Tác phẩm và dư luận

25/10
4:08 PM 2017

THÂN PHẬN DI DÂN VÀ XUNG ĐỘT VĂN HÓA TRONG VĂN HỌC VIẾT VỀ ĐỀ TÀI THA HƯƠNG

LÊ TÚ ANH-Tha hương là đề tài không hoàn toàn mới, nhưng trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, nó đang trở lại một cách mạnh mẽ, hứa hẹn mang lại nhiều thành tựu cho văn học Việt Nam cũng như văn học di dân của nhiều nước trên thế giới. Nhìn một cách tổng quát, cho tới nay, văn học về đề tài tha hương của Việt Nam đã có những thành tựu nhất định, đặc biệt là ở bộ phận văn học hải ngoại.

 Đóng góp quan trọng nhất của văn xuôi về đề tài tha hương đầu thế kỉ XXI, theo tôi, chính là đem đến những nhận thức sâu hơn, đầy đủ hơn về hiện thực, thân phận con người, những tiếp xúc, giao thoa văn hoá qua những không gian khác nhau.

Trong số hơn bốn triệu người Việt ở nước ngoài hiện nay, số lượng người viết văn chiếm một phần đáng kể. Nhiều người trong số đó cầm bút không phải chỉ vì yêu thích, say mê. Đã phải tha hương vì mưu sinh thì mối ưu tư đầu tiên chắc chắn không phải là văn chương. Hành động cầm bút viết văn, như thế hẳn phải xuất phát từ một sự thôi thúc mãnh liệt bên trong. Điều đó là gì nếu không phải là nhu cầu nhận thức, phản ánh, suy ngẫm, chia sẻ... về một thực tại mới, rất khác những điều họ trải nghiệm trước đây? Về điều này, tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ được đánh giá là thành công, đã lột tả một cách chân thực cuộc sống tha hương của người Việt ở Đông Âu. Cùng với việc thể hiện cận cảnh, sinh động những “cú sốc” tới xây xẩm mặt mày trên hành trình dấn thân, những bi kịch vỡ mộng, Nguyễn Văn Thọ đã tập trung và trực diện chỉ ra hàng loạt thói tật thâm căn cố đế đã được người Việt mang theo trong hành trang đến xứ người. Trong quan sát của nhà văn, cộng đồng người Việt trên đất Đức thiếu sự đùm bọc, che chở rộng lớn để tạo nên sức mạnh đoàn kết. Ngược lại, vì nhiều thói tật mà cuộc sống, quan hệ giữa người với người ở đây luôn tiềm ẩn nhiều bất trắc. Bởi vậy, một trong những chủ đích của nhà văn ở tiểu thuyết này là giúp cho độc giả nhận ra được những đứt gãy của văn hóa Việt khi hội nhập với thế giới. Đây là thông điệp quan trọng nhất, tạo nên tư tưởng của tác phẩm. Trong buổi tọa đàm về Quyên, Hữu Thỉnh đã nhận định: Quyên “có dáng dấp của một phản biện xã hội với những thói xấu của người ta khi tha hương xa xứ, cảnh báo, phê phán và cảnh giác con người cùng phẩm tính dân tộc của chúng ta”(1). Đồng tình với quan điểm này, ta sẽ lí giải được vì sao tuy chưa thật già dặn về nghệ thuật, không có những cách tân độc đáo về hình thức thể loại,Quyên vẫn có một chỗ đứng riêng trong mảng văn xuôi về đề tài này.

Quyên của Nguyễn Văn Thọ là một tự sự khá điển hình cho những giao thoa, xung đột văn hóa. Điểm sáng nhân văn và thẩm mĩ của tiểu thuyết này là ở chỗ tác giả đã dành nhiều trang nói về mối tình bất chấp những khác biệt về màu da, phong tục, tiếng nói giữa Quyên và Kumar - người đàn ông xứ Sri Lanka cùng sống trong trại tị nạn Goldberg. Trong cuộc thiên di đầy truân chuyên và bất trắc, không phải là Hùng, Dũng, Phi, hay những người Việt tha hương cùng cảnh ngộ, thân phận với Quyên thấu cảm và chia sẻ với nỗi cay đắng, bẽ bàng của cô, mà chính là Kumar. Đó có thể là duyên trời, là sự sắp đặt của số phận, nhưng quan trọng hơn là trải qua nhiều hi vọng rồi thất vọng, gắn bó rồi chia rời với ba người đàn ông Việt, cuối cùng, ở vào tuổi đã dày dạn, đủ từng trải để thấy mình không còn là người đàn bà đơn giản và thụ động nữa, Quyên nhận ra Kumar mới là “người đàn ông có đầy đủ phẩm chất mà cô đòi hỏi, mong chờ”. Hình ảnh “anh chàng da đen đang ôm cô gái da vàng, tóc đen sẫm một cách hết sức trìu mến trên sân ga” không khiến người ta nghĩ đến điều gì khác hơn ngoài một tình yêu bỏ qua nhiều khác biệt giữa hai con người đến từ những miền rất xa xôi trên trái đất.

Một trong những nội dung quan trọng của văn học tha hương, gắn với những xung đột văn hóa là nỗi nhớ quê hương, đất nước. Quê hương, đất nước không chỉ là những không gian địa lí. Đó còn là những không gian văn hóa, không gian kí ức, sự bảo lưu, đối kháng hay thích ứng trước các tiếp xúc, giao thoa văn hóa mới. Quê hương, đất nước và bản sắc văn hóa làm nên căn cước của con người trong cuộc di dân. Từ các tác phẩm của Thuận, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Văn Thọ… người đọc sẽ nhận ra không gian quê nhà trong hồi ức có khi tươi tắn, có khi ảm đạm, nhưng đều buồn nhớ da diết. Đó là một Hà Nội luôn “ám ảnh dai dẳng” của Thuận. Trong các tiểu thuyết của nhà văn này, hai chữ “Hà Nội”, không gian Hà Nội xuất hiện rất nhiều lần: khi là một trường đại học - nơi mà nhân vật của Thuận đã từng học; khi là ga Hàng Cỏ, Phủ Tây Hồ, Đê La Thành, Thủy Tạ, phố Lương Ngọc Quyến... Có khi, Hà Nội không phải là một địa chỉ cụ thể nào, mà trở thành tính từ để miêu tả một trạng thái: “Nghĩ mãi chẳng biết sợ gì. Mà vẫn thấy sợ. Vu vơ không kém Hà Nội”; thành thước đo để đánh giá một đối tượng: “Mai Lan đẩy Liên ngồi xuống ghế cạnh bàn ăn. Nhìn nhé, chân giò hầm măng này, thịt bò xào cần tỏi tây này, gà nấu đông này, nước mắm chanh ớt này. Đã đúng cỗ Hà Nội chưa?”; thành sự lựa chọn sau những so sánh: “Que kem năm mươi kô-pếch tao cũng bảo thôi về Hà Nội ăn một thể”; thành tên gọi dành cho một người thân mến: “Hà Nội ơi, nhanh lên còn về nhà nấu cơm, đói bụng lắm rồi”... Nghĩa là với Thuận, Hà Nội không phải chỉ có Hồ Hoàn Kiếm, đường Thanh Niên, chùa Trấn Quốc, mùi hoa sữa và các món ngon phố cổ... Hà Nội là cuộc sống mỗi ngày, là kỉ niệm, là người thân, là sở thích, là nơi bước chân ra đi, là địa chỉ trở về. Hà Nội có trong mùi vị của mỗi món ăn. Hà Nội hiện ra trong một bài hát người ta hát nơi xứ người...
 


Cũng ra đi từ Hà Nội nên Lan Chi (Tìm trong nỗi nhớ - Lê Ngọc Mai) có nhiều kỉ niệm gắn bó với mảnh đất này. Bánh tôm Hồ Tây trở thành lời mời, lời hẹn hò trở về của người yêu cũ dành cho cô. Cũng như các nhân vật của Thuận, với Lan Chi, Hà Nội trong kí ức không chỉ là những hình ảnh đã thành biểu tượng như hương hoa sữa đường Nguyễn Du, Tháp Rùa in bóng nước, dáng cong cong của cầu Thê Húc, liễu rủ chiều Hồ Tây... mà còn cụ thể, máu thịt như là một con ngõ cụt, một khu phố vắng: “Cuối ngõ có hai cây phượng vĩ mà những cánh hoa đỏ thắm của nó hè nào cũng được nhặt lên kết lại thành vòng để trang điểm cho tất cả các cô bé trong ngõ, lúc giả làm công chúa, lúc trong vai cô dâu”. Cảnh vật ấy cùng với những người thân và kỉ niệm khi vui khi buồn đã kết thành một nỗi nhớ “lúc thoảng qua, lúc da diết, lúc hiển hiện rõ nét, lúc mơ hồ chập chờn” trong cô. Thậm chí, nó trở thành một phần trong sự sống của người xa xứ: “Nỗi nhớ là một hạnh phúc và một cực hình không sao dứt bỏ được của cuộc sống tha hương”. Đây cũng chính là nội dung quan trọng góp phần tạo nên giá trị của Tìm trong nỗi nhớ - tác phẩm đoạt giải B cuộc thi tiểu thuyết 2002 - 2004 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nỗi khắc khoải về đất nước luôn cháy bỏng trong lòng người xa xứ, nên ám ảnh tinh thần người tha hương chưa phải là cảm giác thiếu tình thân, mà là cảm giác thiếu quê hương. Thiếu quê hương là cảm xúc thường trực, tạo nên nét riêng biệt của kiểu hình tượng này. Như một nguyên do trực tiếp, thiếu quê hương, nhớ quê hương xoáy sâu thêm những xung đột văn hoá, dựng nên bức tường ngăn cách di dân với không gian văn hoá mới. Tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng đã diễn giải và xác tín một quy luật tình cảm của con người, nhất là những thân phận tha hương, rằng con người dù sống ở bất cứ nơi đâu trên trái đất thì khi chết cũng chỉ muốn được chết ở quê mình. Thiếu quê hương, con người phải thường trực sống trong cảnh hoang mang, hụt hẫng, mất mát, không có điểm tựa, không có trọng lượng để được hút vào một nơi chốn vững chắc nào đó. An Mi (Và khi tro bụi) sở dĩ luôn cảm thấy mình “mất cả trọng lực”, như đang “rơi trong khoảng không” và “rất dễ vỡ” vì “tôi là khách lạ ở bất cứ nơi đâu. Con người không có quê hương giống như một hạt cỏ gió đưa đến bám rễ trên vách đá”.

Trong tiểu thuyết của Nguyễn Văn Thọ, ở phần cuối tác phẩm, nhà văn để Quyên thương xót và lo lắng cho Hùng như một người ruột thịt không phải chỉ vì thương con người một thời kiêu hãnh, cường tráng giờ chỉ còn là tấm thân bất động trên giường nệm trắng, mà thương nhất là không biết đưa Hùng về Việt Nam thì an táng tại đâu. Bởi vì “Trên tất cả các loại hồ sơ, giấy tờ của Hùng để lại, chỉ thấy ghi vài dòng chung chung: Nguyễn Văn Hùng. Nơi sinh Thái Bình”; “từ ngày cha mẹ Hùng mất, vợ chồng bỏ nhau, Hùng chẳng liên lạc với bất kì ai trong nước. Anh là một kẻ không xuất xứ, một loại người vô tăm tích, ngoài cái quốc tịch Việt Nam!”. Cuối cùng, cô đành xin mẹ cho Hùng một góc nhỏ trong mảnh vườn của bà nội để lại, bởi người ta chết không phải chỉ cần một mảnh đất trong nghĩa trang, điều quan trọng là làm sao để nấm mồ không hoang lạnh vì thiếu khói hương của người còn sống. Chạnh nhớ ngày xưa, đại danh y Tuệ Tĩnh bị cống nộp cho nhà Minh (Trung Quốc), dù được nhà Minh rất nể trọng về tài năng và đức độ nên giao giữ chức “Y tư cửu phẩm”, nhưng khi chết nơi đất khách, trên ngôi mộ ở Giang Nam vẫn khắc lời trăng trối mà mỗi khi đọc lên cứ thấy nhói trong lòng: “Ngày sau, có ai người nước Nam qua đây xin đưa hài cốt tôi về với”(2). 

Tiểu thuyết về đề tài tha hương thể hiện một cách khá sâu sắc những bi kịch của di dân. Cùng với bi kịch thiếu quê hương, những cú sốc văn hoá, qua những không gian quốc gia, thể chế khác nhau, di dân còn gánh chịu bi kịch thân phận “công dân toàn cầu”. Khái niệm này, chưa nói đến những ưu việt, tự bản thân nó đã hàm chứa bi kịch xung đột giữa các nền văn hoá, chủng tộc, thể chế, các kinh nghiệm sinh tồn, các khả năng cạnh tranh, những cơ hội sống và làm việc… Đó là điều mọi di dân đã phải nếm trải.

Ngay từ đầu thế kỉ XXI, Nguyễn Mộng Giác đã phát hiện có “Một mẫu nhân vật văn chương đang được khai thác trên thế giới là những di dân không căn cước, bị kẹt giữa các nền văn minh, không thuộc về đâu, di chuyển như con thoi giữa những vùng đất phong tục rơi rớt từ thế kỉ XVII sang những thị thành của thế kỉ XXI. Họ là những nạn nhân hơn là những mẫu người tiền phong của nghệ thuật”(3). Một số nhà văn hải ngoại của Việt Nam cũng đã sớm phát hiện ra kiểu người này từ những di dân Việt Nam đến các vùng đất khác. Trong Mùi thiên đàng của Mc Amond Nguyen Thi Tu, cô bé Trần Thị Mỹ Dung xét về quốc tịch là một người Canada gốc Việt. Sợ con bị chê mất gốc, cha mẹ bắt nó học tiếng Việt, tập ăn đồ Việt, nhưng “cá kho tộ nó bảo tanh. Nước mắm nó bảo khắm. Bún bò Huế nó không ăn, bảo cọng bún to trông khiếp như bầy giun”. Để diễn đạt về một món đồ ăn không Việt, không Tây mà nó yêu thích, nó phải dùng từ điển Anh - Việt: loại nấm dại có mùi thiên đàng. Năm nó học lớp ba, bà nội can thiệp bắt ba đưa nó vào nhà thờ rửa tội và chuyển từ trường công sang trường đạo nhưng nó thường hay báng bổ Chúa như một kẻ dị giáo. Những sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, cách cư xử khiến cho xung đột giữa nó với bạn bè, thầy cô, gia đình... liên tiếp xảy ra mà không có ai đứng về phía nó. Mỹ Dung hoàn toàn đã bị kẹt giữa các nền văn hóa.

Cũng như nhiều nhà văn Việt Nam hải ngoại khác, Thuận luôn khắc khoải với đề tài tha hương. Các tiểu thuyết của Thuận, về cơ bản, đều liên quan đến chủ đề này. Nhưng Thuận không chỉ thể hiện điều ấy như là những nghiệm sinh sâu sắc của chính mình hay của cộng đồng Việt trên đất Pháp, mà còn quan sát, lí giải, tiên đoán về hậu quả tình trạng nhập cư ồ ạt của người châu Á và châu Phi vào châu Âu. Trong Paris 11 tháng 8, những người nhập cư trước khi tới Paris đều hình dung nó như một thiên đường, một miền đất đầy hứa hẹn. Vậy mà, càng dấn sâu vào địa vực này, người ta càng xa cách với những điều đã từng mơ tưởng. Khoảng cách ấy khiến con người rơi vào trạng thái cùng cực của sự cô đơn/cô độc/lạc loài. Bởi vậy, dù xinh đẹp hay xấu xí, dạn dĩ hay nhút nhát, khéo léo hay vụng về, lãng mạn hay thực tế... tương lai của cả Mai Lan và Liên - hai nhân vật nữ chính - đều hết sức mờ mịt, vô vọng. Giữa không gian tưởng là trung tâm của các mối giao lưu rộng lớn là Paris, Liên - một người nhập cư đến từ Việt Nam, lại trở nên hoàn toàn lãnh cảm, với ngoại giới và với cả những nhu cầu sống tối thiểu. Cuối cùng, Liên cũng thấy mắt cay xè và nước mắt chảy rồi khô lúc nào không biết, nhưng là lúc cô nghĩ tới cái chết của chính mình. Thế nên, nếu Nguyễn Văn Thọ lạc quan hi vọng những xung đột văn hóa sẽ có thể được hóa giải nhờ nỗ lực thích nghi của người nhập cư, thì Thuận cho rằng vấn đề dân nhập cư sẽ còn khiến xã hội phương Tây phải đau đầu. Bằng “giọng của một kẻ nhập cư”, qua Paris 11 tháng 8, Thuận đã chỉ ra nhiều bất ổn trong xã hội Pháp đương đại bởi tính chất phức tạp, đa chủng tộc, đa văn hóa và mức độ trầm trọng của nạn phân biệt chủng tộc ở đó. Do vậy, đối tượng độc giả mà Thuận hướng tới ở tiểu thuyết này, không phải chỉ là người Việt.

Vấn đề quan trọng nhất của di dân, như đã phân tích, chính là cảm thức thiếu quê hương, sốc văn hóa, những xung đột thường trực về chủng tộc, thể chế, tôn giáo, kinh nghiệm - khả năng mưu sinh, khả năng thích nghi... Trong rất nhiều những âu lo, bất trắc phải đối mặt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng nhanh chóng lượng người nhập cư vào các quốc gia phát triển, văn học di dân đã đem đến những cái nhìn, cảm nhận gần gũi, chân thực hơn về những con người mang thân phận tha hương. Nếm trải cuộc sống nơi đất khách, các nhà văn hải ngoại không chỉ nói lên một cách cảm động tình cảnh, tư thế, tâm trạng... của kẻ li hương, mà còn mở rộng nhận thức của người đọc về thế giới. Trong bối cảnh “thế giới như là không biên giới” đang hình thành ngày càng rõ, thành tựu này bên cạnh việc mở rộng hiểu biết cho người đọc, còn có thể giúp họ chuẩn bị những hành trang cần thiết cho cuộc hội nhập rộng lớn đang đến rất gần.
 
L.T.A
______
 
1. Báo Văn nghệTọa đàm về tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ, số 51, 2011.
2. Nguyễn Gia Nùng, Lời khẩn cầu 600 năm của Tuệ Tĩnh, Báo Văn nghệ, số 25, 2011.
3. Nguyễn Mộng Giác, Nghĩ về văn học hải ngoại, Nxb Văn mới, Hoa Kì, 2003, tr.267.
 (Nguồn: Văn nghệ Quân đội)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *