Nhà văn - Tác phẩm

11/1
9:06 AM 2018

CHUYÊN MỤC NHÀ VĂN -TÁC PHẨM: NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC HOÀI THANH

Đỗ Ngọc Yên “Hoài Thanh: Từng chối bỏ vinh quang”-Nói đến Hoài Thanh, người ta không thể nào quên Thi nhân Việt Nam, một tuyệt phầm của ông và Hoài Chân viết vào những năm trước Cách mạng tháng Tám và đã đưa ông lên đến đỉnh vinh quang.

 Mặc dù trong cuộc đời hoạt động văn chương của mình, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm tương đối lớn, chủ yếu là thể loại Lý luận- Phê bình văn học, nhưng không một tác phẩm nào lại có sức sống bền lâu và sự lan tỏa rộng lớn đến như thế. Vậy mà…

*

Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh ngày 15/7/1909, tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho nghèo. Ngoài bút danh Hoài Thanh, ông còn có các bút danh khác như Văn Thiên, Le Nhà Quê, chủ yếu là sử dụng khi viết báo. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt II, năm 2000 về các tác phẩm: 1/ Phê bình tiểu luận (3 tập) 2/ Nói chuyện thơ kháng chiến; 3/ Thi nhân Việt Nam.

Từ nhỏ, cậu bé Nguyên đã phải sớm làm lụng vất vả giúp đỡ gia đình, nhưng rất chăm chỉ học hành. Năm 19 tuổi (1928), sau khi tốt nghiệp thủ khoa bậc thành chung ở trường Quốc học Vinh, Hoài Thanh ra Hà Nội theo học trường Bưởi. Do có niềm đam mê hoạt động chính trị xã hội và trở thành anh hùng, ông đã tham gia tổ chức Tân Việt cách mạng đảng, nên đã bị bắt giam, kết án 6 tháng tù treo và trục xuất về quê.

Ra tù, Hoài Thanh trở lại học trường Bưởi, rồi lại bị đuổi học vì tội cất giữ tài liệu chống chính quyền Pháp. Sau đó, ông ra ở trọ tại quán cơm số nhà 32 Hàng Đồng. Tại đây, Hoài Thanh gặp Lưu Trọng Lư và một số người vừa bãi khoá ở Quốc học Huế ra Hà Nội kiếm chỗ học tư. Ông nhận dạy cho mọi người để có tiền tự học đi thi tú tài Tây, vì theo qui định thời ấy những người đã bị đuổi học thì không được thi tú tài ta.

Sau khi đỗ tú tài, năm 1930, Hoài Thanh xin vào làm ở tờ nhật báo Phổ

thông. Ngô Tất Tố là người đầu tiên có công giúp đỡ Hoài Thanh khi mới chập chững bước vào nghề làm báo. Nhưng xem ra con đường viết báo không mấy hanh thông, nên ông và một số người ở báo này bàn với chủ báo ra thêm tờ Le Peuple (Nhân dân) mỗi tuần hai kỳ. Lúc bấy giờ báo tiếng Pháp không bị kiểm duyệt. Đây là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Pháp của người Việt Nam ở miền Bắc, bán rất chạy. Tuy nhiên, nó cũng chỉ tồn tại được ba số, rồi bị đóng cửa. Lần thứ hai Hoài Thanh lại bị bắt giam và trục xuất khỏi Hà Nội, áp giải về quê nhà giao cho lý trưởng quản lý.

Năm 1931, về quê, cực chẳng đã ông đi làm gia sư cho một chủ khách

sạn ở Vinh. Tình cờ, cậu tú Thanh gặp được ông chủ nhà in Đắc Lập ở Huế tại đây. Ông ta đã xin với ông chủ khách sạn cho cậu tú Thanh vào Huế làm thợ chữa morasse cho nhà in của ông ta.

Suốt thời gian gần sáu năm làm nghề chữ morasse, ban ngày đi làm, tối về hoặc ngày nghỉ Hoài Thanh tìm các loại sách báo đọc để viết bài cho các báo Tràng AnLa gazette de Hué. Từ tháng 3- 1935 cho đến khi Hoài Thanh bị chính quyền thực dân Pháp cấm viết báo (tháng 6- 1936), ông được giao giữ các mục Chuyện rông với bút danh Nhà Quê, mục Phê bình, mục Văn nghệ, Bình báo cùng các bài chuyên luận về văn hoá, pháp luật, kinh tế, xã hội, thời sự quốc tế v.v… với bút danh Hoài Thanh. Trong tư cách là một nhà báo, thời ấy ông tâm niệm rằng cần phải dùng ngòi bút để chống lại mọi bất công của xã hội, bênh vực người nghèo khổ, chống bọn cường hào, bọn cầm quyền áp bức, bóc lột nhân dân, chống mọi hủ tục cùng với lối sống thấp hèn, ca ngợi non sông đất nước, vinh danh các giá trị văn hoá dân tộc, cổ vũ thái độ dấn thân vì lợi ích của xã hội và con người... (!?)

*

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông vua thẩm bình thơ thưở nào như Hoài Thanh lại bỗng dưng đổi sang một hướng khác, gác lại niềm đam mê văn nghiệp và ước vọng làm một trang hảo hán kiểu Từ Hải tuổi thanh xuân, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Điều này khiến không ít văn hữu ngỡ ngàng đến khó hiểu và có người sinh hoài nghi.

Tháng 10- 1945, ông rời Huế ra Hà Nội làm giáo sư giảng dạy văn chương Việt Nam ở trường Đại học Văn khoa. Từ 1946- 1975, Hoài Thanh lần lượt làm các công việc: biên tập viên tiếng Pháp của Đài Tiếng nói Việt Nam, Bí thư Ban Thường vụ Hội Văn hoá Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, ủy viên Đảng đoàn Bộ Văn hoá, Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Viện phó Viện Văn học kiêm phụ trách tạp chí Văn học, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian, v.v…

Năm 1960, Hoài Thanh được bầu làm đại biểu Quốc hội. Từ 1969 đến 1975 ông làm Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, bây giờ là Tổng Biên tập báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông mất ngày 14- 3- 1982 tại Hà Nội, hưởng thọ 73 tuổi.

Trong quãng thời gian hơn 30 năm, Hoài Thanh đã để lại cho nền văn học nước nhà một khối lượng tác phẩm với hơn 4.000 trang sách gồm: Văn chương và hành động, Thi nhân Việt Nam, Có một nền văn hoá Việt Nam, Nhân văn Việt Nam, Xây dựng văn hoá nhân dân, Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nói chuyện thơ kháng chiến, Nam bộ mến yêu, Chuyện miền Nam, Quê hương và thời niên thiếu của Bác Hồ, Phê bình và tiểu luận (3 tập), Phan Bội Châu, Chuyện thơ..., Di bút và di

cảo...

Có người bảo, Hoài Thanh đã sống và viết đúng như ông tự dăn mình: Nếu lấy sự nghiệp cá nhân làm trung tâm, làm cứu cánh thì cuộc đời dầu oanh liệt nhất cũng không đáng kể vào đâu so với cái trường cửu của loài người, cái vô cùng của trời đất. Nhưng nếu trái lại lấy trời đất, lấy loài người làm trung tâm, làm cứu cánh thì cuộc đời dù bé mọn nhất miễn là đi đúng hướng mãi mãi sẽ cứ còn trong cái vô cùng, cái trường cửu (1).

Nghĩ về sự đóng góp của mình, Hoài Thanh tâm sự: Dẫu chưa đóng góp được gì nhiều thì cuộc đời mỗi chúng ta cũng là một giọt nước trong biển cả mênh mông và giọt nước không phải chỉ có chua với chát mà cũng có nhiều phần ngọt, phần trong. Và đến ngày nào đó chúng mình ra đi thì chúng mình cũng có thể nhẹ nhàng ra đi với ý nghĩa ấy, phải không anh?...Vũ trụ này cùng với loài người và muôn loài nếu chỉ làm một vì sao băng trong đêm tối rồi vụt biến đi không trở lại cũng đủ rồi (2).

*

Nhưng cũng có người bảo đấy là lối làm văn của ông vua thẩm bình thơ Hoài Thanh, chứ chắc gì ông đã nghĩ như vậy. Đành rằng khi người ta càng có tuổi, suy nghĩ càng chín chắn hơn, nhưng chín một cách lạ hoắc so với mạch nguồn của thời trai trẻ đến mức ông phải kiên quyết phủ nhận sạch trơn Thi nhân Việt Nam quả là một sự khó hiểu. Ngay nhà sử học Trần Huy Liệu cũng cho việc làm ấy của Hoài Thanh là quá đáng. Còn Tố Hữu, người tin cậy nhất của ông thì nói: Hoài Thanh đã tát mình đau quá (3)

Thiển nghĩ Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có lý khi cho rằng: Có lẽ một trong những điều khổ tâm nhất của Hoài Thanh là hầu hết các cây bút cùng thời với ông và cùng theo cách mạng như ông, đều gọi ông là “thằng nịnh” (Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên...) Cho nên Xuân Sách có thơ: Vị nghệ thuật nửa đời người/ Nửa đời còn lại vị người cấp trên (4).

Hoài Thanh vốn là con người chủ yếu sống bằng tình cảm, nên Hoài Thanh viết phê bình theo lối thụ cảm nhiều hơn là suy xét, truy tìm căn nguyên, gốc rễ vì sao câu, bài thơ này hay. Nhưng có lẽ quan điểm Nghệ thuật vị nghệ thuật mà ông là một trong những thủ lĩnh của nhóm này bị một số người có đầu óc thủ cựu lúc bấy giờ hoặc những kẻ cơ hội chủ nghĩa đã đẩy nó lên thành một “nghi án” mang màu sắc chính trị, khiến sau này ông đã tự xử với mình bằng hai cách. Một là tự mình tát vào mặt mình quá đau. Và hai là luôn phải lên gân lên cốt, chuyển hướng phê bình, đúng như trong chân dung nhà văn Xuân Sách đã viết: Thi nhân còn một chút duyên/ Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau. Để đến cuối đời, ông đã từng tâm sự với con trai của mình là nhà văn Từ Sơn rằng: Nhờ có cuốn Thi Nhân Việt Nam mà người ta mới coi cha là một nhà văn (5).

Ngay cả một người vừa thân cận, vừa kính trọng ông như Giáo sư

Nguyễn Đăng Mạnh cũng vẫn cứ ngờ ngợ thế nào về cái thái độ quá cứng, quá tả của Hoài Thanh. Tiếp xúc với ông, thấy ông luôn luôn nói lập trường cách mạng, lập trường giai cấp. Phải có tình cảm đúng, tình cảm đúng là tình cảm của giai cấp công nhân. Ông tỏ ra rất phục các lãnh tụ cộng sản, coi phát ngôn của các vị ấy là chân lý mình phải lấy làm chuẩn, kể cả những phát biểu về văn chương (6).

Bằng chứng là từ sau Cách mạng tháng Tám, Hoài Thanh hầu như không viết về các nhà thơ khác, đặc biệt là các nhà Thơ mới, mà chỉ viết về thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu, hay các cây bút đang chiến đấu ở miền Nam như Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Anh Đức...(!?). Điều ấy không chỉ một mình Giáo sư Mạnh ngờ ngợ, mà chính tôi, người viết bài này cũng không thể tin được một người sống chủ yếu bằng tình cảm như Hoài Thanh mà lại có một nghị lực có vẻ như phi thường đến thế, chuyển hướng một cách mau lẹ, sòng phẳng và ngoạn mục đến không thể ngờ được. Dù thế, tôi cũng không thể đưa ra một kết luận cuối cùng rằng Hoài Thanh là người đóng kịch giỏi đến mức ấy, hay là một người đích thực đã sám hối do xu hướng chung của các thi sĩ thoát thai từ phong trào Thơ mới khi đến với cách mạng đều phải nhận đường lại, âu cũng là lẽ thường tình, hoặc giả trong số các thi sĩ của phong trào Thơ mới khi đến với cách mạng, cũng có không ít người cơ hội chủ nghĩa. Cả ba khả năng này đều có thể xảy ra. 

Hãy nghe ông nói về Chế Lan Viên: Chế Lan Viên sắc sảo, nhiều sáng tạo khá hấp  dẫn. Nhưng tôi cứ lởn vởn ý nghĩ về chỗ trung thực của anh. Cuốn Thi nhân Việt Nam của tôi có nhiều sai lầm. Nhưng điều tôi ân hận hơn cả là đã quá  khen Chế  Lan Viên. Thực thì chắc có thực, nhưng có thực đến mức ấy không? Có thật “Hồn ai trú ẩn ở đầu ta”, có thật có “tâm hồn Chàm” thế không? Có muốn trốn lên “một tinh cầu giá lạnh” thật không? Xuân Diệu thì chân chất, thật thà (7).

Điều này khiến không ít người vận vào chính tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam, đặc biệt là những đánh giá sau này về cuốn sách.

Còn đối với những người khác như Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, HMĐ, Hoàng Trinh,… ông đều không đánh giá cao về sự nghiệp văn chương của họ, nhất là tư cách con người tác giả của các vị này. Ông có vẻ như tỏ ra công bằng hơn khi nói về Nguyễn Tuân, mặc dù bác Nguyễn không thích gì ông: Nguyễn Tuân không bao giờ hạ mình làm những điều phi nghĩa. Nguyễn Tuân không  phải  Nhân  văn,  không  bê  tha  truỵ  lạc  trong  sinh  hoạt  như  cánh  Nhân văn...  Vào Đảng như một thứ nhân sĩ, không gắn bó với một trách nhiệm cụ thể nào, coi mình như một thế giới uỷ, chính uỷ của thế giới, có trách nhiệm với toàn nhân loại. Cho nên chậm tiến. Đi trong kháng chiến như đi chơi, tuy đi chơi trong kháng chiến khác đi chơi trước cách mạng (8). Duy chỉ có nhà văn Nguyên Hồng, Hoài Thanh thật sự lúng túng: Lắm lúc không biết anh ấy thật hay giả. Trên diễn đàn, đang nói, dừng lại: “Cho tôi khóc một lúc đã”. Nguyên Hồng cũng không gắn với một trách nhiệm cụ thể nào, nên chậm tiến bộ (9). Giáo sư Mạnh cho rằng nhìn chung cuộc đời Hoài Thanh, có mấy cái thực sự trở thành niềm say mê: Một là, say Thơ mới, mặc dù, sau cách mạng ông đã quyết dứt bỏ; Hai là, say Kiều khi đã ca tụng câu nói mà sau này ông cho là can đảm của Phạm Quỳnh: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn và ông đã trân trọng ghi lên trang đầu cuốn Thi nhân Việt Nam câu thơ của Nguyễn Du: Của tin gọi một chút này làm ghi; Ba là, say mê đọc thơ, bình thơ, giảng thơ.

Những điều mà Giáo sư Mạnh nói không có gì là khó hiểu, tuy nhiên lại chưa đủ và dường như chưa thật trúng với bản chất của con người Hoài Thanh sau Cách mạng tháng Tám. Nhất là khi ông cho rằng: nhà thơ lãng mạn đến với cách mạng, sáng tác được ngay vì quen ca ngợi. Còn nhà văn hiện thực phê phán lại lúng túng, không viết được, vì chửi đã thành nghề rồi. Chỉ quen chửi. Đến với cách mạng, chửi ai? (9), xem ra đấy chỉ là một võ đoán cảm tính, không phải một nhận định nghiêm túc, khoa học.

Minh chứng là Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân,… đều là những nhà văn hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng Tám, đến với cách mạng một cách chân thành cả đấy thôi. Họ sống và viết phục vụ cách mạng một trơn tru, mạch lạc và có những thành công rất đáng ghi nhận, nào có mấy ai lúng túng và không viết được như Hoài Thanh từng nghĩ. Cái sự lúng túng và không viết được lẽ ra ông phải tự nhận lấy về mình thì đúng hơn. Vì lẽ chính ông tự cảm thấy Thiếp như chim én lạc đàn/ Phải tên giờ đã sợ làn cây cong (Truyện Kiều- Nguyễn Du) từ cái vụ bút chiến trước cách mạng tháng Tám giữa hai phái Nghệ thuật vị nhân sinh do nhà lý luận Hải Triều chủ trương với phái Nghệ thuật vị nghệ thuật mà ông là thủ lĩnh, nên mới lúng túng và khó viết. Đặc biệt là khi Hoài Thanh nhận xét về những vấn đề ngoài văn chương của Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng đều là những người chậm tiến.

Những đam mê trên của Hoài Thanh mà Giáo sư Mạnh cho là ba, thực chất chỉ là một niềm đam mê văn chương mà thôi. Thơ mới, đọc và bình thơ hay Truyện Kiều đều là văn chương. Niềm đam mê này Hoài Thanh có thật. Tuy nhiên, còn có một niềm đam mê khác không kém, thậm chí còn đem lại cho ông nhiều quyền bính và bổng lộc nữa đằng khác. Đấy chính là đam mê mà trước đây người ta thường nói về các nhà Thơ mới là nhận đường đến với cách mạng. Chỉ tiếc sự nhận đường ấy nhiều khi lại nằm ngoài văn chương, nên có người cho rằng đấy là những kẻ giỏi đóng kịch, nịnh hót, cơ hội,…

Còn tôi cho rằng đấy là cái hèn của văn sĩ. Nó như là một căn bệnh máu trắng, xương thủy tinh, hen xuyễn,… bẩm sinh của văn nhân Việt khi cầm bút viết văn chỉ chăm chăm nhắm đến cái sự không sai để vừa lòng cấp trên hay mua chuộc số đông quần chúng công- nông- binh, nên mới nảy sinh chuyện thà viết không hay còn hơn là không đúng, biến tác phẩm văn chương thành các bài viết tuyên truyền, phổ biến kiến thức phổ thông về pháp luật, chính trị, kinh tế, xã hội hay những bài rao giảng đạo đức suông cốt để lọt tai đám đông.

Về mặt này Hoài Thanh cũng thành công không kém so với Thi nhân Việt Nam, chỉ có điều những tác phẩm ấy không phải là phê bình văn học theo hướng thẩm bình thơ trước đây và cũng không có mấy giá trị về thẩm mỹ, nên sau này không được công chúng đón nhận như Thi nhân Việt Nam.

*

Thế nhưng, kể cũng lạ! Chính lúc đã không còn viết phê bình văn học nữa, thì Hoài Thanh lại có những nhận xét vừa khá tinh tế, vừa khá sát với thực trạng phê bình văn học nước ta trong nhiều thập kỷ qua. Ông cho rằng: Ta cho đến nay chưa có ai gọi là nhà phê bình. Từ 1930, cái gì cũng đổi mới cả, song chưa thể nói đã có phê bình chuyên nghiệp (nhà văn chuyên nghiệp thì có). Thường chỉ là nghiệp dư, làm một nghề nào đó rồi mới làm thêm phê bình… Hiện nhiều người chưa có cách viết, không biết cách viết. Phải viết thế nào cho người ta đọc một câu cứ phải đọc tiếp. Nhược điểm của phê bình là không dứt khoát, tác phẩm nào cũng ưu một chút, khuyết một chút. Như nhau. Người đọc không biết anh cho tác phẩm là hay hay dở. Phê phán Vào đời (của Hà Minh Tuân- Đ.T) và Đống rác cũ (của Nguyễn Công Hoan- Đ.T) là trung ương phê chứ có phải nhà phê bình nêu ra đâu. Hiện nay có hiện tượng trái ngược là nhà văn và nhà phê bình đọc tác phẩm rất ít, ít hơn quần chúng. Anh phê bình chỉ đọc để viết thôi. Khi cần viết mới đọc (10).

Hoài Thanh là một người có năng khiều bẩm sinh về thẩm bình thơ, nhưng khi bàn về lý lẽ của sự thẩm bình ấy, xem ra quan niệm của ông hết sức đơn giản, nôm na, hoàn toàn theo kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa. Ông nói: Phân biệt thơ hay thơ dở chỉ có đọc nhiều. Ăn phở mãi thì phân biệt được phở ngon. Chứ phân chất, định nghĩa phở ngon là gì, vô ích. Nhưng phải đọc kỹ, phải tinh. Nếu không, có khi mắc lừa. Phở có lẽ ít mắc lừa hơn (11).

Nếu chỉ lấy việc đọc nhiều làm tiêu chí đánh giá, chưa chắc người đọc nhiều đã có thể trở thành một nhà phê bình văn học, vì trên thực tế có những người đọc rất nhiều, nhưng không tiêu hóa được, kèm với khiếu thẩm văn kém, nên cùng lắm anh ta cũng chỉ có thể trở thành những con mọt sách không hơn không kém. Theo tôi, sở dĩ Hoài Thanh thẩm văn tốt, trước hết là nhờ trời phú cho ông ta khiếu tinh nhạy khi tiếp xúc với tác phẩm văn chương, cộng với sự chịu khó đọc, đọc nhiều. Còn bảo ông ta sống sâu sắc thì chưa hẳn, bởi tính cách con người như vậy rất khó lòng mà sâu sắc được. Đành rằng người sống hời hợt thì dù có đọc nát vạn cuốn sách, đi nát vạn dặm đường và sống đến bách niên giai lão cũng chắc gì đã có được một khiếu thẩm văn như ông.

Những đóng góp về văn chương trong diễn trình văn học Việt Nam từ những năm 30 cho đến ngày tạ thế của Hoài Thanh là không thể phủ nhận được. Đặc biệt trong việc phục dựng chân dung của hầu hết các nhà Thơ mới, mà cho đến nay chưa một ai có thể vượt qua. Đấy chính là con người văn chương đích thực của ông, mặc dù sau này ông đã kiên quyết chối bỏ vinh quang ấy vì những lý do khác nhau cũng là điều không có gì khó hiểu./.

 

 

 

 

 

 

 


 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *