Tác phẩm chọn lọc

26/4
9:01 AM 2018

NHƠ ĐỂ…CƯỜI

Chung Tử-Khi cánh cửa vừa mở, nhà thơ Hoàng Minh Châu đã xởi lởi cười đón tôi, như người bạn tâm giao thuở nào. Xưa ông đã gầy, nay lại càng xương xương mình hạc, khi đã bước sang tuổi 89, tựa cây mai già xù xì với những cánh hoa trắng muốt đón xuân. Bất giác những câu thơ đâu đó vang lên trong tôi: “Mặc cuộc sống xoay vần. Thanh cao cùng năm tháng. Những nỗi đau thầm lặng. “Lão” mai cười thảnh thơi”.

                                             Nhà thơ Hoàng Minh Châu

  Những là chuyện đẩu đâu từ đời tám hoánh nào ông cũng nhớ lại một cách rành rẽ. Ông bảo, không hiểu sao ngay từ khi còn trẻ, 15 tuổi (năm 1945) đã tham gia cách mạng, nhưng lại bị tổ chức nghi ngại lòng nhiệt thành. Bởi lẽ vì sao được sinh ra từ một gia đình buôn bán “có của ăn của để”, một thiếu niên như mình lại bỏ học, đi theo cách mạng. Hăng hái quá cũng dở. Mình thì thật. Họ lại phân vân tạm dừng giao việc trong vòng hai tuần. Họ có biết đâu hồn thơ trong mình đã xót xa, khi nhìn thấy dòng người chết đói năm 1945, nên gác bút nghiên lên đường. Những câu thơ đầu tiên dội thấu tim gan: “Ta như kẻ mất hồn. Nhìn ăn mày bị gậy. Lê khắp phố hoàng hôn…”. Đến khi vào chiến dịch “Tiêu thổ kháng chiến”, chàng thiếu niên Nguyễn Thanh Trì (tên khai sinh của nhà thơ Hoàng Minh Châu) cùng gia đình đập phá ngôi nhà hai tầng của mình trên phố, mở lớp truyền bá quốc ngữ, treo ống gạo cứu đói trước cửa, mọi người mới tin rằng đó là một tấm lòng yêu nước tự trong tim. Khi được tổ chức tin cậy, Thanh Trì trở thành thầy giáo, vừa dậy chữ vừa dậy hát cho đoàn thể; tuyên truyền và tham gia Cách mạng tháng Tám, cướp chính quyền năm 1945. Bài thơ đầu tiên được phổ biến rộng rãi và mang bút danh Hoàng Minh Châu là bài: “Mẹ Thuận” (1950). Đây cũng là thời điểm Hoàng Minh Châu được kết nạp đảng (1949) và là hội viên Hội Văn nghệ Việt Nam (1952).

Giọng kể của nhà thơ Hoàng Minh Châu mỗi lúc một sôi nổi vì tất cả như một cuốn phim quay lại cuộc đời mình. Tôi bất giác hỏi về vụ tạp chí “Văn”, in bài thơ “Lời mẹ dặn” (1957) của Phùng Quán, đã dính líu với ông như thế nào. Những nếp nhăn trên mặt ông bỗng trũng hẳn xuống. Thì đấy! nhà thơ nói đó cũng là một tai nạn văn chương đầu đời, mà ông bị mắc nợ trần gian. Ông không kể ngay, mà lại ngâm ngợi mấy câu thơ thiền về cái nợ kiếp ba sinh, rằng: “Nhịn được cái tức một lúc. Tránh được mối lo trăm ngày”. Bất ngờ nhà thơ cười ha hả rồi nói, đúng là không ngờ dư luận và suy diễn lệch hướng đã làm hại cả một đời người. Ông kể bài thơ là do ông biên tập đưa in vào tạp chí “Văn” năm 1957, nhưng lại bị “trên”, không biết từ đâu, đặt nghi vấn về quan điểm chính trị có vấn đề, mất lập trường. Nói rồi ông đọc vanh vách khổ thơ mà người ta bàn tán: “Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều. Cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết. Cũng không nói ghét thành yêu”. Nhà thơ vỗ đốp hai tay nói, quan điểm gì nào?. Sau đó nhà thơ lại đọc tiếp mấy câu kết của Phùng Quán, cũng trong bài đó: “Tôi muốn làm nhà văn chân thật. Chân thật trọn đời. Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi. Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã. Bút giấy tôi ai cướp giật đi. Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”. Đó chỉ là một tuyên ngôn của bản lĩnh nhà văn, thế mà người ta suy diễn là có ám chỉ. Đau là chỗ ấy. Họ cứ nói ở đâu đấy và kết án tư tưởng chính trị. Nhà thơ Hoàng Minh Châu bị kiểm thảo và mắc khuyết điểm “mất lập trường”. Còn nhà thơ Phùng Quán thì ai cũng biết sau đó lận đận đường đời, nửa thế kỷ mới được minh oan thì đã muộn màng.

Tất nhiên, nhà thơ Hoàng Minh Châu sau đó thể hiện bản lĩnh chính trị của mình bằng những chuyến đi thực tế, xâm nhập cơ sở để viết bài. Với cuộc sống vượt qua cái chết bom đạn khi tham gia chiến dịch Đông Xuân hồi 53-54, nhà thơ không hề ngần ngại trước khó khăn. Nào ngư trường Quảng Bình, vùng mỏ Quảng Ninh, hay sông Đà rồi quay về tuyến vành đai máu lửa Vĩnh Linh… Sau này được chuyển về NXB Văn Học, ông vẫn hăng say với những sáng tác mới được viết từ cơ sở, với những chuyến đi thực tế chiến trường. Vậy mà đúng 15 năm sau nhà thơ lại “dính đòn” khi biên tập, cho in tập thơ “Cửa mở” của Việt Phương. Nhà thơ sôi nổi bộc bạch, thực ra nội dung tập thơ gồm các bài ca ngợi Đảng và Bác là chủ yếu, nhưng chỉ một đoạn thơ bị lôi ra quy chụp quan điểm sai trái với đường lối cách mạng. Nhà thơ Việt Phương và người biên tập bị liên lụy và mang án văn chương hết sức mờ ám. Tôi cũng mang máng câu chuyện ngày đó nên hỏi, có phải dư luận xôn xao từ mấy câu: “Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ. Hình như đấy là niềm tin ý chí tự hào. Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ…”. Nhà thơ khoát tay nói, đó chỉ là một phần, chủ yếu họ lại nhấn mạnh câu: “Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao. Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao”. Họ vội vã kết luận đó là sự ám chỉ, nói xấu chế độ. Thế là tập thơ “Mở cửa” bị thu hồi, tiêu hủy. Sau đó nhà thơ Hoàng Minh Châu phải làm kiểm điểm, phê bình và chậm lên lương một năm. Không hiểu sao lúc này nhà thơ bật cười rồi nói, nhắc lại cho nhớ để mà cười thôi chứ biết sao.

Chính vì thế sau này ông mới viết cuốn tự truyện với nhan để là “Mất để mà còn” (in năm 2010). Trong cuốn này ông kể lại nhiều chuyện thời về làm báo Văn nghệ từ năm 1978. Ông sực nhớ lại, trước khi ông về báo Văn nghệ cũng đã từng xảy ra vụ án văn chương, do in trang thơ của Lý Phương Liên, năm 1970. Trong đó có bài “Trò chuyện với Thúy Kiều”. Tác giả Lý Phương Liên cũng bị kết án ngầm là ẩn chứa tư tưởng phản động, hoặc bi quan tăm tối trong đầu óc. Từ đó Lý Phương Liên “chết chìm” trong im lặng hàng chục năm trời. Chưa hết, sau đó báo Văn nghệ lại rơi vào nguy khốn, vì truyện ngắn “Cây táo ông Lành” của Hoàng Cát, in năm 1973. Trường hợp truyện rơi và cuộc luận bàn ngấm ngầm, và bị kết luận là “nấm độc nguy hiểm”. Chính kiểu “Án treo” đó làm hại tác giả và những người biên tập. Bởi sau đó 15 năm liền nhà thơ Hoàng Cát viết gì cũng không được đăng nếu đứng tên tác giả. Cả một đoạn đời dài, nhà thơ Hoàng Cát phải lần hồi kiếm ăn vô cùng cực nhọc, lại còn bị cắt cả tiêu chuẩn thương binh nữa. Nói đến đây nhà thơ Hoàng Minh Châu bùi ngùi khá lâu. Ông ngồi như một bức tượng đá bên thềm nhà cơi nới thêm ở tầng 3 khu tập thể Trung Tự. Hình ảnh cây mai cổ trở lại với tôi, đúng lúc ông ngồi thiền như vậy, trong im lặng. Những câu thơ đâu đó lại hiện về trong nỗi im lặng khôn cùng ấy, rằng: “Ha… hả lão mai cười. Say ngả nghiêng vạt nắng. Những bông hoa nở trắng. Run rẩy ngón tay khô”. Nhà thơ Hoàng Minh Châu là như vậy. Ngẫm lại mọi chuyện tưởng là đã lui vào dĩ vãng nhưng phải nói đó là những hiện tượng vẫn còn dư âm cho đến nay. Mọi sự đã cải thiện nhưng không dễ gì quên đi được. Hơn nữa những vụ án văn chương vẫn thường xẩy ra, với những cách nhìn chưa cởi mở, và còn nhiều hạn chế.

Tôi sực nhớ đến tận ngày về hưu, nhà thơ Hoàng Minh Châu vẫn còn suýt gặp tai họa văn chương khác, khi báo Văn nghệ in truyện ngắn “Linh nghiệm” của nhà văn Trần Huy Quang, năm 1992. Thực ra trước đó một năm (1991), nhà thơ Hoàng Minh Châu đã có quyết định nghỉ quản lý, chuyển sang làm chuyên viên. Ông nói, khi truyện ngắn “Linh nghiệm” bị đưa ra công luận và phán xét có vấn đề chính trị, không khí trong báo xáo động ghê gớm. Ai chịu trách nhiệm về nội dung khi duyệt in tác phẩm này?. Đó là câu chuyện chưa có hồi kết đến nay, cho dù nhà văn Trần Huy Quang đã nhận kỷ luật, treo bút trong một thời gian. Nhưng rồi ông bất ngờ chau mày nói, vậy mà khi ấy có người vu cho ông ký duyệt, vì đã được ủy quyền, trong khi TBT đi vắng. Mọi sự rối tinh nhưng cuối cùng tất cả chìm trong im lặng…

Vậy là cho đến khi về hưu, cái số nhà thơ vẫn còn chưa dứt “ân oán” văn chương. Quả là một sự lạ. Ông hiền lành và không hề tỏ ý bon chen, xô đẩy với cuộc đời. Thơ ông cũng vậy, thầm lặng và tinh tế. Bạn đọc đều nhớ đến tứ thơ độc đáo và gây xúc động bất ngờ của Hoàng Minh Châu, qua bài “Gặp ở chợ Trời” (1994). Bài thơ chỉ có bốn khổ, để lại ấn tượng cho bạn đọc nỗi niềm sâu lắng về sự hy sinh của người chiến sĩ, trong cuộc chiến đấu cứu nước. Nhà thơ viết: “Tìm mua chiếc ba lô. Đợi hè sang đi núi. Chợ trời, gian ký gửi. Một chiếc cũ còn bền. Nhưng bật cái nắp xem. Tròn vo hai lỗ thủng. Nâng lên rồi đặt xuống. Nhìn kỹ càng phân vân. Viên đạn trượt qua lưng? Hay vẫn gài trong ngực? Giá máu này ai mang. Cho chợ trời nói thách. Chợ trời không nói thách. Tính rẻ bác thôi mà. Bởi ông ta không biết. Đắt mấy mình cũng mua” (Chân lý). Người đọc đều nhận ra ở cảm xúc thơ Hoàng Minh Châu chân thành với nhiều cung bậc yêu thương cuộc sống. Những câu thơ hay đã để lại một mầu sắc riêng của ông như: “Có gì đâu một cành me. Đan thưa cái nắng cho hè phố êm. Ríu ran đàn sẻ đàn khuyên. Lao xao guốc dép đàn em đến trường” (Trưa phố); hoặc còn đó là sự ý nhị dịu dàng và thơ mộng: “Vâng dù chỉ một cành me. Xanh êm che mất ngõ hè thủ đô. Mà làm tôi mãi ngẩn ngơ. Cứ men theo dọc tuổi thơ đường làng”.

Tôi đọc thơ ông luôn phát hiện thấy những câu mang đậm sắc dân gian, như những cung bậc của điệu lý quê hương. Chính vì thế khá nhiều nhạc sĩ đã phổ thơ Hoàng Minh Châu như “Tình yêu chín” (Lê Yên); “Chỉ vì điệu lý thương nhau” (Hoàng Vân); “Tiếng hát văn” và “Đàn thập lục” (Thuận Yến); hay như “Phải lòng” và “Đi bên nhau” (Văn Ký)… Lời thơ Hoàng Minh Châu luôn tươi mới và lạc quan như: “Lạ kỳ chưa mới mười bảy tuổi. Con lại hát lời xưa bố hát. Tổ quốc gọi đâu cần ta có mặt. Học cả đời, giữ nước chẳng riêng ai” (Tiễn con lên biên giới). Ông quan niệm thơ “Khởi sự từ tâm hồn. Vượt lên bằng tầm nhìn và đọng lại nhờ tâm hồn tác giả”. Và ông đã sáng tác trên nền cơ bản ấy.. 

Những dự định mới chuẩn bị ra đời, với những tập bản thảo, dự kiến in trong năm 2019. Khi ấy, nhà thơ vừa tròn 70 năm tuổi đảng, và 90 tuổi đời (thượng thượng thọ tính theo âm lịch). Ông say sưa kể những niềm vui sắp đến, với “Nhìn lại mình” để “Hát mà đi tiếp”. Cho dù trong tâm trí ông vẫn còn những suy tư về bao điều còn đọng lại, như về “Giải thưởng Nhà nước”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật; hay sự phát triển của lực lượng văn học trẻ, cùng với tác phẩm của họ. Đúng như ông đã viết cuốn tự truyện “Mất để mà còn” (2010). Mọi sự sẽ qua đi. Hãy nhớ những năm tháng tuyệt vời đã sống và dâng hiến. Tất cả chỉ còn là những ký ức và trải nghiệm. Nhưng tốt nhất là hãy nhớ để mà cười sảng khoái và đi tiếp. Bởi ở ông chỉ vui: “Khi cầy xong trang giấy. Chỉ mơ chữ lên mùa”. Đó chính là hồn thơ Hoàng Minh Châu dịu dàng lắng đọng. Người đọc nhớ tới ông ở lẽ đó, bởi nhà thơ “biết quên đi cái bé nhỏ để gặp niềm vui rộng lớn trên từng chặng đường đời” (trích Suy nghĩ về nghề văn).

Nguồn Văn nghệ số 16/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *