Tác phẩm và dư luận

10/11
7:10 PM 2017

NHÀ THƠ THANH TÙNG: “HOA CỨ VẪY HỒN NGƯỜI TRỞ LẠI”

ĐỖ ANH VŨ-Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả bài thơ Thời hoa đỏnổi tiếng (được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành ca khúc cùng tên) đã mãi mãi rời xa chúng ta. Ông qua đời đêm 12/9 tại thành phố Hồ Chí Minh, sau gần một năm chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày. Con người đầy đôn hậu và nhân ái ấy cả cuộc đời gắn bó với thơ, coi thơ là bạn, để rồi hôm nay những người tiếc thương ở lại, nhớ về Thanh Tùng, chầm chậm đọc lại những bài thơ ông đã viết tặng cho đời.

                                       Nhà thơ Thanh Tùng

1. Công chúng cả nước lần đầu biết đến Thanh Tùng một cách rộng rãi có lẽ là qua bài thơ Thời hoa đỏ, bởi nó được phổ nhạc quá thành công. Lời thơ nồng nàn, da diết, sâu lắng và đầy những xót xa ấy đã được giai điệu chắp cánh để rưng rưng trên môi biết bao thế hệ sinh viên, biết bao đôi lứa đã từng đắm say rồi li biệt: Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kì của ngày xưa/ Em hát một câu thơ ngày cũ/ Cái say mê một thời thiếu nữ/ Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cái mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ... Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng đã có sự điều chỉnh hai từ của bài thơ khi soạn lời cho ca khúc, chữ “máu ứa” đã được thay bằng “nuối tiếc”. Đối với ca khúc, sự điều chỉnh này theo tôi cũng là hợp lí, nhưng nếu đứng từ góc độ thi ca thì quả có phần đáng tiếc đối với những người chưa từng đọc văn bản gốc của bài thơ. Sở dĩ có thể nói như vậy bởi máu đã trở thành một hình tượng rất đặc biệt trong thế giới thơ của Thanh Tùng. Máu mang nhiều xúc cảm và chất chứa ẩn dụ, góp phần bộc lộ một nét rất riêng trong phong cách của ông. Sau Hàn Mặc Tử, có thể nói, Thanh Tùng là một trong những thi sĩ nhắc đến máu trong thơ nhiều nhất và hay nhất. Căn cứ vào tuyển tập thơ Thanh Tùng - Thời hoa đỏ (Nxb Hội Nhà văn, 2016), trong 142 bài có tới 22 bài thơ nhắc đến máu, tổng số lần xuất hiện của tín hiệu này lên tới 31 lần. Nếu như máu trong bàiThời hoa đỏ là những nồng nàn, mãnh liệt, tiếc nuối, xót xa của một thời trai trẻ thì máu trong những bài thơ khác cho ta thêm nhiều biểu hiện riêng biệt và phong phú. Máu có khi là một sự thương tổn trong tâm hồn: Anh đang trôi đi nhợt nhạt/ Vết thương ấy nặng nề đến nỗi/ Máu thấm vào tất cả xung quanh (Giã từ). Máu có khi là sự thất vọng, bải hoải, rã rời: Ôi tới lúc sợi tơ cuối cùng không giữ nổi/ Và máu kia chết tím cả trời xanh [...] Nàng thơ cũng ra đi/ Hồn xác xơ và máu ta loãng thếch (Thu tàn). Máu có khi là niềm tự hào, trân trọng, thiêng liêng: Giờ thì tôi phải là tất cả/ Từ ngọn cỏ dại quê hương đến máu những Anh hùng (Lần đầu ra nước ngoài), Chỉ tiếng nói mẹ cho tôi vẫn giữ trong mình như máu chảy (Ở sân bay Thái Lan). Máu là sức sống, là nội lực, là niềm tin: Máu ta hát lên bộn bề cung bậc/ Trong bài ca mới nhất của muôn đời (Miền yêu), Máu tôi còn đủ đỏ/ Để phương trời nơi ấy cháy thành thơ (Hải Phòng lúc ra đi). Máu trong tình yêu là những bi kịch, đớn đau, đôi khi bàng hoàng thảng thốt đến kinh dị, ngỡ ngàng: Những mùa thu ướt máu vẫn đi về (Thất tình), Tôi vẫn của một thời sầu muộn/ Vầng trán xanh đẫm máu những chiêm bao [...] Tôi vẫn chôn sâu tình cũ trong vòm âm u thống thiết/ Nơi máu non còn đỏ đến bây giờ (Con đường em xưa), Nơi trái tim anh lặng lẽ đã bao ngày/ Vươn dòng máu theo chân em tới miền lăn lóc/ Em có biết chính máu anh vẫn khóc/ Mỗi lần gai góc đớn đau em (Vẫn chuyện đôi ta),…

