Tác phẩm và dư luận

11/11
10:42 PM 2017

QUA NHỮNG CON NGƯỜI BẮT GẶP CẢ MỘT THỜI ĐẠI

Nhà thơ HỮU THỈNH

(Đọc bộ sách “Thương nhớ vẫn còn” của Phan Quang)

Trong cuốn sách Dự báo thế kỷ XXI, các nhà tương lai học thế giới nhất trí tiên đoán một tương lai đầy sáng sủa của văn học tư liệu. Đó là lời dự báo dựa trên sự phát triển văn học qua nhiều thế kỷ của các nền văn học lớn. Đó còn là thông điệp trả lại sự công bằng và vị trí xứng đáng cho dòng văn học tư liệu cổ kim Đông-Tây, xóa bỏ một định kiến dai dẳng coi văn học tư liệu chỉ là cận văn học, á văn học... Trong quá khứ đã có bao nhiêu tác phẩm lừng danh của thế giới dựa trên các sự kiện và nhân vật có thật trong lịch sử. Gorki đi chữa bệnh ở Ý, sau mấy năm đem về những tác phẩm tư liệu được đông đảo bạn đọc đón nhận nồng nhiệt và đánh giá rất cao. Nhà văn Gabriel Garcia Marquez được nhận Giải thưởng Nobel, sau đó đã viết tác phẩm Nhật ký một cuộc đuổi bắt, hoàn toàn dựa trên nguyên mẫu tên trùm mafia quốc tế khét tiếng gây chấn động trong dư luận.

Thế kỷ XXI mới qua một khúc dạo đầu nhưng đã có biết bao sự kiện văn học chứng minh lời tiên đoán trên của các nhà tương lai học là hoàn toàn thuyết phục. Trong văn học, không có thể loại sang hay hèn, chỉ có tác phẩm hay hoặc dở. Ở nước ta, các tập Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Đặng Thùy Trâm... được bạn đọc rất trân trọng. Gần đây nhất Ban chấp hành khóa VIII Hội Nhà văn Việt Nam đã nhất trí rất cao trao giải thưởng năm 2014 cho tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1, 2, 3, 4-75 của Trần Mai Hạnh. Tác phẩm dựa trên sự ghi chép và sưu tập rất tỉ mỉ về chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong mùa xuân Tổng tấn công và nổi dậy năm 1975 đã được tái bản nhiều lần trong nước; năm 2015 được trao giải thưởng ASEAN, được dịch ra tiếng Anh, qua một tuần đã được tái bản.

Anh Phan Quang là một nhà báo kỳ cựu, một nhà văn và một dịch giả tài năng. Thấy tên anh trên sách, báo nào tôi cũng tìm mọi cách để đọc sớm nhất, có thể. Với kiến văn rộng rãi, sự trải nghiệm sâu sắc và tầm nhìn xa rộng, anh viết về bất cứ lĩnh vực nào cũng gợi nên nhiều vấn đề để suy nghĩ. Đọc anh, từ lâu là một thích thú đối với tôi. Riêng lần này, thì không phải là những bài riêng lẻ, mà là cả "một tập tổng thành". Trên tay tôi là tập bản thảo Thương nhớ vẫn còn với độ dày gần 600 trang. Hầu hết các bài viết được ra đời khi tác giả đã ngoài 70 tuổi. Thật là một trí tuệ và một nghị lực rất đáng kính phục.

Nguyên TBT Lê Khả Phiêu chúc mừng nhà văn Phan Quang vừa xuất bản cuốn "Từ dòng Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm", ngày 19-8-2016. (Ảnh VOV)

Người xưa nói "Văn sử triết bất phân". Ở nước ta, Phan Quang là một trong số những tên tuổi lớn đóng góp vào một sự thay đổi căn bản trong văn hóa đọc, hình thành một loại hình mới: "Văn, báo bất phân". Anh quan niệm văn và báo là anh em sinh đôi của bà mẹ ngôn ngữ. Với lợi thế và may mắn hiếm có trên nửa thế kỷ làm báo và lãnh đạo báo chí, anh có nhiều dịp gặp gỡ và làm việc với nhiều bậc tiền hiền của Đảng Nhà nước và giới tinh hoa của đất nước. Với trí nhớ phi phàm, thói quen ghi chép tỉ mỉ đã trở thành kỷ luật làm việc của nghề báo, đặc biệt là tác phong xông xáo vào mọi nơi gian khổ, hiểm nguy, khó khăn nhất trong thời chiến cũng như thời bình, nhà văn, nhà báo Phan Quang đã tích lũy được một vốn sống phong phú, đa dạng đủ sức dựng nên những chân dung tinh thần, chân thực, sống động và tiêu biểu cho một trong những thời đại hào hùng nhất của lịch sử đất nước. Chúng ta xúc động gặp lại hình ảnh cao quý và gần gũi của Bác Hồ vĩ đại và các đồng chí lãnh đạo của Đảng: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Văn Linh, Tố Hữu, Trần Hữu Dực, Hoàng Tùng, Xuân Thủy, Phan Đăng Lưu... Phải nói, để tiếp cận tầm trí tuệ, dòng chảy tư duy và phong cách lãnh đạo của Bác và các học trò xuất sắc của Người là một việc khó, luôn luôn là một thách thức đối với mọi người cầm bút. Thành công của Phan Quang trong loạt bài này là anh đã văn học hóa các chất liệu thông tin, không dừng lại ở các sự kiện, lời nói, ứng xử mà chen vào đấy rất nhiều cảm hứng, suy nghĩ, bình luận, các bài viết nhờ đó đi xa hơn rất nhiều một bài tường thuật, đưa tin thông thường. Ở đây, những thao tác nghề nghiệp của tác giả thật linh diệu. Lúc thì anh để cho sự kiện trần trụi tự cất lên tiếng nói, lúc thì anh nhắc lại các hồi ức, lúc thì anh trích dẫn những lời bình luận của các đồng nghiệp. Vừa rất thật. Vừa cảm động. Vừa có tầm. Chẳng hạn, trong bài "Hồ Chí Minh - kỷ niệm sâu sắc nhất", anh hào hứng kể chuyện năm 1957, Bác đi thăm đồng bào Hưng Yên chống hạn: "Bác xuống xe đi bộ băng băng, đi rất xa cánh đồng rộng đất đai khô nẻ, để thăm hỏi, động viên bà con đang đào mương dẫn nước, kịp đổ ải chiêm. Đồng bào ngừng việc, hoan hô Hồ Chủ tịch. Bác Hồ xua tay: "Chờ có nước về hẵng hoan hô. Không hoan hô Hồ Chủ tịch mà hoan hô các chiến sĩ thi đua khá nhất." Bác dừng chân, bắt tay một cụ già rất cao tuổi hôm ấy cũng tham gia làm thủy lợi. Bác nói: "Tôi cảm ơn Cụ". Rồi quay lại bảo các cán bộ cùng đi: "Phải chú ý sức khỏe các cụ, chớ để các cụ phải làm nhiều"(...). Ban chỉ huy công trường đến chào Bác Hồ. Đứng hàng đầu là chủ tịch huyện. Bác xem tay vị chủ tịch và nhận xét: "Tay chú sạch quá". Rồi thân mật, Bác khuyên: "Phải làm sao cho nhân dân thấy cán bộ là người của nhân dân. Thỉnh thoảng cũng phải tham gia lao động với bà con". Thấy một người ăn mặc sạch sẽ, đứng trên bờ mương. Anh ta vừa chạy vội đến "xem" Hồ Chủ tịch, Bác bảo: "Sao cháu đứng thọc tay vào túi quần thế này? Cụ già 82 tuổi còn tham gia làm thủy lợi cơ mà". Đi công tác với Bác về, tác giả thức suốt đêm viết bài tường thuật, để kịp đăng báo Nhân Dân ra ngày hôm sau. Sau khi báo in ra, "đích danh phóng viên, được gọi lên Phủ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch đã đọc bài tường thuật. Bác bảo chú Quang đấy à? Bác đã đọc bài của chú. Chú viết như thế là được. Nhưng Bác hỏi: Chú viết Hồ Chủ tịch đi bộ mấy cây số liền giữa cánh đồng (chi tiết này tôi tâm đắc lắm, nhắc đến hai lần trong bài). Vậy từ xưa tới nay Bác Hồ không đi bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ giữa cánh đồng, thì có gì mà nói lắm thế".

Trong bài: Có Bác Hồ trong mọi ngày vui, tác giả thay cách viết trực tiếp, bằng cách để cho một đồng nghiệp sống bên kia đại dương, từng theo quân đội Pháp quay lại Việt Nam cuối năm 1945, được Bác tiếp. 24 năm sau nghe tin Bác mất, ông viết một bài dài ca ngợi Bác: "Chỉ có Ông Hồ mới được tất cả mọi người dân Việt Nam gọi bằng Cụ, với nội hàm kính mến nhất của từ "Cụ". Ông sống như một người dân thường dễ tính, nhưng khi cần xử sự rất kiên quyết. Một tối tháng chín năm 1946, tại Paris, ông nói với Bộ trưởng Pháp Marius Moutet, đang ra sức thuyết phục ông nên nhân nhượng để ký một thỏa ước với Pháp: "Vâng, vấn đề này có thể giải quyết trong ba tháng hoặc 30 năm. Nhưng, nếu các bạn cứ một mực áp đặt chiến tranh với chúng tôi, bạn có thể một lúc giết chết mười người của chúng trôi trong khi chúng tôi, chỉ có thể gây thương vong cho một người của các bạn. Song, cả với cái giá ấy đi nữa, người chiến thắng rốt cuột vẫn là chúng tôi."

Xin lỗi, tôi trích hơi dài, vì cần thiết để bạn đọc nhận thấy tài xử lý các  sự kiện và sức sống các chi tiết mà tác giả, ngoài vốn sống trực tiếp, còn với vốn tiếng Pháp thành thục cung cấp những thông tin làm tăng tính thuyết phục của bài viết như thế nào. Với phương pháp "qua giọt nước có thể hình dung ra biển cả" tác giả tỏ ra rất linh hoạt và sắc sảo vận dụng vốn chính trị, triết học, kinh tế, văn hóa, lịch sử vững chắc để viết về những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng. Bài: Lê Duẩn - Tầm cao trí tuệ liên quan trực tiếp đến vấn đề chính trị tư tưởng, quan điểm đường lối, chiến lược, sách lược của cách mạng đã được anh "mềm hóa" thành một câu chuyện xúc động và sâu sắc nhờ nhiều năm công tác ở Đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhân chứng lịch sử, những ấn tượng còn được lưu giữ trong lòng dân, từ đó mà hiểu được nguồn cội sâu xa trong tư duy chính trị của người vạch ra đường lối cách mạng bạo lực để giải phóng Miền Nam. Chuyến đi thăm chúc Tết đồng bào Quảng Trị vừa được giải phóng sau Hiệp định Pari 1973 của đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng thực sự là ngày hội "nước mắt dành cho ngày gặp mặt". Bài Nguyễn Chí Thanh - Cánh chim bằng, là bài viết hay trong số những bài mà tôi đã từng đọc về vị tướng lừng danh trong và ngoài nước. Người ta nói, chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Trong bài viết rất công phu này có rất nhiều chi tiết có sức găm vào trí nhớ lâu dài. Chẳng hạn, thuở nhỏ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường phải dậy thật sớm, vác cuốc ra đứng ở ngã ba để đợi người đến thuê đi bốc mộ, một việc mà rất ít ai muốn làm. Một chi tiết được kể lướt qua, nhưng nó làm tôi vô cùng xúc động về cuộc đời và nhân cách của Đại tướng. Cuối năm 1947, mặt trận Huế bị vỡ, địch chiếm được thành phố và đánh nống ra các vùng xung quanh. Cơ quan Khu ủy sơ tán lên rừng, nhưng ba ngày liền không tìm thấy Bí thư đâu cả. Đành đánh điện báo cáo Trung ương thì được đồng chí Trường Chinh trả lời: “Bằng mọi cách phải tìm được anh Thanh và báo cáo ngay về Trung ương”. Đến ngày thứ tư anh em gặp Bí thư Khu ủy ở dưới đồng bằng. Khi gặp nhau, mọi người mừng khôn xiết, hỏi anh đi về hướng nào? Anh bảo đi về phía dân, đi theo dân. Cứ bám dân là an toàn nhất. Địch đánh nống ra, Khu ủy lại phải di chuyển, gia tài chỉ có hòm thuốc Tây và mấy hòm sách. Anh bảo cố đem cả hai. Nhưng nặng quá, anh em đành dấu hòm thuốc ngoài rừng, không ngờ kẻ trộm lấy mất. Còn sách cõng ra đến nơi ở mới, mưa ướt nhèm. Anh ngồi phơi nắng giữa trưa, hong khô lại từng trang sách. Anh nói với người giúp việc: Còn sách là còn cách mạng. Còn biết bao nhiêu chuyện đáng nhớ nữa, những chi tiết rất đắt, làm nổi bật tầm vóc và nhân cách của một vị đại tướng đáng kính phục. Loạt chân dung về các chính khách tác giả cho người đọc bắt gặp những đại diện sáng chói nhất tiêu biểu cho thế hệ lãnh đạo đầu tiên.

Bản thân là một người đa tài, lại vô cùng lịch lãm và nho nhã, và quảng giao, anh Phan Quang là người bạn thân thiết của nhiều trí thức hàng đầu của đất nước: Tố Hữu, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Tô Hoài, Nguyễn Văn Bổng, Hải Triều, Trần Hoàn, Thanh Tịnh, Thanh Châu, Bùi Hiển, Chế Lan Viên... Đặc biệt là Chế Lan Viên, anh có đến mấy bài. Nói theo ngôn ngữ của các nhà tiểu thuyết, với các trí thức văn nghệ sĩ, anh là nhà văn "thuộc nhân vật" của mình. Ngòi bút của anh trở lên thoải mái, thân thiết, chất tự sự đan xen với trữ tình, thoáng một vài chi tiết hay cảm nhận là anh làm nổi bật thần thái và tài năng độc đáo của từng người. Người viết chân dung văn học đáng kính ở chỗ cho bạn đọc hiểu con người và cuộc đời của tác giả ở phía sau trang sách. Đó là loạt bài văn ở ngoài văn đời ở trong đời, thích thú với nhiều dư vị. Trong văn học hiện nay, người ta xếp loại sách chân dung văn học thuộc loại sách lý luận phê bình văn học. Nếu nói phê bình văn học là thẩm định giá trị, thì Phan Quang đã rất thành công về phương diện đó. Trước anh, đã có biết bao người viết về Tố Hữu và thơ Tố Hữu. Với Phan Quang, Tố Hữu hiện lên đầy đủ, sống động với phẩm chất nhà chính khách, nhà thơ và một người bạn thân tình. Anh kể ba chuyến đi công tác với Tố Hữu. Cảm động nhất là ngay sau ngày giải phóng Sài Gòn, vào thành phố mấy hôm, anh rủ đi Bến Tre, thăm quê hương Đồng khởi và viếng cụ Đồ Chiểu. Có người quen bảo nhà thơ viếng nhà thơ. Tố Hữu nói ngay: cháu viếng ông. Đến Rạch Gầm, sau khi xem nơi Quang Trung đại thắng quân Xiêm, anh vào thăm gia đình nữ anh hùng Hồng Gấm. Tay anh giơ cao tấm ảnh Hồng Gấm với sự xúc động như muốn khóc.

Lợi thế và sức hấp dẫn quan trọng nhất của văn học tư liệu là ở tính chân thật. Bạn đọc chờ đợi ở nó những cơ hội tối đa để tiếp cận với sự thật trần trụi, nguyên khối. Khắc họa những chân dung chính khách hoặc các nhân vật trong giới tinh hoa, tác giả Thương nhớ vẫn còn coi sự chân thật là nguyên tắc hàng đầu, trên cơ sở đó, anh đưa ra những nhận xét, phẩm bình rất cô đọng và chuẩn xác. Về giáo sư Trần Văn Giàu, tác giả viết "Ông là một nhà trí thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực, kết hợp nhuần nhuyễn khoa học với cách mạng". Với Trần Bạch Đằng anh viết: "Ở ông, phải chăng có sự kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống học hành thâm hậu, lịch lãm của nhân sĩ Bắc Hà với lòng yêu nước chân chất phóng khoáng của dân Nam Bộ và lý tưởng cán bộ cách mạng được rèn luyện suốt đời qua lửa đấu tranh". Với Hải Triều, anh đưa ra những câu hỏi nhưng thực chất là những lời bình: "Do đâu chàng thanh niên 19 tuổi thoạt gặp ông chủ nhiệm Cường học thi xã Trần Huy Liệu đã dám hạ ngay một nhận xét: sách của thi xã chưa hé ra cái hướng xã hội chủ nghĩa. Chàng thanh niên 25 tuổi ấy dám công kích một cây đại thụ của làng báo bấy giờ là Phan Khôi, lớn hơn mình đến 30 tuổi, như lời của chính Hải Triều. Chàng thành niên ấy cùng lúc trên một tờ báo khác dám nói toạc ra với cụ Phan Bội Châu chí khí tiếng tăm lừng lẫy mà ông cũng trân trọng gọi là Sào Nam tiên sinh, rằng "Cụ Sào Nam giải thích chữ văn học như thế là sai lắm". Chàng dám luận chiến với một chí sĩ khác không kém lừng danh là cụ Huỳnh Thúc Kháng, chủ nhiệm báo Tiếng Dân". Cho nên, người ta xếp thể loại chân dung văn học vào lĩnh vực lý luận, phê bình là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, để đưa ra một nhận xét, một phẩm bình, phải dựa trên cơ sở nghiên cứu với các căn cứ khoa học, các văn liệu và sử liệu đáng tin cậy nhất. Trong công việc vô cùng nghiêm túc này, tác giả Phan Quang cân nhắc kỹ lưỡng từng chữ, từng câu, đúng theo nguyên tắc "Tâm sinh thì ngôn lập, ngôn lập thì văn sáng" trong sách Văn Tâm Điêu long của Lưu Hiệp cách nay 1.500 năm.

Do đó, viết chân dung văn học là vô cùng tốn sức. Chính vì thế, từ người này sang người kia là từ thế giới này sang thế giới khác. Đằng sau mỗi con người là cuộc sống rộng lớn của dân tộc, là diện mạo và tầm vóc của thời đại. Do vậy có thể nói anh Phan Quang là người viết sử thông qua các danh nhân. Đọc gần 600 trang, gấp sách lại, vẫn thấy thòm thèm. Đó quả là một thành công đáng kính phục và trân trọng của tác giả.

Có một việc ở ngoài đời mà tôi muốn nói vì ít có người được nghe kể. Anh Phan Quang làm Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam một thời gian thì được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Cho đến nay, thời gian đã khá xa, nhưng có dịp gặp nhau, các anh Trần Nhật Lam, Trần Nguyên Vấn, Lê Đình Cánh, Lâm Huy Nhuận, Trúc Thông, Trần Mạnh Thường (lúc còn sống) đều nói với tôi những lời rất tốt đẹp về con người và phong cách lãnh đạo của thủ trưởng Phan Quang. Họ là các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và từng trải, đưa ra một lời ca ngợi là đã từng suy nghĩ kỹ lắm. Làm lãnh đạo và quản lý mà được vậy là quý lắm thay.

Nhân dịp hiếm có này, tôi xúc động bày tỏ lòng biết ơn nhà báo, nhà văn Phan Quang đã chuyển ngữ rất thành công tập ký nổi tiếng Những ngôi sao ban ngày của Olga Bergholtz, Nghìn lẻ một đêm, Nghìn lẻ một ngày, Mười hai sử thi huyền thoại, Trà thư. Có rất nhiều người đã đọc những tác phẩm nổi tiếng ấy, thậm chí đem theo suốt đời, như một hành trang tinh thần. Nhưng, tiếc thay, họ lại quên mất người đem hạnh phúc đến cho họ. Với những cống hiến xuất sắc sau chặng đường dài lao động sáng tạo và không ngừng trên nhiều lĩnh vực làm báo và lãnh đạo báo chí, viết văn, dịch thuật anh Phan Quang là một trong những nhà văn hóa nổi bật của thế hệ trưởng thành cùng với Cách mạng tháng Tám - 1945.

Xin cám ơn anh Phan Quang, một người Anh và một bậc Thầy đã dành cho tôi vinh dự nói những cảm nhận ban đầu về tập sách rất công phu và rất hấp dẫn này. Tôi hy vọng chắc chắn rằng, khi tập sách đến tay bạn đọc, cũng sẽ có nhiều người chia sẻ với tôi về giá trị và vẻ đẹp của tác phẩm.

Hà Nội, 1-8-2017

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *