NGƯỜI DẮT MÙA THU VÀO PHỐ
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn
Người khách có đôi mắt nheo cười, mặt vuông, lấm tấm ria mép, nắm tay tôi ,hồ hởi: “Anh là thầy giáo Quế à? Ở Hà Nội, nhà văn Đặng Ái bảo tôi vào Thanh tìm đến anh. Tôi là Nguyễn Hoàng Sơn ,ở báo Tiền Phong”. Tôi ôm lấy ông khách và reo: “Nguyễn Hoàng Sơn ! Biết tên và đọc thơ từ giải báo Văn nghệ năm 1976 rồi!”.
Chuyện ông Sơn vội vã vào Thanh Hóa cũng bi hài lắm. Trong bữa cơm chiều đạm bạc với gia đình tôi ,có chén rượu quê, ông thủ thỉ kể ,giọng buồn mà vẫn pha chút đùa cợt. Gia đình ông Sơn ở Hà Đông ( hồi ấy còn là thị xã tỉnh mới Hà Sơn Bình), hai vợ chồng chỉ có một cái xe đạp Phượng Hoàng được cung cấp từ hồi ông bà còn công tác trên Hòa Bình. Chuyển về Hà Nội , ông Sơn thường lên xe bus đi làm, nhường cho vợ cái xe đạp. Cứ để yên thế thì chắc không sao, nhưng ông vẫn nuôi ý định “hợp lí hóa gia đình”, muốn chuyển công tác cho vợ về Hà Nội!Ấy thế mới nên nỗi. Trong một lần tìm đến khu tập thể Nguyễn Công Trứ để “giao dịch”, tất nhiên là chẳng được việc gì, lúc từ tầng 4 quay xuống thì chiếc xe đạp Phượng Hoàng đã không cánh mà bay!Hồi ấy chiếc xe đạp là cả một gia tài, khỏi nói cũng biết vợ chồng ông choáng váng như thế nào…Ông phải vào thường trú trong Sài Gòn, vẫn canh cánh vì nỗi vợ phải cuốc bộ đến nơi làm việc, ngày hai lượt dễ đến sáu cây số? Rồi bà cũng tằn tiện mua lại được một chiếc xe Thống Nhất , giá đắt khét, được cái mới cứng. Ở Sài Gòn ra, ông lại có dịp vi vu cùng với “con xe” mới này... Và tai họa lại ập đến, lần này là tại nhà một người “bạn”, ở khu phố cổ nổi tiếng, cũng chỉ trong nháy mắt! Ông Sơn không dám nói với vợ, sợ vợ buồn? Ông hy vọng vào số tiền nhuận bút tập thơ thiếu nhi của mình gửi ở nhà xuất bản Thanh Hóa mà người biên tập hứa chắc chắn là “in được”! Không về nhà, ông bắt tàu chợ vào Thanh, tìm đến nhà xuất bản. Nhưng tập thơ lại… chưa in, chưa có tiền! Ông Sơn ngồi thừ mặt trước chén rượu toan tính… Vợ tôi đon đả “Anh cứ uống rượu cho ngon đi, nhà em còn tiền tiết kiệm đấy, anh cầm thêm ,góp vào mua xe”. Việc gay cấn thế là cũng xong, ông Sơn yên lòng về Hà Nội… Tôi thì có thêm người bạn mới là nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn…
Dạo cuối tháng năm vừa rồi, tôi và nhà thơ Định Hải đến thăm nhà ông Sơn ở phố Nguyễn Lương Bằng. Ngõ phố nhỏ kề một công viên mới làm, hầu như toàn cư dân của báo Tiền Phong. Ngôi nhà ông Sơn thoáng mát, thiết kế hợp lý, nội thất giản dị, ấm cúng. Ăn ở thế này coi như tạm yên lòng một nhà văn, một công chức nghỉ hưu. Ngôi nhà tuy trong ngõ nhỏ, nhưng ở phố trung tâm, chỉ ít bước chân là ra phố lớn với cuộc sống ồn ã, đua chen. Còn ở đây là không gian yên tĩnh của nhà thơ. “ Ba mét cách mặt đường/ Vòm cây ngang của sổ/ Thế giói riêng của gió/ Vũ trụ của loài chim/ Và mùa thu đến ở…”
Thấy chúng tôi trầm trồ , ông Sơn ý nhị: “Nhà tôi chỉ đạo làm cả đấy. Cô ấy là kỹ sư, còn tôi chỉ viết lách, thơ với thẩn ấy mà!”. Tôi nhớ năm 1998, ông Sơn đưa tôi về đây ý “khoe” ngôi nhà đang làm! Tôi thấy một bà mặc áo xanh công nhân đang hò hét chỉ đạo thợ ở tầng 2. Ông Sơn bảo: “Vợ tôi đấy”… Bây giờ mới được giáp mặt, chị Uyến đã ở tuổi lục tuần, nhưng còn khỏe ,đầy đặn, xởi lởi. Chị vồn vã mời khách vào bữa cơm trưa có gà luộc, nem rán, và chai rượu vang Chi- lê đậm chát. Hơn mười năm nay ông Sơn bị bệnh tiểu đường, kiêng khem bia bọt, rượu nặng thì chừa hẳn, ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hai cô con gái đã về nhà chồng, chỉ có ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ con cháu mới ùa về. “Ồn ã nhưng vui lắm các anh ạ”, chị Uyến nói như khoe... Rồi chị bần thần kể chuyện, hồi con gái lớn lên kiệu hoa về nhà “người ta”,vợ chồng đều buồn nhớ lắm. Ông Sơn đêm ấy ngồi viết ngay bài thơ “Tiễn con gái lớn về nhà chồng”… Tôi đã đọc bài thơ này trên mặt báo.Theo tôi, đây là bài thơ hay, in báo, in sách được công chúng đón đọc, vì nó nói được cái tình, cái nghĩa của bậc cha mẹ. Tiếp lời chị Uyến, tôi xin đọc một đoạn:
Hóa ra bố lại yếu lòng hơn mẹ!
Lúc người ta đến xin dâu
Mẹ vẫn cười rất tươi
Mà bố thì rưng lệ
Lời thưa ngập ngừng nghẹn giữa câu…
Ông Sơn cười: “Sao Quế nhớ vậy?” Nhà thơ Định Hải góp vào: “Thơ hay phải nhớ chứ! Mình cũng có cảm xúc đó, cũng hai con gái mà có viết được thành thơ đâu !”.
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn sinh năm 1949 ở làng Ngô Đạo, huyện Sóc Sơn, nay thuộc Hà Nội. Đó là làng cổ, ven sông Cầu, gần với núi Đôi nổi tiếng trong thơ Vũ Cao. Một miền quê trung du Bắc bộ, tre mọc xanh đất, có truyền thuyết ông Gióng cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân… Thế hệ ông Sơn sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước nhiều biến động lịch sử. Thế hệ ấy vừa gian khổ lao động, vừa quật cường đánh Mỹ, vừa ham học tập với nhiều hi vọng tốt lành “Năm tháng cho ta tin ở ngày mai”… Thuở học phổ thông ông Sơn đã say mê văn chương. Ông kể: thời học ở cấp 2 Thụy Khê, Hà Nội, từng được theo bố là sĩ quan quân đội vào Câu lạc Quân nhân, nghe nhà phê bình Hoài Thanh nói chuyện. Cậu bé Sơn ngồi im bên bố nghe mê đắm những câu thơ của Chế Lan Viên. “Người tôi thít lên, thật lạ, những câu thơ của Chế đã neo vào trí nhớ của tôi đến bây giờ không chịu ra nữa…”.
Năm 1970, tốt nghiệp Đại học Kinh tế - Kế hoạch (ĐH Kinh tế Quốc dân bây giờ) mới hăm mốt tuổi, ông Sơn về công tác tại Ty xây dựng Hòa Bình. Những năm “bao cấp” đó, anh kỹ sư trẻ làm quen với các công trình xây dựng, trong đó có công trường thủy điện Hòa Bình mới bắt đầu khởi công. Những kỉ niệm thật êm đềm , tuy đắng đót “Những năm tám mươi/ Lắm lo toan/ Giặc giã/ Quan liêu/ Nghèo/ Đói/ Chúng ta vẫn ngăn sông Đà /làm thủy điện/ Làm thơ!”… Năm 1976 ông Sơn được giải thưởng cuộc thi thơ của báo Văn nghệ với bài “Đi trong đêm thị xã”. Bài thơ đẹp, câu chữ bình dị, đậm nét trữ tình, lưu giữ hình ảnh một thị xã lao động và yêu thương, sau năm tháng chiến tranh nhiều gian nan, vất vả:
Hôm nay dù nhiều lắm ước ao
Vẫn yêu mến những gì ta đã có
Một quán sách ba gian nho nhỏ
Vòi nước long tong gõ nhịp đáy thùng…
Thơ ông bắt đầu in đều ở các báo và tạp chí trung ương, nhất là thơ viết cho thiếu nhi. Những bài thơ tươi trẻ, hóm hỉnh được các em yêu thích. Cũng trong năm 1976 ,ông Sơn chuyển về làm phóng viên, rồi biên tập viên văn nghệ báo Tiền phong của Trung ương Đoàn, một tờ báo đang có uy tín trong làng báo Việt Nam bấy giờ. Sau này Tổng biên tập Dương Kỳ Anh ra thêm tờ Tiền phong chủ nhật, ông Sơn giữ cương vị trưởng ban biên tập cho đến ngày nghỉ hưu.
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn lấy nghề báo để nuôi nghiệp văn. Làm báo tuần bận lắm. Thời chưa có di động, vi tính, phóng viên gò mình đạp xe đi cơ sở, đêm gõ máy chữ, cạo bút sắt mờ mắt. Có dạo, không nhớ năm nào, chỉ nhớ vào mùa hè ,tôi đến 15 - Hồ Xuân Hương thăm ông Sơn. Tiền phong bấy giờ còn là ngôi biệt thự cũ, chưa được xây lại khang trang như hiện nay. Trong căn phòng hẹp, bề bộn giấy báo, ông Sơn miệt mài làm việc, chiếc quạt trần Trung Quốc lờ đờ quay, không xua được cái nóng Hà Nội. Trưa ấy chúng tôi trải báo nằm nghỉ trên sàn gạch, mồ hôi rịn cả người ,thế mà vẫn đọc thơ say sưa cho nhau nghe… Tờ Tiền phong chủ nhật chững chạc, nhiều chuyên mục lý thú, nghiêng về văn nghệ. Có phải chính nghề báo đã đưa nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn thành nhà lý luận phê bình? Trên diễn đàn Tiền phong là chủ yếu, ông Sơn viết các bài phê bình tranh luận về các hiện tượng văn nghệ của đất nước. Từ điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, khảo cứu truyện Kiều, chân dung văn học, giải thưởng văn nghệ ông đều bàn, bình, phê phán, nhưng có lí có tình. Đó là do yêu cầu của báo, cũng do sự khát khao được phát biểu tâm huyết, chính kiến của mình. Cứ đọc hai tập lý luận phê bình đầy đặn: “Tranh luận văn học”, “Văn đàn- Thời sự & Bình luận” ta thấy được toàn cảnh bức tranh đặc sắc của nền văn nghệ nước nhà thời đổi mới và văn phong của ông Sơn. Các bài viết của ông Sơn có phương pháp luận khoa học, đôi khi dí dỏm, diễu đùa một tý, nhưng không đao to búa lớn, khiến người đọc dễ đồng cảm. Để bênh vực nhà thơ Lê Đạt khi có người đụng chạm đến “Phu chữ”, cũng như đụng chạm đến quyền được sống, làm việc và sáng tạo của các bậc tài danh một thời thiệt thòi như Trần Dần, Hữu Loan...ông Sơn viết: “ Buồn vì lối viết ác ý, xấc xược, vô lối của nhà thơ lớp sau với bậc đàn anh trong văn giới” (Tôi ủng hộ quyền thí nghiệm sáng tạo của nhà thơ
Dù đã có hàng chục đầu sách về thơ, truyện thơ, truyện ngắn, lý luận phê bình, kịch phim hoạt hình...đoạt nhiều giải thưởng danh giá, nhưng có lẽ gây ấn tượng nhiều nhất cho bạn đọc của ông Sơn là thơ viết cho trẻ em? Trong dòng sông lớn của nền văn học Việt Nam đương đại có một dòng chảy liên tục, bền bỉ, trong trẻo (tưởng có lúc lẫn đi trong xô bồ bùn đất, thương mại và lép hạng) là dòng văn học thiếu nhi. Từ thế hệ đàn anh của Cách mạng tháng Tám: Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ...; đến Đoàn Giỏi, Định Hải, Phong Thu, Trần Hoài Dương...và một đội ngũ đông đảo từ bắc vào nam: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Sơn, Xuân Quỳnh, Phạm Đình Ân, Mai Văn Hai, Lê Phương Liên, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Nhật Ánh, Đặng Hấn...Ngoài thần đồng Trần Đăng Khoa và tài năng văn xuôi của Nguyễn Nhật Ánh thì Nguyễn Hoàng Sơn đáng xếp hạng A về thơ. Bạn bè thường gọi vui ông Sơn là người: “ Dắt mùa thu vào phố” -tên một tập thơ thiếu nhi của ông được trao giải cao nhất của Hội nhà văn Việt Nam năm 1993.
Thơ viết cho thiếu nhi của Nguyễn Hoàng Sơn, cũng như của các nhà thơ khác, có sự trong trẻo, tinh tế…Đặc biệt là rất hóm!
Thành công của thơ Nguyễn Hoàng Sơn là dựng được hình ảnh quen thuộc nhưng điển hình, câu chữ chọn lọc để tái hiện một thế giới thần tiên. Những câu thơ dịu dàng, mơ mộng, người lớn đọc cũng yêu: “Trời bỗng dưng cao vời/ Nắng hanh se ngọn gió/ Mặt ao thành gương soi/ Vệt sương đằm lối cỏ”. Tinh tế bất ngờ, dẫn các em vào chuyện cổ tích:
Trông kìa quả thị vàng
Dắt mùa thu vào phố
Mang theo câu chuyện cổ
Thị kể bằng mùi hương
Ở làng báo Nguyễn Hoàng Sơn là một phóng viên xông xáo, một biên tập viên có hạng, một trưởng ban năng nổ. Ở văn nghiệp ông có nhiều đóng góp, tạo được uy tín trên văn đàn. Ông nhận nhiều giải thưởng văn học, ba giải văn học cho thiếu nhi, hai giải thơ trữ tình, hai giải về lý luận phê bình...Ông Sơn còn tham gia Hội đồng văn học thiếu nhi, Hội đồng lý luận phê bình, từng là ủy viên biên tập Tạp chí Thơ của Hội nhà văn Việt Nam… Phải có tài, có tâm mới được anh em văn nghệ tín nhiệm như vậy.
Hồi năm 1985 ,ông Sơn đi công tác từ Nghệ An ra, dừng ô tô ở thị xã Thanh Hóa. Ông chạy bộ hơn cây số vào nhà, dúi vào tay con tôi năm quả cam Xã Đoài rồi đi ngay. Vợ tôi ngóng theo lẩm bẩm “Sao có bè bạn ân tình thế, một ngụm nước cũng không kịp uống”.
Thôi thì cuộc đời khôn dại cũng là lẽ thường của thế gian này, ân nghĩa mới là cái ta cần, cái đẹp và tình yêu mới là cái ta cần. Ông Sơn ơi !Xin cứ làm thơ, viết văn cho hay đi, nhất là thơ cho con cháu ta đấy. Đừng bận tâm nhiều lắm đến được mất của thế sự hôm nay. Tôi khẽ đọc câu thơ của ông Sơn trong tập “ Đợi mắt nhìn mới nở”, câu thơ như ngóng vọng vào cái đẹp của tình người: “ Bao nhiêu người khôn hết/ Riêng mình anh dại khờ/ Cứ tin vào cái đẹp/ Giữa cuộc đời bán mua”…
Nguồn Văn nghệ số 39/2017