Tác phẩm và dư luận

25/10
5:59 PM 2019

CHÂU ÂU-‘XỨ SỞ’ CỦA GIẢI NOBEL VĂN HỌC ?

Nhà văn Olga Tokarczuk (Ba Lan) và nhà văn Peter Handke (Áo) tiếp tục là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2018 và 2019. Lần đầu tiên trong lịch sử, Giải Nobel Văn học đã được trao cho hai tác giả do năm trước chưa tìm ra chủ nhân.

 

Chiến thắng liên tiếp của các tác giả người châu Âu đã khẳng định châu lục này cũng là xử sở sinh ra các tài năng của Giải thưởng Nobel Văn học.

Trong buổi lễ công bố vừa qua, Thư ký thường trực Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Mats Malm nói rằng Olga Tokarczuk được xưng danh vì “trí tưởng tượng và cùng với niềm đam mê kiến thức rộng lớn, đã thể hiện những hành trình vượt qua các ranh giới như một dạng thức của sự sống”, còn Peter Handke “vì một tác phẩm có ảnh hưởng cùng sự khéo léo về ngôn từ đã khám phá được ngoại vi và sự độc đáo của kinh nghiệm làm người”.

Được biết, Lễ trao các giải Nobel 2019 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào ngày 10/12 để tưởng nhớ ngày mất của Nobel.

Người được tán dương

Sinh năm 1962 tại Ba Lan, nhưng năm 1993, nhà văn Olga Tokarczuk mới ra mắt với tư cách tiểu thuyết gia qua tác phẩm Hành trình của Người Sách. Tuy nhiên, bà chỉ đạt được đột phá thực sự với tiểu thuyết thứ ba Thời nguyên thủy và những thời đại khác xuất bản năm 1996.

Theo trang Rzeczpospolia, Olga Tokarczuk là một trong những tác gia thành công nhất ở thế hệ bà tại Ba Lan, thuộc top nhà văn có sách bán chạy. Trước khi giành Nobel Văn học, Olga Tokarczuk giành một số giải trong nước và quốc tế như Giải Nike cho văn học nghệ thuật ở Ba Lan vào năm 2008 và 2015, giải Vilenica năm 2013, giải Man Booker International và Jan Michalski Prize for Literature năm 2018.

Hồi tháng Chín, bà nhận giải Prix Laure Bataillon - giải thưởng văn chương của Pháp ra đời từ năm 1986 dành cho những tiểu thuyết chuyển dịch xuất sắc.

 

Olga Tokarczuk đang sống tại một ngôi làng nhỏ và điều hành một công ty xuất bản riêng của mình. (Nguồn:AP)

Các giám khảo của hội đồng chấm giải Nobel đánh giá Tokarczuk là một nhà văn viết về những con người địa phương nhưng lại nhìn từ rất xa Trái đất. Bà viết về con người và sự nhân bản bằng một bút pháp mạnh mẽ, ấn tượng, uyên bác và dữ dội. Sách của bà cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Trung Quốc, Nhật Bản... Dịch giả Lê Bá Thự từng chuyển ngữ hai tác phẩm của bà sang tiếng Việt là Người đàn bà xấu nhất hành tinh và Vũ nữ.

Như vậy, Olga Tokarczuk là nữ nhà văn thứ 15 trong tổng số 116 tác giả đoạt giải Nobel Văn học. Bà cũng là tác gia Ba Lan thứ 5 nhận giải thưởng danh giá này, bên cạnh Henryk Sienkiewicz (được vinh danh năm 1905), Władysław Reymont (1924), Czesław Miłosz (1980) và Wisława Szymbourska (1996).

Ngoài việc viết sách, Olga Tokarczuk còn là chính trị gia có sức ảnh hưởng, một người ăn chay trường và nhà hoạt động vì quyền phụ nữ bổi bật ở Ba Lan. Suốt hai ngày cuối tuần vừa qua, chính quyền thành phố Wroclaw (Ba Lan) đã miễn phí tiền xe buýt và tàu điện ngầm cho bất kỳ ai trên tay cầm sách của Olga Tokarczuk khi biết tin bà chiến thắng giải Nobel Văn học.

Và người gây tranh cãi

Nếu như nhà văn Olga Tokarczuk được truyền thông ủng hộ thì chiến thắng của nhà văn Peter Handke gây ngạc nhiên với không ít người. Lý do là nhà văn Áo sinh năm sinh năm 1942 từng bị nhiều người phản đối vì phát ngôn tự mãn và quan điểm chính trị đi ngược số đông.

Thậm chí, trước tin đoạt giải Nobel, Peter Handke cho rằng đó là một quyết định táo bạo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển bởi 5 năm trước chính ông từng chia sẻ với tờ Die Press của Áo: "Giải thưởng Nobel nên bị xóa bỏ".

 

Peter Handke hiện sống ở ngoại ô Paris (Pháp). (Nguồn: Facebook nhân vật)

Thế nhưng, với văn chương thì khác. Sau hơn 50 năm, Peter Handke đã có rất nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau và định hình được bản thân là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất tại châu Âu sau Thế chiến thứ hai. Ông vẫn kiên trì phong cách kể chuyện hậu hiện đại phủ đầy không khí siêu thực của mình như trước đó. Hội đồng Nobel cũng nhấn mạnh ông là một trong những người kiến tạo văn xuôi vĩ đại.

Trong lĩnh vực sản xuất phim, ông thành công khi viết kịch bản và bắt tay với đạo diễn Đức - Wim Wender chuyển thể tiểu thuyết The Goalkeeper's Fear of the Penalty của ông thành phim và đạo diễn tác phẩm The Left–Handed Woman, ra mắt năm 1978, được đề cử Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes năm đó. Nhà văn còn giành giải vàng tại Liên hoan phim Đức năm 1975 cho kịch bản phim Falsche Bewegung.

Ngoài 70 tuổi, Peter Handke vẫn miệt mài sáng tác, viết kịch. Cuộc đời ông cũng được đưa vào bộ phim tài liệu “Peter Handke: In the Woods, Might Be Late” của đạo diễn Corinna Belz năm 2016. Tại Việt Nam, “Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình” là tác phẩm đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại của ông được dịch ra tiếng Việt và xuất bản.

A.B (tổng hợp)

Nguồn TGVN

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *