Ống kính phê bình

16/8
5:11 PM 2017

CẦN THẬN TRỌNG KHI “GIẢI THIÊNG” NHÂN VẬT LỊCH SỬ

PHẠM THỊ THANH PHƯỢNG-“Giải thiêng” (désacraliser) theo nghĩa từ nguyên của nó là làm mất hay xóa bỏ tính thiêng liêng của một đối tượng nào đó; khiến cho hình tượng mất đi tính chất huyền thoại, sự tôn nghiêm; làm giảm đi giá trị, tư cách thần tượng, tính “kiểu mẫu” của đối tượng.

                                            Hội thề - một tiểu thuyết theo xu hướng "giải thiêng" nhân vật lịch sử.

 Mặc dù đây chưa phải là xu hướng nổi bật nhất trong văn xuôi hư cấu lịch sử Việt Nam sau Đổi mới, nhưng lại là xu hướng gây nhiều tranh cãi, bàn luận nhất. Công bằng mà nói, nếu hiểu theo nghĩa tích cực, thấu đáo, “giải thiêng” luôn gắn liền với cảm thức phân tích, luận giải, thụ hưởng lịch sử. Với hàm nghĩa này, lịch sử không chỉ thu gọn trong những biến cố, sự kiện, nhân vật qua cái nhìn ngưỡng vọng, chiêm bái, một chiều mà đã được mở rộng hơn, sâu hơn và “đời hơn”. Nhờ đó, văn xuôi hư cấu lịch sử đã đi vào bản chất: khám phá, phân tích, luận giải lịch sử, văn hóa và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp. Đây là một trong những dấu hiệu thể hiện sự đổi mới trong tư duy, cảm thức, cách tiếp cận và phương thức tự sự lịch sử của các nhà văn khi sáng tạo về đề tài lịch sử đương đại.


Tuy nhiên bên cạnh những dấu ấn và thành tựu không thể phủ nhận của xu hướng này, vẫn còn đó không ít tác phẩm lợi dụng vấn đề “giải thiêng” để hạ bệ, bôi nhọ thần tượng, huyền thoại dân tộc. Nhân danh đổi mới, tinh thần dân chủ; tự khoác cho mình quyền năng sáng tạo, hư cấu, một số cây bút đã khai thác quá mức các yếu tố thuộc bản năng, đời tư; tô đậm những khuyết điểm, lỗi lầm nhỏ; tùy tiện hư cấu, bịa đặt, xuyên tạc hòng quy kết về tư cách đạo đức, hoài nghi nhân tính, phủ nhận giá trị lịch sử, văn hóa của nhân vật lịch sử trong đời sống tinh thần dân tộc, từ đó gây ra cái nhìn méo mó, lệch lạc về các giá trị lịch sử và nhân cách văn hóa của nhân vật lịch sử vốn đã được định hình, được cộng đồng, dân tộc ngưỡng vọng, chiêm bái.

Trong bài viết này, chúng tôi xin điểm qua một vài tác phẩm mà ở một số chỗ, một số đoạn các tác giả đã “giải thiêng” thần tượng, huyền thoại dân tộc “hơi quá đà” bằng cách tô đậm cái bản năng tầm thường, đời sống tính dục thầm kín dẫn đến những điều “đáng tiếc”, ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng tác phẩm mà còn cho chính người viết.

Nguyễn Quang Thân trong Hội thề đã có cái nhìn cực đoan khi xây dựng hình ảnh các vị tướng lĩnh Lam Sơn ít học, nhỏ nhen, thô lỗ, ích kỉ, tham lam, cuồng sát bên cạnh vẻ lịch lãm, nghĩa hiệp, hào hoa, quân tử của tướng lĩnh nhà Minh. Đặc biệt hình tượng Nguyễn Trãi, vị thủ lĩnh tinh thần, nhà tư tưởng kiệt xuất của cuộc khởi nghĩa hiện lên như một bản thể cô đơn tận cùng. Vị quân sư tài ba của cuộc khởi nghĩa đã hơn một lần phải thốt lên “Tôi là một đời cô đơn!”. Bằng tâm hồn nhạy cảm, ông cảm nhận sâu sắc thân phận “nửa quan nửa tù”, thân phận khách của mình. Ông đơn độc tới mức chỉ có thể mở lòng mình như một tri âm tri kỉ với Thái Phúc, một hàng tướng Trung Quốc, điều mà ông không làm được với bất kì ai trong triều đình “quân ta”, ngay cả Thị Lộ, người vốn được coi là tâm đầu ý hợp với ông. Nguyễn Trãi trong tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân hiện diện như một tính cách yếu đuối, nhu nhược, thỏa hiệp. Với cái nhìn như vậy, tác phẩm đã phần nào thể hiện cái nhìn lệch lạc về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh, nhất là về người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, làm giảm đi khí phách oai hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Minh khiến người đọc không khỏi bức xúc.

Với quan niệm “phong thánh không phải nhiệm vụ của người viết văn”, Võ Thị Hảo trong tiểu thuyết Giàn thiêu đã “giải thiêng” huyền thoại Ỷ Lan và “trần tục hóa” nhân vật truyền thuyết Từ Đạo Hạnh. Việc Ỷ Lan cho xây lắm chùa chiền, trọng đãi tăng lữ, khuyến khích đạo Phật thực chất là sự “hối lộ” Phật tổ nhằm xóa đi tội lỗi đã giết hại tàn nhẫn Thái hậu Thượng Dương cùng bảy mươi sáu cung nữ năm nào. Với nhân vật lịch sử cũng là nhân vật huyền thoại tôn giáo Từ Đạo Hạnh, nhà văn đã “lật tẩy” sự ham hố quyền lực, bản năng dục vọng, sự ích kỉ nhỏ nhen của con người phàm tục. Khi đang được chúng sinh phục tùng, tin tưởng vì công giáo hóa và chữa bệnh cho họ, vị đại sư bỗng nhận ra rằng việc thao túng lòng tin của họ sao lại dễ dàng đến vậy. Càng khuyên họ xa rời trần tục, coi khinh vật dục, lòng thành hướng Phật để được hưởng sự sung sướng nơi Niết Bàn thì ông lại nghi ngờ niềm tin của chính mình về con đường đi đến Niết Bàn. Ngọn lửa sắc dục luôn thiêu đốt ông từng đêm, con rắn độc phiền não luôn chực chờ thức dậy vò xé, làm khổ ông, để rồi thiền sư quyết định bỏ rơi đệ tử, đầu thai vào nhà Sùng Hiền hầu, chờ đợi mười hai năm sau trở thành hoàng đế Thần Tông chót vót trên đỉnh cao quyền lực. Nghi lễ “đầu thai” thiêng liêng, huyền bí của Từ Đạo Hạnh - vị thiền sư từng được nhân dân tôn thờ, ngưỡng vọng được miêu tả hết sức tầm thường, trần tục: “Hồn bỗng thấy sinh lòng ham muốn cái thân thể đang bị che khuất gần hết dưới thân hình Sùng hầu. […] Hồn của Từ hăm hở ấp lên người phu nhân. Nhưng người phu nhân đã như vụt tan biến, chỉ còn hai đùi, cái bụng và một đường âm đạo hun hút, thăm thẳm và ẩm ướt, mang mùi tanh lợm pha trộn mùi oải hương”.
 

 

Yveline Féray trong Vạn Xuân đã nhìn thấy ở vị Bắc Đẩu bội tinh của làng Nho Việt Nam - Nguyễn Trãi một bản năng tính dục mạnh mẽ. Tiết đoạn miêu tả Nguyễn Trãi làm tình với người trinh nữ làng chơi, nữ văn sĩ người Pháp đã xử lí “hơi quá tay” bởi cái nhìn mãnh liệt của người phương Tây: “Chàng vật nàng xuống đáy thuyền và siết chặt nàng, giày vò nàng, chiếm trọn thân xác nàng một cách khéo léo và hùng hổ say sưa, không khác gì chàng đang xé xác một con chim con, ép nàng xuống đáy thuyền, chàng nâng lên hạ xuống như đóng đinh theo nhịp điệu đều đặn khiến cho bụng nàng hồng đỏ lên dưới ánh đèn, và rồi chàng xoay người quanh cái trục của chàng càng lúc càng nhanh càng lúc càng mạnh”.

Với quan niệm “tiểu thuyết không nhất thiết phải viết y chang như thật, có thể pha trộn nửa thật nửa ảo và có quyền phóng đại thực tế lên đến mức... tiểu thuyết”, Trần Vũ trong các truyện ngắn về lịch sử của mình đã thể hiện nhãn quan lịch sử phá cách, “lệch chuẩn”. Sự nỗ lực làm mới, làm khác trong việc xử lí chất liệu lịch sử là điều đáng ghi nhận ở tác giả này, song đôi khi “sự tùy tiện”, “phóng tay”, “phá phách” quá đà đã khiến nhiều nhân vật lịch sử bị méo mó, văn chương về lịch sử mất đi giá trị nhân bản và tính chân thực của nó. Nguyễn Huệ trong Mùa mưa gai sắc đọng lại trong độc giả là một bản thể “ác dâm”, “khổ dâm” trong đời sống tình dục với Ngọc Hân. Những tiết đoạn miêu tả đời sống tính dục thầm kín của Nguyễn Huệ đã thể hiện cái nhìn méo mó, nhằm hạ bệ, thóa mạ thần tượng dân tộc: “Huệ chụp lấy ngực áo cưới của Ngọc Hân xé toạc. Bằng hành động của con mãnh thú, Huệ xô ngã sấp Ngọc Hân ra giường, tháo dây đai quật xối xả lên tấm lưng mảnh dễ tưởng như giải lụa bạch đang oằn mình chịu đòn. Huệ quất như thúc voi, thúc ngựa, tiếng roi đánh chát chúa tóe lửa vun vút cuồng nộ”. Không những thế, Trần Vũ lại “tùy tiện” hư cấu biến thần tượng Nguyễn Huệ trở thành một tính cách bẳn gắt, thô tục, độc đoán, lạnh lùng, cuồng sát, giết người vô cớ. Còn trong Gia phả, hình ảnh Trần Thủ Độ, vị khai quốc công thần của triều Trần được khắc họa với sự lệch lạc, bệnh hoạn trong đời sống tính dục. Độ chỉ tìm thấy khoái cảm trong những hành động cuồng dâm đầy hung bạo với Trần Thị. Dù được khoác lên tấm áo “giải thiêng” nhân vật lịch sử, chuyên chở “ngụ ngôn” hay luận giải lịch sử, nhưng cách làm của Trần Vũ quả thật khiến nhiều người rùng mình, ớn lạnh.

Nhìn nhận con người dưới góc độ thầm kín, bị chế ước bởi đời sống bản năng, tìm ra “hạt nhân hợp lí” để luận giải sự thành công và suy vong của các triều đại trong lịch sử, Trở về Lệ Chi viêncủa Nguyễn Thúy Ái là minh chứng cho sự thất bại cả ở phương diện cảm thức lẫn nghệ thuật viết. Viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Thúy Ái đã hình dung ở người anh hùng dân tộc như một khối “libido” mãnh liệt, luôn loay hoay với những thang thuốc cường dương “nhất dạ ngũ giao” nhằm thỏa mãn cuộc vui giường chiếu với người vợ trẻ Thị Lộ. Hình ảnh Thị Lộ lại hiện lên là một người đàn bà đầy tham vọng, luôn chối bỏ thân phận nghèo hèn, tìm mọi cách bước vào xã hội quý tộc quyền thế; đồng thời là một bản thể ý thức được sức mạnh của vẻ đẹp và nhu cầu dục tình vô cùng mãnh liệt. Mối quan hệ không đoan chính với Thái Tông, sự ghen tuông của Hề - vị hôn phu cũ của Thị Lộ - là cái cách  Nguyễn Thúy Ái dựa vào để hình dung, lí giải tấn bi kịch Lệ Chi viên. Không có nhiều sự cách tân trong phương thức tự sự, cách xây dựng nhân vật và kiến giải lịch sử chưa thật sự hợp lí, truyện ngắn của Nguyễn Thúy Ái gây nên nhiều sự phản cảm nơi độc giả.

“Giải thiêng” luôn gắn với quá trình phân tích, luận giải, đối thoại lịch sử bởi cái đích mà mỗi người viết sử bằng văn chương hướng đến đó là tìm kiếm những giá trị lịch sử, văn hóa, đồng cảm với những số phận con người trong cuộc hành trình giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ gìn tiếng nói, văn hóa, phong tục. Không thể lợi dụng sự cởi mở, dân chủ trong không khí đổi mới cùng nhu cầu hiện đại hóa nền văn học nước nhà, lại càng không thể sử dụng quyền năng hư cấu của văn chương một cách tùy tiện, bất chấp chân lí lịch sử và chân lí nghệ thuật. Các tác phẩm lợi dụng sự “giải thiêng” để xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, hạ bệ, thóa mạ thần tượng, huyền thoại cần bị lên án, phê phán nghiêm khắc.

“Giải thiêng” là một xu hướng không thể cưỡng lại nhằm đa dạng hóa, thể hiện tinh thần dân chủ, bình đẳng trong cái nhìn về hiện thực lịch sử và bản chất con người. Vấn đề là nằm ở liều lượng, những giới hạn, những biên độ sáng tạo, hư cấu lịch sử phải được các nhà văn trăn trở, tìm tòi, chiêm nghiệm, thể hiện trong tác phẩm của mình. Quan trọng hơn cả là sự “giải thiêng” phải gắn với ý hướng luận giải lịch sử và khám phá con người có chiều sâu, nơi gửi gắm tình cảm sâu kín và cả những tư tưởng nhân sinh, triết học nhân bản của người nghệ sĩ.
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *