin phép mượn ý tưởng này để diễn đạt tính quy ước, thiết chế của diễn ngôn trong cấu trúc tri thức - quyền lực - chân lí.

NGUỒN: VNQD

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *