Tác phẩm và dư luận

15/5
8:30 AM 2017

“KAFKA BÊN BỜ BIỂN”-SỰ TRI ÂN CỦA MURAKAMI VỚI KAFKA

LÃ PHƯƠNG THÚY -Haruki Murakami là một hiện tượng của văn học Nhật Bản đương đại. Sau một loạt thành công của những tác phẩm như Rừng Nauy (1987), Biên niên kí chim vặn dây cót (1994), Người tình Sputnik (1999)... với sức công phá và lan tỏa khắp thế giới.Tiểu thuyết Kafka bên bờ biển (2002) đã giúp Murakami trở thành nhà văn thứ sáu đoạt Giải thưởng Kafka danh giá của Cộng hòa Séc (vào năm 2006) và đưa ông tiến đến rất gần với giải Nobel.

                                                Nhà văn Haruki Murakami 

Như Murakami đã chân thành bộc bạch: “Theo một cách nào đó, đọc những tác phẩm của Franz Kafka là một sự khởi đầu cho nghiệp văn của tôi”, Kafka bên bờ biển là một sự “đáp lễ” của Murakami dành cho thần tượng của mình. Đó là một cuộc đối thoại vượt qua những giới hạn không gian và thời gian, phá bỏ những định kiến và quy chuẩn thông thường, xóa nhòa mọi ranh giới của những khác biệt về quốc tịch, văn hóa hay các giai tầng xã hội... Trong tác phẩm này, không chỉ nhà văn nổi tiếng Kafka mà một số nguyên mẫu khác đều đã được tái hiện và xử lí bằng những thủ pháp nghệ thuật  độc đáo.

Trái ngược với mong đợi của độc giả khi bắt đầu đọc tác phẩm, Kafka bên bờ biển, ở bề mặt ngôn từ, là sự giễu nhại các nguyên mẫu ngoài đời. Murakami đã xây dựng nên các nhân vật bằng kĩ thuật “phản nguyên mẫu” hay “nguyên mẫu bất đồng dạng”, nghĩa là chỉ có tên của nhân vật trùng với tên một con người có thật, mọi thứ còn lại từ quốc tịch, tính cách, số phận… đều khập khiễng, không ăn khớp, thậm chí có phần quái đản và siêu thực.

Nhân vật trung tâm ở tuyến truyện thứ nhất của tiểu thuyết - chú bé mang tên Kafka - dường như chẳng có chút liên hệ nào với nhà văn Séc thiên tài. Kafka trong tác phẩm này là một cậu bé Nhật Bản khá đẹp trai, cơ bắp, thể xác phát triển trước tuổi nhưng lại nhút nhát, cô độc, có phần lập dị. Cậu sớm bị áp định số phận bởi một lời nguyền khủng khiếp giống như nhân vật huyền thoại Oedipus (Kafka được chính người cha của mình tiên đoán rằng khi cậu mười lăm tuổi, cậu sẽ giết cha và ngủ với mẹ, chị gái của mình). Không chịu đón nhận định mệnh điên rồ, vào đúng thời điểm trước sinh nhật lần thứ mười lăm, Kafka đã trốn nhà và dấn thân vào một hành trình kì lạ của những mộng mị, suy tưởng và những ngã rẽ bất ngờ… Ngoại hình, tính cách, cuộc đời của cậu bé Kafka Tamura quả thật khác xa với những hình dung và hiểu biết của độc giả về nhà văn kiệt xuất Franz Kafka. Chính nhân vật này không dưới một lần đã thừa nhận cái tên Kafka chẳng qua chỉ là một dạng “nặc danh”, không phải là tên thật của cậu. Có thể thấy, Murakami cũng không có ý định ép buộc độc giả phải nghĩ rằng đây là mô phỏng của nhà văn Kafka.

Ở tuyến truyện thứ hai luôn chạy song song với tuyến thứ nhất trong tiểu thuyết này, ta tiếp tục gặp những nguyên mẫu nổi tiếng. Đó là ngài Johnnie Walker - một cái tên ngay lập tức gợi nhớ về thương hiệu rượu wisky nổi tiếng của nước Anh. Đoạn miêu tả về nhân vật này trong cuộc gặp gỡ ban đầu với lão già Nakata rất giống với hình ảnh người đàn ông đã trở thành biểu tượng quen thuộc trên các chai rượu: “Y ngồi trên một chiếc ghế xoay bọc da, hai chân bắt chéo trước mặt. Y mặc một cái áo đuôi tôm màu đỏ vừa khít bên ngoài một chiếc vest đen, một chiếc quần trắng như tuyết bó sát và đi ủng màu đen. Một tay y đưa lên vành mũ…”. Chỉ có điều, người khai sinh ra thương hiệu rượu nổi tiếng thế giới có nằm mơ chắc cũng không thể tin tên tuổi của ông lại được Murakami gán cho một kẻ giết mèo, một tên sát nhân máu lạnh - kẻ mổ ruột, moi tim lũ mèo ăn rau ráu và tàn nhẫn chặt phăng những chiếc đầu mèo. Phải chăng đây là một sự phỉ báng có chủ ý? Nhưng Murakami đã rào trước đón sau về sự không thống nhất này thông qua lời tự giới thiệu đầy mâu thuẫn của nhân vật: “Tên tôi là Johnnie Walker. Hầu như mọi người đều biết tôi. (…) Tất nhiên, tôi không phải là Johnnie Walker thật. Tôi chẳng có liên quan gì với cái công ti sản xuất rượu ấy của nước Anh. Tôi chỉ mượn cái mã ngoài và tên của ông ta thôi. Con người ta phải có tên, có mã chứ, đúng không?”.

Chưa hết, cũng trong tuyến truyện về Nakata, độc giả còn được biết đến một nguyên mẫu nổi tiếng không kém, đó là đại tá Colonel Sanders - người sáng lập ra thương hiệu gà rán KFC (viết tắt của cụm từ Kentucky Fried Chicken) đang có mặt tại hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Diện mạo của nguyên mẫu này hiện lên đúng như trong đoạn miêu tả của Murakami: “…một ông già thấp bé, mặc một bộ đồ trắng. Tóc bạc, ria bạc, râu cằm bạc, cặp kính đạo mạo, sơ mi trắng, cà vạt dây…”. Vậy mà ông lão người Mĩ đáng kính và trung hậu khi “chui” vào tác phẩm của Murakami lại hoá thành ông trùm chuyên đi dắt mối gái điếm, hơn nữa còn là một người tinh nhạy và có năng lực vô cùng bí ẩn. Có điều giống như nhân vật Johnnie Walker, nhân vật đại tá Sanders cũng nhiều lần phủ nhận về mối liên hệ giữa mình với nguyên mẫu ngoài đời: “Ta chỉ mượn tạm cái vẻ bề ngoài của ông ta thôi”; “Ta là một vật thể khái niệm, siêu hình. Ta có thể khoác bất kì hình dạng gì, nhưng ta thiếu thực chất”.
 


Ở Kafka bên bờ biển, mọi nhân vật dường như luôn ở trong quá trình phủ định và lộn trái các nguyên mẫu. Nhưng khi dõi theo từng nút thắt của câu chuyện dần được cởi bỏ, khi gạt đi cái vỏ bề ngoài siêu tưởng và cố ý đánh lừa cảm giác của ngôn từ, ta mới chợt nhận ra điều mà tác giả muốn gợi dẫn, nhắc nhớ lại chính là khí chất, linh hồn của những nguyên mẫu mà ông đã cất công lựa chọn và đầy dụng ý khi đặt họ ở bên nhau, trong cái kết cấu có phần lỏng lẻo, bất định của một tác phẩm kì dị. Có thể nói, các nguyên mẫu trong tác phẩm này của Murakami mang tính ám dụ cao, thách thức ta phải động não và suy nghiệm không ngừng.

Cậu bé Kafka chắc chắn không phải là nhà văn Kafka nhưng hành trình cuộc đời mà cậu trải qua, những thức ngộ mà cậu đạt được trên đường đời, những cung bậc cảm giác phức tạp mà cậu đã có… tất cả đều dẫn ta về với nhà văn người Séc. Chủ đề cốt lõi trong các tác phẩm của Kafka đã được Murakami khéo léo lồng ghép trong cả hai tuyến truyện của tiểu thuyết: đó là mâu thuẫn cha - con, những ám ảnh tội lỗi, sự dã man về thể xác và tâm lí, những cuộc điều tra đáng sợ, những biến đổi kì bí… Nhiều đối thoại của các nhân vật đều gợi nhắc về tên các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn này. Ví dụ những lời của Osima nói với Kafka “Sự vật bên ngoài ta là phóng chiếu của những gì bên trong ta và những gì bên trong ta là phóng chiếu của những cái bên ngoài. Cho nên khi ta bước vào cái mê cung bên ngoài thì đồng thời ta cũng bước vào cái mê cung bên trong ta” khiến ta bất giác nhớ đến những mê lộ rối rắm, vừa hiện hữu vừa siêu hình trong Lâu đài và Hóa thân của Kafka. Trên hết, nhân vật cậu bé Kafka là một hình mẫu thể nghiệm sâu sắc những suy ngẫm về cuộc đời và văn chương phi lí mà Kafka hằng theo đuổi. Đối với hai nhân vật mang nguyên mẫu của Johnnie Walker và Colonel Sanders cũng thế. Sự cong vênh giữa chiều kích của các nhân vật với nguyên mẫu thực chất là một ẩn dụ về cách sống của con người, những nỗ lực để tìm sự hòa hợp giữa linh hồn và thể xác, giữa đạo đức và niềm tin, giữa thành công và thất bại...  

Đúng như nhận định của dịch giả Dương Tường, “Cậu bé mang tên Kafka, một trong hai nhân vật chính, rõ ràng là một quy chiếu về văn hào người Séc, cả cái gã thiếu niên tên Quạ cũng vậy - trong tiếng Séc, Kafka nghĩa là quạ gáy xám (…) thực chất là cái tôi khác - alter ego, cái bản ngã thứ hai của cậu”. Hãy so sánh hai đoạn viết sau đây:
- “Thế giới thật khủng khiếp chứa trong đầu tôi! Nhưng làm sao để giải phóng chính tôi và giải phóng chúng mà không xé toạc ra. Và xé ra nghìn lần trong tôi còn tốt hơn là nó được kìm lại hoặc chôn cất” (Nhật kí ngày 21 tháng 6 năm 1913 của Franz Kafka).
- “Tôi cố tĩnh trí lại và gom lượn các mảnh của bản ngã tôi vương vãi khắp xung quanh như những miếng rời của một trò chơi ghép hình… Tôi nhắm mắt lại và để mặc thời gian trôi qua” (lời của cậu bé Kafka khi bị hút vào thế giới bí mật trong rừng).

Sự trùng hợp giữa hai đoạn văn trên chỉ có thể giải thích bằng lòng cảm hiểu và đồng điệu tuyệt vời giữa Murakami và Kafka. Thế giới qua lăng kính của họ là thế giới của những phi lí, bất ổn, những ngờ vực toan tính, những giả dối ngụy tạo. Con người bị nuốt chửng trong thế giới vật chất thực dụng ấy, cố gắng quẫy đạp để trốn thoát, cố gắng tìm một nơi nương náu tinh khiết và sạch sẽ nhưng đều vô vọng, bất lực. Cách duy nhất để sống yên ổn trong thế giới ấy là giữ cho mình một vùng trời riêng với những hồi ức đẹp đẽ, nơi ta có thể sống đúng như mình mong muốn: “Mỗi chúng ta đều mất một cái gì quý giá đối với mình (...). Nhưng bên trong đầu chúng ta... có một chỗ nho nhỏ để lưu trữ kí ức về những cái đã mất đó. Một chỗ giống như những giá sách ở thư viện này. Và để hiểu cơ chế vận hành của trái tim ta, phải tiếp tục soạn thêm những phiếu tham khảo mới, thỉnh thoảng phải hút bụi, thông khí, thay nước bình hoa. Nói cách khác, phải mãi mãi sống trong thư viện riêng tư của chính mình” (lời của Osima).

Murakami đã đối thoại với Kafka theo cách của riêng mình cũng như đã tái hiện các nguyên mẫu theo một phong cách mang đậm dấu ấn cá nhân. Với việc phân tích các nguyên mẫu trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển, ta đã tìm ra một con đường đắc hiệu để đi vào thế giới nghệ thuật phong phú của Murakami - và có thể của Kafka nữa.
L.P.T- Nguồn: Văn nghệ Quân đội
 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *