"GIỜ LÀ LÚC TÔI QUAY TRỞ LẠI VỚI VĂN CHƯƠNG..."
Như vanvn.net đã đưa tin: Ngày 17-9-2018 tại Nhà khách Chính phủ (số 2 Lê Thạch-Hà Nội), NXB Hội Nhà văn đã tổ chức giới thiệu tập thơ 3 quyển Giấc mơ sông Thương của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành và 18 bức họa sơn dầu phụ bản của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, Ban lãnh đạo NXB Hội Nhà văn, Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam Khóa 9... cùng đông đảo các nhà nghiên cứu-phê bình văn học, đồng nghiệp và công chúng đã đến dự và phát biểu về tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành và tác phẩm Giấc mơ sông Thương. vanvn.net xin giới thiệu bài phát biểu cảm ơn của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành tại buổi lễ trên đây:
Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành
Kính thưa các quý vị đại biểu, các đồng nghiệp và bạn hữu!
Sau hai mươi năm thu mình trong bộn bề mưu sinh, trong toan lo thường nhật, trong thân phận một người lao động chân chính, lấy cần lao để vui sống, giờ là lúc tôi quay trở lại với văn chương, quay trở về đúng với tên gọi của mình: Nguyễn Phúc Lộc Thành - cái tên mà thập kỷ 90 thế kỷ trước, khi còn học khoá 5 Trường viết văn Nguyễn Du, đã vinh hạnh được đời chấp nhận cho in trên bìa của vài tập tiểu thuyết, truyện ngắn. Cái tên có bốn chữ, nhưng trong 1/4 đời người, đã bị công cuộc tiền bạc, mưu sinh cướp đi chữ Lộc, để hai mươi năm qua, vất vưởng nơi đầu đường, góc chợ, chỉ còn lại chơ vơ ba chữ Nguyễn Phúc Thành!
Thưa quý vị! Tôi như tu đã một phần đời người, gõ triệu tiếng mõ, mòn vạn hạt tràng, để hạnh phúc vô bờ trong ngày hôm nay, được nhận lại đúng tên bút danh, cái tên như thể là giời đày: Nguyễn Phúc Lộc Thành!
Tôi đến với thơ từ sớm, trước khi học 5 năm Nguyễn Du, rồi trở thành một công dân viết văn xã hội chủ nghĩa. Tôi đã bỏ viết 20 năm, giờ là lúc trở lại cùng tri kỷ của đời để viết nên 108 bản Giấc mơ Sông Thương. Đến với thơ, tôi đã từng nghĩ, để có thơ hay, không nhất thiết phải màng đến thế sự như văn xuôi. Thơ có thể thoát ra khỏi đời sống chính trị. Tôi tìm đến thơ, kỳ vọng ở một cảnh giới cao hơn văn xuôi. Tôi luôn tin tưởng vào sứ mệnh của thơ là hướng đến cái đẹp, những giá trị chân - thiện - mỹ ở thơ, như thứ phù sa âm thầm bồi đắp thiên lương, góp phần cải hoá xã hội, tương tự việc tranh đấu trực diện với cái xấu, với cường quyền của văn xuôi, nhưng không bằng con đường búa lớn đao to. Tôi hằng kỳ vọng vào sự thức tỉnh của con người, của mọi thế lực trước cái đẹp, qua con đường thi ca. Liệu đó có phải là ảo tưởng hay không?
Thưa quý vị! Sau một năm lao động, tôi đã hoàn thành xong 3 tập lục bát, nay in gộp thành 1 tập, lấy tên chung là GIẤC MƠ SÔNG THƯƠNG, trong đó gồm 3 quyển: Quyển 1 với 36 thi phẩm Giấc mơ Sông Thương; Quyển 2 với 36 thi phẩm Chiều; và Quyển 3 là 36 thi phẩm Chân quê. Riêng 36 bài Chân quê, tôi khởi bút viết và kết thúc trong 48 đêm lao động, bởi ban ngày tôi còn vướng bận mưu sinh.
Tập Giấc mơ Sông Thương của tôi vinh hạnh được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ mới 18 bức tranh sơn dầu để làm phụ bản cho tập sách. Xin cảm tạ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người đã mất gần năm trời lao động nghệ thuật để có 18 bức sơn dầu tuyệt đẹp, với sự hi sinh vô cùng thầm lặng. Còn nhớ, lần đầu anh đọc xong 36 bản Giấc mơ Sông Thương, khi tôi đặt vấn đề xin tranh cũ của anh để làm bìa, anh bảo: ”Tôi sẽ vẽ mới cho ông khoảng hai chục bức, vẽ từ cảm xúc khi đọc từng câu trong Giấc mơ Sông Thương, bức nào chưa đạt yêu cầu thì bỏ đi vẽ lại, sau đó tôi sẽ tặng cho ông toàn bộ các bức tranh gốc...”. Tôi nghẹn lời. Thử hỏi văn đàn xưa nay, đã có được mấy nghĩa cử tương tự như thế, mà bạn văn đã dùng để đối đáp với nhau?
Một năm lao động thi ca, xin cảm ơn các nhà thơ: Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến; các nhà văn: Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh; các nhà phê bình văn học: Ngô Văn Giá, Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên... đã chỉ bảo, động viên, góp ý giúp tôi chỉnh sửa và hoàn thiện 3 quyển lục bát trên. Đặc biệt biết ơn nhà phê bình văn học Nguyễn Hữu Sơn, người có thể đọc thuộc làu chương 1 tiểu thuyết Cõi nhân gian của tôi, đã 20 năm qua luôn động viên tôi viết trở lại, và thường xuyên góp ý cho tôi về chuyên môn. Cảm ơn nhà thơ em Nguyễn Quyến, người đã âm thầm, lặng lẽ theo dõi, cổ vũ tôi hoàn thành 108 bản lục bát này.
Xin ngàn lần cảm ơn mẹ tôi, người mẹ cao quý, là hình tượng, là cảm xúc vô bờ để tôi viết nên một seri 24 bài lục bát Mẹ trong Giấc mơ Sông Thương.
Cảm ơn em, người đàn bà thuỷ chung, đôn hậu. Em như dòng Thương ngọt ngào đầy ma mị, dẫn dụ, mê hoặc tôi bằng bùa ngải là những câu sáu tám lấp lánh phồn sinh.
Xin cảm tạ Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã đỡ đầu tôi ra mắt tập lục bát này.
Ân thật nặng, nghĩa thật sâu cho một cuộc trở về với bản thể sau đằng đẵng 20 năm lưu lạc.
Xin trân trọng cảm ơn tất cả!