Ống kính phê bình

31/7
8:40 AM 2017

TỪ HỘI NGHỊ DỊCH GIẢ VĂN HỌC BA LAN TOÀN THẾ GIỚI

Lê Bá Thự - Tôi lại sang Ba Lan. Lần này theo lời mời của Viện sách trực thuộc Bộ Văn hoá và Di sản quốc gia Ba Lan. Họ mời tôi đến cố đô Krakow, dự Hội nghị dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới lần thứ IV, trong các ngày 8 – 12 tháng 6 năm 2017.

     2 giờ chiều ngày mùng 3 tháng 6 năm 2017, trời nóng như đổ lửa, ngày Hà Nội nóng nhất trong bốn mươi năm qua, 42 độ trong bóng râm, cắp chiếc áo vest trong tay, tôi đứng trước cửa nhà, chờ xe taxi, để ra sân bay. Đích mục sở thị tôi ôm chiếc áo vest trong tay, những người đi ngang qua nhà tôi trố mắt nhìn, rất đỗi ngạc nhiên, tưởng tôi là một thằng hâm tỷ độ, hay một kẻ to gan lớn mật toan vác nạng chống trời.

     17 giờ 30 cùng ngày, chiếc máy bay Boeing 777 của Hãng hàng không Qatar Airways cất cánh từ sân bay Nội Bài. Tôi rời Hà Nội, tạm biệt nắng nóng thủ đô, sang Ba Lan.

     6 giờ sáng ngày hôm sau, máy bay hạ cánh tại sân bay Warszawa. Con trai tôi mang xe đón tôi. Đón tôi còn có anh Lê Văn Mừng, chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hoá tại Ba Lan. Trong khí trời mát mẻ, nhiệt độ chỉ chưa đầy hai mươi, tôi ngồi trên xe đi vào thành phố. Xe bon nhanh trên con đường quen thuộc, hai bên là những hàng cây lipa thẳng tắp đang mùa ra hoa. Lipa chính là loài cây phổ biến nhất trên các đường phố thủ đô Ba Lan và đã đi vào thơ tôi trong bài “Hoa lipa và hoa sữa”.

     Ngày hôm sau, trước khi xuống Krakow dự hội nghị, tôi tranh thủ thăm Warszawa, để xem thủ đô nước bạn thay đổi như thế nào, có còn dấu vết của năm xưa. Cảm giác đầu tiên của tôi là Warszawa xanh, sạch, đẹp hơn những lần trước tôi đến đây rất nhiều. Đường phố hiện đại, sạch tinh, nhiều công viên, nhiều cây xanh, không khí trong lành, mát mẻ, dễ chịu. Rất nhiều toà nhà chọc trời mới xây ở trung tâm thành phố, thay thế những ngôi nhà cũ đã được đập phá. Tuy nhiên toà nhà cao nhất ở nơi này, thậm chí cao nhất Ba Lan, vẫn là Cung Văn hoá và Khoa học, xây dựng từ năm 1952 - 1955, quà tặng của Liên Xô cũ. Toà nhà 42 tầng này cao tới 237m, có rất nhiều căn phòng với nhiều chức năng khác nhau: Viện hàn lâm khoa học Ba Lan, Cung đại hội với 3.000 chỗ ngồi, văn phòng của nhiều cơ quan tổ chức, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát kịch…  Lên tầng 30 của toà nhà ta có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Warszawa. Trên đỉnh của cung văn hoá và khoa học này người ta lắp chiếc đồng hồ cực lớn có bốn đĩa mặt với đường kính 6m. Đây là tháp đồng hồ cao thứ ba trên thế giới. Nghe nói đã có thời gian người ta định phá sập toà nhà sừng sững như ngọn núi này, để xoá đi vết cũ. Tuy nhiên lý trí lành mạnh đã thắng. Tôi có cảm giác, toà nhà xám xịt bởi thời gian 65 năm, dẫu có phần tủi thân, vẫn sừng sững toạ lạc ở chính giữa thủ đô, vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Bất thình lình một câu thơ ngẫu hứng bật ra từ miệng tôi:

          Biết rằng vật đổi sao dời

         Mà Cung văn hoá ngút trời vẫn kia…

          Giữa trưa, đói bụng, tôi đi tìm một quán ăn bình dân có những món truyền thống mà tôi vẫn ăn hàng ngày tại nhà ăn sinh viên những năm tôi học Đại học bách khoa Warszawa, để ôn lại kỉ niệm xưa. Và tình cờ tôi đã gặp được một quán ăn hiếm hoi như vậy. Đây là quán ăn bình dân dành cho những người ít tiền, thu nhập thấp, những người về hưu. Tôi đứng xếp hàng mua vé ăn. Hàng khá dài, nhưng ai cũng kiên nhẫn chờ đợi như thời bao cấp. Thấy một bà già đẩy xe nôi với đứa bé trong xe, tôi chỉ tay nhường chỗ, nhưng bà cụ khoát tay bảo :”Cảm ơn anh, không cần thiết đâu anh ạ”. Tôi thấy xúc động. Đây chính là dân trí. Không lạm dụng khi thấy mình chưa cần. Tôi đã mua được những món ăn y hệt những món ăn thời sinh viên cách đây trên 50 năm. Đó là các món: xúp mì xáo gà, thịt thăn kotlet với khoai tây nghiền và nước quả. Tôi ngồi ăn ngon lành, ăn hết nhẵn, như hồi sinh viên sau giờ tan học bụng đói meo. Cũng xin nói thêm, hồi trước, đám sinh viên Việt Nam chúng tôi rất  thích món xúp mì xáo gà. Nó giống phở ở nước ta. Hôm nào có món này là chúng tôi thường vác đĩa xin bà nhà bếp múc thêm cho đĩa thứ hai. Tôi no bụng, tôi toại nguyện, hôm nay tôi đã tìm thấy tôi năm xưa, thời trai trẻ. 

     Ngày 8 tháng 6 tôi lên tàu hoả tại Ga Trung tâm Warszawa đi Krakow. Khác với cách đây bốn năm, tàu hoả bây giờ hiện đại hơn, đẹp hơn, em thuận hơn, ít tiếng ồn hơn, nhanh hơn nhiều. Nếu như trước đây đi Krakow, cách Warszawa trên  300 cây số, tàu hoả phải chạy mất khoảng bốn giờ đồng hồ, thì bây giờ chỉ mất chừng hai giờ. Bạn tôi bảo, từ hồi gia nhập EU, Ba Lan có nhiều đổi thay, nhất là đường sá hiện đại hơn trước, hệ thống đường cao tốc phủ khắp Ba Lan, hệ thống đường sắt cũng vậy, với những con tầu hiện đại như tôi vừa kể trên. 

     Trưa cùng ngày tôi có mặt tại cố đô Krakow, ở phòng một người tại khách sạn bốn sao có tên Novotel, toạ lạc ngay tại trung tâm thành phố, chỉ cách cung Wawel đoạn đường chừng 500 mét.

    Tối hôm sau tôi và đoàn dịch giả Việt Nam đã có cuộc giao lưu thân tình với bà con người Việt tại Krakow. Chúng tôi uống bia, ăn bún chả và cùng nhau trò chuyện rôm rả. Tôi thật sự bất ngờ khi được biết, người Việt ở Krakow chỉ độ vài trăm, ấy vậy mà có đến 70 nhà hàng ăn uống nằm rải rác trong cố đô này. Dân Krakow càng ngày càng ưa chuộng ẩm thực Việt Nam, đó là một trong những lý do cho sự hiện diện ngoạn mục này.  

     Sáng ngày 9 tháng 6 năm 2017, Hội nghị dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới lần thứ IV do Viện sách trực thuộc Bộ Văn hoá và Di sản Quốc gia Ba Lan tổ chức chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị ICE thành phố Krakow. Trong lời khai mạc của mình, Ông Dariusz Jaworski, Giám đốc Viện sách nhấn mạnh: Chúng tôi xem mỗi dịch giả văn học Ba Lan là một sứ giả của nền văn học Ba Lan trên thế giới. Chính họ đã đem văn hoá Ba Lan đến với thế giới. Gần 300 dịch giả, nói 40 thứ tiếng, đến từ 46 nước trên thế giới tham dự hội nghị. Đoàn Việt Nam gồm các dịch giả Lê Bá Thự, Nguyễn Thị Thanh Thư, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Chí Thuật và Thái Linh. Đến từ châu Á còn có các đoàn Trung Quốc (8 người), đoàn Nhật Bản (5 người), đoàn Hàn Quốc (2 người). Lúc đi xe buýt tình cờ tôi ngồi cạnh dịch giả người Pháp, ông Erik Veaux, 78 tuổi. Ông khoe với tôi, trong những năm 1976 – 1979 ông từng làm việc tại Hà Nội với tư cách là Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Pháp. Ông vẫn còn thuộc làu làu khu vực Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội. Chúng tôi vui vẻ trò chuyện với nhau, về Hà Nội, về Việt Nam.

     Đây là một một hội nghị dịch thuật chỉ sử dụng duy nhất một ngôn ngữ, đó là tiếng Ba Lan, một hội nghị làm việc, được tổ chức rất chuyên nghiệp, rất bài bản, rất thực chất và rất hiệu quả, không có những bài phát biểu chỉ đơn thuần ngoại giao và xã giao, mà chủ yếu cung cấp cho các dịch giả những thông tin, những hiểu biết cần thiết về văn học Ba Lan hiện nay, với sự tham gia của các nhà văn, các nhà bình luận văn học, các giáo sư văn học nổi tiếng và đại diện của hàng chục nhà xuất bản của nước này. Có tới gần 40 cuộc hội thảo chuyên đề về nhiều đề tài khác nhau, rất bổ ích và thiết thục đối với người tham dự. Chẳng hạn : Văn xuôi Ba Lan, Những hiện tượng thi ca thú vị nhất trong những năm vừa qua, Phê bình văn học đương đại ở Ba Lan, Những tác phẩm mới của các tác giả nổi tiếng Ba Lan, Tiểu thuyết chính trị Ba Lan sau năm 1989, Những cuốn sách mới của những tác giả trẻ, Văn học cho  thanh niên, Văn học cho thiếu nhi, Đời sống văn học ở Ba Lan (giải thưởng, festival, báo chí văn học), Tiểu thuyết lich sử hiện đại, Ngôn ngữ Ba Lan có gì mới, Kịch Ba Lan đương đại, Nền phóng sự Ba Lan có gì mới, Văn học đương đại Ba Lan trong nhà hát, Những truyện tranh Ba Lan thế kỉ XXI hay nhất vv…

      Sau hội nghị, các dịch giả văn học Ba Lan, trong đó có tôi, đã biết được sắp tới đây mình có thể chọn sách nào, tác giả nào, thể loại văn học nào để chuyển ngữ. Chi phí cho một hội nghị như vậy tuy khá tốn kém, vì phía bạn đài thọ toàn bộ chuyến đi của các dịch giả, như vé máy bay khứ hồi, ăn, ở, nhưng người tổ chức biết rõ, đó là những khoản chi phí rất “đáng đồng tiền bát gạo”. Bởi vì, sau mỗi hội nghị dịch thuật như vậy, mỗi năm sẽ có hàng trăm đầu sách văn học Ba Lan được dịch sang các thứ tiếng khác nhau. Trong 14 năm qua, chỉ riêng Viện sách Ba Lan đã tài trợ cho việc dịch và xuất bản trên 2.000 đầu sách văn học Ba Lan. Những đầu sách này được chuyển ngữ sang 48 thứ tiếng trên thế giới. Đó là chưa kể một số lượng sách dịch còn lớn hơn thế rất nhiều đã in không nhận tài trợ. Tôi ao ước, đến một ngày nào đó, văn học Việt Nam, một đất nước có số dân trên gấp đôi số dân Ba Lan, cũng sẽ làm được như thế, thậm chí hơn như thế.

  Cũng trong dịp này, Viện sách Ba Lan đã tổ chức trọng thể, tại nhà hát Slowacki, nhà hát lâu đời bậc nhất châu Âu, lễ trao Giải thưởng Transatlantyk (Con tàu xuyên Đại Tây Dương), giải thưởng dịch thuật hàng năm danh giá nhất Ba Lan, dành cho dịch giả văn học Ba Lan người nước ngoài xuất sắc nhất trong năm, gồm tiểu tượng con tàu xuyên Đại Tây Dương và số tiền mặt 10 ngàn EURO.  Dịch giả, nhà phê bình, nhà sử học văn học người Hung ga ri, ông Lajos Pádfalev, đã vinh dự được nhận giải thưởng này. Lễ trao giải thưởng nói trên đã được truyền hình trực tiếp.

     Tối 12 tháng 6 năm 2017, tại Warszawa, Hội người Việt tại Ba Lan, các hội đoàn, như Báo Quê Việt, Hội phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, Chi hội người Việt tại Raszyn, Trung tâm văn hoá Văn Lang, Quỹ hỗ trợ người Việt hội nhập tại Ba Lan, đã tổ chức cuộc giao lưu thắm tình quê hương với đoàn các dịch giả văn học Ba Lan. Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, ông Vũ Đăng Dũng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Ba Lan – Việt Nam, ngài Tadeusz Iwinski, đông đảo bà con người Việt và khách Ba Lan đã tham dự cuộc giao lưu. Các dịch giả Lê Bá Thự, Nguyễn Thị Thanh Thư  phát biểu ý kiến, thông báo với những người tham dự thành công của Hội nghị dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới lần thư IV và trao tặng các tác phẩm dịch của mình cho đại diện các hội đoàn. Vì trong cuộc giao lưu này có khá đông khách Ba Lan cho nên ngoài phát biểu bằng tiếng Việt tôi đã phát biểu bằng tiếng Ba Lan. Tôi nhấn mạnh: Không có một nước Đông Âu nào lại có nhiều tác phẩm văn học được dịch sang tiếng Việt như Ba Lan. Rất nhiều tác phẩm kinh điển và đương đại của Ba Lan đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Tại các kệ sách của các nhà sách tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác của Việt Nam luôn luôn hiện diện các cuốn sách văn học dịch từ tiếng Ba Lan. Có thể nói, văn học Ba Lan đã trở nên quen biết, thân thuộc với người đọc Việt Nam, sách dịch từ nền văn học Ba Lan càng ngày càng có nhiều fan mến mộ, khi có nhiều cuốn được tái bản. 

     Phát biểu tại cuộc giao lưu, Đại sứ Vũ Đăng Dũng đánh giá cao vai trò làm cầu nối cho văn hoá và  tình hữu nghị Việt Nam – Ba Lan của các dịch giả văn học Ba Lan của Việt Nam. Chủ tịch Hội hữu nghị Ba Lan – Việt Nam, Ông Tadeusz  Iwinski, cảm ơn và đánh giá cao thành tựu của các dịch giả văn học Ba Lan của Việt Nam và hy vọng rằng, sắp tới đây chẳng những ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Ba Lan được dịch sang tiếng Việt mà đồng thời cũng sẽ có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được trực dịch sang tiếng Ba Lan. Chủ tịch Hội người Việt tại Ba Lan Lê Thiết Hùng phát biểu chúc mừng thành công hội nghị của các dịch giả, những người bạn thân thiết của bà con người Việt tại Ba Lan. Ông cũng đã tặng đoàn dịch giả lẵng hoa tươi thắm và quà kỷ niệm của Hội Người Việt tại Ba Lan. Chương trình văn nghệ đặc sắc ”Giai điệu bốn mùa” dài gần tiếng rưỡi đồng hồ, với sự tham gia của các ca sĩ cộng đồng, đã làm cho cuộc giao lưu càng thêm nồng thắm tình quê hương.

