LƯƠNG KY – TỪ “LỐI VỀ” ĐẾN “CHIẾU GIANG” VÀ “NGƯỜI ĐÁ”...
CAO NGỌC THẮNG - Kỹ sư cơ khí-luyện kim Lương Việt Hùng đến với văn chương không phải ngẫu nhiên, nhưng cũng chẳng hề xuôi chèo mát mái. Sinh ra ở cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, đầu thế kỷ 21 ông mới đăng đàn báo Văn nghệ với truyện ngắn “Lối về” dưới bút danh Lương Ky. Tôi gặp tác giả Lương Ky sau khi đọc truyện ngắn “Chiếu giang” trên báo Văn nghệ. Lúc này ông cùng gia đình đã chuyển từ thành phố Tuyên Quang về cư trú tại Hà Nội. Lần đầu gặp gỡ, tôi ngỡ ông chưa đến tuổi 60, càng ngạc nhiên khi biết ông là một kỹ sư. Ông trẻ hơn tuổi ở sự hoạt bát, cởi mở và hóm hỉnh. Lâu dần, tôi nhận ra mình có được tâm trạng vui vẻ, thoải mái mỗi khi tiếp xúc với ông bởi tính cách điềm đạm, tinh tế, chu đáo, vốn hiểu biết về miền núi phía Bắc khá chắc chắn và sâu sắc. Trong ông, “con người văn nghệ” trội hơn hẳn “con người kỹ thuật”.
Sinh ra và lớn lên tại Yên Bình (trước đây thuộc Tuyên Quang, sau cắt về Yên Bái), tuổi Kỷ Sửu (1949), Lương Đức Hùng đã từng tu nghiệp ở Liên Xô (cũ), từ năm 1973, tại trường Đại học Bách khoa Donhetsk. Biệt danh Vitia Luongsky bắt nguồn từ đây (Vitia có nghĩa là Việt – anh bạn họ Lương người Việt), do các bạn Nga đặt, sau này ông rút gọn thành bút danh Lương Ky. Về nước, ông công tác tại Khu Gang thép Thái Nguyên, sau đó chuyển về tỉnh Hà Tuyên, khi tách tỉnh ông ở lại Tuyên Quang. Một vài nét trích ngang vậy thôi, nhưng lại ẩn chứa trong ông rất nhiều kỷ niệm về nước Nga Xô-viết thời hoàng kim và miền quê “hương rừng gió núi” bên tả ngạn sông Hồng. Khi vui cùng bầu bạn, ký ức về nước Nga từ ông trào ra qua giọng hát ngọt ngào, đằm thắm và da diết. Lương Ky hát những bài hát Nga bằng tiếng Nga thành thục và điêu luyện, khiến người nghe rung động, hình dung thấy trước mắt mình những thảo nguyên bát ngát, uốn lượn mềm mại, những rừng bạch dương vươn cao thẳng vút, những dòng sông trong xanh êm đềm, những con người đôn hậu, mến khách và cũng ngoan cường gánh trên vai sứ mệnh lịch sử mang tầm vóc thời đại. Ngược lại, Lương Ky dành toàn bộ tình yêu, cảm xúc, sự hiểu biết về mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn, những vùng núi non, sườn dốc, đỉnh đèo, lòng thung, cuộc đời pha sương, chống chọi lũ quét, đá trượt để làm nên màu mỡ thảm ngô, nương lúa, phong tục, hội hè, mà ông đã đặt chân tới, gửi gắm tâm tình vào những trang viết.
Truyện ngắn Lương Ky xuất hiện từ năm 2000. Nay trong tay ông đã có gần 50 truyện ngắn và tiểu thuyết, trong đó nổi bật là các tập: “Bông sen bằng sắt” (NXB Văn hóa dân tộc, 2002; tái bản lần thứ nhất năm 2003), “Lột xác” (NXB Hội Nhà văn, 2007), “Người đá” (NXB Lao động, 2012 - Giải thưởng văn xuôi Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt nam, 2013) và những truyện in rải rác trên các báo. Mới đây, vào cuối năm 2018, Lương Ky cho ra mắt cùng lúc 2 cuốn sách: “Chiếu giang”-Tập truyện ngắn chọn lọc, và tiểu thuyết “Người đá”, cùng do NXB Văn học ấn hành. Đọc truyện ngắn Lương Ky cho ta thấy một tác giả miền núi thực thụ. Ở đó toát lên tính cách con người, tâm tư của đá, tình của cây, của đất, của mây, của suối. Ông kể chuyện bằng giọng tâm tình, không ồn ào, không khoa trương, nhẹ nhàng mà sâu sắc, thể hiện rõ sự quan sát từ tốn, chắt chiu. Nhưng, không chỉ thế, truyện của Lương Ky phản ánh những đổi thay có phần nghiệt ngã, từ cảnh sắc núi rừng đến suy tư trong lòng người, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường chứa đựng nhiều bất trắc có xu thế lan rộng tới vùng cao heo hút.
Xung quanh cây lộc vừng bên bờ suối Cả, không những chỉ xảy ra sự tranh chấp giữa một bên là quyền lực kèm theo lòng tham, muốn bứng cây lộc vừng về phố huyện cho quán thằng con trai có nhiều lộc, một bên là tình yêu rừng, bảo vệ rừng; truyện còn khơi lại nỗi đau trong quá khứ về mối quan hệ giữa nữ công nhân Điểm và đội trưởng Giáp khi xưa, nay bùng phát khi Mậu, con trai ông Giáp, đương đầu với Lan, con gái bà Điểm – hai chị em cùng cha khác mẹ (truyện “Lộc vừng”). Nỗi éo le tương tự hiện lên khá nhiều trong các truyện ngắn Lương Ky. Ở truyện “Lột xác”, hình ảnh con rắn lột xác chen vào giữa cuộc tình của Luyến và Chiến, hai thanh niên mới bước ra khỏi tuổi vị thành niên, là một ẩn dụ về sự đổ vỡ đến đau lòng những nét đẹp truyền thống của người miền núi. Công cuộc đổi mới đến với làng Chòi, cả Luyến và Chiến đều thay tính đổi nết, mỗi người theo một hướng nhưng rồi lại gặp nhau ở một điểm: tình cảm của họ bị vỡ vụn, khó bề hàn gắn, bởi “Loài rắn mỗi lần lột xác lại lớn lên và dữ thêm”. Đằng sau chuyện tình của Luyến và Chiến, tác giả còn cho thấy lớp trẻ làng Chòi bị cuốn vào cơn lốc cơ chế thị trường một cách vô thức.
Những nhân vật trong truyện ngắn Lương Ky, nhìn chung, được miêu tả khá kỹ càng, cả về ngoại hình lẫn nội tâm, toát lên vẻ đẹp hồn nhiên, đậm dấu ấn nết ăn nết ở của cộng đồng người vùng cao. Nét đẹp giản dị ấy, nhất là những người trẻ, khi đối diện, va vấp với những tác động của hoàn cảnh đổi thay chưa từng có tiền lệ, không được chuẩn bị, thường bị xốc, khó chống đỡ, khiến nó biến dạng, mất phương hướng. Điều đó nói lên sự trăn trở, động lòng tác giả, người mà ở thời trai trẻ cuộc sống của ông đơn giản hơn, chất chứa nhiều mơ ước hơn. Do đó, ông đồng cảm, yêu thương họ hơn, mong cho họ sớm định hình bản lĩnh trước biến động của thời cuộc.
Nhập vào dòng người kiếm việc mưu sinh, Châm những tưởng ở nơi đô hội cứ quần quật đem sức lao động tuổi thanh xuân là có sự đổi đời. Song, cô đã lầm. Thân thể cô đẫy đà ra, đẹp hơn lên. Tuy nhiên, tâm hồn cô không còn trong sáng nữa. Cuộc sống hào nhoáng ở đô thị dần dà đưa cô bước vào những đua đòi vô bổ. Và, sự buông thả của cô đã bị lợi dụng. May thay, trong con người Châm vẫn sót lại lòng tự trọng. Chứng kiến những con người, những sự việc đồi bại, nhân cách trong cô khởi sống dậy. Đặt nỗi nhục sang một bên, Châm tự điều chỉnh mình, vùng lên chống trả bọn người dạ thú. Cô cho đi đứa con dứt ruột đẻ ra. Rồi cô lại nhận nuôi dưỡng đứa trẻ khác. Sự trắc ẩn của Châm luôn hướng tới một điều gì đó mà cô đã hình thành từ lâu. Đó là bông sen bằng sắt. Xây dựng truyện ngắn “Bông sen bằng sắt”, nhân vật trung tâm là Châm, tác giả có dụng ý rõ ràng: khơi dậy sự cứng cáp của ý chí trong con người để đứng vững trước phong ba bão táp cuộc đời. Châm đã đứng lên sau cú ngã đầu đời. Và, cô lại tiếp tục làm lụng, quyết tâm thực hiện bằng được nguyện vọng góp công sức, tiền của xây dựng làng Vật, trong đó có nhà trẻ với bông sen bằng sắt to gần bằng bông sen ở nhà trẻ trên tỉnh, đặt ở giữa sân. Nghị lực và nhân cách của Châm rốt cuộc được bù trì. Cô nhận lại đưa con ruột, nhưng trong hoàn cảnh trớ trêu: cô và đứa trẻ phải để tang người mẹ nuôi của nó. Hình ảnh bông sen bằng sắt trở lại ở cuối truyện như nhấn mạnh cái thông điệp xuất hiện từ đầu: lớn lên từ bùn mà chẳng hôi tanh, nhưng trong bối cảnh nhá nhem hoa sen cần phải có thêm chất thép.
Trong tập truyện này, tôi yêu và đánh giá cao truyện ngắn “Chiếu giang” của Lương Ky. Một câu chuyện giản dị mà đằm thắm, nhẹ nhàng mà sâu sắc, mạch lạc mà có độ nhấn, dung dị mà có sự gửi gắm kín đáo, thâm trầm. Ở ngôi thứ nhất, tác giả kể chuyện người con trai đi tìm mua một chiếc chiếu giang theo nguyện vọng cuối đời của người cha. Anh lần bằng được địa danh Khuôn Tầng, thuộc chiến khu xưa ở Tuyên Quang, nơi cha anh hồi kháng chiến chống Pháp đã từng đến công tác, được người nhà họ Ma cưu mang, giúp đỡ. Trước đây, người dân ở Khuôn Tầng có nghề dệt chiếu bằng nan cật chẻ từ cây giang, đan nong đôi, hun khói có màu cánh gián óng mượt. Chính chiếc chiếu giang “đêm nằm năm ở” ấy mà trong lòng ông không nguôi nhớ về một vùng đất, về một người phụ nữ đã chăm sóc ông. Ông còn nhớ, người địa phương gọi chiếu là pục, gọi cây giang là mạy giằng. Ông hiện thân là người thủy chung. Người con trai (nhân vật tôi) cũng thể hiện lòng hiếu với cha. Anh không chỉ tìm được chiếu giang cho cha, ở Khuôn Tầng anh gặp chị Ma Thị Pháy – một cán bộ Hội Phụ nữ, tuổi lớn hơn anh. Dù tác giả không nói thẳng ra, nhưng cho ta cảm nhận: giữa “tôi” và Ma Thị Pháy có cùng huyết thống.
Trong truyện ngắn Lương Ky, các nhân vật thường liên quan đến những mối tình dang dở, hay ngang trái. Cái đặc điểm ấy phần nào gắn với chuyện tính dục, với sự phòng khoáng, đa tình, song không gây phản cảm, không gợi dục, mà trở thành căn cớ cho tác giả triển khai cốt truyện, triển khai những xung đột và phân tích tâm lý nhân vật. Dụng ý của ông đem lại sự hấp dẫn nhất định cho bạn đọc ở mỗi truyện. Và, đó cũng là sở trường của một tác giả có bề sâu trải nghiệm và chiêm nghiệm tại vùng rừng núi phía Bắc vốn có bề dày văn hóa lâu đời.
Ở những truyện viết về vùng quê miền núi phía Bắc, Lương Ky thật sự đằm mình trong đời sống văn hóa quen thuộc bằng kiến văn vốn có. Ông thuận tay bởi có vốn sống nâng đỡ, vì vậy ý tưởng thoát thai, mạch văn sáng sủa. Khi chuyển sang viết về vùng quê khác, tiểu thuyết “Người đá”, Lương Ky vẫn giữ được giọng điệu vốn có. Ông cố gắng thâm nhập, tìm hiểu đời sống thực tế, bổ sung những điều cần thiết để dựng nên câu chuyện có không gian trải dài từ vùng đất khô cằn Nam Trung bộ, vùng đất cao Đông Nam bộ tới vùng sông nước chằng chịt kênh rạch Tây Nam bộ, xuyên qua những chặng thời gian đủ để sinh ra ba thế hệ, lặn ngụp vào nghề đục đá, vào nền văn hóa người Chăm, một phần văn hóa Khơ-me, mà hiểu biết của ông còn nhiều lỗ hổng. Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận. Ở tiểu thuyết này, Lương Ky “tập hợp” rất nhiều nhân vật, mỗi nhân vật có những câu chuyện riêng tư nhưng lại có móc xích với chuyện của nhân vật khác, tạo nên những mối liên hệ giằng dịt có sự tương đồng nhất định. Trong đó nổi bật là cặp đôi thầy trò Ba Đen và Tư Vạn. Từ thằng bé bị bỏ rơi nơi cổng chùa, mười ba tuổi Tư Vạn được Ba Đen dạy nghề đục đá. Hai thầy trò bươn trải khắp vùng để kiếm sống. Ngoài sự chung nghề, họ còn “chung” cái số phận tật nguyền (cả hai đều bị thọt), hơn nữa cả hai đều vướng phải những mối tình dang dở. Ba Đen yêu cô Út Thơm nhưng bị đội Thoại hẫng tay trên. Sau khi thầy mất, Tư Vạn ra miền Trung làm ăn, yêu cô gái Chăm tên là Kiều Mơ, không lấy được nhau nhưng có được một mụn con gái. Ông thầy tạc tượng Út Thơm. Anh trò tạc tượng Kiều Mơ. Và, trái tim của hai người dường như hóa đá, khắc khoải, cô đơn cho đến hết đời. Tư Vạn may mắn hơn. Ông còn lại một đứa cháu trai theo học mỹ thuật.
Truyện “Người đá” có nhiều tình tiết, nhiều cuộc đời, nhiều số phận, nhiều hoàn cảnh, dung chứa nhiều chất liệu. Dựng thành tiểu thuyết, “Người đá” bộc lộ một số nhược điểm, dễ nhận thấy nhất là sự chưa thật rõ ràng về lời ăn, tiếng nói, về đời sống sinh hoạt mang tính đặc trưng của mỗi vùng văn hóa (Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ - ba vùng văn hóa có nhiều nét khác biệt). Âu đó là điều khó tránh đối với người cầm bút vốn rành rẽ vùng văn hóa miền núi phía Bắc bên tả ngạn sông Hồng như Lương Ky.
Đọc tập truyện ngắn “Chiếu giang” và tiểu thuyết “Người đá” của tác giả Lương Ky, có nhiều điều khiến người đọc suy ngẫm và chiêm nghiệm.