NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THÂN: NGƯỜI KHÁT SỐNG
Nhà văn Nguyễn Quang Thân
Từ khi còn là một cậu bé học tiểu học, một trong những cuốn sách tôi thích nhất, thích đến nỗi đọc đi đọc lại nhiều lần mà không thấy chán, là cuốn “Chú bé có tài mở khóa”. Chẳng có gì khó hiểu cả, trong cuốn sách này có đủ những yếu tố để một đứa trẻ ham đọc phải say mê với nó: Một cốt truyện nhiều chất phiêu lưu với nhân vật chính là cậu bé bụi đời có tài mở tung mọi loại khoá, một cách kể chuyện cuốn hút, một cái kết có hậu như thường thấy trong các câu chuyện cổ tích. Mãi về sau tôi mới biết, té ra tác giả của “Chú bé có tài mở khoá” - nhà văn Nguyễn Quang Thân - là người Hà Tĩnh, mà lại là Hà Tĩnh của miệt rừng rú Hương Sơn, nơi khởi nguồn của con sông Ngàn Phố, nơi xưa kia cụ Phó bảng Phan Đình Phùng đã bền gan phất cao cờ nghĩa Cần Vương. Nghĩa là Hà Tĩnh... trăm phần trăm!
Hà Tĩnh, vùng đất từng là miền biên viễn trong suốt nhiều thế kỷ. Cộng đồng cư dân được hình thành từ nhiều nguồn đa tạp, họ phải bấm chặt chân vào đất để chịu đựng muôn vàn thử thách mà tồn tại trong cái tình thế miền biên viễn ấy. Những cái tinh tế phiền phức trong nếp nghĩ nếp sống kiểu kinh kỳ nhạt đi, thay vào đó là cái khoáng đạt đến mức thô phác, cái can đảm đến mức liều lĩnh, cái chân thành đến mức thẳng băng. Và trên hết, là một phẩm chất đậm: tinh thần khát sống. Nguyễn Quang Thân ngoài đời thực vạm vỡ, cao lớn – chắc chắn ông thuộc loại cao lớn so với thế hệ của mình – ăn to nói khoẻ, cái bắt tay thật chặt và ấm nóng. Chưa hết, ông còn là người mà chất hoa tình trước tiên luôn “phát tiết” ở đằng miệng, và vì thế cũng luôn khiến chị em phụ nữ - bất kể già hay trẻ - khi trò chuyện với ông hầu hết đều phải... e lệ thẹn thùng. Mà cũng chẳng phải chỉ hoa tình bằng con đường “khẩu thiệt” thôi đâu, bản thân “lịch sử tình ái” của ông với người bạn văn, bạn đời Dạ Ngân đã đủ là bằng chứng hiển hiện về một con người khát yêu, khát sống, dám đi tới cùng để giành lấy tình yêu lớn của đời mình.
Đọc văn Nguyễn Quang Thân, cũng không khó để nhận diện chất hoa tình đặc trưng ấy: những cảnh “mây mưa, chăn gối” xuất hiện ở hầu khắp các truyện ngắn, tiểu thuyết của ông, với những chi tiết rất ấn tượng. Riêng tôi, tôi nhớ mãi hai chi tiết nằm ở hai tác phẩm. Trong truyện ngắn “Sông nước đời thường”, ông cho người thanh niên làm nghề đò dọc nghêu ngao một câu ca: “Trăng lên khỏi núi mu rùa/ Cho anh đ... chịu đến mùa trả khoai”. Trong tiểu thuyết “Con ngựa Mãn Châu” có nhân vật anh đánh xe ngựa tên Nuôi Tu, dù sắp chết vì đói (trong nạn đói năm 1945) nhưng vẫn cố dành chút sức tàn hòng “âu yếm” người con gái mà anh thầm thương trộm nhớ, mặc kệ cái sự thực sờ sờ là cô này cũng đang lả đi vì thiếu ăn! Câu ca trong truyện ngắn là một câu ca dao của xứ Nghệ. Nhân vật anh Nuôi Tu “sắp chết vẫn còn ham” trong tiểu thuyết là một người xứ Nghệ chính tông. Vậy đấy, cái hoa tình mang chất Nghệ của Nguyễn Quang Thân. Nó không vòng vèo uốn lượn bằng lớp vỏ lịch thiệp tinh tế như ta thường thấy ở các vùng văn hóa trung tâm, kiểu Thăng Long hay Phú Xuân. Nó mạnh mẽ, dữ dội, thậm chí dung tục. Song nó thật. Và nó như một khẳng định mạnh mẽ cho niềm ham sống, sự khát sống, nhu cầu tận hưởng thú vui trần thế mà đời sống mang lại của con người xứ Nghệ. Người sao văn vậy, chỉ nói riêng ở phương diện này, Nguyễn Quang Thân chừng như đã làm được một cái nheo mắt giễu cợt trước lí thuyết của nhà văn Pháp Marcel Proust, khi ông này tuyên bố trong “Chống Saint Beuve” rằng: con người nhà văn trong đời thực và con người nhà văn trong tác phẩm chẳng mấy quan hệ gì với nhau.
Nói Nguyễn Quang Thân là người khát sống mà chỉ căn cứ vào cái chất hoa tình hừng hực của ông thì có lẽ còn chưa đủ. Ông khát sống, là khát một cuộc sống mà ở đó mọi vật đều được gọi bằng đúng tên của nó và được đặt vào đúng chỗ của nó. (Ông từng dịch một bài thơ của nữ thi sĩ Nga Akhmatova, trong đó có những câu mà dường như tác giả đã nói hộ lí tưởng sống của dịch giả: “Dù cái chết nhìn em tận mắt/ Em sẽ bỏ phiếu bầu như anh đã nhắc/ Cho cái cửa được là cái cửa/ Cho cái khoá được là cái khoá/ Cho con thú dữ dằn trong ngực em/ Được mãi là một trái tim”). Nói cho đơn giản, đó là một cuộc sống tốt đẹp, ở đó xã hội tồn tại và vận hành trên những nguyên tắc tự do – công bằng – dân chủ, ở đó phẩm giá của con người được tôn trọng, ở đó những nhu cầu tự nhiên lành mạnh của con người được công nhận và những năng lực tích cực của con người được giải phóng. Khát cuộc sống như vậy, ông ráo riết đấu tranh cho nó bằng tất cả sức mạnh của thứ vũ khí mà mình có: ngôn từ. Dù là những bài báo chỉ ngắn chừng 400 – 500 chữ, theo kiểu “sổ tay nhà văn” hay “góc nhìn của nhà văn”, cho đến những bài bút kí dài hơi, ở đâu Nguyễn Quang Thân cũng bộc lộ một sự quan tâm mạnh mẽ của người trí thức đến những vấn đề nóng đang đặt ra trong đời sống xã hội, trong quá trình phát triển của đất nước. Có những sự việc rất đỗi bình thường và cũng rất dễ trượt đi trong cái nhìn của nhiều người, thì với ông, đôi khi nó lại là đầu mối của những chuyện không bình thường một chút nào. Tôi còn nhớ đã đọc một bài ông viết về nạn lâm tặc ở trên báo “Thể thao&Văn hóa” (không rõ số ra ngày nào, vì ông viết hằng tuần cho báo này). Trong đó ông đã chỉ ra những kẻ phá rừng “thứ thiệt”: chúng không phải đám đang cưa xẻ cây ở trên rừng, mà chính là các cơ quan công quyền. Trong phần lớn các cơ quan này, đâu cũng là gỗ, mà phải là gỗ quý. Họ dùng tiền nào để “chơi sang” vậy? Và liệu các bộ phận mang chức năng ngăn chặn lâm tặc có ích gì không khi mà những cơ quan công quyền nọ vẫn giữ cái thói phú ông như thế? Bài báo toát ra những câu hỏi đầy phẫn nộ, sự phẫn nộ của một trí thức chân chính trước cái chướng mắt trong đời sống.
Tinh thần phản biện xã hội, sự trăn trở đau đáu của người trí thức trước những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của đất nước cũng chính là một chủ đề lớn trong văn Nguyễn Quang Thân. Vào thời kỳ cao trào của văn học đổi mới (1986 – 1992), trong hai tiểu thuyết “Một thời hoa mẫu đơn” và “Ngoài khơi miền đất hứa” cũng như trong hàng loạt truyện ngắn khác, nhân vật chính của Nguyễn Quang Thân luôn là người trí thức. Người trí thức sống trong một xã hội mà các giá trị trở nên nhập nhoạng, thậm chí bị đảo lộn bởi sự chuyển đổi cơ chế chưa đi đến cùng đích. Người trí thức bị giằng xé giữa một bên là khát vọng giữ gìn phẩm giá và khát vọng bảo vệ lí tưởng sống cao đẹp của mình, bên kia là nhu cầu về một sự tồn tại được đảm bảo bằng tình thế yên thân và yên phận và có đủ cơm ăn hàng ngày. Họ chỉ có thể lựa chọn một trong hai: để mình được là mình, họ phải đấu tranh và chịu bầm dập; để tránh sóng gió, họ phải hùa theo thói thường, và khi ấy họ đã không còn là mình. Trên hướng thứ nhất, Nguyễn Quang Thân có nhân vật Huy, một nhà khoa học vật lí trong “Một thời hoa mẫu đơn”. Huy kiêu hãnh tuyên bố với lãnh đạo: “Tôi có thể đi hốt cứt bán để kiếm sống, chữa morat nhà in hoặc làm nhà soạn sách phổ biến khoa học, phụ trách một phòng thí nghiệm vật lí hoặc giảng dạy ở trường đại học. Nếu có Viện Hàn lâm tôi có thể phấn đấu trở thành viện sĩ. Tôi có thể chân thành nói rằng nếu tôi nhận làm việc gì tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”. Trên hướng thứ hai, Nguyễn Quang Thân có nhân vật Hảo trong truyện ngắn “Vũ điệu của cái bô” nổi đình đám một thời. Là một phó tiến sĩ hóa học đang trong cảnh thất nghiệp, Hảo nhận làm người giữ trẻ cho một bà nạ dòng thừa tiền thiếu tình. Càng phải chứng kiến cảnh giàu có và lối sống sa đọa của kẻ giàu trong gia đình nhà chủ, Hảo càng xót xa cho phận trí thức nghèo của mình. Và điều tệ hại hơn, mặc cảm ấy làm anh tê liệt cả khả năng nhận biết và hưởng thụ cái đẹp, tê liệt cả năng lực đàn ông của mình. Trước sự tấn công của một người đàn bà đẹp, “anh chỉ rúm ró lại trong nỗi đau của một hàn sĩ”. Về sau này, năm 2001, trong tiểu thuyết “Con ngựa Mãn Châu” (tác phẩm đoạt giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000 – 2002), sự trăn trở trước thân phận người trí thức của Nguyễn Quang Thân đã có thêm được chiều kích của một trăn trở lịch sử.
Nguyễn Quang Thân là như thế. Ông sống và viết với tư thế của một người dấn thân, một người đầy tự tin vào hành động của mình cũng như cái đích đến của hành động ấy Đơn giản, ông là người khát sống. Trong cuộc đời, trong cả cái viết.
______________________
Nguyễn Quang Thân, sinh năm 1936, là một nhà văn hiện đại Việt Nam, ngoài viết truyện ngắn và tiểu thuyết, ông còn viết kịch bản. Các bút danh khác: Song Ân, Hồng Nga. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước như: Giải chính thức văn học cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985 cho tác phẩm Chú bé có tài mở khóa; Giải nhì truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1992 cho tác phẩm Vũ điệu cái bô; Giải A cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long với tác phẩm Hội thề; Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ ba (2006 – 2009) với tác phẩm Hội thề và lần thứ nhất (2000-2002) với tác phẩm Con ngựa Mãn Châu. Ngày 4/3/2017, ông qua đời tại TP Hồ Chí Minh sau cơn đột quỵ.
Nguồn: Nhà văn TPHCM- Theo TIA SÁNG