Tác phẩm chọn lọc

3/4
5:46 PM 2019

KHÓI TRỜI MÊNH MÔNG-KỶ NIỆM 18 NĂM NGÀY MẤT NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN (1/4/2001-1/4/2019)

Vũ Cao Phan-Một tối cuối tháng 3 tôi gọi điện cho anh. Đầu kia, chầm chậm tiếp máy là tiếng một người con gái cho biết anh không có nhà, mãi sau mới ngập ngừng: “Anh đang nằm viện”. Điều đáng trách là tôi đã không hỏi về bệnh tình của anh vì vẫn biết vốn đầy mình tiểu đường, xơ gan, suy thận… chưa nói cái tai nạn trời giáng thời tuổi trẻ, anh nằm viện thường.

Tôi và nhạc sĩ Vũ Thảo (một người rất hâm mộ anh, nay cũng đi xa rồi) lúc ấy đang lần đầu nghe qua băng một ca khúc đầy “hơi thở” Trịnh Công Sơn, muốn biết liệu đó có phải…?  Giọng nữ vẫn mệt mỏi “không” mà tôi cũng chẳng chú ý, cám ơn rồi gác máy. Hai ngày sau, bàng hoàng được tin anh mất đúng ngày cá tháng tư. 

Tôi đã tìm đến anh hầu như ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng. May sao, một ông chú tôi là bạn thân của anh, dẫn tôi đến nhà rồi thêm một nơi nữa thì gặp. Tôi lúng túng bảo rằng tôi rất ngưỡng mộ anh. Anh có vẻ cũng lúng túng không kém vì những lời nồng nhiệt của một “anh bộ đội” mới trên rừng xuống, và có lẽ vì cả hoàn cảnh cụ thể của anh lúc đó nữa. Khi thấy anh nhắc đến Ủy ban Nhân dân Cách mạng phường, tôi bảo lẽ ra cấp thẩm quyền không nên dùng tính từ cách mạng, dùng Ủy ban nhân dân đủ rồi, nó gần gũi, hòa đồng trong không khí vừa mới giải phóng. Anh gật đầu ngay và nhìn tôi là lạ.

Rồi do công việc, lại chuyển ra Bắc, những năm liền sau đó tôi không có dịp gặp anh, dù vẫn đau đáu một niềm Trịnh Công Sơn.

Một lần, khoảng đầu thập kỷ 80, tôi nhận được giấy mời gặp mặt của thầy Tương. Không hiểu có việc gì, tôi đến ngay theo giờ hẹn bởi cũng đã lâu không gặp thầy. Thật bất ngờ thấy anh ở đó.

Thầy mời đến những người hâm mộ anh, nhân dịp anh ra Bắc. Có lẽ thầy đọc thấy bài viết của tôi trên tờ Văn nghệ mà ở đó tôi kể có một lần năm 1975, tôi từ Học viện Lục quân (Học viện Quân sự Đà Lạt) về Thành phố Hồ Chí Minh trên một chuyến xe đò. Xe dừng nghỉ ở ngã ba Dầu Giây, tôi đang loay hoay tìm chút giải khát thì một cô gái mang cặp kính hồng đến bên nhỏ nhẹ: Đại úy hát nhạc Trịnh hay quá. Tôi ngượng, phần vì 3 sao trên ve áo chỉ là Thượng úy thôi, phần vì tôi mê ca khúc của anh đến thế sao, say sưa hát lên trên xe mà không hay. Tôi vẫn nhớ cô gái ấy có tên Tôn Nữ Thu Thủy, nhà ở Nha Trang (Phải đó chính là cô gái sau này là nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy, từ Nha Trang chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh?)

Tôi biết đến âm nhạc của anh không muộn lắm, nhưng cũng không sớm. Cái thứ âm nhạc ấy ngẫu nhiên phả vào tôi rồi nằm chết đó với máu thịt mình. Đó là những năm đầu 70 khi tôi ở Trường Sơn, một người bạn đi ngang ra Bắc chữa thương, tình cờ mang theo chiếc cassette và mấy băng nhạc của anh, Khánh Ly hát. Tôi nghe mà ngẩn ngơ. Rồi thuyết phục bạn để lại tôi giữ hộ, “chứ anh bị thương, lỉnh kỉnh ba lô đồ đoàn thế này? Mà mang ra Bắc không khéo…”. “Nhỡ không vào nữa thì sao, lại vào lối khác thì sao?”. Anh có lý, ngần ngừ rồi cuối cùng cũng giao nó cho tôi.

Nếu ở miền Nam những năm 60,70 nhạc Trịnh không chỉ thời thượng mà còn là một cái gì đó nằm giữa tôn giáo và mê đắm, thì đối với tôi, một kẻ từ Bắc vào, điều này nhân lên gấp đôi, gấp ba. Nó không chỉ khác hoàn toàn những gì mình đã biết mà khác cả những điều mình chưa biết, lạ thế. Dù phân ra nhạc tình, nhạc tự sự thân phận, nhạc thiếu nhi, nhạc phản chiến, nhạc… hồng (?) khuôn theo mỗi hoàn cảnh cụ thể, tất cả đều là những ca khúc giàu tính triết lý, vừa đa nghĩa vừa dễ hát, và rất hay. Mà thế đấy, hơn mọi ca khúc trên đời tôi đã từng biết từng nghe và dù có không ít từ trong dòng nhạc của anh tôi không hiểu, nhưng vẫn thấy hợp lý chẳng thừa một từ nào. “Trời cao níu bước sơn khê” chẳng hạn. Anh muốn nói gì, “sơn khê” nghĩa là khe núi chăng? Trời thì cao mà khe thì sâu, triết lý về sự đối nghịch chăng? Nhưng một người bạn nước ngoài của Trịnh Công Sơn lại cho hay, “sơn khê” là từ ghép từ chính tên nhạc sĩ và tên người bạn gái của anh! Nói đến điều này là nói đến ca từ. Ca từ khác mọi ca từ, rất đặc trưng, rất riêng biệt có lẽ là cái đã tạo nên tên tuổi Trịnh Công Sơn. Trừu tượng, giàu ẩn dụ nhưng có vẻ dễ dàng như “lấy từ trong túi ra” vậy. Dù thế, anh rất kỹ trong ca từ. Thử nhìn vào một bài Nhớ mùa thu Hà Nội, ở đó có “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, có “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời” đã đành, nhưng “cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua” thì mấy ai đã có thể tưởng đến? Và nhất là “phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu”? “Nâu” là một từ Bắc bộ quê mùa, cặp với “thâm” quê mùa Bắc bộ hơn nữa để mô tả thật đắc ý sắc màu rêu phong của phố xưa nhà cổ thì…

Ca từ của anh cũng là những vần thơ hay bậc nhất, đâu có quá lời. Văn Cao đã phải dùng một từ chỉ có trong tiếng Pháp, chantre (có thể hiểu là người hát thơ) để nói về anh.

Vẫn nhớ, bài hát mà tôi cao hứng ca lên trong chuyến xe đò Đà Lạt – Sài Gòn gần 45 năm trước ấy là Khói trời mênh mông bồng bềnh điệp khúc:

Trời còn in dấu chim xa nguồn

Đời còn bay những cơn mưa phùn

Còn gì đâu những môi xưa hồng

Vùng tuổi xanh thoảng bay như gió

Ngày rồi qua tháng năm đâu ngờ…

Tôi từng có vài lần ít ỏi đến thăm anh ở đường Phạm Ngọc Thạch mỗi khi vào thành phố Hồ Chí Minh, những lần diện kiến hiếm hoi và nhanh chóng. Nhanh chóng bởi vì Trịnh Công Sơn mong manh mà như một tượng đài lớn, tôi không muốn lấy nhiều thời gian của anh. Nhưng ở đó, ở nhà anh, tôi đã chùng chình “diễn cảm” bài hát này. Mà không chỉ một lần (Tôi cho mình hát chỉ kém Khánh Ly thôi). Tôi không hỏi mà anh cũng không nói, nhưng tôi hiểu bài hát được sinh ra trong hoàn cảnh nào, và tượng hình được cả nơi “ngồi bên hiên nhìn bến nước đầy dâng”. Đó là một ca khúc phản chiến ư? Có thể. Là ca khúc tự sự ư? Có thể. Nhưng đối với tôi, tất cả các bài hát của Trịnh Công Sơn đều chiếu lên một tình yêu quê hương, yêu nhân dân đất nước này. Nếu chỉ nhìn vào đôi chỗ ca từ rồi bảo rằng nó mù mờ, nó tối, nó cam chịu không lối ra là bất công. Hãy hát lên, hát lên – đây là ca khúc kia mà – ta sẽ cảm nhận khác hẳn, thư thái hơn nhiều. Vâng.

Và Khánh Ly. Nếu Trịnh Công Sơn rút những ca khúc từ trong túi ra thì Khánh Ly cho những ca khúc ấy thở trong cánh phổi của mình. Chị hát như nói như kể, không hề lên gân, bằng cái giọng alto ma mị hơi khàn ông giời không thay thế nổi. Chị chọn Hà Nội là nơi đầu tiên trở về để hát là đúng rồi nhưng thật sự quá muộn. Tại sao? Chị đã không trả lời được. Tôi kiên nhẫn và mỏi mòn chờ mong Khánh Ly rồi buồn tiếc lần đầu trực tiếp nghe chị hát. Giọng ca ấy chỉ còn giữ được chừng sáu chục phần trăm.

Ở Hà Nội có một con đường nhỏ ven hồ Tây mang tên anh. Nó là phố đi bộ, phố ẩm thực nhưng “thực” át “ẩm”, những Phở bò, Vua gà mạnh hoạch, Bún đậu mắm tôm… Giá như ở đây chỉ dành cho café – nhạc Trịnh thì hay hơn, nó “không khí” với anh. Hình như vẫn chưa có một hội thảo đến nơi về nhạc sĩ tài danh này? Có lẽ phải sớm nghĩ tới một Bảo tàng Trịnh Công Sơn và nên đặt nó ở Huế. Anh có rất nhiều vinh danh, một gia tài âm nhạc đồ sộ, những họa phẩm, những phát ngôn cùng rất nhiều kỷ vật… Và cả một bộ phim phản chiến do anh vào vai chính mình.

Trịnh Công Sơn nằm trong số năm mươi người Việt của mọi thời đại, theo tôi. Có thể còn trong số ít hơn, ít hơn nữa. Anh đi xa, xa mãi rồi nhưng thời gian là của anh mà. Người ta sẽ còn nhắc đến Trịnh Công Sơn nhiều hơn nữa, xứng đáng hơn nữa trăm năm sau. Anh là tài sản của dân tộc./.

Nguồn: Báo Văn Nghệ

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *