NHÀ THƠ MAI VĂN PHẤN NHẬN GIẢI THƯỞNG CIKADA-THỤY ĐIỂN
Đại diện văn hóa Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội và đại diện Hội đồng chung khảo Giải thưởng Cikada đã trao Bằng khen và giải thưởng trị giá 50 triệu đồng VN cho nhà thơ Mai Văn Phấn.
Giải thưởng Cikada được thành lập vào năm 2004 để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Thụy Điển Harry Martinson (1904 - 1978), người đã đoạt giải Nobel văn học. Giải Cikada dành cho các nhà thơ Đông Á. Hội đồng giám khảo giải thưởng Cikada cho biết: Ban đầu, giải hướng tới các nhà thơ viết bằng tiếng Trung, tiếng Nhật hoặc tiếng Hàn, bởi nhà thơ Harry Martinson, người từng đoạt giải Nobel văn học đã dành sự quan tâm đặc biệt đến thơ ca được viết bằng các ngôn ngữ này; sau đó, qua trao đổi, Hội đồng giám khảo đã quyết định xét tới các nhà thơ Việt Nam. Trước đó, nhà thơ Ý Nhi của Việt Nam cũng đã vinh dự được nhận giải thưởng Cikada. Nhận xét về 2 nhà thơ Ý Nhi và Mai Văn Phấn, Hội đồng giám khảo đều đồng tình về chất lượng thơ của hai nhà thơ này, họ có lối viết giản dị và là những nhà thơ xuất sắc. ”Khi nói như vậy, nghĩa là chúng tôi đã đủ cảm nhận về tính độc đáo trong những trang viết của họ. Chúng tôi không đi tìm những kiểu thơ đặc biệt, mà quan trọng, nó phải lột tả được sự trân trọng tính bất khả xâm phạm của đời sống một cách sâu sắc. Có nghĩa, ít nhiều phải là những nhà thơ rất nhạy bén, để có thể diễn tả được vẻ đẹp mỏng manh của số phận con người trên trái đất và trong toàn bộ cuộc sống này”, đại diện Hội đồng giám khảo cho biết.
Nguyễn Việt Chiến
THƠ MAI VĂN PHẤN
VẪN TRẤN TĨNH TIẾN KHÁCH RA NGÕ
Pha xong ấm trà
quay ra
ông khách không còn ở đó
Gọi điện thoại
Người nhà bảo ông mất đã bảy năm
Nhầm lẫn (!)
Nhà mình
mọi sự đảo lộn
Không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ...
Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót?
Bộ ấm chén giả cổ ai cho?
Ghé sang hàng xóm
thử hỏi mấy loại thực phẩm
loại tăng giá
loại còn giữ giá
Trong nhà
Trà vẫn nóng
Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.
Luồng tử khí cao chừng một mét sáu mươi dựng đứng trước mặt
chốc lại cúi gập.
HẮN
I
Nơi bóng tối ăn thịt bóng tối
hắn ngồi lẩm bẩm...
... lầm rầm âm thanh tiếp diễn
của bóng tối chưa thành
của bóng tối nuốt dần bóng tối
của màu đen không thể đen hơn.
Hắn là nơi hoàn thiện:
của gương đã lành/ sâu đã nở/ trinh đã mất/
cáp đã đứt/ cống đã thông...
là bãi phế thải của giẻ rách/ mảnh thủy tinh/ băng vệ sinh/
giày dép lạc mốt...
là viên đạn bay đi chạm đích/ những vòng kinh hồi sinh/ dòng sông gặp biển...
Lần mò leo tận cây cao
hắn hô:
Ê, chiếu ánh sáng vào đây!
Theo đèn pin le lói
mọi người thấy hắn giang tay và bay lượn tựa thiên thần.
II
Hắn cười và vung tay đấm qua lỗ thủng đã khoét sẵn trên tấm bìa. Những ngón tay xương xẩu co lại thành quả đấm thép lao qua tâm điểm không vật cản. Hắn nghĩ, bàn tay đang tìm khoái cảm của con chó chui qua bức tường lớn. Vị trí tấm bìa hắn giơ lên để nắm tay kia bay qua là khoảng cách quá ngắn. Khát thở.
Mỗi lần lao qua miệng lỗ thủng, bàn tay hắn lại xòe rộng. Tấm bìa giống con sứa đang bơi mắc phải lưỡi câu chùm. Xoay tấm bìa, hắn hát: trời xanh í a... đây vòm ngực rộng...
Bên kia tấm bìa là thế giới khác. Biển báo, thầy giáo cũ, biên bản giám định, chợ búa, kỷ niệm chương, thợ móc cống, hội đồng hương, tu sỹ, dầu tắm, bẫy chuột, nhà tiên tri... và thời trang cũng khác (hắn nghĩ thế!). Hèn gì không chui nốt cả tay kia (!).
Hắn liệng tấm bìa vào thùng rác, xuống tấn, đấm liên hồi vào lỗ thủng ước lệ, lao đi tốc độ chóng mặt.
Một dự báo về tương lai của thể thao. Với nhan đề trang trọng của tờ báo buổi chiều, hắn có tên trong danh sách những nhà vô địch.
HỘI CHỨNG TỪ MỘT TIN ĐỒN…
Tôi trả gấp đôi giá tiền đánh giày
gấp đôi tiền mua dép nhựa
gấp đôi tiền mua chiếc quạt, gói tăm
Xin anh (chị) đừng chống tay xuống đất
đừng gầm gừ, thót bụng, cuộn mình...
Tôi không mặc cả tiền cho trẻ học thêm
không mặc cả tiền phong bao hội nghị
không mặc cả tiền xoa bóp, gội đầu
không mặc cả tiền kê đơn bốc thuốc
không mặc cả tiền mái hiên trú mưa
không mặc cả tiền ghế ngồi ven biển
không mặc cả tiền bù giá vào lương.
Hãy đưa hoá đơn qua cửa tò vò
đặt tiền trả lại sau tấm kính
cúi xuống trao bó hoa trên cao
nhìn lên trần và tự tin giảng giải
uống nước theo kiểu rô-bốt
đi qua đám đông như chỗ không người
cắm cần câu đi làm việc khác
leo thang dây không cần bám tay
và nổ máy vù ga đi thẳng.
Xin anh (chị) đừng cố ngước lên
đừng cười ngất lộ nhiều răng trắng
đừng phùng mang trợn má trừng trừng
đừng giương móng tay sắc nhọn phía trước
đừng vươn người xuống uống nước sông
đừng xé xác con vật nấu chín
đừng vò nát hoa quả màu nâu
đừng giậm chân hay bước rón rén
đừng nằm co và ngáy quá to
đừng gào thét hoặc hậm hự trong miệng.
Nhớ không thò đầu và tay ra ngoài
Nhớ suy tư hoặc chăm đọc sách
Nhớ không đạp chân và khạc lên tường
Nhớ hắt hơi lấy tay che miệng
Nhớ dùng xong xả nước bồn cầu
Nhớ phát âm tròn vành rõ chữ
Nhớ nâng ly và uống từ từ
Nhớ nằm ngủ đắp chăn ngay ngắn
Nhớ đánh răng và dùng lược chải đầu...
..."... có mãnh thú bỏ rừng...".
MÙA XUÂN
Có nhiều dấu hiệu Mùa xuân
Mây nặng. Hoa đào. Củi mục. Đường trơn...
Tôi chỉ dẫn các con như vậy.
Con tôi kẹp ngón tay thổi hồi còi dài
gọi đoàn tàu xuyên qua ngực tối
Trán tôi rung chuyển
Đôi chân gầm vang
những toa đen theo nhau nặng nhọc.
Tạm biệt Mùa đông!
Tạm biệt Mùa đông!
Các con tôi đang tranh luận về thời khắc:
ấy là lúc bông hoa đỏ rực vô tình rơi trên mặt nước
hay những linh hồn được thanh tẩy bay lên?
Là mây trắng bỗng trôi qua bàn tay ấm áp
hay hơi ẩm nghẹn ngào đang vỡ ra từng tiếng chim non?
(Chùm thơ Mai Văn Phấn- Nguyễn Việt Chiến tuyển chọn)