Ống kính phê bình

20/9
7:58 AM 2018

LƯU QUANG VŨ NHÌN TỪ MỘT GÓC “DI CẢO”: NHẬT KÝ

TÔN PHƯƠNG LAN-1. Trong bài viết về Lưu Quang Vũ trên tạp chí Văn học số 12 năm 1966, nhà phê bình danh tiếng Hoài Thanh đã nói về “một chút ngơ ngác không hiểu” của mình khi nhớ lại “hình dáng loắt choắt của một chú bé ngày nào và đọc những bài thơ hôm nay”. Ông thắc mắc: “Làm sao mà có sự lớn lên nhanh chóng như vậy. Làm sao mà có được sự già dặn trong cảm xúc, suy nghĩ, cả trong giọng nói, lời thơ”.

                                                                           Nhà thơ Lưu Quang Vũ

Và linh cảm như mách bảo ông, rằng “nhất định anh sẽ đi xa”. Lúc bấy giờ thơ Lưu Quang Vũ mới được in rải rác trên các báo. Hai năm sau, năm 1968, hai mươi tuổi, Lưu Quang Vũ cùng Bằng Việt ra chung tập thơ Hương cây - Bếp lửa. Cùng trang lứa với anh - thế hệ những nhà thơ chống Mĩ - có lẽ anh là người có sách ra khi tuổi đời còn trẻ nhất. Rồi bẵng đi một thời gian. Rồi anh nổi tiếng trên kịch trường. Những vở diễn của anh không chỉ là lực hút với hàng vạn khán giả thời ấy mà thực sự đã nuôi sống nhiều đoàn nghệ thuật cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Rồi tai nạn thảm khốc xảy ra với gia đình anh. Tôi còn nhớ ba mươi năm trước, khi gia đình tôi ở trong khu tập thể 20 Lý Thái Tổ, là hàng xóm của nhà phê bình sân khấu Tất Thắng. Tối hôm ấy, có một đồng nghiệp hốt hoảng đến báo tin dữ: “Thắng ơi! Lưu Quang Vũ cùng với Xuân Quỳnh và thằng Mí bị tai nạn giao thông ở cầu Phú Lương dưới Hải Dương và… đi cả rồi”. Ở bên nhà mình, tôi hét lên rồi lặng người. Một lúc sau, định thần, tôi chạy sang nhà Kim Vinh (mấy năm sau cũng mất do tai nạn giao thông ở Tiệp Khắc) vì Khánh Thơ, em gái anh Vũ, là đồng nghiệp cùng phòng làm việc với chúng tôi. Hai chị em cùng bàng hoàng và ngồi khóc. Sau đám tang đông nghịt người ở 51 Trần Hưng Đạo, còn có hàng trăm người đứng dọc con phố dẫn về ngôi nhà 96 Phố Huế và những nơi xe tang đi qua. Người đời xót thương đối với sự ra đi đột ngột của ba thành viên ruột thịt trong cùng một gia đình, người hâm mộ xót thương cặp vợ chồng nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng. Riêng Lưu Quang Vũ thì bấy giờ đang nức tiếng ở cả trong Nam ngoài Bắc, đêm đêm các rạp hát lớn ở các thành phố sáng đèn với những tấm panô rất to kiêu hãnh giới thiệu, mời chào những vở kịch do anh viết kịch bản. Những năm ấy, phải nói là Lưu Quang Vũ đã tạo điều kiện cho nhiều diễn viên, đạo diễn có cơ hội thể hiện năng lực của mình, và khán giả tìm đến các rạp hát là tìm đến với sự đồng cảm, sẻ chia về những vấn đề của đời sống đang đặt ra lúc bấy giờ.

Về Lưu Quang Vũ, ngoài cuốn Lưu Quang Vũ - về tác gia và tác phẩm, các đồng nghiệp, bạn bè, người thân, các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, học viên cao học... đã viết rất nhiều. Từ nhiều góc nhìn, Lưu Quang Vũ đã được khẳng định là một tài năng đích thực và có đóng góp lớn cho văn học, nhất là thơ và kịch trong hơn hai thập niên gần cuối thế kỉ trước. Có thể nói, Lưu Quang Vũ như một vệt sao băng trên kịch trường với những vấn đề nóng đặt ra trong thời điểm đó. Anh thành một nhà viết kịch trực chiến, nói theo cách nói giờ ít được sử dụng là muốn “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”, khi mà bấy giờ xã hội đang đặt ra rất nhiều vấn đề bất cập sau hơn mười năm hậu chiến và đang bước vào thời kì Đổi mới. Tuy nhiên, trước tiên anh là một nhà thơ bởi anh đến với thơ rất sớm, bởi “thơ là nơi anh kí thác nhiều nhất, trước sau cốt cách thi sĩ vẫn là nét trội nhất trong tâm hồn anh” (Vũ Quần Phương). Sau khi anh mất, tập thơ Mây trắng của đời tôi và Bầy ong trong đêm sâu ra đời đã gây được sự chú ý của công luận. Thơ Lưu Quang Vũ đưa lại một tiếng nói khác lạ về lẽ đời và thời cuộc.
 
2. Để cắt nghĩa rõ hơn những thành tựu nghệ thuật của Lưu Quang Vũ, thiết nghĩ, cũng cần thiết phải hiểu thêm con người anh trước đó. Ngược về tuổi trẻ của anh với những trang nhật kí học trò và những ngày đầu quân ngũ trong Di cảo (gồm nhật kí và thơ), ta hiểu hơn tố chất con người anh, những tiền đề để có sự phát sáng của một hồn thơ Lưu Quang Vũ vào giữa những năm sáu mươi, và sau đó là một kịch tác gia nổi tiếng.

Sinh ra trong một gia đình văn nghệ sĩ, lại sống trong một khu tập thể của các gia đình văn nghệ sĩ, từ nhỏ, Lưu Quang Vũ đã được tắm gội không khí nghệ thuật để sau này anh bộc lộ năng lực của mình. Thói quen đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, và tất nhiên những bộ tiểu thuyết hay, kinh điển đều được anh đọc ở tuổi học trò. Anh rất mê viết nhật kí, mê vẽ và gần như thường xuyên đi xem phim trong rạp, được cha đưa đi nhà hát xem các vở diễn mới dàn dựng, được tiếp xúc với các văn nghệ sĩ. Nói thế để thấy, ngay từ thuở thiếu thời, Lưu Quang Vũ đã ít nhiều sống trong một môi trường thuận lợi để năng khiếu của anh được ươm mầm, nuôi dưỡng. Cha anh coi con như bạn, rất chiều con nhưng cũng rất ý thức trong việc giáo dục con. Trong nhật kí của mình, anh ghi đậm lời cha dặn: “Con muốn làm nghệ sĩ, nhà văn, họa sĩ hay nhà thơ, thì trước nhất con hãy làm Người đi đã”. Lời dặn đó với anh như một tâm niệm. Cha anh lặng lẽ quan sát mọi việc con làm, nhắc nhở nhưng tôn trọng các quyết định của con và ít khi biểu lộ cảm xúc của mình, kể cả sau này khi anh nhập ngũ. Ông kể anh nghe nhiều chuyện, trong đó ấn tượng nhất là chuyến đến thăm Hàn Mặc Tử trong trại phong mấy mươi năm về trước. Chuyến xe ông thuê phải đỗ cách trại hủi hai cây số. Một mình ông đi vào trại trên con đường lạnh vắng, nhận biết đằng sau những bức vách đơn sơ là nhiều đôi mắt người bệnh dõi theo bước chân ông và có cả cái vẫy của những bàn tay cụt ngón. Lúc này bệnh tình của Hàn Mặc Tử đã rất nặng và ông phải nói chuyện với thi nhân qua năm hàng dây thép gai. Cuộc gặp gỡ và chia tay rất cảm động thể hiện mối quan hệ bằng hữu giữa các văn nhân đã gây ấn tượng mạnh cho Lưu Quang Vũ, để rồi sau này trưởng thành hơn, anh học cách hành xử đó với bạn bè. Tính cách và tình yêu con của người cha đã tác động rất nhiều đến Lưu Quang Vũ, nhất là sau sự ra đi đột ngột của ông, anh làm nốt những việc cha đang làm. Mẹ anh là một người phụ nữ Hà Nội gốc. Bà thương con một cách nhẫn nhịn, lặng lẽ và chu đáo. Là anh cả của ba đứa em (lúc này nhà anh mới chỉ có bốn người con), nhật kí của anh bao giờ cũng dành cho các em tình cảm hết sức yêu thương: đưa em đi chơi, đưa em đi xem, cùng em đi đá bóng, đến tận nơi sơ tán xem em ăn nghỉ thế nào... Là người sống tình cảm, dành nhiều yêu thương cho bố mẹ, các em, gia đình với Lưu Quang Vũ như một bến đỗ cho con thuyền đời anh neo đậu. Có lẽ vì thế mà sau này, khi gia đình nhỏ của anh tan vỡ, công ăn việc làm chưa có (lúc này bố mẹ anh đã sinh thêm hai người con), anh có những chới với, chênh chao, những khổ tâm... như chúng ta đã biết.

Trở lại nhật kí tuổi học trò của Lưu Quang Vũ, ta thấy lúc bấy giờ anh đã bộc lộ tư chất của một nghệ sĩ. Viết - bao gồm cả làm thơ và ghi nhật kí - với anh là một nhu cầu không thể thiếu. Anh không nhớ bài thơ mình viết đầu tiên mà chỉ nhớ năm mười tuổi anh bắt đầu làm thơ. Đắp đường, Miền Nam bất khuất, Anh lính Angiêri, Bà hàng bánh ơi, Gửi bạn, Sổ tu dưỡng, Bắc Nam, Bác Hồ..., ngay tên các bài thơ đã cho ta thấy ý thức hướng ngoại của chủ thể cho dù lúc này Lưu Quang Vũ còn ở tuổi vị thành niên. “Muốn đem hết sức mình mà làm thơ, mà viết văn để ca ngợi cuộc sống, để phục vụ cho đời yêu mến”. “Mình là mình. Không ai có thể ngăn cản cuộc sống của mình, can thiệp vào việc đời mình. Mình không rút lui vào tháp ngà nghệ thuật đâu nhưng mình sẽ để tâm hồn vào những việc khác kia: vào những cái cao đẹp hơn. Nghĩa là: sẽ dành một nửa bộ óc cho các việc xã hội, xã giao, một phần mười trái tim cho tình yêu còn chín phần mười trái tim và một nửa bộ óc còn lại cho nghệ thuật”. Trong nhiều trang nhật kí, thỉnh thoảng anh lại có những nhận xét nghiêm túc như một tổng kết về bản thân mình. Như vậy là ngay từ năm mười lăm tuổi, Lưu Quang Vũ đã có ý thức dành tất cả cho nghệ thuật. Ban đầu niềm say mê ấy ít nhiều mang tính bản năng, dần dần hình thành quan niệm sáng tác, ý thức nghề nghiệp sâu sắc. Anh tranh luận với bạn bè, thẩm văn bạn và văn mình, rút ra những nhận xét khá tinh tế. Anh cho rằng: “Quan trọng nhất là cuộc sống và tình cảm của người viết: ví dụ như một nhành khô đâm chồi, người khác thì không để ý tới nhưng người viết văn thì phải thấy rung động, phải có một tâm hồn nhạy cảm đối với cả từng mùi hương”. “Người cầm bút phải sống gấp nhiều lần người thường vì anh ta không phải chỉ sống cho anh mà còn sống cho muôn vạn sáng tác của anh, của bao nhiêu người”. “Bước vào đời, hãy hiến dâng cho đời tất cả những gì đẹp đẽ và nhân đạo nhất của trí óc và tâm hồn anh. Hỡi thi nhân! Đừng khen hoa hồng đẹp, hãy làm cho hoa hồng nở trong tâm hồn anh”.

Xuyên suốt trong nhật kí là tình yêu của Lưu Quang Vũ đối với Hà Nội, với vùng đất Phú Thọ nơi anh được sinh ra và nỗi nhớ về quê nội ở miền Nam nơi anh chưa một lần được đặt chân đến. Chuyến đi cùng bố trở lại chiến khu xưa thật sự đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn anh. Nguồn cảm xúc ấy đã được ghi trong nhật kí từ 23 đến 26/6/1963, để sau này anh có bài thơ Thôn Chu Hưng cùng nguồn cảm xúc tươi mát về thôn quê trong một số thi phẩm khác ra đời khi Lưu Quang Vũ đã là một anh bộ đội thời chiến từng đặt chân qua nhiều làng quê. Trong Di cảo, Hà Nội với Lưu Quang Vũ không chỉ là môi trường anh sống, học tập. Đó còn là một không gian văn hóa đặc sắc mà chợ hoa với không khí chợ, cách chọn hoa, viết câu đối Tết... là những ví dụ sinh động. Hà Nội với thiên nhiên đa sắc, với những người bạn đồng tuế, đồng môn chia bùi sẻ ngọt, với những người bạn, anh chị em của bố mẹ... luôn đem lại cho anh những xúc cảm sâu lắng. Trong tâm hồn một chàng trai mới lớn không thiếu những lúc chán nản, bực bội nhưng bao giờ cũng khao khát được học, được làm những việc mà mình yêu thích. Trước đó Lưu Quang Vũ thích vẽ và vẽ khá nhiều tranh (anh được phát huy năng khiếu này khi vào bộ đội và giai đoạn đầu làm việc cho tạp chí Sân khấu). Dần dần anh chuyên sâu hơn về thơ. Và cảnh sắc thiên nhiên anh ghi lại trong thơ vừa có đường nét, màu sắc hội họa vừa đan xen những cảm xúc của một ngòi bút trữ tình. Không gian Hà Nội đẹp trong những hoàng hôn bên hồ Hoàn Kiếm, buổi sáng bên bờ sông Hồng, buổi chiều đông cũng bên bờ sông Hồng trong màu xám của sương và gió lạnh; Hà Nội trong những đêm đi chơi cùng bè bạn, những đêm nghe hòa nhạc ở Nhà hát lớn, ở những phố cổ, của những ngày chia tay nhau sau khi kết thúc năm học. Rồi Hà Nội của những ngày đầu chiến tranh. Ý nghĩ của anh về Hà Nội trong nhật kí ngày 8/10/1965 như là một nhận thức về chiến tranh và văn hóa: Nếu Hà Nội bị tàn phá thì có thể xây lại được như Vacsovi nhưng những ngõ Phất Lộc, Hàng Buồm, Hàng Cân, Hàng Đào thì không thể xây lại... Ý nghĩ đó của anh cũng giống của nhiều người yêu nước rất biết yêu quý một Hà Nội cổ kính đầy những trầm tích văn hóa. Chúng ta có thể xây dựng lại một thủ đô “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” nhưng không thể xây dựng lại những con ngõ xưa, những ngôi nhà cổ đã đi vào nghệ thuật trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, không thể xây dựng lại được một không gian đặc biệt đã đi vào kí ức của bao người con Hà Nội, vì nhiệm vụ giữ nước, đã lên đường. 