Qua việc tìm hiểu một biểu tượng, có thể thấy ngay chất nồng nàn, mãnh liệt, dữ dội trong thơ Thanh Tùng. Đôi khi tôi có cảm giác, phải chăng cái bóng của bài Thời hoa đỏ quá lớn nên người ta đã bỏ qua nhiều câu thơ, bài thơ khác rất xuất sắc của ông. Đọc thơ Thanh Tùng, luôn bắt gặp những thi ảnh mới mẻ, táo bạo mà vẫn thấm đẫm chất hiện thực như thể ông vừa vắt ra từ cuộc sống. Rõ ràng, con người phải dám sống, dám yêu, dám dấn thân thực sự thì mới viết được những câu thơ như thế này: Kìa mắt em trong gió khóc ròng/ Sóng cứ thốc từng hồi như nấc/ Biển cứ gào như vết thương không sao lành được/ Gió vỡ về khắp tiếng phía ngày xưa (Hè ở Hòn Gai), Chỉ mùa thu mới cất em sâu đến thế/ Sớm nay em bỗng trở về/ Em vụt tới rung cây đổ lá/ Bốc bụi mờ trắng cả bao la/ Nỗi chia xa se lạnh đá bên thềm/ Em đạp lên tất cả/ Rồi ngã vào anh theo cách ngã của mùa thu/ Rồi hôn anh theo cách hôn dài của gió/ Thấm vào anh, vật vã trên anh/ Bứt xuống trong anh bừa bãi lá vàng (Em và thu), Đêm quờ phải mặt ta, đêm nghẹn ngào run rẩy/ Đường chạm phải bóng ta, đường co mình trốn chạy/ Tiếng giày ta hay tiếng đóng quan tài/ Mà mỗi chiếc lá trên đầu cũng vội vàng khép lại/ Sương mặt sông chập chờn đổ vỡ/ Khóc đầm đìa trên những cột buồm cao (Mười lăm năm),…

2. Thanh Tùng là một kẻ li hương. Sự xô đẩy của số phận đã khiến ông phải rời mảnh đất Hải Phòng để vào phương Nam. Có phải thế mà nỗi niềm trở về cứ đau đáu, trở thành một nguồn cảm hứng trong thơ ông: Vội vã trở về, vội vã ra đi/ Chẳng kịp nhận ra từng mặt phố/ Nhưng trong tôi vững bền đến thế/ Những chiếc lá nhìn tôi vẫn mắt tuổi học trò (Hà Nội), Thành phố gầy như ngực mẹ tôi/ Tôi không dám mạnh chân sợ mặt đường long nhựa/ Không dám cả cười buông thả/ Sợ bao vết thương bom đạn vẫn chưa lành (Trở về). Riêng viết về Hải Phòng ông đã có tới năm bài: Hải Phòng lúc ra đi, Ở ga Hải Phòng, Hải Phòng hôm nay, Hải Phòng - Muối của đời tôi và Quê hương. Nếu như Hải Phòng lúc ra đi là bài thơ đánh dấu ngày ông rời xứ Cảng vào phương Nam với những câu thơ cắt ruột (Mai tôi đi rồi/ Tôi có khóc đâu mà gió ướt/ Mà nắng rát lên tôi mặn chát/ Mai tôi đi rồi/ Để lại đây tiếng búa khắc vào hồn phố/ Cùng mộng mơ lảng vảng cuối con đường [...] Rồi mai đây ở bất cứ nơi nào/ Tôi cũng chỉ thấy mình chen chân trên đường Cầu Đất) thì Quê hương là bài thơ của nỗi nhớ cồn cào khôn nguôi: Tôi vẫn tin có một ngày trở lại/ Bao già nua trút ở ngoại ô/ Để chạy lại với bàn chân tinh khiết/ Phố Hàng Cau rồi phố Hàng Song/ Những đường phố trong như nước mắt [...] Tôi sẽ về, tôi sẽ về/ Nhưng không thể là xơ xác/ Bởi quê hương bóng mẹ vẫn xanh rờn.

Không chỉ tha thiết với quê hương của mình, Thanh Tùng còn có nhiều bài thơ hay về các miền đất khác. Đôi khi, chỉ vài nét chấm phá, ông đã làm hiện ra cái thần, cái chất rất riêng của mỗi vùng miền. Ông có đến bốn bài thơ viết về Huế (Đến Huế, Mơ màng Huế, Một tuần ở Huế, Chia xa Huế) với những câu thơ chỉ đọc một lần là nhớ mãi: Ngày lạc vào đêm, mây lạc khói/ Sông nhớ gì xa nên rất xanh/ Mưa rơi tầm tã trên rêu vắng/ Ta đi về lướt thướt gió theo sau [...] Ta bất lực đành chuyện trò với đá/ Tan nát rồi thềm cũ gót người sương; Ta chỉ vừa kịp hôn vào nắng/ Hoàng hôn đã sập xuống rồi. Ông cũng có những câu mơ màng về Đà Lạt: Một vùng trời trong đến nỗi/ Tôi thành vẩn đục mà thôi [...] Tưởng đâu lời hồ than thở/ Hóa ra tiếng của hồn tôi/ Tôi chép lên màu hoa dại/ Ngổn ngang sương khói cuộc đời.

3. Mảng quan trọng trong gia tài thơ Thanh Tùng đương nhiên là những bài thơ tình. Đó là những rung cảm thẳm sâu về hạnh phúc đắm say xen lẫn chua cay đổ vỡ, được và mất, gần gụi và xa xôi, hi vọng và tuyệt vọng. Nhưng, nỗi đau và hoài niệm có lẽ vẫn là niềm day dứt, khắc khoải nhất ngự trị trong thơ Thanh Tùng: Tôi van đấy mảnh giậu nghiêng trước cửa/ Đừng sắc thế, cứ xước lên mình của gió/ Tôi van đấy mắt em đừng qua nữa/ Cứ giày vò tôi cũ những mùa xưa/ Tôi rối rít những đường lá rụng (Mùa thu), Anh bới tìm trong cỏ tiếng em xưa (Cỏ), Chiếc lá rơi vẽ lối sang chiều/ Đưa tóc em về đường gió khóc (Chia li), Ôi tình yêu như lưỡi câu tự nuốt/ Rồi cứ tự mình lơ lửng treo lên (Tình yêu),…

Bên cạnh tình yêu đôi lứa, Thanh Tùng cũng có những câu thơ thật ám ảnh về tình cảm gia đình, về mẹ, về con. Bài thơ Đôi nạng của ông được nhiều người biết tới: Ngày khai trường/ Cha mua cho con đủ thứ/ Nào sách bút, nào áo quần/ Lại cả đồ chơi nữa/ Nhưng cha ơi, cha quên sắm cho con đôi nạng mới/ Vì đã hai năm qua từ khi con bị bom/ Chiếc nạng cũ chẳng chịu cùng con lớn lên cha ạ! Xúc động nhiều hơn nữa là những câu thơ, bài thơ ông viết về mẹ: Tiếng mẹ run như sóng/ Tiếng mẹ mềm như tơ/ Mẹ cười hay mẹ khóc/ Chỉ mắt ta thấy mờ (Người về), Bao lửa ấm con truyền vào thơ hết/ Mẹ già nua lạnh lẽo buổi chiều tàn/ Bao hăm hở con dồn lên phía trước/ Đằng sau mẹ vẫn khóc âm thầm/ Sao mẹ lại sinh ra con/ Để thơ không nuôi nổi mẹ/ Để con luôn vội vã/ Không kịp về với mẹ một lần (Sám hối),…

Thanh Tùng luôn nồng nàn với thơ, với đời cho đến những giây phút cuối cùng: Ta còn phải hôn lên từng chiếc lá/ Ngã tư nào cũng đầy ắp tình yêu (Chia tay). Nàng thơ xem ra như thế cũng không phụ lòng ông. Nhiều câu thơ của ông chỉ cần đọc một lần đã đọng lại trong mỗi người đọc như một phần máu thịt, bởi ông đã nói hộ cho bao người. Tôi thầm tin, ông đang bắt đầu một cuộc rong chơi mới và vẫn tiếp tục đắm say với thi ca, bởi hoa cứ vẫy hồn người trở lại... (Mơ màng Huế).
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *