CHÙM BÀI VIẾT VỀ CỐ NHÀ THƠ QUANG DŨNG “TÂY TIẾN ĐOÀN BINH KHÔNG MỌC TÓC/QUÂN ĐI MÀU LÁ DỮ OAI HÙM”
ĐI TÌM BÚT TÍCH (DI CẢO) CỦA CHA TÔI
Bùi Phương Thảo
Hà Nội trong những ngày đầu tháng năm, thời tiết thật khác lạ. Đã qua tháng tư ta rồi mà vẫn còn một vài cơn gió lạnh bất thường. Gió và cát bụi như thốc vào mặt, thật nguy hiểm vì không thể nhìn rõ đường đi. Con đường nhỏ ngoằn ngoèo đầy ổ gà dẫn vào làng Mơ Táo, phường Mai Động, nơi có gia đình bác Ngọc Chương- một người bạn của cha tôi- nhà thơ Quang Dũng- lúc sinh thời , là bạn học từ nhỏ và là người “đi hỏi vợ” cho cha tôi. Sau này cũng nhờ có bác Chương lưu giữ mà còn lại được một số bài thơ tình ( đã giới thiệu trong tuyển tập in lần đầu của cha tôi). Tôi đến nhà bác Chương với mong muốn sẽ tìm thêm được chút tư liệu cho cuốn tuyển tập Quang Dũng sẽ ra mắt bạn đọc dịp cuối năm nay.
Anh Nguyễn Quý Tân, một trong số sáu người con trai của bác Chương là người hiện đang trông nom tủ sách của cha mình, niềm nở đón tôi vào nhà. Khu vườn Mơ Táo, cây cối um tùm ngày trước giờ đã thay bằng dãy nhà khang trang ,trông ra một hồ nước ( tôi còn nhớ như vậy do lúc nhỏ hay được bố cho đi đây, đi đó cùng). Anh Tân cẩn thận lấy từ ngăn tủ sách xuống cho tôi xem những cuốn sổ tay của bác Chương với lời dặn: “ Em cứ đọc, quyển nào có thơ hay ghi chép về bố em thì anh tặng luôn”. Tôi vô cùng cảm ơn anh và thầm xin phép bác Chương vì tôi biết đây là những góc khuất riêng tư nhất đối với một người ưa viết. Tôi và anh Tân cùng tìm soạn và thấy hầu hết cuốn sổ nào của bác Chương cũng có ghi chép về cha tôi, khi thì cả một bài, lúc là một câu thơ. Khi thì ghi chép những kỉ niệm vui buồn…những bức ảnh và chữ nghĩa của cha tôi được bác photo và dán vào nhiều quyển sổ to, nhỏ khác nhau. Có những cuốn sổ từ năm 1940, đôi chỗ đã sờn gáy , bạc màu nhưng nét chữ của bác còn nhìn rõ . Cha tôi vốn là người không lưu tâm giữ lại những tác phẩm của mình sáng tác, có những bài thơ làm xong thì tặng lại ngay cho một người bạn mà mình quý mến hoặc tự tay chép thơ tặng nhưng lại chép vào sổ tay của bạn và quên mất mình có những bài thơ như thế…Bài thơ Nhớ chuyện xa là một trường hợp như vậy. Trong trang cuối của cuốn sổ tay bìa nâu có dòng chữ viết to nắn nót với tựa đề: Quang Dũng trong lòng bạn- là bút tích bài thơ, cha tôi ghi: “Kỉ niệm cho Ngọc Chương 2 bài mới làm”. Đây là bài thơ chưa có trong tuyển tập và chưa công bố. Toàn bài thơ như sau:
Nhớ chuyện xa*
Em ơi vườn ổi thơm ao
Nước xanh còn động hôm nào tiếng em
Hai mươi tuổi mộng êm đềm
Ta mang trong trắng đi tìm thanh cao
Thơ sao bước bước tình đầu
Vườn sau hơi thở ngạt ngào đêm hương
Ta đi mùa cỏ đầm sương
Hoa ngâu buổi ấy thơm đường mừng em
Hai mươi tuổi mộng êm đềm
Vườn xưa dẫu muốn đi tìm được chăng
Đường xa chuyện đẹp trong lòng
Đành khuây nỗi mỏi lần trang nhớ người
5/ 1960
*Bài thơ còn có tên là Mùa cỏ/ Mùa ổi
Vậy là tôi lại được gặp “ Cô gái vườn ổi” sau này còn xuất hiện trong bài thơ Không đề ( 1970) với kí ức “ Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Giữ trọn tình đời cho đẹp”. chắc chắn một điều cả hai bài thơ chỉ nhớ về một “ Cô gái vườn ổi” mà thôi. Trong một truyện ngắn, cha tôi lấy tực đề là Những trái ổi chín ( Lại là ổi!..), và hương thơm vườn ổi năm nào vẫn như cuốn theo cha tôi, đẹp mãi!
Cha tôi còn vẽ rất nhiều tranh, có những bức tranh treo ở nhà, một thời gian sau không nhìn thấy đâu cả, chúng tôi có hỏi thì cha tủm tỉm cười và nói: “ Bố tặng rồi”. Và tôi vô cùng thích thú khi tìm thấy “bằng chứng” về việc này. Trong một cuốn sổ khác của bác Chương, tôi đọc được một bức thư nét chữ còn rõ, được bác Chương dán vào sổ tay của mình: “ Anh Ngọc Chương, tôi mang 3 bức tranh biếu anh, mừng tuổi 60 của anh. Ba bức ấy có tên là: 1/ Cây bàng. 2/ Đường ven làng Tây Hồ ( có cây gạo và xe ngựa). 3/ Vườn Nhật Tân ( có hoa đào về tháng Chạp…năm 1960 ). Bức Cây Bàng tôi rất quý và chắc anh cũng vừa ý. Chỉ xin phép anh tới năm 1985 thì anh lại cho tôi được giữ, chắc lúc đó tôi cũng có một cuộc họp mặt vào quãng 65 tuổi, giống như anh ngày nay. Tôi có tí việc, hôm mồng 6 này, không xuống uống chén rượu vui tuổi lên lão của anh kịp. Xin hẹn đến 1985. Quang Dũng, Mồng 3 tết 1980”. Đúng là chỉ có cha tôi mới có cách tặng quà độc đáo và hành xử hồn nhiên như vậy với bạn bè, cha như người bị lạc vào một cõi tạm. Hiện nay gia đình tôi còn giữ một số bức tranh , bức Cây bàng tôi đang treo tại nhà cùng một số tranh khác của cha. Anh Tân còn lấy ra một bức tranh nhỏ đưa cho tôi, bức tranh bằng chất liệu bột màu, vẽ một bến sông có nhiều thuyền neo đậu, xa xa là chập trùng đồi núi…rộng hơn khổ giấy A4, phía góc phải tranh có ghi: Bến Ngọc sông Đà, mồng 4 tết năm 1960. Lên thăm ông Sự- Mùa sông Đà cạn. Nhớ lại 1947, ngược lên Tây Tiến từ bến này. Quang Dũng. Tôi không biết nhân vật có tên là Sự ( ông Sự) ghi trong bức tranh này có còn không? Nếu còn thì thật quý hóa, thể nào tôi cũng tìm gặp và tặng ông một phiên bản của bức Bến Ngọc.
Tôi còn nhớ hồi gia đình sinh sống ở phố Bà Triệu, bức tranh này được treo ở trên nóc chiếc lò sưởi, mẹ tôi rất thích và sau đó một thời gian đã mất công tìm mãi ở nhà mà không thấy. Mẹ tôi luôn nói: “ Tiếc quá, mất đâu bức tranh bố vẽ Bến Ngọc!”. Gia đình chuyển nhà nhiều lần nên mẹ tôi càng đinh ninh bức tranh bị thất lạc trong quá trình dọn dẹp ( dù đã tìm lại bức tranh thì giờ đây mẹ tôi cũng không còn nhận biết được vì tuổi cao, sức khỏe và trí nhớ bị giảm sút sau mấy lần bạo bệnh). Nâng niu bức tranh đã bị rách, bốn góc phải “ băng bó” và phía sau bồi bằng một tờ bìa mỏng trông thật “ tội nghiệp”, tôi không khỏi bồi hồi khi hình dung ở trên Bến Ngọc này, cách đây hơn 60 năm, một đoàn trai tráng trẻ tuổi- những chàng trai Hà Nội một thuở- tràn đầy sức xuân, hăng hái nhận nhiệm vụ lên Tây Tiến, bảo vệ biên giới Lào- Việt trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong đoàn quân ấy có cha tôi, và bài thơ Tây Tiến đã ra đời sau khi cha rời xa đơn vị ít ngày. Bài thơ Tây Tiến cũng thật vinh dự là bài thơ được mừng sinh nhật lần thứ 60 (tuổi) do các Cựu chiến binh Tây Tiến- những đồng đội của cha tôi tổ chức năm 2007, giáo sư tiến sĩ Lê Hùng Lâm ( một chiến sĩ Tây tiến) là trưởng ban liên lạc. Một ngạc nhiên nữa khi tôi được anh Tân cho xem tấm ảnh của bà Giáng Kiều ( một kịch sĩ trong đoàn kịch của Thế Lữ ) tên thật là Kiều Dinh- một trong bốn chị em gái rất đẹp ở phố Hàng bong những năm 1940. Anh Tân nói vui: “ Người trong mộng của bố anh đấy!”. Tôi chỉ có thể thốt ra: Thật là đẹp! Chữ kiều trong tên bà Kiều Dinh ngày ấy được cha tôi “ mượn” của bác Chương làm danh từ chung để đưa vào bài thơ Tây Tiến , làm nên một hình ảnh lãng mạn cho bài thơ: “ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” và còn nhiều nữa, nhiều nữa những trang viết trong các cuốn sổ tay. Một bức ảnh đen trắng chợt rơi ra từ trang sổ, bức ảnh chụp rất nhiều người và có ghi chú chụp từ năm 1941, khóa học 1937- 1941, trong đó có đánh dấu bác Chương và cha tôi đứng ở hàng trên cùng. Tôi phải dùng chiếc kính lúp mới nhìn rõ được khuôn mặt của cha tôi- tôi chợt nghĩ cũng may là dáng dấp của cha tôi cao lớn nên đứng cuối cùng không bị lấp hết- khuôn mặt thân yêu với nét cười hiền hậu thoáng qua , khuôn mặt vẫn luôn in dấu trong tâm khảm tôi, xa rời tôi đã hơn hai mươi năm nay…
Cơn gió mùa lạc lõng đầu Hạlàm cho trời tối nahnh hươn, mưa lắc rắc đủ làm cho những đám bụi đường tạm lắng xuống. Tôi tạm biệt gia đình anh Tân, ra về với một chồng sổ tay và bức tranh Bến Ngọc. Kỉ vật quý giá của cha tôi. Những cuốn sổ đầy ắp kỉ niệm là một minh chứng cho tình bạn trong sáng của bác Chương với cha tôi. Giờ đây hai người bạn chắc đã được sum họp- Chia tay là đợi ngày sum họp/ Ở chốn nào kia cõi Niết Bàn/ Chén tạc chén thù mây với gió/ Đôi hồn muôn thuở hết cô đơn ( Thơ của bác Chương viết tặng cha tôi năm 2003).
Tôi có niềm tin chắc chắn rằng cả cha tôi và bác Chương đều rất vui, ở trên cõi toàn mây với gió kia vẫn đang dõi theo và cùng phù hộ cho tôi cóp nhặt được thêm những tư liệu quý giá, để tuyển tập lần này ra mắt bạn đọc tươm tất hơn. Riêng tôi coi sự ra mắt cuốn sách sẽ như một lời tri ân của tác giả- nhà thơ Quang Dũng- cha tôi, tới những độc giả đã từng yêu mến thơ ông.
Tháng 5/ 2011
NHÀ THƠ QUANG DŨNG VÀ MỐI DUYÊN LÀNH NƠI CỬA PHẬT
Bùi Phương Thảo
Sinh thời , cha tôi rất thích thăm thú, dạo chơi ở các ngôi chùa. Đặc biệt là những ngôi chùa cổ với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian. Cha tôi có thể ở lại cả ngày nơi sân chùa, ngắm tượng Phật rồi đắm chìm trong hương trầm quấn quyện với muôn loài hoa thơm thảo trong vườn chùa…
Trong những tác phẩm thơ còn lại của ông có bài Khóc sư phụ chùa Bồ Đà ( Một ngôi chùa lớn và đẹp cổ kính nằm trên lưng chừng núi Bổ Đà ở bờ bắc sông Cầu, thuộc xã Tiên Sơn, tỉnh Bắc Giang còn nguyên nét rêu phong, người dân địa phương còn gọi là chùa Bổ). Bài thơ được cha tôi viết năm 1949, khi về thăm người bạn làm trụ trì tại chùa này đã qua đời. Ông đã dùng gạch non và đề bài thơ lên cột đá nơi cổng chùa. Bài thơ nói lên nỗi tiếc thương bạn hiền giờ đã thành người thiên cổ:
KHÓC SƯ PHỤ CHÙA BỒ ĐÀ
Cách mấy năm trời biệt cố nhân
Vừa hay tin hạc đã xa trần
Bồ Đà núi cũ thay màu cỏ
Thông vắng đường xưa lạnh dấu chân
Mới biết bể dâu buồn thế sự
Thuyền môn nay hẹn xếp kinh luân
Sớm nay kinh kệ vương hồn tục
Hương bỗng gây mùi hương cố nhân
Bài thơ hiện đã được in vào cuốn tuyển tập thơ văn Quang Dũng. Khi lần đầu đọc bài thơ, từng câu chữ như dẫn dắt thôi thúc tôi phải tìm đến ngôi chùa cổ để có thể cảm được hồn cốt của bài thơ Khóc sư phụ chùa Bồ Đà và giao cảm cùng cha. Cuối mùa xuân năm 2016, tôi thực hiện chuyến đi thăm ngôi chùa, tiếp chúng tôi trong gian buồng khách với ô cửa sổ tròn và những kí tự cổ, chạm khắc tinh xảo trên những mái vòm, cột, kèo… sư thầy Tự Vinh sau phút ngạc nhiên thì rất cảm động khi biết tôi là con gái của nhà thơ Quang Dũng, tác giả của bài thơ Khóc sư phụ chùa Bồ Đà. Thầy Tự Vinh hào hứng nói chuyện về ngôi chùa cổ đã trải qua bao biến cố thăng trầm với giọng tự hào. Có một chi tiết khiến tôi thực sự ngỡ ngàng và cảm kích, sư thầy kể : “ Sau khi đến thăm chùa năm 1949 và biết tin người bạn là nhà sư trụ trì mất , ông Quang Dũng đã làm bài thơ và dùng gạch non viết lên cột đá trước chùa. Trải qua nhiều thời gian, cột đá đã bị di dời và bài thơ cũng không còn trên cột nhưng đã được lưu vào một trong những pho sách của chùa. Đặc biệt hơn là những tăng ni trong chùa qua nhiều đời sư thầy trụ trì đều biết và đọc thuộc bài thơ vào một thời khắc theo quy định của chùa!”. Ngay hôm đó thầy Tự Vinh có ý đi tìm cho tôi cuốn sách ghi chép lại bài thơ của cha tôi nhưng do thầy có ít thời gian nên tôi dự định sẽ quay trở lại chùa vào một dịp khác.
Năm 1972, gia đình tôi đi sơ tán theo cơ quan nhà xuất bản Văn học của cha tôi về làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Cách gian nhà kho nơi gia đình tôi được ưu tiên ra ở vì đông con không xa là Đình làng Mông Phụ , chùa Mía và lăng Phùng Hưng, xa hơn chút là Đền Và, cả một vùng văn hóa xứ Đoài cổ kính. Tôi nhớ cứ rảnh rỗi là cha tôi đi bộ và mang theo giá vẽ đến những địa danh trên. Ông còn mang theo Bi- đông nước và cơm nắm để có thể ở lại lâu hơn, đắm chìm vào sự tĩnh lặng của cảnh sắc quê hương ông…ông vẽ tranh Tôn Ngộ Không, Quan Vân Trường, Võ Tòng đả hổ….trên những tờ giấy báo hay giấy học trò đã qua sử dụng rồi đem cho lũ trẻ chăn trâu, mò cua bắt ốc quanh đó . Bức tranh Mùa gặt được ra đời trong giai đoạn này và hiện được một người sưu tầm tranh ở Pháp lưu giữ. Gia đình hiện còn giữ bức tranh Cánh đồng lúa với những đám mây ngoại ô phóng khoáng đọng lại trên nền cao xanh…
Chùa Bà Đá ( ngôi chùa cổ còn có tên gọi là Linh Quang Tự , Sùng Khánh Tự) ở số 3 phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm Hà Nội là ngôi chùa cha tôi hay lui tới. Những năm 70 ở sân chùa có cây hoa đào lớn rất đẹp, bức tranh cha tôi vẽ cây đào cũng đã thất lạc ( không rõ do cha tôi tặng bạn hay do chuyển nhà nhiều lần). Một giai thoại – mà là chuyện xảy ra thật đó là vào ngày mồng hai tết, cha tôi lại lên chùa Bà Đá bái Phật và vẽ, lúc ra cổng chùa có mấy người ăn xin, ông ngồi xuống cạnh họ rồi lấy trong túi mang theo chiếc bánh chưng và cắt ra mời . Mấy người ăn xin thoạt đầu e ngại rồi sau thấy ông hồn nhiên ngồi ăn cạnh họ thì cũng thoải mái ăn cùng ông. Ông nói với họ: “ Chúng ta đều là ăn mày của trời đất cả!”
Tôi cứ luôn ám ảnh một câu hỏi chính mình: “ Tôi đã ở đâu những lúc đó?”.
Sau Tết Nguyên đán năm 1984, cha tôi lúc này đã ở khu kinh tế mới Lâm Đồng được gần một năm và đi về Sài Gòn thăm hai người em ruột. Những ngày ở đó, cha đã dành nhiều thời gian thăm thú những ngôi chùa nổi tiếng, trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm, nơi kí thác chân linh bà nội tôi. Và một chuyện đã xảy ra ngoài cả trí tưởng tượng của cha tôi: “ Sau khi niệm Phật ở ban Tam Bảo, cha tôi ra phía sau chùa và ngồi Kiết già, miệng nhẩm niệm Phật . Một lúc sau có hai người phụ nữ tự giới thiệu ở Hậu Giang mới lên Sài Gòn chơi, đi qua thấy ông cụ nét mặt hiền từ, dáng vẻ nhập thần đang ngồi kiết già niệm phật thì phát tâm từ bi. Một chị dịu dàng để vào mũ của cha tôi tờ tiền 100 đồng còn mới và nói: Cháu thương bác lắm, lạy trời đất, lạy phật… tặng bác để bác tu- rồi hai chị nghiêm cẩn chắp tay niệm Nam mô adi đà phật! Nhà thơ nhận tờ tiền và nghĩ họ có thể là người rất giàu có… và đẹp nữa! Tình người Nam bộ đáng quý biết bao!
Chuyện cũng đã qua mấy mươi năm, người cũng đã về nương cửa Phật… Cây đào ở sân chùa Bà Đá không còn, bài thơ khóc bạn trên cột đá chùa Bồ Đà cũng không còn đó nữa và cả mấy bức tranh đang phiêu bạt nơi nào…nhưng tôi chắc một điều- cha là người hiền sẽ có duyên nơi cửa Phật!
Ngày thu 2019
CÂU CHUYỆN VỀ CUỐN SỔ TAY
Bùi Phương Thảo
Cuốn sổ tay nhỏ lẫn trong hơn chục cuốn sổ đủ kích thước, màu sắc, giấy và chữ đã ngả màu mà gia đình còn giữ được của cha tôi. Cuốn sổ chứa đựng trong nó kí ức những năm tháng cuối cùng cha tôi sống và viết tại khu kinh tế mới Lâm Đồng. Những kí ức rưng rưng…
Tôi đặc biệt chú ý tới cuốn sổ này vì thấy ngay trang đầu tiên do trang bìa đã không còn, những dòng chữ rắn rỏi rõ nét bằng bút mực xanh hiện lên: “ Chúc anh Quang Dũng một chuyến đi nghìn dặm với những trang sách cháy bỏng lòng người. Ngõ Quỳnh 28- 3- 83. Vũ Bão.”. Tôi nghĩ thầm trong đầu “ Bố cho phép con xem cuốn sổ này nhé!”. Có chút tò mò, tôi nhẹ tay lật trang tiếp theo, những nét chữ quen thuộc của cha tôi bằng mực xanh được viết gọn gàng trong một trang giấy: “ Trang đầu tiên dành những tình cảm đặc biệt cho Vũ Bão- Vũ Bão rất yêu tôi. Những buổi tối, Vũ Bão thường đến nhà ăn của XBVH ( Xuất bản văn học) lấy một xe cải tiến đầy xỉ than bếp lò, vượt đất lấn hồ . Một vài năm đã thành một cơ ngơi đủ nhà ba buồng, chuồng lợn và bếp rộng rãi. Câu Vũ Bão thường nhắc là một kỉ niệm từ thời liên khu III: Vũ Bão đang hành quân, phải chạy đón đường để xem ông Quang Dũng đi qua bến đò Nho Quan!.
Ngày nay thế là đã ngót bốn chục năm trời . Cái hình ảnh đẹp của một thời quân Miền Tây đã xa lắc. Còn lại một tấm lòng chiến sĩ cũ và thương nhau. Vũ Bão có thể là người viết có nhiều sức trẻ, nhiều nghị lực. An cư rồi thì nên lạc sự nghiệp.
Ghi vội mấy dòng cảm ơn Vũ Bão, anh nhớ tôi đã mong có một cuốn sổ tay để đi Lâm Đồng ghi chép. Đây là món quà lên đường anh tặng tôi. Quang Dũng.”
Từ sau trang viết này là những ghi chép khi cha tôi ở Đà Lạt và đi thực tế vào khu Kinh tế mới người Hà Nội ở Lâm Đồng để tìm hiểu , lấy tư liệu và dự định sẽ viết tập kí 300 trang về những đổi mới ở vùng Kinh tế này. Có thể tên tập kí là : Đi khắp quê hương mới của Đất rồng lửa ( vì dòng chữ này được cha tôi gạch chân cẩn thận). Ông còn dự định sẽ in tại nhà xuất bản Hà Nội. Những dòng chữ viết nhỏ ( để tiết kiệm sổ tay ) đầy những số liệu, nhiều tên người, địa chỉ… là kết quả của nhiều ngày ông di chuyển liên tục trong toàn vùng chỉ bằng đi bộ. Các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để có năng suất tăng nhanh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân luôn được ông quan tâm ghi lại tỉ mỉ. Giống ngô Mehico được cha tôi dành nhiều trang viết và bày tỏ thiện cảm của ông khi tìm hiểu về giống ngô lai này: “ Sao lại lúa, lúa, lúa! Cái ám ảnh chúng ta hàng năm. Tây Nguyên ta là xứ sở của ngô Cao Bằng, Trùng Khánh ăn ngô một năm 11 tháng thì sao? Mà người dân vẫn béo tốt khỏe mạnh, phụ nữ má hồng, trẻ em bép mập mạp. Vấn đề là chế biến , anh bí thư có nói hạt ngô Mehico xay thành miến, ngô nếp trắng, sợi trắng không biết là ngô nữa. ..”. Năm 1984, khi biết tin cha tôi bị tai biến, ngã liên tục trên những con dốc trơn trượt ở Lâm Đồng, ở rừng vẹt gần dốc bà Mão….hai mẹ con tôi vào đón cha ra Hà Nội, ngồi trên chuyến tàu chậm Bắc Nam, cha ôm trên tay một mũ cói những bắp ngô luộc thơm và mẩy hạt . Giống ngô Mehico .
Một chuyến đi thực tế hay mỗi nơi ông đến đều để lại những dấu ấn thật đặc biệt: “ 5 giờ sáng, dậy sửa soạn lên đường. Đường 4 cây số. Tây Nguyên lúc sắp bình minh thơm ngát cỏ cây đêm và tiếng thác nước Cam li hạ ào ào suốt đêm…”. Những cảm xúc ùa đến để không kìm nén được trước cỏ cây hoa lá và không gian núi rừng Tây Nguyên vào sáng sớm, ông ghi tiếp bằng chữ rất nhỏ: “ Mưa, gió lành lạnh, cơn rào rào như mưa tháng bảy. Mưa ngâu, khí lạnh như mùa thu. Cảnh vật như mưa thu. Đường đỏ, có cơn mưa, đỏ thẫm rất đẹp, đường đỏ, cỏ tranh viền một cảnh đẹp của đường số 6 hay Phú Thọ, hay Sơn Đông gần Ba Vì, Tùng Thiện. Mùi cỏ dại, hoa dại, thông thơm hắc lại rất gợi về 1948, những đêm Đại Từ Thái Nguyên, đêm Việt Bắc kháng chiến, đêm trung du bộ đội…”.
Trong sâu thẳm tâm hồn ông, những kỉ niệm hào hùng thời tham gia trung đoàn 52 Tây Tiến luôn còn mãi. Sau những trang ghi chép này ông viết một dòng tự nhắc mình, đóng khung cẩn thận: “ Còn đúng 22 trang là hết chỉ ghi chép thật cần thiết và vắn tắt..” Ông dùng bút đỏ đánh số trang cuối cùng và lưu bút: “ Vũ Bão, đêm nay, 11- 11- 83, tôi trở dậy vào 2 giờ sáng và rất nhớ Vũ Bão, người bạn trẻ mà kỉ niệm gặp nhau đã từ Nho Quan những ngày đầu 1948! Chao ôi, xa quá, lâu quá mà vẫn gần quá vì đêm nay tôi lại đang lấy một tờ sau cùng của cuốn sổ anh tặng tôi để viết mấy dòng thân mến gửi anh. Cuốn sổ của Vũ Bão tôi giữ cẩn thận…”.
Một cuốn sổ tay nhỏ vào cái thời gian khó ấy là cả sự mong muốn của cha tôi- một nhà thơ, một chiến binh trong đoàn quân Tây Tiến kiêu hùng một thuở! Cha và chú Vũ Bão có cảm nhận được trong con sự xót xa và yêu thương nhưng cũng đầy tự hào về một tình bạn mộc mạc chân thành của hai người.
Con cũng sẽ giữ cẩn thận cuốn sổ này của cha, một cuốn sổ đặc biệt trong số những di cảo ít ỏi còn lại của Người.
Những ngày thu Hà Nội 2019