     Hai hôm sau, tối 14 tháng 6, tôi lại có một cuộc giao lưu đầy tình nghĩa nữa, lần này với bà con xứ Thanh, do Hội đồng hương Thanh Hoá tại Ba Lan mà anh Lê Văn Mừng làm chủ tịch, tổ chức. Trong không khí đầm ấm tình đồng hương, chúng tôi trò chuyện cùng nhau, kể cho nhau nghe chuyện người Thanh Hoá ở Ba Lan làm ăn như thế nào, chuyện Thanh Hoá đổi thay như thế nào trong những năm vừa qua. Dẫu còn nhiều khó khăn, song có thể nói, tỉnh Thanh đã thay da đổi thịt với những công trình xây dựng tầm cỡ mà Khu Công nghiệp Nghi Sơn nhiều tỷ đô la, Khu du lịch Sầm Sơn hiện đại với khách sạn FLC ngày càng sầm uất, sân bay Thọ Xuân vừa mới xây dựng đã phát huy tác dụng tối đa…là những thí dụ hùng hồn. Đó là chưa kể, đường về Thanh Hoá ngày càng to đẹp và không bao lâu nữa, khi đường cao tốc Hà Nội Thanh Hoá hoàn thành, khi đó bà con mà về nước thì đi từ Hà Nội về quê chỉ mất chưa đầy hai giờ đồng hồ…

     Theo lời đề nghị của chị Kim Dung, tôi đã về thăm lại thành phố Lodz, nơi cách đây 53 năm tôi đã học tiếng Ba Lan, trước khi lên Warszawa học đại học. Tôi đã đến thăm Tập đoàn thương mại PTAK, nơi có nhiều bà con người việt đang làm ăn buôn bán. Ông Jacek Ptak, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn PTAK cùng vợ Marzanna, giám đốc điều hành, đã thân mật tiếp tôi. Hai ông bà có nhiều cảm tình với người Việt, đã và đang  giúp đỡ người Việt tại đây rất nhiều. Tập đoàn thương mại PTAK là tập đoàn lớn nhất Ba Lan, hàng đầu châu Âu. Khuôn viên tổ hợp PTAK rộng tới 300ha. Riêng Trung tâm thương mại PTAK có 3.000 gian hàng, trên 12.000 người làm việc, trong đó có trên 100 gian hàng của người Việt. Tôi đã trò chuyện với bà con người Việt tại đây. Đặc biệt, tôi đã trò chuyện với các chị Dung, chị Hiền, chị Yến, chị Liên, những công nhân thuộc đoàn thợ may sang Ba Lan năm 1989. Chính những chị em trong đoàn thợ may này, do gặp khó khăn trong công việc theo hợp đồng, đã dũng cảm tự cứu lấy mình bằng cách ra đường buôn bán. Và chính ”phong trào ra đường” này đã mở đầu cho cách làm ăn mới của người Việt ở Ba Lan. Cái giàu có của người Việt ngày nay cũng bắt đầu từ đây. Bây giờ phần lớn các chị đã thành bà nội bà ngoại cả rồi, có nhà cửa đàng hoàng, vẫn lạc quan yêu đời, hàng ngày vẫn cùng con cháu buôn bán tại PTAK mà người Việt vẫn quen gọi là Chợ PTAK.

     Tôi còn đến thăm một trung tâm thương mại nữa, đó là Trung tâm Thương mại ASG của người Việt, ở Warszawa, nơi có trên 400 gian hàng với khoảng 1.500 người Việt đang làm ăn buôn bán. Tiếp tôi tại văn phòng của Trung tâm, Giám đốc Hoàng Mạnh Huê nói: Đây là Trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại Ba Lan, nơi tạo công ăn việc làm cho bà con người Việt ở Ba Lan. Phía chính quyền Ba Lan coi trọng và đánh giá rất cao hoạt động của trung tâm thương mại này. Nó chẳng những tạo công ăn việc làm cho người Việt, mà còn cho cả người địa phương nữa. Từ ngày mở trung tâm ASG, tỷ lệ người thất nghiệp ở địa phương này giảm hẳn, vào loại thấp nhất Warszawa. Đó là chưa kể trung tâm còn giúp đỡ địa phương xây dựng trường học, làm từ thiện, xây dựng đường sá… Bộ mặt cả vùng này khác hẳn, đất đai ở đây có gía hơn trước rất nhiều. Lợi đôi đường, cho cả ta và cho cả cho bạn.

     Một chiều tối, tôi dạo chơi cùng vợ chồng hai em Phương Hương trong công viên Pole Mokotowskie ở trung tâm thủ đô Warszawa. Tôi lấy làm ngạc nhiên và thú vị khi bắt gặp bãi chiếu bóng ngoài trời. Bất thình lình tôi thốt lên câu thơ: Có bao thứ khoái trên đời/ Không bằng ngự ở ngoài trời xem phim. Tôi liền ngồi xuống xem, để nhớ lại những ngày coi chiếu bóng ngoài trời ở quê nhà, khi tôi còn nhỏ. Vì ở Việt Nam  bây giờ hình như không còn những bãi chiếu bóng ngoài trời như thế này nữa. Có ghế ngồi (ghế bố xếp) cho khoảng 300 người, những người còn lại có thể ngồi trên bãi cỏ để xem. Vào cửa tự do, không mất tiền, ghế ngồi thoải mái, có thể ngồi - nằm xem phim. Còn có cả loại ghế bố xếp, rộng gấp đôi cho cặp đôi nam nữ. Hỏi ra tôi được biết, mùa hè năm nay cả thủ đô Warszawa có đến 23 bãi chiếu bóng ngoài trời như thế này. 200 bộ phim hay sẽ phục vụ người xem. Thỉnh thoảng người xem còn được mời ăn bánh pizza, cũng miễn phí. Xem phim không mất tiền, ăn pizza không mất tiền. Tuyệt. Hà Nội có nên khôi phục lại các bãi chiếu bóng ngoài trời vào mùa hè hay không nhỉ?

     Trong thời gian nán lại Warszawa, tôi dành mấy ngày liền lang thang ở các nhà sách nhằm lùng tìm sách dịch. Và tôi đã tìm mua được một số cuốn sách khá ưng ý, để làm ”lương khô” cho vài năm sắp tới. Một số cuốn tôi cần mua không có tại nhà sách, tôi đã liên hệ mua qua mạng. Như vậy, lại một nhiệm vụ quan trọng nữa trong chuyến sang Ba Lan lần này tôi đã hoàn thành.

     Thú thực, tôi có rất nhiều bạn bè thân thiết tại Warszawa, ai cũng muốn mời đến chơi, sau nhiều năm không gặp lại nhau. Do thời gian eo hẹp, cố gắng lắm tôi cũng không thể thoả mãn được tất cả mọi người. Có ngày hai cuộc thăm liền mà vẫn không xuể. Đành hẹn các bạn tôi lần sau vậy.

     Khi sắp đến ngày về nước tôi thấy lo trong bụng. Vì vé máy bay khứ hồi của tôi qua Qatar, nước đang gặp trục trặc trong quan hệ với một số nước chung quanh. Rất may cho tôi, đường bay vẫn hoạt động bình thường. Và 18 giờ ngày 29 tháng 6 năm 2017 tôi đã về đến sân bay Nội Bài an toàn, kết thúc chuyến đi thành công mĩ mãn. Sau gần một tháng trời ở trên đất Ba Lan mát mẻ, dễ chịu, nhiệt độ chỉ khoảng 20 – 25 độ, không hề mất một giọt mồ hôi nào, kể từ giờ phút này, tôi lại cùng gần trăm triệu đồng bào nước ta chung sống với nắng nóng mà Ông Trời đã áp đặt cho đất Việt.

 

                                                                 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *