THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU: LOAY HOAY TRƯỚC NỖI LO BIẾN TƯỚNG
Thế nhưng, dù những nỗ lực của nhà quản lý, của chuyên gia có thừa thì ranh giới giữa tâm linh và tâm lý thực dụng hay nói đúng hơn là mê tín dị đoan vẫn chưa được định hình rõ nét. Đây cũng chính là lý do khiến cho nhiều nội dung trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu bị biến dạng. Trong đó có nghi thức hầu đồng.
Từ nét đẹp văn hóa tâm linh
Trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông có kể về chuyến lai kinh của mình từ Thanh Nghệ ra và chứng kiến đám hầu đồng ở kinh thành. Chính sử không nhắc nhiều nhưng theo một số tài liệu còn lưu lại cho tới ngày nay thì có thể thấy Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hình thành trong khoảng thế kỷ 16-17 và phát triển ngầm trong dân gian cũng như hệ thống đền phủ. Sau này trong “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính có nhắc nhiều nhưng chủ yếu nói về góc độ biến tướng. Nếu như trước đây hầu đồng chỉ là một nội dung mang ý nghĩa tâm linh thì nay theo ghi nhận chung không chỉ tại các khu vực nông thôn mà ngay cả thành phố, hầu đồng đã trở thành một nội dung chính tại không ít lễ hội và người ta có thể tự mở phủ, mở đền, tự tổ chức các giá đồng mà không cần phải xin phép các cơ quan chức năng. Từ một nghi thức vốn là một cuộc trình diễn sự hóa thân lần lượt thành các vị thánh trên điện thần Tứ phủ, thì nay đã bị biến tướng trở thành mê tín dị đoan với những giá đồng kên tới hàng trăm thậm chí cả tỷ đồng. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng khẳng định. Công tác thanh tra, kiểm tra đang được tăng cường để ngăn chặn biến tướng của hầu đồng. Trong đó Thanh tra Bộ và các cơ quan chức nặng sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể tổ chức hầu đồng, Bộ có thể phạt các vi phạm biến tướng.
Theo điều 15, khoản 2, mục a, Nghị định 158 về xử phạt hành chính vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, có thể phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng với hành vi “lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi”. Theo điều 23, khoản 2, mục a cũng của nghị định này, có thể phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi “tuyên truyền, phổ biến, trình diễn sai lệch nội dung và giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hoặc được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Nhắc đến quy định xử phạt, không ít người đã tỏ ra hồ nghi về tính nghiêm minh của quy định. Bên cạnh đó là hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra về những trường hợp nào thì được tổ chức hầu đồng. Có hay không một cơ chế xin - cho sẽ nảy sinh trong đó.Đơn cử như chuyện hầu đồng của một quan chức thuộc Bộ Y tế, trả lời công luận quan chức đó nói rằng mình đi lễ là để cầu an. Nhưng dư luận lại không đồng tình với lời giải thích đó. Bởi không phải ai cũng có điều kiện mua lễ đến cả hàng trăm triệu đồng để cầu an như vị quan chức nọ. Câu chuyện hầu đồng, mở phủ, mở đền càng được đẩy lên cao khi nhuốm màu mê tín cho rằng phần lớn đây chính là hành vi mưu cầu lợi ích, hối lộ thần linh.
Đến nỗi lo biến tướng
Đứng trên góc độ quản lý, chủ trương phục hồi nguyên gốc Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ để giúp người dân nhận thức rõ hơn đâu là giá trị văn hóa tâm linh và đâu là yếu tố mê tín dị đoan để kịp thời chấn chỉnh từ đó có hướng bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của di sản. Song chủ trương này cũng đã vấp phải không ít khó khăn, bởi chưa thể thống nhất thế nào là yếu tố “nguyên gốc”, hay trang phục của các thanh đồng trong mỗi giá đồng nên thế nào. Rõ ràng những trang phục cách xa chúng ta hàng trăm năm để phục dựng lại đã khó, huống hồ mỗi một thời kỳ, một chủ thể thực hiện giá đồng khác nhau dẫn đến trang phục cũng khác nhau.
Tại cuộc Hội thảo khoa học gần đây nhất được tổ chức tại Hà Nội: “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội - nhận diện, bảo tồn và phát triển” do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức cuối tuần qua hướng đến kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam (23/11) cũng đã ghi nhận sự mong manh trong danh giới giữa giá trị tâm linh và mê tín dị đoan đang làm biến tướng Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Tứ - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: “Thời gian qua, phong trào “hầu đồng” nở rộ, trong khi hiểu biết chung của một số thanh đồng về tín ngưỡng thờ Mẫu còn rất mù mờ dẫn đến thiếu nhất quán trong đào tạo và hành đạo”. Nhiều giá đồng tiền tỷ với vàng mã chất ngất, tung tiền lớn phô trương đã có ở Phủ Dầy (Nam Định), đền ông Hoàng Mười (Nghệ An). Đứng trên góc độ quản lý và nghiên cứu di sản, ông Tứ cho rằng những giải pháp nhằm chấn chỉnh tục thờ Mẫu như chủ trương cấm đốt vàng mã, tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học, tổ chức liên hoan diễn xướng hầu đồng… Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những giải pháp mang tính tình thế. Thực tế, vẫn xuất hiện nhiều kiểu hầu đồng phản cảm, nhố nhăng... làm mất đi sự tao nhã của nghi lễ truyền thống. Không chỉ có nỗi lo làm sai lệch giá trị di sản từ những hành động phô trương, mê tín dị đoan của các thanh đồng, các chuyên gia còn lo ngại phong trào sân khấu hóa hầu đồng đang phát triển mạnh. Có thể dẫn ra đây nhiều chương trình nghệ thuật, thậm chí liên hoan nhằm tôn vinh nghệ thuật hát chầu văn.
Nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, cuối những năm 1970, GS Đinh Gia Khánh, GS.TSKH Phan Đăng Nhật - những nhà sáng lập Viện Văn hóa dân gian Việt Nam đã tập hợp một số nghệ nhân, nhà nghiên cứu và diễn viên để trình diễn, giới thiệu nghệ thuật hát Chầu văn tới đông đảo công chúng. Mục đích của việc này là phân định các giá trị nghệ thuật, âm nhạc, vũ đạo, diễn xướng, trang phục… Tuy nhiên, khi sân khấu hóa lại vô tình làm tín ngưỡng thờ Mẫu bị “biến dạng” và mất đi giá trị thực, vì nhiều người nhầm lẫn giữa việc mô phỏng tín ngưỡng với việc thực hành chuẩn tại không gian điện thờ.
Cũng có chung quan điểm với GS Đinh Gia Khánh, thanh đồng Lê Bá Linh - Ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB Văn hóa thờ Mẫu và hát văn tại Hà Nội cho rằng, một số liên hoan nghi lễ hầu đồng được tổ chức chưa được chuẩn chỉnh về không gian, hình thái. Hầu đồng, diễn xướng quảng bá một cách tùy tiện, lợi dụng tâm linh để phục vụ những mục đích khác, không những làm ảnh hưởng tới những nét đẹp tiêu biểu của nghi lễ, mà còn làm mất đi niềm tin, tinh thần của mọi người trong cộng đồng xã hội đối với tín ngưỡng dân tộc.
Kinh tế hóa, hối lộ thần linh là những từ ngữ được dư luận dùng chỉ những gia đồng đang ngày một phát triển hiện nay. Nhưng chưa phải chỉ có vậy, nỗi lo chầu văn bị biến dạng cũng đang khiến cho nhà quản lý đau đầu. Hệ thống các làn điệu cổ điển như Dọc, Cờn, Luyện, Phú Nói, Phú Chênh, Phú Bình, Phú Rầu, Dồn, Dồn Đại Thạch, Kiều Dương... dần bị biến dạng. Những cung văn còn giữ được ít nhiều chuẩn mực âm luật xưa ngày càng hiếm. Điều này một phần bị chi phối bởi thị hiếu nghệ thuật của các chân đồng. Cung văn luôn phải “sáng tạo” chiều theo nhu cầu thẩm mỹ mới. Giọng hát ẻo lả, ướt át lối mới, dàn trống dân tộc cải biên kèm Cymbals đơn “chát xình chát chát bùm”, có nơi thêm cả đàn guitar điện hay ogran... Hẳn sẽ không lạ khi thấy đây đó có vấn hầu thêm cả bài “Lòng mẹ” của Y Vân, “Đi học” của Bùi Đình Thảo, “Người Mèo ơn Đảng” của Thanh Phúc, thậm chí “Tiến quân ca” của Văn Cao để phục vụ nhảy đồng... Sự cải biên, biến dạng của hát văn thực ra đã được các cung văn lão thành cảnh báo từ nhiều năm trước, giờ đây đã thành hiện thực. Nhưng ít ai có thể ngờ sự loay hoay thậm chí bất lực của nhà quản lý lại chính là mảnh đất màu mỡ để người ta kiếm tiền và truyền bá mê tín dị đoạn. Nên chăng cần có những chế tài đủ mạnh để có thể trả lại nết đẹp truyền thống và giá trị đích thực của hầu đồng nói riêng, Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tâm bảo nói chung hiện nay.
Nguồn Văn nghệ số 48/2017