NHỮNG LÁ THƯ THỜI CHIẾN VIỆT NAM: MỘT THỜI HỌ ĐÃ SỐNG, ĐÃ YÊU NHƯ THẾ
Nối không gian và thời gian
Trong khuôn khổ sự kiện, hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”, đã , nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Nói về lịch sử, chúng ta thường hay nói tới di tích, nói tới chiến tranh chúng ta nói nhiều tới vũ khí đôi khi quên mất con người. Lịch sử không phải là vô nhân xưng, mà nó có thể để lại những tấm gương lớn, những khuôn mặt và tên tuổi lớn, nhất là đối với dân tộc Việt Nam chúng ta”. Theo ông Dương Trung Quốc, những bức thư vốn là phương tiện giao tiếp rất bình thường giữa con người với con người, rất riêng tư. Nhưng để nó trở thành một ký ức chung cho xã hội, có sức mạnh truyền trao qua các thế hệ thì đó là trách nhiệm của những người làm lịch sử và những người làm công tác bảo tồn, đó cũng là mong muốn của xã hội chúng ta đang sống. “Vì lẽ đó, chúng ta cần phải bảo tồn những giá trị to lớn của những bức thư trong thời chiến, đây cũng chính là góp thêm phần trách nhiệm của mỗi người trong thế hệ của chúng ta đối với đất nước” - nhà sử học cho hay.
Có thể nói, từ khi viết xong đến khi đem gửi cũng là khoảng thời gian rất dài, do vậy, để nhận được lá thư từ nơi chiến trường cũng có khi vài tháng, đôi khi thông tin đã là quá khứ, người gửi cũng không còn nữa hoặc khi tới nơi thì người nhận đã hi sinh. Những lá thư không chỉ là một không gian tinh thần, mà hơn hết đó còn là những tư liệu lịch sử sống động và chân thực nhất, như nhà văn Đặng Vương Hưng - tác giả của cuốn sách chia sẻ: “Những bức thư là những kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hi sinh và cống hiến ra sao…?”.
Những lá thư thời chiến còn đến hôm nay
Viết tiếp trang nhật ký
Ngày nay, khi vấn đề toàn cầu hóa được ngày càng lan rộng thì ý thức về lịch sử, dân tộc và bản sắc văn hóa càng được đề cao. Những câu chuyện nhỏ từ những bức thư đi cùng năm tháng thực sự là những tư liệu quý giá đối với các bạn trẻ Việt Nam - những thế hệ chưa từng trải qua chiến tranh và đang tìm hiểu về cội nguồn dân tộc mình. TS. Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ ( Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, thế hệ trẻ kế thừa tinh thần yêu nước của dân tộc ta, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong khói bom, đạn nổ. Từ đó biết phát huy tinh thần ấy, cùng nhau đoàn kết tạo thành sức mạnh đưa Việt Nam phát triển theo đúng di nguyện của thế hệ ông cha. “Những lá thư này mỏng manh, nhỏ bé nhưng nó chứa đựng bao nghĩa tình mà khi đọc nó, chúng ta biết mình là ai và đang ở đâu. Các bạn trẻ có quyền được tự hào về một dân tộc kiên cường sinh ra những lớp lớp thanh niên làm rạng danh cho tổ quốc”.
Đó là những thứ chúng ta hình dung ra một thời đại đã trải qua những không khí hào hùng, những nỗi buồn, những niềm vui. Chủ nhân của những bức thư đó vô tình trở thành một người chép sử, một người làm sử và có lẽ là người chép sử trung thành nhất, khách quan nhất. Hiện tại và tương lai, chúng ta sẽ khó có thể tìm thấy được một thước phim tài liệu, một tác phẩm văn học trọn vẹn về chiến tranh đến như vậy. Có mặt tại hội thảo, bà Lê Tú Cầm, cựu tù chính trị Côn Đảo chia sẻ, những bức thư như lời nhắc cho thế hệ trẻ về lý tưởng cao cả, hoài bão sống đẹp hơn, có ích hơn với đất nước và với cuộc đời này, để ta chiêm ngiệm, nhìn lại chính mình. Để nhớ rằng thế hệ cha anh đi trước họ đã cống hiến và hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho mùa xuân của đất nước. Thế hệ trước họ đã từng quan niệm “Tuổi trẻ đẹp nhất trên trận chiến chống quân thù” với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, mang sức trai “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” sẵn sang gạt những tình cảm, lợi ích cá nhân sang một bên, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Những con người - chủ nhân của những bức thư đó đã mãi mãi đi vào lịch sử, làm nên lịch sử. Qua những trang thư được viết vội trên những trang giấy, mảnh vải giờ đã ố vàng, và cũ nát. Chúng ta vẫn cảm nhận được những thông điệp mà họ đã vô tình nhắn gửi vào trong đó. Đúng như nhà văn Đặng Vương Hưng đã nói: “Giữa sự im lặng của những con chữ và từ những trang giấy mỏng manh đã cũ kỹ và ố vàng vì thời gian ấy, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hi sinh, cống hiến và thời đại chúng ta đang sống”. Và chúng ta sẽ tiếp tục là người kế thừa viết nên những trang lịch sử sáng người của đất nước, viết tiếp trang nhật ký của họ.
(Nguồn: Văn nghệ Quân đội) -KHÁNH MY