Mải mê theo đuổi ước mộng về văn chương và nghệ thuật, Lưu Quang Vũ vẫn luôn dõi theo tin tức chiến trận, và như mọi thanh niên thời ấy, anh vui mừng trước mỗi chiến công của quân và dân ta cũng như bừng bừng căm giận kẻ thù trước những hành động gây tội ác. Một Hà Nội với những thanh niên trai tráng háo hức tòng quân, với việc trường học đóng cửa, học sinh sơ tán về các vùng ngoại thành và nông thôn, các cơ quan cũng di dời ra các vùng xa Hà Nội. Cứ thế, các gia đình chia năm xẻ bảy. “Miền Bắc đang có phong trào viết đơn xin nhập ngũ. Lòng mình cũng bừng bừng biết bao. Chiều viết một lá đơn đầu tiên, đặt bút xuống trang giấy, thấy thiêng liêng và xúc động: được cầm súng chiến đấu lúc này thì hạnh phúc biết bao. Nóng lòng chờ kết quả, xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc”. Tin thắng trận làm anh náo nức hơn. Trong nguồn cảm xúc dào dạt đó anh “bỗng thấy chán cho những tập thơ mấy năm về trước của mình”. “Thơ ta ơi, hãy là gươm là súng cho cuộc đấu tranh vì tự do và hạnh phúc của đất nước, của nhân dân”. “Hà Nội có tan hoang đi cũng còn hơn là Hà Nội làm nô lệ”. Trong Di cảocủa Nguyễn Minh Châu có nói về hội chứng đám đông đối với một số người vì sĩ diện với bạn bè mà nhập ngũ, mà tham gia chiến tranh. Riêng với Lưu Quang Vũ, những trang nhật kí của anh cho chúng ta nhìn rõ con người anh: sống rất thật với lòng mình. “Mình muốn đi bộ đội, ước chi họ nhận mình. Được cầm súng, mình vừa đền đáp được ân tình của đất nước, trả thù được cho miền Nam thương yêu, vừa có một lò lửa cách mạng để tôi luyện cho tâm hồn và tư tưởng mình, làm nguồn, làm vốn sống cho lời văn, câu thơ, nét vẽ” (nhật kí ngày 30/3/1965). 
 
3. Thấm thoắt đã ba mươi năm kể từ hung tin Lưu Quang Vũ ra đi. Trong kí ức của mọi người, anh vẫn trẻ mãi gương mặt của một người tuổi bốn mươi - một gương mặt thông minh và đôn hậu. Trước mắt tôi, những đêm các rạp hát ở Hà Nội sáng đèn đông chật người xem những vở diễn của anh do các đạo diễn tài ba như Nguyễn Đình Nghi, Phạm Thị Thành dàn dựng ngày nào vẫn như đang hiển hiện; những con phố Hà Nội thanh bình, êm ả cả giờ tan tầm như vẫn thấp thoáng đâu đây. Đọc lại nhật kí của Lưu Quang Vũ trong Di cảo, càng thấy tiếc quý một tấm lòng, một tài năng đang vào độ chín “thoắt gãy cành thiên hương”... 
 
 T.P.L
______
 
1. Di cảo Lưu Quang Vũ, Lưu Khánh Thơ
biên soạn, Nxb Trẻ, 2018.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *