LẶNG YÊN NHƯ MẶT HỒ ĐẦY
Vì vậy so với đám bạn cùng trang lứa, anh tiếp xúc với văn chương khá sớm. Nhưng người thổi hồn thơ vào anh đầu tiên, theo tôi là cố thi sĩ Xuân Diệu, nhà thơ đồng hương quê ở làng Trảo Nha, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc.
Tôi đã đọc đi đọc lại khá nhiều lần bài viết của anh về cố thi sĩ Xuân Diệu, một nhà thơ hình như đã để lại nhiều ấn tượng đối với anh trong nghề viết lách. Bài viết ấy lấy tựa đề một câu thơ tài hoa bậc nhất của “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu: “Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya” nhưng lại không hề nói gì về thơ Xuân Diệu, chỉ nói những kỷ niệm - khá nhiều kỷ niệm: Riêng có, chung có, về văn chương có, về đời thường có… Nhưng nếu đọc kỹ, sẽ nhận ra trong hành trang của anh, bên những “mạch nguồn” phong phú của một người cần mẫn tích lũy, có vết chạm khắc mà Xuân Diệu đã để lại.
Nhớ lại, đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Xuân Diệu về trường cấp hai (tức PTCS bây giờ) Thụ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nói chuyện, hồi Lê Thành Nghị mới học lớp năm. Anh kể, tan buổi, không ai nhớ Xuân Diệu nói gì về thơ, nhưng với anh “Không hiểu vì sao, sau này, biết bao lần từ Cầu Trù (Thụ Lộc) lên Nghèn (Thị trấn Can Lộc, quê Xuân Diệu), tôi thường nghĩ tới Xuân Diệu. Có những miền ký ức xa lắc, xa lơ mà thật hiển hiện, thật thanh sạch và thánh thiện, thật khác thường và khó hiểu, đủ sức vượt qua những lớp bụi thời gian, vượt qua những nỗi buồn thường nhật, những trần tục của cuộc đời… Có những lúc có cảm giác, trời xanh mây trắng và trăng sao, màu vàng mật của lúa chín, vạt hoa vàng ong bay cuối năm… cần hơn cả cơm ăn, nước uống… tôi nhận ra biết bao điều trước đó không hề thấy. Có khi là một bông hoa nhỏ xíu, tím ngắt trong lùm cỏ…, là mùi bùn hăng ngái hoặc vạt cỏ năn đổ rạp, nổ lép bép khi mũi đò vừa lướt qua, là vạt lửa cháy rừng như chiếc nhẫn vàng khổng lồ trên Ngàn Hống… Xuân Diệu nhằm đến những điều ấy, đánh thức những điều ấy trong mỗi con người, trong những người trẻ tuổi”(1)
Không biết có phải cái buổi “nói chuyện thơ” kia đã vô tình đánh thức trong Lê Thành Nghị ý niệm đầu tiên về cái đẹp, chỗ lời khởi thủy, vần và nhạc cựa quậy, nuôi dưỡng những câu thơ rất đặc trưng của Lê Thành Nghị hay không? Nhưng những câu thơ anh viết sau này bằng suy cảm, bằng ẩn dụ, bằng cái nhịp bên trong, nhịp tâm hồn: Cuối tháng Ba hoa suốt đêm dài/ Nghe gió thoảng biết cây vườn còn thức (Mùa hoàng lan ); Trận mưa chiều làm lá rụng đầy sân/ Người đi vắng hoa hình như tím ngắt (Tàu về thảo nguyên); Ai đi kia bay một làn voan mỏng/ Bóng thiên thu in xuống mặt hồ đầy (Mùa thu năm Bính Tuất)… thì như một sự hòa trộn giữa màu sắc và âm thanh, hòa trộn giữa cái sâu kín của tâm hồn và bóng dáng của thiên nhiên qua cảm thức về thời gian. Anh có những câu thơ rất đỗi xót xa: “Mẹ mất rồi rau má mọc vườn hoang/ Khoai lang bò ruộng nhà, bè rau ngoi nước nổi/ Tháng ba nắng xanh xao xóm đói/ Cha một mình lặn lội nuôi con.” (Cha tôi). Câu thơ anh viết về người mẹ mất sớm: “Người mang theo những mùa tóc xanh vào biếc cỏ” như một ẩn dụ ám ảnh của một người suốt đời trăn trở: “Trở về làm cơn gió mát/ Nơi mẹ ta nằm lút bờ cỏ may/ Nghìn năm trời sẽ còn cao, đất còn dài rộng/ Nghìn năm gió vẫn thức trong cây” (Miền đất quê hương).
Lê Thành Nghị là người có tư chất khá sớm. Cha anh từng theo học “trường Tây” từ hồi Pháp thuộc. Cách mạng thành công, ông thường lưu chuyển dạy học từ trường này đến trường kia trong tỉnh. Ông mang theo con trai và rèn dạy theo cách của một nhà giáo nghiêm khắc, theo nề nếp của một gia đình có truyền thống Nho học. Tâm hồn văn chương của Lê Thành Nghị có nguồn gốc từ truyền thống gia phong đó, sự mực thước trong nết ăn nết ở, cũng như sự mực thước của phong cách ngôn ngữ văn học của Lê Thành Nghị cũng có nguồn gốc từ đó. Anh không phải là kẻ “ham chơi”, không la cà quán xá, không lang bạt kỳ hồ, không giang hồ lãng du, không ngất ngư bia rượu, không “chém gió” chỗ đông người… Anh là kẻ sĩ thời nay, giữ mình trước mọi cám dỗ, coi trọng nghĩa cử của người đọc sách, “rút củi” khi nồi đang sôi, lảng tránh khi nói về mình, thận trọng khi nói về người… Những phẩm chất của kẻ sĩ tưởng đâu một thời đã xa lắm, nhưng lại hiển hiện trong nếp sống của một người giản dị hôm nay.
Dòng họ Lê ở xã Bình Lộc - Lộc Hà quê tôi là dòng họ lớn, có truyền thống học hành khoa bảng từ nhiều thế kỷ trước. Nhiều người trong dòng họ ấy từng được phong những chức tước khác nhau, có người là Quận công, có người được Vua nhà Nguyễn sắc cho dân lập Miếu thờ phụng. Nhà thờ dòng họ Lê hiện nay được Ủy ban nhân dân tĩnh Hà Tĩnh cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Thế hệ nào cũng có nhiều người đỗ đạt mở trường dạy chữ Thánh hiền, ngâm vịnh thơ phú, bốc thuốc cứu người… Lê Thành Nghị là hậu duệ đời thứ mười tám của dòng họ ấy. Anh từng đoạt giải học sinh giỏi miền Bắc những năm học phổ thông (1963-1966). Tốt nghiệp xuất sắc ĐHTH năm 1970, Lê Thành Nghị về nhận công tác tại Viện Văn học, nơi có những bậc thức giả nổi tiếng…, chuẩn bị trở thành cán bộ nghiên cứu văn học. Nhưng chưa được bao lâu, đầu năm 1972, theo lệnh tổng động viên, Lê Thành Nghị nhập ngũ bổ sung cho chiến dịch “mùa hè đỏ lửa” Quảng Trị đang thu hút hàng vạn thanh niên trí thức và sinh viên đại học lúc đó. Những ngày tháng trong quân ngũ, chuyển từ đơn vị hậu cần, đến thông tin, tham gia nhiều chiến dịch, có mặt trong đội hình của Sư đoàn 312 giải phóng Sài Gòn năm 1975, rồi về đầu quân cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1977 anh thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov (Liên Xô) học tập và bảo vệ luận văn Tiến sĩ tại đó.
Những năm bảy mươi, tám mươi, chín mươi của thế kỷ XX, Lê Thành Nghị công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Quân đội với cương vị là Phó Tổng biên tập. Cấp “phó” ai cũng biết, có rất nhiều những sự vụ ngoài văn chương. Anh không những tham gia kiến trúc, đọc duyệt bài vở, mà còn thường khi xuống tận nhà in lo sửa từng lỗi morat, làm việc cụ thể với họa sĩ từ chọn kiểu chữ, hình minh họa, đến những cái “vi nhét” nhỏ đầu mỗi chuyên mục… cố gắng để tờ tạp chí đến tay bạn đọc hoàn hảo trong điều kiện có thể. Tạp chí VNQĐ những năm tháng ấy rất có uy tín với công chúng, một phần do truyền thống để lại, một phần do những cố gắng tiếp tục của một thế hệ văn nghệ sĩ sau chiến tranh, trong đó có anh. Có lần Tạp chí gặp sự cố in một truyện ngắn gây xôn xao dư luận. Lẽ ra, khi đã làm xong phận sự “cấp phó” của mình, anh có thể viện dẫn đầy đủ bằng chứng và lý lẽ thuyết phục, để có thể đứng ngoài trách nhiệm. Nhưng anh không làm như vậy, mà đã cùng những người liên quan nhận hết mọi phiền phức về mình. Cử chỉ đó, trong con mắt đồng nghiệp, anh chỉ “mất” cái nhỏ nhưng “được” cái lớn, được niềm tin về sự dám làm dám chịu của một người làm báo trung thực.
Đã bao lần gặp anh trong những hoàn cảnh khác nhau. Khi thì “đối ẩm” dưới những hàng cây cổ thụ trong “Linh Sơn Trang” hương hỏa của gia đình anh tại quê nhà, thôn Kim Chùy, nơi có ngôi nhà cổ được trùng tu lại trên một khu đất rộng, như vẫn còn nguyên nếp gia phong của các cụ đồ Nho ngày trước, không khỏi cảm giác u hoài một thuở “lối xưa xe ngựa” qua những bức đại tự xưa cũ, những “ống quyển” phủ bụi thời gian, những tráp cổ đen bóng trên án thư…; Khi thì góp vui “cụng ly” với anh giữa các bạn bè: Đức Ban, Nguyễn Ngọc Phú, Phan Trung Hiếu, Bùi Quang Thanh, Trần Đắc Túc… bên những quán cà phê thành phố Hà Tĩnh, hay khu du lịch sinh thái Nghèn. Mỗi lần về quê, anh thường có dịp tụ họp bạn bè, nhưng ngay cả khi bè bạn đang cao hứng văn chương, anh cũng thường kiệm lời, như thể muốn giấu mình trong yên lặng.
Những điều trên kia giúp tôi có cơ sở trước khi nói về một phương diện khá đặc biệt: Tính triết lý thâm trầm trong thơ anh, những điều không chỉ bắt nguồn từ sự trải nghiệm, chiêm nghiệm, mà còn sâu xa là ở vốn văn hóa phong phú tích lũy của một đời người. Nó là những suy nghĩ đậm chất triết học, những đúc kết, những “châm ngôn” rút từ cuộc sống, những suy nghiệm về số phận con người và đạo lý làm người… tưởng đâu quen thuộc mà vẫn cứ bất ngờ như vừa mới được đánh thức trong thời gian và không gian vô lượng sống của mỗi người. Chẳng hạn anh nói về phẩm giá của con người: Rất nhiều vân tay trên chiếc kiếm thiêng/ Nhưng không có vân tay của kẻ hèn/ Rất nhiều tấm vé vào cõi an nhiên/ Không có vé cho kẻ lừa thầy phản bạn (Trong tĩnh tại); Anh nói về sự đắp đổi của thời gian: Trôi về phía bên kia lời hẹn/ Những đám lục bình trên sông Tiền Giang/ Nào ai nói dùm ta có gì vĩnh viễn/ Hoa tím được bao nhiêu trước mãi mãi hoang tàn (Ngẫu hứng sông Tiền); Anh bàn luận về sự níu kéo của ham muốn thường nhật trong mỗi con người: Có những ngày muốn mờ như khói/ Muốn nhòe như khói/ Trong khi cánh buồm cuối chân trời giục đi (Tự do). Về sự thường biến, thường hằng ở đời: Sông mất một đời trôi đi dại dột/ Tôi mất một đời để quên một người (Luân hồi). Anh nói về sự thoát vượt: Để đến tận cùng - một hồ sen đang cất cánh bay (Sen hồ Tịnh Tâm), vv và vv… Quả thật đấy là những châm ngôn về cuộc sống được chuyển tải trong hình thức những câu thơ có sức ám ảnh làm ta trăn trở không thôi về cuộc đời và lẽ đời. Chính đấy là tư tưởng nghệ thuật của thơ Lê Thành Nghị. Anh đang chạm đến sự tinh túy của thơ ở độ sâu của những điều anh cảm nhận, ở độ gợi mở của ngôn ngữ biểu hiện. Điều ấy cần rất nhiều bản lĩnh cũng như tài năng.
Chỉ dạo qua khu vườn thơ với những hương sắc lạ của Lê Thành Nghị (Anh đã có sáu tập thơ ra mắt bạn đọc), không thể nói hết những gì tôi lĩnh hội được. Nhưng tôi không thể không có đôi dòng về Lê Thành Nghị, với tư cách là một nhà phê bình văn học đã có những cuốn sách được dư luận đánh giá là cây bút rất đúng mực và đáng tin cậy. Trong văn phê bình của anh, có thể thấy anh không xa lạ với các lý thuyết văn chương, nhưng những thứ đó chỉ là “phông nền”, chỉ như là những công cụ để anh lý giải các hiện tượng văn học Việt Nam đương đại. Anh là cây bút phê bình tự đặt mình trước cái đẹp của văn chương, không bị “khúc xạ” bởi bất cứ lý do nào ngoài văn bản, không ưa trích dẫn những kiến thức đã “đóng hộp”, “ướp lạnh”... Chỉ dẫn ra một “xêry” 14 bài viết của anh về Nguyễn Khoa Điềm, Lưu Quang Vũ, Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh, rồi Y Phương, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Phùng Khắc Bắc… trong cuốn sách Bóng người trong bóng núi (2) gần đây của anh cho thấy sự kỹ lưỡng trong nắm bắt nguồn gốc văn bản, sự tinh tế trong tư duy thẩm bình, sự chắc chắn và thuyết phục trong khái quát nhận định, thái độ nghiêm khắc nhưng trân trọng đối với đồng nghiệp. Đọc những bài viết ấy, thấy cái trang nhã của văn phê bình, thấy cái hay và cái đẹp của văn chương, những thứ thật đáng để chúng ta bỏ công theo đuổi, cũng như có thể cảm nhận được những rung động rất thi sĩ trong ngòi bút của anh.
Vừa làm thơ vừa viết phê bình văn học, Lê Thành Nghị đã ra mắt bạn đọc hơn một chục cuốn sách và được tặng nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Nhà nước năm 2012. Anh mang số tiền thưởng, cộng với số tiền dành dụm sau mấy chục năm đi làm, cung tiến tôn tạo lại con đường làng, nơi ngày trước từ đó anh ra đi. Quê hương nghèo khó thường trở đi trở lại trong thơ anh, gọi anh về: Con đường bóng mẹ liêu xiêu/ Bao nhiêu thương nhớ, bao nhiêu đợi chờ… (Về quê). Tha hương dễ đã trên năm mươi năm, đi về dễ đã mấy chục lần, vậy mà vẫn hồi hộp như một đứa nhỏ mỗi khi chạm đến đầu ngõ.
Vậy là chúng ta có một người làm công việc phê bình văn học kiêm luôn công việc của một nhà thơ. Có gì khác thường ở đây không? Tôi nghĩ là không. Có một sự nhất quán giữa công việc nghiên cứu phê bình văn học qua việc nắm vững các nguyên lý về cái đẹp và thực tiễn sáng tạo của Lê Thành Nghị. Thơ anh được viết theo sự dắt dẫn của một thứ, mà chúng ta vẫn quen gọi đó là ánh sáng của lý luận. Nhưng nó lại không rơi vào tư biện, lý trí, mà thấm đẫm chất suy cảm, nghe rõ nhịp đập của trái tim. Nhà phê bình văn học Bùi Công Thuấn viết rằng: “Nếu đọc được một câu thơ hay thì thật là hạnh phúc…Tôi đã gặp được những câu thơ đầy ắp hạnh phúc của Lê Thành Nghị” (3). Tôi cũng vậy, bị mê dụ trước những câu thơ của anh, mà một phần nhỏ tôi đã trích dẫn trên đây để bạn đọc có thể hình dung. Đến với thơ anh, dường như đến trước một mặt hồ yên lặng, bí mật, tin cậy mà ở tầng đáy có những mầm sen nhỏ đang chờ “cất cánh bay”, như ý một câu thơ đẹp của anh, mà tôi đã dẫn trên kia.n
------------------
1. Trong tập Còn lại sau ngôn từ của Lê Thành Nghị, NXB Văn học, 2016.
2. Lê Thành Nghị, Bóng người trong bóng núi, Tiểu luân phê bình, NXB Lao Động, 2017.
3. Bùi Công Thuấn: Đọc thơ Lê Thành Nghị, Nhà văn & Tác phẩm số 5 và 6 năm 2016.
Nguồn Văn nghệ 43/2017