NHỮNG MẢNH VỠ SỐ PHẬN
Riêng tôi thì cứ nghĩ, văn chương không nhất thiết phải đúng như khuôn thước. Văn chương chỉ là những giả định, mỗi người khi tiếp cận tác phẩm sẽ có một “góc nhìn” của riêng mình tùy vào trình độ, sở thích, hay nói rộng hơn là tùy vào mỹ cảm cá nhân, do trải nghiệm văn hóa, và quan trọng hơn là trải nghiệm sống. Mỗi người viết có một cái “hiến pháp” riêng, chính vì thế văn chương mới trở nên phong phú, đa dạng, phức tạp, thậm chí mâu thuẫn trong sự thống nhất biện chứng.
Ấn tượng về Ấy là giọt nắng đã theo tôi khi đọc tiểu thuyết Trượt theo lời nói dối– tiểu thuyết “mới ra lò” của Đỗ Xuân Thu. Cuộc đời rõ ràng không phải là một phép toán đơn giản. Con người không phải là những thông số cứng nhắc. Cuộc đời thời nào cũng đều là “nước mắt soi gương”. Đã qua rồi cái thời nhìn cuộc đời và con người như một bảng biểu, lúc nào cũng chỉ “yêu căm chiến lạc” (yêu thương/căm thù/chiến đấu/lạc quan) như cách các thầy cô vẫn thường dạy học trò trong nhà trường phổ thông trước đây.
Cuộc đời này phải chăng là tập hợp của những “mảnh vỡ số phận”? Cái gọi là “số phận con người” trước đây hễ nói ra sẽ lập tức bị hấp háy nghi ngờ về quan điểm, lập trường. Trước đây chúng ta ý chí là trọng, nên tin tưởng một cách đơn sơ rằng không có cái gọi là hoàn cảnh quyết định tính cách, chỉ có tính cách phải vượt lên hoàn cảnh. Anh hùng tạo thời thế, chứ không nhu nhược đợi thời thế tạo anh hùng.
Thanh, Thủy, Mai- một nam hai nữ như là ba nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Trượt theo lời nói dối, tôi nghĩ, không ai xấu, không ai có lỗi, không ai đáng phê phán trong câu chuyện tình tay ba oái oăm, nói như dân Nam Bộ là “tréo ngoe”. Riêng tôi thấy, họ dẫu ba chìm bảy nổi chín lênh đênh vẫn cứ đáng thương, đáng yêu, đáng đồng cảm và đáng sẻ chia. Vì sao? Vì họ là con người. Nhà văn nào đó, một lần đã thốt lên “Ôi! Con Người! Hai tiếng đó vang lên mới tự hào làm sao!”. Đúng thế. Con người trong cuộc bể dâu, trong cõi người ta, thời nào thì cũng đắm chìm trong ái ố hỉ nộ, tham sân si. Thời nào thì cũng “trải qua một cuộc bể dâu/những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Làm sao thoát được số phận!
Thanh, nhân vật nam chính, một người đàn ông “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” đã lọt vào mắt xanh của Thủy. Thế rồi trai tài, gái sắc đã bện kết họ thành duyên vợ chồng. Họ có hai mặt con với nhau, tưởng như không gì có thể chia cắt được. Hôn nhân của họ được xây đắp trên tình yêu. Nhưng cuộc đời mấy ai học hết chữ ngờ. Đó chính là những khúc ngoặt của số phận. Nếu Thanh không vào công tác miền Nam, nếu Thanh không bị tai nạn (mà họa thì vô đơn chí, phúc thì bất trùng lai), nếu khi cận kề cái chết không có Mai cưu mang, thì chẳng có chuyện gì xảy ra. Không có chuyện tan đàn xẻ nghé. Thanh không phải trong cơn mềm yếu, cũng không phải là người thiếu chung thủy với vợ con, mà là vì hoàn cảnh xô đẩy, vì cái tình nghĩa với Mai mà đã nên vợ nên chồng với cô gái gốc Bắc, định cư ở miền Nam. Sai về luật pháp (vi phạm Luật Hôn nhân gia đình). Nếu ở ngoài đời thực, khi chuyện lộ ra thì anh Thanh phải chịu kỷ luật là cái chắc, tất nhiên! Nhưng ở đây, trong nghệ thuật, thì đôi khi cái phi lý lại dễ cảm thông hơn cái hợp lý. Vì có "cơi nới" trong miền Nam nên anh cố tình giấu. Anh trượt theo lời nói dối. Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng phải lộ. Cái trường đoạn Mai và Thanh đưa con cái ra Bắc trình diện họ hàng và “chị cả” (tức Thủy) được miêu tả thật hay. Không có cuộc đánh ghen thế kỷ giữa “hai sư tử”, không có chuyện “không ăn thì đạp đổ”. Cuối cùng thì cái tình, cái nghĩa đã giúp cho mỗi bên biết cách ứng xử "trong người có ta" và ngược lại. Hóa ra là, hòa hiếu, làm hòa với người khác là cách ứng xử tốt nhất giúp con người đi qua những bĩ cực để đến được thái lai!?
Có vẻ như để tháo cái kíp nổ này cho thật an toàn, ở cuối tiểu thuyết, tác giả đã để cho nhân vật Thanh chết vì bị ung thư (khi còn trẻ, chỉ mới năm mươi sáu tuổi, bây giờ thì gọi là chết trẻ, hơi "lỗ vốn"). Cái chết này về "nguyên lý tình huống" thì có thể hóa giải tất cả, vì “nghĩa tử là nghĩa tận”? Lúc này thì không phải chỉ có hai họ, mà cả ba họ, đều vì tương lai con em chúng ta, sẽ sẵn sàng hợp tác, hợp lực, hợp tình chăm lo cho người còn sống- lớp con cháu trước mặt. Đó là cái nhìn thấu triệt nhân văn trên cảm hứng tương lai, xóa bỏ quá khứ đôi khi không như ý, thậm chí bùng nhùng. Triết lý của tác phẩm chăng? Rất may không là một “triết lý vặt” mà những người mới vào nghề văn thường hay xây xẩm. Tác giả có thể điềm tĩnh về xác lập này.
Viết tiểu thuyết là cả một thử thách lớn đối với bất kỳ cây bút nào. Đỗ Xuân Thu đã nhận được nhiều giải thưởng về ký, thơ, truyện ngắn. Nhưng không phải là đã nắm chắc tấm “hộ chiếu chữ nghĩa” để tự tin, đường hoàng bước vào lĩnh vực tiểu thuyết. Người viết tiểu thuyết phải giàu vốn liếng cỡ triệu phú (vốn sống, vốn tiếng Việt, vốn văn hóa). Nhưng quan trọng nhất là giàu trí tưởng tượng, vì “tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật”. Trượt theo lời nói dối gây cảm giác về một câu chuyện có thật đến một trăm phần trăm (ngay cái tên nhân vật là Đỗ Xuân Thanh cũng gây cho bạn đọc cái cảm giác đây là chuyện có thật trong họ hàng tác giả). Có lẽ chúng ta phải rèn giũa cho cả bạn đọc cũng như tác giả thuần thục phép “gián cách” mà kịch gia người Đức B. Brecht đã chỉ giáo (luôn phải cho mọi người ý thức được đây là nghệ thuật, không phải đời thực).
Lại nữa, khi đọc Đỗ Xuân Thu, riêng tôi thấy anh “duy tình” khi viết. Đúng thế chăng? Đúng là “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Rõ ràng sự viết là tuân thủ “mệnh lệnh” của trái tim. Nhưng khi tác phẩm hoàn tất thì phải có sự can dự, kiểm soát của lý trí. Có lẽ vì thế mà đọc Trượt theo lời nói dối, nếu đôi chỗ có cái cảm giác chông chênh, thiếu gắn kết, là vì ở những chỗ đó, theo tôi, tác giả trượt theo… cái tình!?
Nhưng mà lòng vậy cầm lòng vậy. Có thể sau cuốn tiểu thuyết này, tôi nghĩ, Đỗ Xuân Thu nếu tiếp tục viết tiểu thuyết thì sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, khi đã thu nhận được phản hồi tích cực từ những bạn đọc có kinh nghiệm- những người đồng nghiệp đường dài của anh, luôn theo sát và khách quan khi thấu hiểu và tin tưởng, kỳ vọng vào một cây bút giàu nội lực văn chương của miền Đất Tổ./.
Nguồn Văn nghệ số 19/2017