THƠ VIỆT, NƠI LƯU GIỮ TÂM HỒN NGƯỜI VIỆT
Nhà thơ Anh Ngọc
Thưa quý bà, quý ông,
Trước hết, là người được thay mặt các nhà thơ Việt Nam tham dự cuộc giao lưu hôm nay, một việc lẽ ra phải do ông chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đảm nhận, tôi xin được chuyển mấy lời của nhà thơ Hữu Thỉnh tới quý vị: Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá rất cao ý nghĩa cuộc giao lưu của chúng ta mà ông gọi là “hiếm có” và rất cám ơn các bạn về việc làm đầy tâm huyết và thiện ý này, đáng lẽ ông phải có mặt trong cuộc giao lưu hôm nay, nhưng do đúng dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trọng thể lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập, một hoạt động mà ông không thể vắng mặt, nên nhà thơ rất tiếc không thể đến Nhật Bản và xin được gửi lời cám ơn và xin lỗi chân thành đến quý vị. Nhân dịp này, thay mặt Hội Nhà văn Việt nam, nhà thơ Hữu Thỉnh xin kính mời ngài Kouhei Ikura, Chủ tịch Hội nhà thơ Nhật Bản, sang thăm Việt Nam trong năm nay, giấy mời chính thức Hội nhà văn Việt Nam sẽ gửi đến sau, rất mong ngài Chủ tịch thu xếp để chúng ta sẽ có cuộc hội ngộ ấm áp tại Việt Nam.
Thưa quý vị thân mến!
Bây giờ là phần việc của tôi.
Tôi có 90 phút - kể cả phần cho người dịch thuật - để chuyển đến quý vị cả một đại dương những điều muốn nói về mối lương duyên đặc biệt sâu nặng giữa thơ - với - người - Việt và người - Việt - với - thơ. Đúng là một câu chuyện bất tận, như cách nói của nhà thơ Xuân Diệu của chúng tôi:
“Nói bao nhiêu cũng còn chưa đủ
Nói mãi mãi vẫn là chưa hết
Nói đến chết vẫn hãy đang còn.”
Thôi thì liệu cơm gắp mắm, thời gian có hạn, nói được chừng nào hay chừng ấy. Rất mong các quý vị lượng thứ nếu có gì chưa đáp ứng được mong mỏi của quý vị!
*
Thưa quý vị!
Trước hết, thơ là một thể loại văn học có từ lâu đời và khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng, theo cách hiểu thông thường về thể loại văn học, thì ở Việt Nam chúng tôi, tôi nghĩ rằng thơ còn hơn cả một thể loại văn học - thơ là cách người Việt tự diễn đạt chính mình và trò chuyện với người khác. Nói một cách khác, với người Việt, thơ là một thứ siêu ngôn ngữ, có thể chuyển tải bất cứ điều gì mà con người muốn, vì vậy có người đã gọi xứ sở chúng tôi là “Thi Quốc” và riêng tôi cũng đồng ý như vậy. Xin được trình bày rõ thêm bằng các ý sau đây:
1. Ở Việt Nam, có lẽ thơ đã xuất hiện cùng với sự hiện hữu của con người, từ nhiều ngàn năm về trước. Khi dân tộc chúng tôi còn lâu mới có chữ viết thì thơ đã ra đời với những câu ngắn gọn, nhịp nhàng, có nhạc điệu và vần điệu, rất giàu sức biểu cảm và hình ảnh, mà chúng tôi gọi là “ca dao” và một vài hình thức khác, kể cả thứ ca từ được hát lên trong các làn điệu “dân ca” có ở nhiều vùng, miền khắp đất nước.
Thứ thơ ứng tác và truyền miệng này được hoàn chỉnh và bổ sung thường xuyên qua chiều dài của thời gian. Chúng động đến hầu hết các tình huống diễn ra trong đời sống tinh thần của người Việt chúng tôi. Chẳng hạn, khi các chàng trai, cô gái của hàng ngàn năm trước muốn bày tỏ tình yêu của mình mà chưa có được sự táo bạo trong lối sống và sự hiệu quả của thứ ngôn ngữ hiện đại sau này, họ phải nhờ cậy đến sự hỗ trợ của những cảnh vật thân gần, những bông hoa, nhành lá, ngọn cây… nói dùm bằng một thứ ngôn ngữ hình ảnh đập ngay vào trực cảm:
- “Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”
- “Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.”
Và thế là: - Ok! Chàng trai còn đợi gì nữa!... - Một lời ngỏ ý và một lời đồng ý thật tế nhị phải không ạ!
Cũng như thế, khi một chàng trai nhớ một cô gái quay quắt, là một người nông dân không được học hành, không có chữ nghĩa của sách vở…, chàng chỉ có thể diễn đạt nỗi nhớ trừu tượng ấy bằng hình ảnh cụ thể và gần gũi như thế này:
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”
Và với các cô gái, thì lúc cần, cũng phải mượn đến một cách nói và ứng xử không khác thế:
“Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”
V.v và v.v……
Một vài ví dụ ít ỏi và tình cờ thế thôi, nhưng chúng ta thấy ngay, những câu thơ đích thực do những nhà thơ không biết chữ ấy làm ra đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chúng là chuyển tải hồn người đến với hồn người.
Kịp đến khi xứ sở chúng tôi bắt đầu có chữ viết và có nền học vấn, dĩ nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, trong rất nhiều năm, nền học vấn và chữ viết ấy lệ thuộc vào nền Nho học và chữ Hán của Trung Quốc, nhưng cha ông chúng tôi cũng đã sớm sáng tạo ra một thứ chữ viết cho dân tộc mình, gọi là chữ “Nôm”, biến báo từ hình hài của chữ Hán nhưng lại để ghi lại và xướng lên theo thứ tiếng Việt thuần túy, thì từ đó, chúng tôi có dòng thơ gọi là “bác học” của người có học, tồn tại song song với dòng thơ “dân gian” của người bình dân, theo phương thức truyền miệng như đã nói ở trên.
Những nhà thơ thuộc dòng “có học” này, một mặt vừa tiếp thu nguồn sữa ngọt của dòng văn học dân gian, một mặt rất nhậy bén học hỏi những tinh hoa của các nền thơ nước ngoài, mà trong nhiều năm chủ yếu là thơ Đường luật cổ điển của Trung Quốc, và đến cuối thế kỷ 19 trở đi thì là nền thơ Pháp và Phương Tây. Với tâm huyết, tài năng sẵn có, cộng với sự tiếp thu học hỏi ấy của các thế hệ nhà thơ, lịch sử nền thơ Việt Nam đã sản sinh ra những thi tài bất hủ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v….
Nguyễn Trãi là một vị anh hùng cứu quốc, người đã sát cánh cùng vị anh hùng Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập cho đất nước, dựng nên triều đại Hậu Lê cường thịnh. Ông vừa dùng cơ mưu và thơ văn để giúp minh chủ đánh giặc, vừa mượn thơ văn để gửi gắm lòng mình, truyền lại những điều tốt đẹp cho các thế hệ mai sau.
Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ độc đáo hiếm có, với giọng thơ vừa trữ tình thấm thía, vừa trào lộng sâu cay, chỉ trích những thói hư tật xấu, bênh vực quyền sống đích thực của con người, nhất là những người phụ nữ trong xiềng xích của những lề thói cũ kỹ. Thơ bà ngày nay vẫn rất được bạn đọc trong và ngoài nước yêu thích.
Riêng với thi hào Nguyễn Du, người đã được UNESCO vinh danh là “danh nhân văn hóa thế giới” thì quả thực không biết nói thế nào cho đủ. Chỉ cần tóm tắt một câu: Nếu chọn một tác phẩm thơ tiêu biểu nhất cho cả nền thơ Việt Nam từ xưa đến nay, thì chắc chắn một trăm phần trăm người Việt đều chọn tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Tác phẩm thơ dài hơn 3000 câu này là cuốn Bách khoa toàn thư về tâm hồn người Việt, chung đúc tinh anh cái đẹp, cái hay của thơ Việt và tiếng Việt. Đến nỗi, trong những năm đất nước chúng tôi còn nằm dưới ách thống trị của nước ngoài, một học giả nổi tiếng Việt Nam đã nói một câu chắc nịch: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” (Nguyễn Văn Vĩnh). Suốt hai thế kỷ qua, Truyện Kiều là cuốn sách gối đầu dường của người Việt, chia sẻ mọi buồn vui với người Việt. Xin thêm một ví dụ vui: Đã có hai vị tổng thống (và thêm một vị phó tổng thống) Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam, khi đọc diễn từ trước công chúng nước chủ nhà, đã dẫn những câu thơ trích trong Truyện Kiều để thay lời muốn nói, đó là tổng thống Bill Clinton và tổng thống Barack Obama. Tôi còn nhớ, năm 2016 vừa rồi, ông B. Obama đã trích hai câu sau đây:
“Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.”
Các vị đã biết những khúc mắc, thăng trầm ra sao trong mối quan hệ giữa hai nước Việt nam và Hoa Kỳ, thì sẽ thấy, những câu thơ của thi hào Nguyễn Du được trích đọc ở đây đã nói hộ được bao điều mà lời nói bình thường sẽ phải dài dòng và khó khăn để có thể chuyển tải.
Đến thế kỷ 20, từ hoàn cảnh lịch sử rất phức tạp với sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, với cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 lập nên chế độ mới và với những cuộc chiến tranh liên miên, nền thơ Việt Nam đã có hai giai đoạn phát triển hết sức phong phú và nhiều thành tựu – đó là giai đoạn được gọi là “Thơ Mới” kéo dài hơn 10 năm đến trước năm 1945, một dòng thơ kết hợp giữa sự ảnh hưởng mới mẻ của thơ Pháp và truyền thống lâu đời của thơ phương Đông, đã cất lên những tiếng nói mới mẻ trong cảm quan thơ của người Việt, với những tên tuổi như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính v.v…, và từ tháng Tám năm 1945 trở đi, khi lịch sử đất nước chúng tôi chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng cuộc sống mới, thì cũng trùng hợp với hai cuộc kháng chiến rất lâu dài, chống lại đạo quân xâm lược của người Pháp (1946 – 1954) và sự can thiệp của người Mỹ (1954 – 1975), thời gian này đã hình thành một dòng chảy các nhà thơ viết về chiến tranh, mà tiếp theo nhà thơ kỳ cựu Tố Hữu là cả một dàn đồng ca đông đảo mà tôi xin phép không thể kể tên hết ra đây vì sẽ quá dài… Mặt khác, trong vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn thân Mỹ, cũng tồn tại những tiếng thơ giàu tình tự dân tộc, giá trị nhân văn và thường có màu sắc phản chiến, trong đó có một nhà thơ đích thực, đồng thời là một nhạc sĩ rất tài năng là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà bản thân tôi vô cùng yêu mến và vẫn gọi ông là một nhà thơ bay trên đôi cánh của âm nhạc, còn rất nhiều người thì gọi ông là “Bob Dylan của Việt Nam”.
Cuối cùng, từ ngày 30.4.1975 đến nay, khi hòa bình, thống nhất và độc lập đã trở lại trên đất nước chúng tôi, thì thơ càng phát triển mạnh mẽ, ngoài những chủ đề chung mang tính công dân như trước đây, thơ Việt đã dần dà trở lại với những cảm quan bản chất và muôn thuở của thơ, tức là câu chuyện bất tận về con người trong cõi sống hữu hạn mà Tạo Hóa ban cho… Đây sẽ là dòng chảy mãi mãi đưa thơ Việt hòa vào biển thơ của nhân loại.
2. Thế là, trong vài trang giấy, tôi đã làm cái việc giúp quý vị cưỡi ngựa xem hoa, lướt qua những chặng đường thơ Việt suốt hàng ngàn năm qua, để từ đó mong quý vị rút ra một nhận xét, ấy là: Ở Việt Nam, thơ luôn đồng hành cùng con người, thơ được thưởng thức bởi mọi người, và quan trọng nhất là thơ được làm bởi mọi người, bất kể già trẻ, gái trai, làm công việc gì và ở vị trí nào trong xã hội. Từ những cụ già 80 – 90 tuổi đến những em bé 8 – 9 tuổi (chẳng hạn như nhà thơ Trần Đăng Khoa thân quý của chúng tôi, người nổi tiếng từ năm 9 – 10 tuổi và được gọi là “thần đồng thơ”), từ người phụ nữ cày ruộng ở hậu phương đến chàng trai cầm súng ở chiến trường, từ những người làm trong các lãnh vực chuyên môn khác nhau như chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, thậm chí đến các vị tướng đánh trận và các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm…., đặc biệt tôi muốn lưu ý quý vị là ngay những nhà lãnh đạo đất nước ở cấp rất cao, thậm chí cao nhất từ xưa đến nay, cũng thường mượn đến thơ để bày tỏ lòng mình, hoặc dùng thơ làm vũ khí để chiến đấu và khích lệ chiến đấu. Đó là những vị vua các triều Lý, Trần, Lê… như vua Lê Thánh Tông, đồng thời là chủ soái hội thơ “Tao Đàn”, những vị đại thần như danh tướng Trần Quang Khải với bài thơ “Đoạt sáo Chương Dương độ” (“Bến Chương Dương, cướp giáo giặc”) nổi tiếng và nhất là vị anh hùng Lý Thường Kiệt với bản Tuyên ngôn bằng thơ hào sảng bất hủ “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư” được dịch là:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tự sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.”
Tiếp nối truyền thống ấy, các nhà yêu nước hàng đầu thời hiện đại của chúng tôi như Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh đều đồng thời là những nhà thơ lớn, vừa dùng thơ như một thứ vũ khí tuyên truyền, khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân, vừa gửi gắm tấm lòng yêu nước, thương đời vô cùng sâu thẳm của mình. Cụ Phan Bội Châu từ những năm đầu thế kỷ 20 đã vận động những thanh niên Việt Nam giàu nhiệt huyết làm cuộc “Đông du” tức là tìm đường sang Nhật Bản - xứ sở của quý vị mà hôm nay tôi may mắn được tới thăm - để học hỏi kinh nghiệm của các bạn, đặng quay về giúp dân, giúp nước (xin tiết lộ chút xíu: trong những người ấy, có ông nội của tôi, một yếu nhân của phong trào, người sau này bị người Pháp xử bắn chỉ vì tội yêu nước mình). Trong quá trình ấy, cụ Phan Bội Châu đã làm rất nhiều thơ để kêu gọi nhân dân mình, nhất là các bạn trẻ, với những lời thơ rất tha thiết, ngỡ như còn thấm máu.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có công đầu mở ra thời đại mới cho đất nước chúng tôi, thì riêng về kho tàng thơ mà Người để lại cho nhân dân chúng tôi đã là vô giá. Ngoài tập thơ “Nhật ký trong tù” Người viết khi bị giam ở miền Nam Trung Quốc vì bối cảnh lịch sử phức tạp lúc ấy, với hàng trăm bài thơ sâu sắc, giàu cảm xúc và đẹp như những áng “Đường thi” như cách nói của học giả Trung Quốc, Quách Mạt Nhược, Người còn làm không ít thơ vừa để thay lời kêu gọi, động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu rất cam go vì Độc Lập, Tự Do của Tổ Quốc, vừa là lời trò chuyện thân tình với mọi người dân Việt Nam mà người đều coi như những người thân thiết của mình. Trong rất nhiều năm, vào thời khắc thiêng liêng giao thừa năm cũ sang năm mới của ngày Tết (theo Âm lịch) nhân dân Việt Nam đều náo nức lắng nghe lời chúc Tết của Người mà bao giờ cũng kết thúc bằng mấy câu thơ! Điều đó đã thành một nghi thức tuyệt đẹp và có lẽ chỉ cần một ví dụ ấy, quý vị đã thấy, ở đất nước chúng tôi, thơ có vị trí như thế nào trong cuộc sống và trong tâm hồn người Việt.
Cho dến ngày hôm nay, tất cả những truyền thống nói trên càng được dịp phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau, ở Việt Nam bây giờ là “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ’, thời chiến tranh thì “ra ngõ gặp anh hùng”, nay thì “ra ngõ gặp nhà thơ”. Những người yêu thơ và làm thơ tụ tập nhau thành những câu lạc bộ thơ, sinh hoạt rất thường xuyên và rất náo nhiệt, mà những câu lạc bộ như thế thì có ở khắp nơi trên cả nước, từ thành phố đến nông thôn, miền xuôi hay miền núi, thậm chí có những nơi cả làng đều làm thơ… Thơ được in trên báo, in thành sách, photocopy tặng nhau, thơ vang lên trên các đài phát thanh, hiện diện trên vô tuyến truyền hình, và đặc biệt từ ngày có mạng internet, thơ tràn ngập các trang báo mạng và thêm một phương tiện lợi hại vô cùng là mạng xã hội. Ở Việt Nam, theo tôi biết, đã có hàng chục triệu người có facebook. Và quả thực, chính nhờ tôi cũng có facebook nên tôi mới càng quả quyết khẳng định một thực tế như đã nói tới trên kia: Ở Việt Nam, thơ không chỉ là một loại hình văn học, mà thơ là cách con người tự trò chuyện với mình và trò chuyện với người khác. Bởi vì, với tất cả những điều muốn nói, mọi người đều có thể nói toàn bằng thơ, hoặc phổ biến hơn, thì sau khi diễn đạt nội dung sự việc bằng văn xuôi, người viết tóm lại bằng mấy câu thơ. Từ mọi chuyện thời sự chính trị, xã hội, đời sống thường nhật, mọi thông tin, nhận xét, bình luận, khen chê, yêu ghét, nghiêm túc hay khôi hài … mọi người đều có thể diễn giải thành thơ. Thậm chí, có người còn dùng thơ để… bình luận bóng đá!
Vâng, quả thật là thơ đã len lỏi đến mọi hang cùng ngỏ hẻm trong đời sống tinh thần của người Việt. Một hiện tượng hiếm hoi và rất thú vị!
3. Nhân đây, tôi xin được nói đôi lời về một sinh hoạt thơ tuy mới ra đời được 15 năm nhưng đã trở thành một Lễ Hội văn hóa được đông đảo nhân dân yêu thích và ủng hộ - đó là Ngày Thơ Việt Nam, tổ chức vào dịp Nguyên Tiêu hàng năm (tức là ngày Rằm tháng Giêng, theo Âm lịch). Đây là sáng kiến của Hội nhà văn Việt Nam, do Hội chủ trì và thực hiện. Lễ Hội này bắt đầu từ năm 2003, đến năm nay đã là lần thứ 15. Tôi đã may mắn tham gia cả 15 lần Lễ Hội đó, trong đó có gần 10 lần được lên sân khấu đọc thơ, quả thật câu chuyện vui này nói ra quá dài dòng. Nhưng xin quý vị cứ hình dung, vào buổi sáng những ngày đó, tại khu Văn hóa lịch sử đã có hàng ngàn năm tuổi của Hà Nội là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bất chấp giá lạnh, những dòng người nườm nượp đổ về, ngồi chật kín hai sân phía trước và phía sau của khu Văn Miếu, sân khấu dựng lên hoành tráng và rực rỡ, sau những hình thức Lễ Hội được mở đầu và trình diễn trang trọng và xúc động, mở đầu chương trình thơ là việc các nghệ sĩ trình đọc bài thơ “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tác phẩm thơ tứ tuyệt Người viết từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống quân Pháp, trong vùng rừng núi thuộc chiến khu Việt Bắc, nơi Người đang cùng chính phủ lãnh đạo toàn dân kháng chiến.
Hình thức chính của Ngày Thơ là các nhà thơ lên sân khấu đọc thơ của mình, cũng như trò chuyện và giao lưu với công chúng. Cũng có thể có những nghệ sĩ trình bày những ca khúc phổ từ các bài thơ, hoặc những bài thơ do các nghệ sĩ thể hiện. Mỗi năm, Ban tổ chức lại chọn một chủ đề khác nhau tùy theo yêu cầu có tính thời sự, để nội dung các Ngày Thơ không bị trùng lặp. Việc phân ra hai sân trước và sau là để giành sân trước cho các thế hệ nhà thơ lớn tuổi hơn và các bài thơ mang tính truyền thống, sân phía sau giành cho các nhà thơ trẻ với nội dung thơ cũng như cách thể hiện cũng trẻ trung, cách tân nhiều hơn. Sự phân chia này chỉ là tương đối.
Ngoài việc trình đọc và giao lưu thơ giữa các nhà thơ và công chúng yêu thơ, thực chất Ngày Thơ này còn là nơi để các nhà thơ và câu lạc bộ thơ từ khắp nơi mang thơ và sách về giao lưu, các bạn thơ và công chúng yêu thơ có dịp gặp gỡ hàn huyên, nhất đấy lại là dịp đầu xuân, trong ngày Tết Rằm tháng Giêng Âm lịch vốn rất quan trọng với người Việt Nam.
Tiết mục kết thúc Ngày Thơ là Lễ thả thơ – Mỗi năm Ban tổ chức chọn ra 50 câu thơ hay, gắn vào những quả bóng lớn và được 50 thiếu nữ xinh đẹp, theo hiệu lệnh cùng lúc thả cho bay lên trời, trong tiếng hò reo vang động của công chúng. Đây là một tiết mục rất vui và giàu ý nghĩa.
Với cảnh quan cổ kính, thiêng liêng, được trang hoàng rực rỡ, với sự góp mặt của nhiều nhà thơ được công chúng yêu mến, với sự có mặt của đông đảo người yêu thơ, từ các cụ già đến các em học sinh nhỏ tuổi, và cũng có không ít khách du lịch nước ngoài… Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu, Hà Nội đã trở thành một Lễ Hội có tính ổn định, đã đi vào nền nếp và được công chúng chờ đợi mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Cũng cần nói thêm, không chỉ ở Hà Nội, mà trên hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, Ngày Thơ cũng được tổ chức rất vui và thu hút sự góp mặt của đông đảo công chúng.
Các nhà thơ Việt Nam chúng tôi thực sự rất biết ơn Hội nhà văn Việt Nam về hoạt động tôn vinh thơ rất đáng ghi nhận này.
4. Thưa quý vị, những nội dung chính trong câu chuyện về thơ với người Việt và người Việt với thơ tôi đã mạn phép trình bày lướt qua như vậy. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra, đáng lẽ phải trình bày đầu tiên, nhưng tôi lại xin phép để xuống cuối cùng, vì đó là một vấn đề có tính học thuật và để mở, vừa rất dài dòng, vừa tùy thuộc vào cách lý giải của mỗi người, ấy là việc tìm hiểu xem do đâu mà với người Việt Nam, thơ lại có một vị trí đặc biệt như vậy?
Với thời gian rất có hạn, riêng tôi chỉ xin trình bày vài ý nhỏ của mình như sau:
Trước hết, nhân dân Việt nam chúng tôi vốn sống rất tình cảm và giàu tính cộng đồng, đó là mối giao kết rộng rãi giữa tâm hồn con người với nhau, trong mọi thứ quan hệ từ tình ruột thịt, bạn bè, chòm xóm, quê hương đến tình đồng bào, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp v.v… và thắm thiết nhất chính là tình yêu nam nữ …, tất cả lại chan hòa vào giữa thiên nhiên đầy màu sắc, hương vị rất thân gần, dưới ánh sáng của vầng mặt trời nhiệt đới ấm áp. Chính thế giới cảm xúc bất tận đó là nguồn sữa ngọt sinh thành và nuôi dưỡng cho hồn thơ của những con người nơi đây… - liệu có thể hiểu như thế được chăng?
Nhưng, lý do quan trọng nhất, theo thiển ý của tôi, chính là do thứ tiếng Việt đơn âm và đặc biệt là rất giàu nhạc tính. Như các bạn biết, trong tiếng Việt có 6 thanh điệu được gọi là “bằng, huyền, ngã, hỏi, sắc, nặng”, khiến cho mỗi âm tiết có thể phát âm thành 6 cung bậc khác nhau, tức là thành 6 từ mang nghĩa khác nhau, một thứ nhạc tính có lẽ là phong phú và phức tạp hiếm có trên thế giới. Nếu điều này gây khó khăn cho những người nước ngoài học tiếng Việt, thì lại vô cùng có ích cho các nhà thơ - thậm chí, có thể nói rằng, tiếng Việt sinh ra là để giành cho các nhà thơ!
5. Trước khi khép lại bài tham luận của mình về thơ Việt Nam, để xin phép đọc hầu quý vị một vài bài thơ của tôi, xin được nói thêm một lời tâm huyết: Đất nước chúng tôi đã và đang trong công cuộc đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt, trong đó có công việc sáng tạo văn học, nghệ thuật, trước hết chúng tôi phải tự mình thay đổi để không ngừng nâng cao giá trị các sáng tạo của mình, đồng thời chúng tôi phải học hỏi kinh nghiệm ở các nước khác, các dân tộc khác, trong đó có những kinh nghiệm vô cùng quý báu của chính quý vị, bởi chúng tôi biết rằng một trong những thành công tuyệt vời của nhân dân Nhật Bản là tiếp thu rất nhanh, rất hiệu quả những giá trị tiên tiến của nhân loại trên cơ sở gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của chính mình. Những nét đẹp văn hóa, nghệ thuật truyền thống lâu đời của mình mà các bạn gìn giữ ấy cũng được nhiều dân tộc anh em trân trọng và yêu thích, trong đó có chúng tôi, chẳng hạn như Tranh cuộn, Kịch Noh, Bonsai… và đặc biệt là thơ Haiku mà nhiều nhà thơ Việt Nam yêu thích đến mức cũng có những sáng tác theo hình thức này.
Cuối cùng, tôi thực sự cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc được có mặt hôm nay, ở đây để có dịp trò chuyện với quý vị về đề tài mà tôi đã gắn bó suốt đời, ấy là câu chuyện về thơ nói chung và thơ Việt Nam nói riêng, lại đúng vào dịp Lễ Hội Hoa Anh Đào vô cùng tuyệt vời mà lần đầu tiên trong đời tôi được chiêm ngưỡng!
Xin được cám ơn các quý vị vô cùng!
Nguồn Văn nghệ