THƠ HỮU THỈNH-LẮNG SÂU TỪ TRẢI NGHIỆM, ÁM ẢNH TỪ CHIÊM NGHIỆM
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Làm thơ, viết văn có một điều bắt buộc, đó là buộc phải đọc nhiều, đọc của các thế hệ trước, đọc của những người chung quanh mình, đọc trong nước, đọc cả ngoài nước. Đọc rồi để quên. Đọc để tránh. Thật là buồn thảm nếu mang danh là những người ham bút mực mà lại để bút mực của mình lẫn với nghiên bút của ai đó, mà lại cố ướm bước chân mình vào dấu chân của ai đó trên cái lối có sẵn của họ, hoặc tìm cách tôn cao mình bằng bậc thang của người khác... Là nhà văn, nhà thơ, anh ta buộc phải thêm vào cái kho đồ sộ của loài người chút hương sắc của mình. Cái riêng của mỗi người làm nên cái chung của nhiều người. Cái chung của nhiều người lại làm nên cái riêng của mỗi dân tộc. Cái riêng của mỗi dân tộc lại làm nên tài sản chung của văn hóa nhân loại. Cứ thế, hành trình ấy là để khẳng định mình, ngược hẳn với cách của những dòng sông tự đánh mất mình khi ra biển.
Không hẳn là toàn bộ, nhưng phần lớn, những đóng góp quan trọng nhất của Hữu Thỉnh là những gì viết sau chiến tranh, mặc dù như có lần anh nói chúng được nghiền ngẫm nung nấu từ trong chiến tranh[1]. Khi Hữu Thỉnh nổi danh thì cũng là lúc cuộc chiến đang vào hồi kết. Giải thưởng cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ năm 1975 mà anh được giải A nói lên điều đó. Cuộc thi trước đó (1969-1970) với sự xuất hiện của những nhà thơ nổi đình đám rất dễ mê hoặc như Phạm Tiến Duật, chưa có Hữu Thỉnh. Nhưng chậm lại một nhịp có khi là thêm một cơ hội. Cơ hội để thoát ra những cái bóng, những mê hoặc, những đỉnh cao đã có, cho dù hết sức khó khăn, nhưng nhiều khi mang ý nghĩa sống còn. Trường hợp Hữu Thỉnh có phải như vậy chăng?
Đời chẳng dễ dàng đâu
Sau bao nhiêu lời chúc
Ta chẳng dễ dàng đâu
Sau bao người đi trước
(Trường ca Biển)
Đọc Hữu Thỉnh tôi quan tâm trước hết đến những gì anh muốn nói. Có hai mảng thật sâu đậm trong thơ Hữu Thỉnh: Đất nước, Nhân dân, cuộc chiến... trải nghiệm trang trước và thế sự, nhân tình thế thái... chiêm nghiệm trang sau, như hai mặt thống nhất của một tờ giấy trong sáng tạo của anh, như thể nếu không có sự trải nghiệm kia, thì cũng chắc gì đã có sự chiêm nghiệm này. Hai mặt, mặt thì lắng sâu, mặt thì ám ảnh.
Như bất cứ một tài năng nào khác, sống và sáng tác trong một thời điểm khi mà cuộc chiến tranh giải phóng đang đến hồi quyết liệt nhất, Hữu Thỉnh cũng đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh của Đất nước, Nhân dân, cuộc chiến tranh mà anh và hàng vạn con người đang đương đầu. Mảng "đề tài" này nói lên sự xa rộng trong cảm xúc của Hữu Thỉnh. Đất nước trong thơ Hữu Thỉnh không phải là những khái niệm mà là những gì rất cụ thể, cạnh sát con người, như trời ở trên đầu, đất ở dưới chân, giản dị như đôi khi chỉ là bãi "cát non" ẩn dụ dưới bàn chân người lính:
- Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình
Đảo có lính cát non thành Tổ Quốc
- Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ Quốc
- Bóng chúng tôi che lên Đất Nước
Giữ nguyên lời dặn của ông bà...
(Trường ca Biển)
Đất nước có khi chỉ là "một gốc sim cằn", "nát vụn trong bữa tiệc quay cuồng của thép", nơi "kẻ thù đổ xuống ba tiểu đoàn trâu điên" quyết chiếm để làm bàn đạp tấn công, nơi cái ranh giới chết chóc giữa hai làn đạn, được "che" bằng mạng sống của những người chiến sỹ, mà rắn rỏi như một lời thề:
Anh quên thơ để nhớ gốc sim cằn
Dăm bảy lá lèo tèo như mực rớt
Sim như là không có cũng không sao
Thế mà chúng anh thay nhau đến đây mà hy vọng
Tưởng không sim thì không cả đời mình
...Trời ơi nếu kẻ thù chiếm được
Chỉ một gốc sim thôi, dù chỉ gốc sim cằn
Tổ Quốc sẽ ra sao? Tổ Quốc?
Anh đang bò về phía gốc sim
Ngực đập dội chuyển sang đất đá
Quần áo tướp ra
Một nửa người anh dâm dấp máu
Anh đang đau cho đất đá anh yêu
...trước mặt là Tổ Quốc
Dù chỉ gốc sim thôi, dù chỉ gốc sim cằn
(Đường tới thành phố)
Đất nước có khi như hiện dần theo ngọn chì đỏ trên tấm bản đồ người con gái nhớ người yêu mỗi ngày đang tô lên bước chân chiến thắng của anh ngoài mặt trận: Đường số một chạy thi với biển/ Biển mệt nhoài nằm thở ở Nha Trang, và bấy giờ đất nước đã ở trong nỗi ngóng chờ của cô gái: Đất nước theo em ra ngõ một mình. Đất nước cũng ở ngay trong nỗi ước ao của người ra đi: Sông ơi sông nếu ta phải ra đi/ Bậc thấp xuống cho em ra gánh nước (Đường tới thành phố). Đất nước là ký ức ngọt ngào về một cùng đất cụ thể: Hoa sim tím quả sim cũng tím/ Đồi treo đầy những túi mật Trung Du (Trường ca Biển). Đất nước là dáng mẹ bình thản và tin cậy phía sau những con đường: Đất nước ngày có giặc/ mẹ vẫn đỏ miếng trầu/ ấm một vùng tin cậy phía sau (Sức bền của đất). Đất nước là nơi từ đó ta ra đi: trước mặt là bao nhiêu miền quê/ Sau lưng là bao nhiêu miền quê, là Những cánh đồng in dấu chân của mẹ, là nơi Anh dắt em đi/ mùa hồng chưa chín/, trám rụng sau vườn (Sức bền của đất), là nơi Chị ta ngồi khóc dưới bếp một mình (Đường tới thành phố), là nơi anh ta không nằm trong nghĩa trang/ Anh ở với đồi anh xanh với cỏ/ Cỏ ở đây thành nhang khói nhà mình/ Đồi ở đây cũng là con của mẹ (Phan Thiết có anh tôi)... Đất đi đến đâu quê hương đi đến đấy/ Quê hương đi đến đâu máu đi theo đến đấy (Trường ca Biển), Đất nước sẵn sàng giẫm lên nhiều thử thách.../ Đất nước sẵn sàng thức trắng nhiều đêm (Đường tới thành phố). Hữu Thỉnh không nói yêu nước, yêu Tổ Quốc, cao hơn thế, anh chạm đến cái đã trở thành máu thịt thiêng liêng trong mỗi con người, nơi không còn là những lời nói suông về đất nước: Giặc đến.../Không quay mặt chẳng bao giờ tiếc máu/ Dù cho phải đốt dãy Trường Sơn (Đường tới thành phố); Trong gió bão chúng tôi đo Tổ Quốc/ Bằng đôi tay vượt biển lính xa nhà (Trường ca Biển); Con đường tấy lên như một lời thề/ đất gọi ta/ làng gọi ta/ nóng bỏng/ vịn vào cây ven đường nhẵn bóng/ ngỡ như đồng đội đỡ ta lên (Sức bền của đất). Nhưng tận sâu trong trái tim những người "chẳng bao giờ tiếc máu" kia là những ước ao bình dị trên đất đai Tổ Quốc mình:
Còn ao ước nào hơn
Tự do và đoàn tụ
Vào rừng lấy mật và đẵn gỗ
Thương mẹ và yêu em
Còn hạnh phúc nào hơn
Tổ Quốc.
(Đường tới thành phố)
Nhân dân, với Hữu Thỉnh được mở ra rộng dài trong lịch sử "sau bao nhiêu tao loạn kiếp người", trong "sức bền của đất", sự trường tồn của cuộc sống, của con người: Non nước dặm dài/ Đời người khắc khoải (Sức bền của đất). Đó là Nhân dân điệp trùng các thế hệ, từ thuở bình minh đánh đổi Bao nhiêu kiếp người mới tìm ra miếng ăn.../ Bao nhiêu đám tang mới tìm được rau dền, hiến dâng bao nhiêu sức lực để bảo vệ nơi sinh tồn; Đó là Nhân dân đâu cũng gặp những người hay làm phúc.../Chỉ còn lại nhân dân vằng vặc dưới sao trời.../Nhân dân bao dung tin vào nhân nghĩa. Nhưng với thế hệ Hữu Thỉnh:
Khi ta hiểu nhân dân, nhân dân chia cắt
Yêu Tổ Quốc mình, Tổ Quốc chia đôi
Nỗi đau ấy góp đời mình để xóa
(Đường tới thành phố)
Trong thơ Hữu Thỉnh, nhân dân là sức mạnh phi thường, là thầm lặng hy sinh, là che chắn bao dung, là thông thái trước sống còn, là đức tin trước mọi thắng lợi, xưa đã thế nay cũng vẫn thế, dựa vào dân như một "bí sách" trước những hiểm nghèo của lịch sử
Ôi nhân dân! Tấm lá chắn diệu kỳ
Người nhận hết mọi vết xăm cho căn hầm nguyên vẹn
Người thâm trầm như đêm
Người tinh nhạy như đêm
(Đường tới thành phố)
Những người được nhớ đến đầu tiên trong "trận đánh cuối cùng", như một ân nghĩa mang suốt bao nhiêu năm trên chiến trường gian khổ, là Nhân dân, những người bao nhiêu năm hy sinh chịu đựng trong bóng tối của chiến tranh
Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng
Một nửa nhân dân ngày mai ta nhận mặt
Nhân dân trở về từ bên kia mặt trăng
Lại vằng vặc những bến bờ thương nhớ
(Đường tới thành phố)
Nhưng trong thơ Hữu Thỉnh, Nhân dân không ở đâu xa, nhân dân là mẹ, là chị, là anh, là biết bao đồng đội..., Nhân dân có tên là Bình, là Nghĩa, là Tỏ, là Thu/ Là xạ thủ trung liên/ Là báo vụ viên/ Là Phấn khí tài/ Là Quỳnh quản lý (Đường tới thành phố), mỗi người một cách, hiến dâng những gì quý giá nhất của bản thân mình cho hạnh phúc của người khác, lấy cảm hứng "hay làm phúc" làm lẽ sống của mình, ngay cả trong hoàn cảnh chiến tranh còn đang hết sức khó khăn. Hữu Thỉnh viết về những hy sinh tưởng bình dị mà rất lớn lao này với ngòi bút chan chứa sự biết ơn không phải chỉ của bản thân mình, mà ý tứ, lời thơ hình như muốn được biến thành tiếng nói chung của nhiều người, người còn sống và người đã mất, những ai đã từng trải qua "cuộc chiến tranh nhân dân" khốc liệt vừa qua.
Hữu Thỉnh bước vào cuộc chiến tranh tại Binh chủng Thiết giáp năm 1963, sau những "lỡ hẹn liên miên với các giảng đường". Một năm sau Phạm Tiến Duật cũng gia nhập quân đội. Hồi ấy, số đông là tình nguyện, nhưng không phải tất cả mọi người ai cũng đều nhẹ nhàng bước vào cánh cửa của chiến tranh. Đã không ít những do dự, thậm chí đã có những "B quay, B lùi". Nhưng cả Phạm Tiến Duật, cả Hữu Thỉnh và hàng vạn thanh niên khác thì thanh thản chấp nhận: ta sống trong hầm làm một người yêu nước bình thường (Sức bền của đất - Hữu Thỉnh), Ta đi hôm nay đã không còn là sớm/ Đất nước hành quân mấy chục năm rồi/ Ta đến hôm nay cũng không là muộn/ Đất nước còn đánh giặc mãi chưa thôi (Chào những đạo quân tuyên truyền, chào những đạo quân nghệ thuật - Phạm Tiến Duật). Có gì đó thật sự thản nhiên, không hề có sự "lên gân cốt" gì, không hề thấy dấu vết của những do dự trong lời họ nói. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, vì vậy là một sự chấp nhận thiêng liêng đối với họ
Ta lớn lên kịp đến với chiến trường
Để đối mặt với quân thù đang quẫy cựa
Này đồng đội
Này nhân dân
Bạn bè nữa
Mẹ ở nhà cứ nhóm lửa chờ con
(Sức bền của đất)
Đấy là lời nhắn với mẹ, cũng là lời hứa với mẹ, sau một sự chấp nhận tự nguyện. Câu thơ "Mẹ ở nhà cứ nhóm lửa chờ con" là lời hứa những gì sẽ đem về cho mẹ, là chiến thắng và hòa bình, quà tặng cho mẹ từ chiến tranh, cho dù họ sinh ra đâu phải chỉ để cầm súng. Thì đấy thôi: "Vâng thưa mẹ! chiến tranh đừng vô tận", đó mới là những gì sâu xa trong tâm hồn cả thế hệ. Trong thơ Hữu Thỉnh, dù không sa vào mô tả, vẫn nhận thấy mức độ khốc liệt của chiến tranh trong rất nhiều cái chết, nhiều đối mặt. Chẳng hạn, cuộc giành giật từng gốc sim cằn nơi giáp ranh, người "xạ thủ trung liên, lưỡng quyền cao lên khói súng cao lên", rồi "chân nhang la liệt" sau trận đánh Xuân Lộc... đủ cho ta hình dung cái giá phải trả của chiến tranh. Nhưng sự trải nghiệm dày dạn, cho Hữu Thỉnh khả năng nắm bắt được hướng đi của cuộc chiến. Những ngày Tết đầu năm 1975, nghĩa là còn cách chiến thắng cả một mùa chiến dịch rất nhiều hy sinh, anh đã có những câu thơ đầy linh cảm, đầy "dự báo", khi anh nghe được tiếng lá đạp trên đầu.../gió vật vã trên đồng cỏ lớn:
Chừng như là đã cuối cuộc chiến tranh
Nghe lá đạp trên đầu xao xác quá
Gió vật vã trên đồng cỏ lớn
những người khách của chiến tranh bí mật lên tàu
mùa xuân sẽ đến thay lời kết
trong khói bụi tơi bời anh với em tong tả tìm nhau
(Sức bền của đất)
Trong thơ Hữu Thỉnh, đặc biệt là ở những trường ca, cuộc chiến tranh để lại những ký ức sâu đậm trong tâm khảm của con người. Đại từ nhân xưng "chúng tôi" hoặc "ta", hoặc ngay cả khi anh xưng "con", xưng "anh" thì bản thân sự tự xưng này cũng mang sắc thái của cả thế hệ. Chúng tôi trẻ nên củi rừng mau bén.../ Chúng ta lên rừng mười tám đôi mươi, Chúng tôi, người chủ những căn hầm/ Đốt ngọn lửa để tìm vào tri kỷ, Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng, Ngày mai chúng ta đòi lại phù sa/ Ngày mai chúng ta về cười rung bè rau muống (Đêm chuẩn bị), Chúng tôi bước lên/ Cát buổi chiều còn ấm (Chuyến đò đêm giáp ranh), Chúng tôi chưa bao giờ yên tĩnh? Đi như sông hiếu động như rừng... Chúng tôi lại cùng nhau bới cát/ Chôn anh thêm một lần (Trường ca Biển), Chúng tôi sưởi bằng ngọn lửa của mình/ Lại thấy ấm từ các anh đi trước, Chúng tôi đầy rừng, tắm giặt, hái rau, đào hầm, mơ mộng, sống đời thường suốt cuộc chiến tranh, yêu đời lính yêu luôn gian khổ, Lính Sáu chín, lính Bảy hai, lính tái ngũ còn giữ nguyên chức vụ quân hàm, líu ríu giọng Nam, giọng Bắc; lính xe tăng đột phá, lính pháo binh cõng lửa qua sông, làm sao anh quen, làm sao anh nhớ hết... (Đường tới thành phố). Từ cái rộng lớn ấy thu về là một tập thể nhỏ hơn "Năm anh em trên một chiếc xe tăng.../ Mỗi khi lên xe không còn tên riêng nữa". Cái chung rộng lớn trong thơ Hữu Thỉnh chỉ tầm rộng lớn của cuộc chiến tranh. Nhưng nói cái chung mà không quên cái riêng, nói cả thế hệ là vì thế hệ đó được làm bằng những con người cụ thể. Cuộc chiến tranh khốc liệt hiện lên qua những con người cụ thể ấy. Người ta bắt gặp khá nhiều trường hợp nhân danh, nhưng mọi sự nhân danh đều tìm được cảm thông của người đọc vì nó được đảm bảo bằng chỗ đứng của người viết[2]. Đó là Tư lệnh chiến trường hai vết thương vì rừng, ba vết thương vì pháo.../ Những sợi tóc đứng yên mà ta nhìn thấy bão đang gánh trên vai vận mệnh lớn lao của Tổ Quốc, và nắm trong tay số mệnh của những con người cụ thể: Những chiếc xe tăng đòi anh nguyên vẹn/ Những vết thương đòi anh lành lặn/ Và anh/ Ý nghĩ lăn qua viên đạn cuối cùng (Đường tới thành phố). Đó là xạ thủ trung liên/ Nốt ruồi đen chìm xuống/ Lưỡng quyền cao khói súng cao lên. Đó là cô gái đang đào củ chụp: Rừng cồn gió bụng người đang đói/ Em vừa đào vừa hát Sài Gòn ơi! (Đường tới thành phố). Đó là "anh": Anh lớn lên đâu biết trước một ngày/ Ngồi nhặt sấu dưới vòm cây sốt rét/ Nắng ký ninh rải rác dọc rừng thưa (Đường tới thành phố), là người Kẻ thù suốt ngày mong cho ta chết/ Còn ta thì nhớ em và thương mẹ mòn đêm (Sức bền của đất). Và trong cuộc chiến tranh gian lao này Em có thể mất anh bất cứ lúc nào.../ Cũng có thể là một cơn ác tính/ Sau một cái rùng mình và cứ thế ra đi (Đường tới thành phố).
Nhưng nếu hỏi trong thơ Hữu Thỉnh, cuộc chiến đã để lại vết hằn nào sâu nhất, sang chấn nào xót xa nhất trong tâm khảm con người thì rất nhiều người có thể trả lời: trong tâm khảm của người mẹ, và người vợ.
Người mẹ trong thơ Hữu Thỉnh có tầm vóc quá cỡ một người mẹ bình thường:
Mấy cuộc chiến tranh mẹ gánh cùng một lúc
Mẹ thường ít ngủ, mẹ thường thức khuya
Đêm nào cũng dài
(Đường tới thành phố)
Đất nước, dằng dặc trong lịch sử là những cuộc binh đao, những cuộc đưa tiễn. Số mệnh xô đẩy thế nào đó làm đất nước luôn bị tước đoạt và đe dọa tước đoạt quyền độc lập, và vì thế, thời điểm nào những thế hệ ưu tú nhất cũng phải đương đầu, những dòng máu tươi nhất cũng sẵn sàng dâng hiến để đòi lại điều đã mất, bảo vệ điều bị đe dọa tước đoạt. Nhưng người đau nhất trong nỗi đau dằng dặc đó là mẹ:
Xe pháo ì ầm vô tận nối nhau đi
Áo tân binh xanh thẫm bến phà
Những bà mẹ gặp nhau trong lo toan tầm tã
Tiếng gọi nào nghe rõ
Suốt chiều sâu
Mẹ nén đau
Giấu tờ báo tử
Sáng mai lại tiễn con nhập ngũ
Bốn nghìn năm đất nước mấy khi yên
(Đường tới thành phố)
Mẹ nén đau... tiễn con nhập ngũ, nhưng người lo thắt từng đêm là mẹ, người nhận về mình phần thắc thỏm từng đêm là mẹ, người hao tổn nhiều nhất là mẹ:
Nếu mẹ biết ta còn đông đủ
Đang bập bùng thương nhớ suốt hành lang
Ngọn đèn ấy bớt đi nhiều khuya khoắt
(Đường tới thành phố)
Nhớ về mẹ là nhớ bến đò tiễn đưa con dạo trước/ Đường xuống bến có mười sáu bậc (Đường tới thành phố); là nhớ Mẹ vẫn đong bữa ăn bằng chiếc lon nho nhỏ/ Quá nửa cánh đồng dành cho đứa con xa (Sức bền của đất); là nhớ khi Mẹ ta ốm, húp bát canh rau dệu (Tiếng hát trong rừng); là nhớ mẹ tôi mé đồi cỏ cháy (Đêm chuẩn bị); là nhớ Mẹ đang xếp lại cho anh bộn bề giá sách, Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng (Đường tới thành phố); là nhớ Đồng quang bóng mẹ nắng nôi một mình (Trông ra bờ ruộng)... Hữu Thỉnh đã bằng nỗi nhớ của mình, khắc vào thơ ca Việt Nam bức tượng đài cao đẹp mà giản dị của người mẹ trong chiến tranh, đến mức đọc thơ anh, mỗi người đều thấy hiển hiện hình bóng mẹ trong mỗi mái nhà của họ.
Nhưng người mang bi kịch lớn nhất của chiến tranh là những người vợ. Thơ ca Việt Nam vốn giàu lòng trắc ẩn, hình như cũng dành những ngôn từ bi thương nhất để nói về những người hóa đá khắp mọi miền đất nước mỗi khi can qua. Đến Hữu Thỉnh, anh cụ thể hóa điều ấy trong "con người này" của hoàn cảnh éo le này: Chị nuôi anh dưới đất/ Năm năm trời anh nhìn chị trong đêm.../ Không hay anh ốm mập..., không hay anh đen trắng ra sao (Đường tới thành phố). Người vợ ấy ban đêm xuống hầm bí mật nuôi chồng hoạt động, ban ngày "diễn vai kịch" chết người ngay cạnh nanh vuốt của kẻ thù.
Chị góa bụa trong hồ sơ tự khai
Chị cười cợt với thằng chỉ điểm
Người nó thắt y chiếc còng số tám
Cứ hau háu rình chộp chị đem đi
Chị cố làm cho thật lẳng lơ
Thắt vạt áo trước bao lời dị nghị
Mỗi năm một lần cúng kỵ
Khấn anh xong mang xôi trái xuống hầm
(Đường tới thành phố)
Một hoàn cảnh khác, chiến tranh có rất nhiều nỗi khủng khiếp, nhưng khủng khiếp nhất có phải là sự chờ đợi:
Chị ta ngồi khóc dưới bếp một mình
Chị đợi chờ quay mặt vào đêm
Hai mươi năm mong trời chóng tối
Hai mươi năm cơm phần để nguội
Thôi Tết đừng về nữa chị tôi buồn.
...Chị tôi không trẻ nữa, xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô
Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy
Chỉ sợ đắm vì mình còn nhan sắc
...Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra
Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại
(Đường tới thành phố)
Bi kịch ở đây là "hai mươi năm mong trời chóng tối", là chị "không còn trẻ nữa", là sự "thừa ra" bên cái "thiếu" xót xa giữa một ngày sum họp của "họ hàng nội ngoại". Nhưng trên cả sự xót xa kia là nỗi lo âu: Trời còn bao nhiêu thu/ Tóc chị thắm làm thót lòng nội ngoại (Trường ca Biển). Và điểm kết của tấn bi kịch thuở nảo thuở nào, cái "thuở trời đất nổi cơn gió bụi" kia vẫn chưa hề có một lối thoát nào giữa một "sân khấu" còn mịt mờ bom đạn, là: Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền (Đường tới thành phố).
*
Trở lên là một phần những gì Hữu Thỉnh viết về chiến tranh, phần hiện thực mà anh trải nghiệm, là phần đóng góp độc đáo, quan trọng của sự nghiệp sáng tác của Hữu Thỉnh, không thể không bàn đến khi nói về thơ anh. Nhưng như nhiều nhà thơ thế hệ chống Mỹ khác, bên cạnh hiện thực chiến tranh, Hữu Thỉnh đem đến trong thơ mình một bức tranh tâm hồn khác, cũng hết sức sâu sắc, làm thành một sắc thái mới của thơ Hữu Thỉnh. Đây là những chiêm nghiệm từ khoảng nửa cuối cuộc đời mình.
Rất nhiều những tâm trạng, những suy nghiệm, những trăn trở, những vỡ nhẽ, những đốn ngộ... bất ngờ như chính cuộc sống, như chính "cõi nhân gian bé tý", như chính thế giới nội tâm của con người, trong mỗi con người... đã được anh "ghi" lại sau những "cặn lắng", những va đập của cuộc đời, với những "số phận đa đoan/ Phận người chìm nổi". Có thể có cái phiền muộn, xót xa hắt lên từ năm tháng, từ phận người. Nhưng bù lại, thơ như tìm ra mạch đi muôn thuở của nó trước thế thái nhân tình cũng muôn thuở như là những bí mật. Chỉ những trái tim không bị khô cạn, trí tuệ không bị cỗi cằn, ngòi bút không dễ dãi... mới tìm thấy những gì cần tìm.
Ngày 30 tháng Tư năm 1975, Hữu Thỉnh cũng như hàng vạn người khác như từ bóng tối của chiến tranh bước ra khoảng trời mênh mông của ánh sáng hòa bình: Tháng Tư nay cây cỏ cũng ra tù/ Mùa hạ đón một cơn mưa nồng nhiệt (Đường tới thành phố). Nhưng hòa bình là một thứ của hiếm, dù đã đổi bằng núi xương sông máu của bao người, cũng rất dễ bị chiếm đoạt, xâm phạm. Mới một chút thỏa chí như con tàu chạy dọc đất nước từ Nam ra Bắc, lại thấy lấp ló, ẩn hiện súng đạn ở hai đầu biên giới. Với một dân tộc vừa trải qua mấy chục năm bom đạn, chiến tranh ác liệt đã quen, vì thế, chiến tranh không có gì đáng sợ, chỉ thấy tiếc (Một đời người mà chiến chinh nhiều quá.../ Vâng thưa mẹ, chiến tranh đừng vô tận), nhưng nỗi đau nhân tình thế thái thì không quen, thì ám ảnh vô tận: Trời đang chớp gió trên đầu/ Nụ cười ẩn giữa binh đao, nói gì? (Trước tượng Bayon) Anh cứ tưởng sau chiến tranh thì toàn là hạnh phúc.../ Tôi cứ tưởng không ai còn xấu nữa/ Nhưng không phải, trời ơi, cuốc kêu không phải thế (Nghe tiếng cuốc kêu), Tôi nép dưới mái hiên/ Cố tin rằng hôm nay không còn ai bất hạnh (Thơ dưới mái hiên). Vậy nhưng ngay dưới mái hiên nhà mình, Hữu Thỉnh xót xa nhận ra:
Mẹ tôi hát nghìn câu có câu chưa hát
Cha tôi gặp trăm điều có một điều chưa gặp
Hạnh phúc
Cây rơm vẫn mơ thành đám mây vàng
(Hạnh phúc)
Đất nước những năm tám mươi của thế kỷ XX khó khăn chưa từng thấy. Những người từng làm nên chiến thắng huy hoàng, có người đang "ba lô lộn ngược nhảy tầu bắc nam" kiếm từng miếng cơm, manh áo trong hiện tại. Sự gồng mình của một dân tộc trong chiến tranh đã đem lại chiến thắng vẻ vang nhưng đã đến lúc phải trả giá: một sự suy kiệt về kinh tế, kéo theo những nổi chìm của nhân tình thế thái, tác động đến từng nhà, từng người, không sót một ai. Nhớ câu thơ xưa của Hữu Thỉnh như một sự thức tỉnh từ rất sớm, ngay trong đêm trước của ngày chiến thắng:
Ngày mai chúng mình sẽ vào thành phố
Mọi vui buồn không biết lấy gì che
(Đường tới thành phố)
Tôi như cây biết giấu lá vào đâu
Trong gió bụi cõi người
(Bóng mát)
Hữu Thỉnh là người hay lo, cũng có thể là người linh cảm được rất sớm điều có thể đến. Những gì khả dĩ giấu được phần nào trong chiến tranh, có lá rừng che, lại rất có thể bị phơi bày trước một tình thế khắc nghiệt mới. Như cái cây vô tri vô cảm kia, mới "một thoáng làm người", đã buộc phải "đòi bóng lại" chỉ vì: Bão trời ta coi khinh/ Bão người không chịu nổi (Một thoáng làm người)
Bão người ở đây là nhân tình thế thái. Thơ Hữu Thỉnh trước nhân tình thế thái, trở nên đượm buồn:
Mẹ ơi mây héo con xin mẹ
Cho con lên an ủi mặt trăng buồn
Chợ tan đường cũng tan như chợ
Bán được buồn hay mua được buồn hơn
(Đất ngày thường)
Mật độ những khoảnh khắc buồn ngày một nhiều hơn: Tôi hay héo như cây/ Tôi hay buồn như nước (Tôi bước vào thành phố), Đám cưới đi qua có người đứng khóc (Tạp cảm), Ta khoác chiều mưa/ Buồn chẳng vơi thêm (Mưa thanh xuân), Sinh nhật của cánh buồm/ Lá rơi lá buồn bã (Đi dưới cây), Để giấu đi bao nỗi xót xa thầm (Tạm biệt Sầm Sơn), Bánh đa phồng giữa chợ/ Che bớt một phần buồn,... Mỗi lần sau đám tang/ lòng ai cũng héo/ dạ ai cũng sầu,... Qua mùa hoa thì bướm cũng bay đi/ Tôi ngồi buồn như lá sen rách (Nghe tiếng cuốc kêu). Từ buồn đến im lặng: Gió níu gió lặng im/ Thế là trời để ngỏ,... Trời muốn nói câu gì/ Ngó ta/ Rồi im lặng (Bình yên), Ta im lặng vì quá nhiều mây trắng (Nghẹn), Anh là khách quen của những buổi chiều/ Bạn thân cùng im lặng (Gửi người bộ hành lặng lẽ). Một lần "Chạm cốc với Xain", một đồng nghiệp người Nga, Hữu Thỉnh hé lộ sự "im lặng" này: Đường nhân nghĩa chừng nào còn lắm bụi/ Anh hiểu vì sao tôi ít lời (Chạm cốc với Xain). Nhưng đó là im lặng bên ngoài, còn trong tâm trạng là: Những tiếng đá vỡ trong im lặng (Chiếc hộp cổ - Ghi chú sau mây[3]), là Mùa thu cũng bỏ trời/ Đi về miền tiếc nuối/ Có con tàu mệt mỏi/ Thét còi trong tim anh (Ước).
Vì sao còi thét trong tim, đá vỡ trong im lặng ám ảnh người đọc mãi không thôi như vậy? Đường nhân nghĩa có gì bất ổn dội lên ngòi bút Hữu Thỉnh sắc thái căng thẳng này? Có phải đây là một cách nói "thậm xưng", quá lên một chút để diễn đạt cái điều cay đắng, mà thi nhân là những người cảm nhận tận độ sự tê buốt của nhân nghĩa đang cần gióng những lời cảnh tỉnh? Hữu Thỉnh là nhà thơ rất nhạy cảm với những đổi thay trong lòng dạ con người:
Không hiểu vì sao bóng mát bị trả thù
Bị xua đuổi tội tình đến vậy
...Kìa nó đấy, kẻ chặt cây lại đến
Tôi lặng lẽ lo âu cho người đứng cạnh
(Những kẻ chặt cây)
Còn đây là sự đắng cay khác:
Ta đâu có đề phòng từ phía người yêu
Cây đổ về nơi không có vết rìu
Ôi hoa tặng chiều nay ai dẫm nát
...Người yêu thơ chết vì những đòn văn
Người say biển bị dập vùi trong sóng
(Tự thú)
Sông đã đến khúc: ôm sóng cả bên bồi bên lở/ Thương cảm, phản thùng, khoan dung, thớ lợ (Sang thế kỷ), người đã đến lúc: Ăn nói khó hơn yêu ghét khó hơn/ Đi suốt ngày đời vẫn nguyên chỗ cũ (Thấy), và sau những: Đã vấp ngã, thưa thầy nhiều vấp ngã/ Không ở đâu xa, ở giữa con người (Thưa thầy), Sự cả tin đã làm tôi đớn đau/ Tôi nhầm người như va đầu vào cột (Tự bạch - Ghi chú sau mây), đời đã đến đoạn: Cô đơn đầy đường không ai thèm nhặt (Đi dưới cây), nhân tình đã đến hồi: Va quệt và xây xát/ Nhân tình lầm lũi đi (Thấy)... Có những lúc thơ Hữu Thỉnh là những câu hỏi dồn dập như cật vấn: Có gì mới? Ngày đi như cát đến/ Có gì vui? Gió thổi lấy lòng cây/ Có gì bền? Nhân nghĩa có còn đây (Nghẹn), Tôi hỏi cỏ/ Tôi hỏi đất/ Tôi hỏi nước/ Tôi hỏi người...(Hỏi), Thời gian/ Ông là ai? (Thời gian); Có những lúc là nỗi lo đầy bất trắc trước thời cuộc: Cơn lốc đen đánh úp lá bàng/ Tôi cảm thấy mùa thu đang mất máu/ Một chút lửa hoa giong riềng cuối dậu/ Sợ một ngày sương muối đến đem đi (Trường ca Biển). Nhưng trong một con người rất nhạy cảm với cái "mất mùa nhân nghĩa" kia là một con người từng trải. Thơ Hữu Thỉnh dẫu buồn đến đâu, cũng nhắc chúng ta, trước hết là sự minh bạch trong nhận thức: Sang thế kỷ với con tàu quá rộng/ Hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang (Sang thế kỷ):
Làm sao được, rượu hoa thường ít
So với chia ly, gian dối, dập vùi
(Chạm cốc với Xain)
Và sau những nhận thức minh bạch kia là sự bao dung:
Thế kỷ sóng to
Anh lặn qua tận đáy
Lấy khoan dung làm chiếc phao bơi
Khiến cay đắng cũng nhuốm màu tha thứ
(Gửi người bộ hành lặng lẽ)
Có lẽ đó là chỗ con người cần đến thơ nhất, con người cần sự bao dung trong những lầm lạc, rất nhiều lầm lạc, và thơ, với tư cách là "lời của trái tim" thường tìm ra lối đi của mình. Trong thơ, cái suy nghĩ được có thể là cay đắng, nhưng cái nói ra là những chia sẻ ngọt ngào:
Hãy yêu lấy con người
Dù trăm cay nghìn đắng
Đến với ai gặp nạn
Xong rồi chơi với cây
(Lời mẹ)
*
Nhưng với thể loại thơ nói gì không phải quan trọng bậc nhất, nói như thế nào mới là cốt tử. Cũng từ đây "cách nói" sẽ làm nên phong cách của mỗi nhà thơ. Một nền văn học sẽ bị quên lãng nếu không có những nhà thơ có phong cách. Còn một tác phẩm, nếu đúng nghĩa của nó, dù ngắn hay dài đều phải là một công trình ngôn ngữ hoàn hảo, lấy cái đẹp làm mục đích cao nhất. Chúng ta nói vậy mà không sợ bị bắt bẻ là "tôn sùng cái đẹp". Poetique trong mỹ học phương Tây chỉ chức năng thẫm mỹ của ngôn từ. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Cái để phân biệt tài năng trong thơ, đó là tài năng làm chủ ngôn ngữ, từ đó sáng tạo ra ngôn ngữ thơ của mỗi nhà thơ. Không có đôi cánh của ngôn ngữ, mọi thứ khác như tư tưởng, cảm xúc, tình cảm... của nhà thơ trở nên "trần trụi" và không đủ sức bay.
Hữu Thỉnh rất thành công trong sáng tạo ngôn ngữ thơ bằng cách không ngừng tìm ra một lối đi của riêng mình, làm nên phong cách Hữu Thỉnh.
Nếu nói làm thơ là để "nói một lời đẹp", thì Hữu Thỉnh luôn cố gắng để đạt đến điều đó. Đề tài có khi rất quen, vấn đề có khi không mới nhưng một cách nói không thông thường đủ để làm mới những gì đã quen. Chẳng hạn nói về nỗi nhớ: Anh nhớ em như cơn mưa tích nước/ Cứ chực òa chỉ một cớ không đâu (Sức bền của đất). Viết về sông Thương đã không ít nhà thơ bị cái tên gợi cảm của con sông mê hoặc, Hữu Thỉnh "thoát ra" bằng cách của riêng anh:
Dùng dằng hoa quan họ
Nở tím bờ sông Thương
Nước vẫn nước đôi dòng
Chiều vẫn chiều lưỡi hái
Những gì sông muốn nói
Cánh buồm đang hát lên
(Chiều sông Thương)
Những câu thơ nhịp năm thanh bình chính là nhịp đi trong cảm xúc của người viết. Phải có một trạng thái thật thư thả, thật tha thiết mới có những câu thơ đẹp như vậy. Hữu Thỉnh rất biết sắc thái ngữ nghĩa, ngữ âm và đặc biệt là sắc thái biểu cảm của mỗi từ, mỗi lời trong câu: Một lời như thể mái chèo/ Khi gãy cán đã bao người cập bến/ Một lời như thể lưỡi cưa/ Khi nghĩ lại bao thân cây đã đổ (Một lời). Thơ tình của Hữu Thỉnh là nơi thể hiện tinh tế "lời nói đẹp" của ngôn ngữ.
Anh phải nói vòng vo anh yêu biển
Anh yêu trời để thú nhận yêu em
Anh cứ khen người tốt đôi tốt lứa
Để giấu đi bao nỗi xót xa thầm
(Tạm biệt Sầm Sơn)
Không ít những "vòng vo", vụng về, lúng túng, bóng gió, chạnh lòng và những "xót xa thầm" trong tâm trạng, một trạng huống của người đang yêu, một lời "tự thú" không dễ dàng, một tình yêu đã nhuốm màu cay đắng. Có gì đó như những gì còn lại của một sự lựa chọn sau rất nhiều gian nan, sau rất nhiều va vấp:
Bông hoa này tới em
Sau bao người mặc cả
Con đường này tới em
Sau bao nhiêu lầm lỡ
(Hoa tặng)
Thơ viết ở biển là bài thơ tình đặc sắc, thể hiện khả năng sáng tạo ngôn ngữ giàu biểu cảm của Hữu Thỉnh.
Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
Gió không phải là roi mà quất núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
Sóng có nghĩa gì đâu
nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh
Nghiêng ngả
Vì em.
Vì bài thơ viết ở biển, lại viết về nỗi nhớ người yêu, nên Hữu Thỉnh dùng một cấu trúc hình "sin" như một "bước sóng" để chuyển tải những dào dạt trong tâm trạng "xa em" của mình. Nỗi nhớ lúc đầu chỉ "lăn tăn" như một gợn sóng nhỏ: Anh xa em/ Trăng cũng lẻ/ Mặt trời cũng lẻ. Gợn sóng ấy theo nỗi nhớ, theo sự cô đơn rộng mãi ra, to dần lên cho đến cao trào: Gió không phải là roi mà quất núi phải mòn/ Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím, và kết thúc như thể sóng đã vào bờ, tan dần: Dù sóng đã làm anh/ Nghiêng ngả/ Vì em. Có thể hình dung được Hữu Thỉnh đang suy nghĩ trong nhịp điệu và âm nhạc. Ngôn ngữ thơ hàm súc, sự hô ứng của mỗi từ cũng đến độ, thể thơ tự do (là do bài thơ tự chọn lấy) mà không dễ dãi, viết về nỗi nhớ, tưởng mơ hồ mà chặt chẽ từ mở đến kết tạo ra sự hoàn chỉnh của cái đẹp.
Thơ Hữu Thỉnh hòa trộn, chen lấn thực và ảo. Thơ thật quá sẽ hóa vụng, ảo quá sẽ hóa sáo. Để thơ mình không rơi vào hai thái cực này, ngòi bút của Hữu Thỉnh "thôi xao" không ngừng trong lao động ngôn ngữ: Tôi bị lắc giữa hai bờ hư thực (Đường tới thành phố). Hữu Thỉnh viết không dễ dãi, đã đành, nhưng anh cũng viết không đơn giản. Không đơn giản nhưng cũng không cố ý phức tạp. Thường gặp là những âm đa nghĩa, hoặc từ mơ hồ để tạo những kích thước khác với điều quen thuộc, đã biết, nhưng vẫn trong một mối liên hệ mơ hồ với điều đã biết:
Hoa bung biêng ơi! Con lắc của mùa xuân
Rừng không ngủ vì những hồi gõ tím
(Đường tới thành phố)
Các mối tương quan ở đây đều rất "mơ hồ": con lắc và mùa xuân, rừng không ngủ, những hồi gõ tím, đứng cạnh nhau không hẳn là vô nghĩa, nhưng xa nghĩa, đòi hỏi người đọc phải có một khả năng liên tưởng mới cảm nhận được chút "thực" chen giữa rất nhiều "ảo", như một thoáng trần gian sau màu tím biếc của bức tranh lụa huyền hoặc. Ngôn từ trong thơ Hữu Thỉnh được đẩy hết chiều kích của sự "gợi". Anh cảm được rất rõ độ vang của chữ, sự mê hoặc của mỗi chữ, sức lan tỏa của chúng trong tâm trạng người đọc: Bồ đề mùa lá rụng/ Bay mờ trong hư vô (Chăn Đa em ơi!), ...một ngày cau ấp bẹ/ Hoa ngủ mê trong lá mơ hồ (Im lặng). "Bay mờ" đã là ảo rồi, bay mờ trong hư vô lại càng ảo; "ngủ mê" đã là ảo rồi, ngủ mê trong... mơ hồ lại càng mơ hồ. Đấy chính là chỗ lợi hại của ngôn ngữ thơ, cũng là chỗ mê đắm, nơi thử thách tài năng, chỗ chứa đựng bí mật không cùng của sáng tạo thơ. Làm thơ là sự vượt qua những gì đã có. Nói cách khác là tránh xa cái hố có sẵn của ngôn ngữ. Thì đấy thôi, khi đặt bút định viết về mùa thu, lập tức bị vây bủa bao nhiêu là ngôn từ quen thuộc: lá vàng, trời xanh, buồn vắng, hoa cúc, ngô đồng... Nhưng Hữu Thỉnh cố tránh những thứ "thức ăn nguội" đó, có ý thức thoát ra khỏi cái hố ấy. Vì vậy đọc thơ Hữu Thỉnh là chạm ngay với những bất ngờ. Mùa thu được gợi ra trong cảm giác: Gió chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về (Sang thu), Thu ơi thu, ta biết nói thế nào/ Sương mỏng thế, ai mà bình tĩnh được (Bầu trời trên giàn mướp); Đây cũng là cảm giác làm ngơ ngác người đọc: Gió sao là lạ, mây khang khác/ Không hiểu. Hay là nhịp cuối năm/ Hôm qua thì tiếc, mai thì sợ/ Tuột cương trăng cũ lại sang rằm (Năm đi). Trước khi đọc Hữu Thỉnh, không ai hình dung "nhịp cuối năm" lại như thế kia. Nhưng đọc rồi thì chợt nhận ra đó là tâm trạng của chính mình. Có thể dẫn ra rất nhiều những bất ngờ thú vị như vậy trong thơ Hữu Thỉnh. Chẳng hạn:
Buổi sáng lo kiếm sống
Buổi chiều tìm công danh
Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa
Tỉnh thức
những hàng cây bật khóc.
(Thương lượng với thời gian)
Vì sao tỉnh thức, những hàng cây bật khóc? Câu thơ có thể hiểu được, nhưng giải thích ngọn ngành thì không dễ. Mà nếu để cố giải thích được thì cũng chẳng còn thơ. Thơ nhiều khi thách thức mọi sự giải thích. Bí mật của sự bất ngờ được dẫn dắt từ những hành vi ái ngại của buổi sáng, buổi chiều, buổi tối, và kết cục là sau một ngày "những hàng cây bật khóc". Đối lập với rất nhiều cái thật, cái có lý là một câu thơ "không thật", phi lý. Kiểu lập tứ này Hữu Thỉnh được vận dụng khá nhiều trong thơ anh. Xin dẫn thêm một ví dụ:
Ăn nói khó hơn yêu ghét khó hơn
Đi suốt ngày đường đời vẫn nguyên chỗ cũ
Đố kỵ gian manh thấp khớp tháo dạ
Tháng ba đầu cành hoa bưởi còn kia
(Thấy)
Câu cuối cùng Tháng ba đầu cành hoa bưởi còn kia không phải "ảo" mà là sự huyền diệu bất ngờ của cái đẹp, chứa đựng sự bất chấp của cái đẹp sau bao nhiêu những nhiêu khê gặp phải trong đời.
Còn đây là sự "gián cách" trong nghĩa:
Anh lại đến tìm em qua chiếc dây rất mảnh
Sương sớm lo âu, gió muộn bồn chồn
Sau vết bỏng chiếc hôn đầu ngày ấy
Ở cuối vườn có một nụ tầm xuân
(Trở lại mùa xuân)
Ba câu trên là thực, là những câu lấy đà, câu thứ tư cũng thực, và mới đọc qua hình như rất "vu vơ", chẳng ăn nhập gì với ba câu trên. Chỉ có mối liên hệ giữa ba câu trên và câu thứ tư là "ảo". Sao lại "sau vết bỏng" lại xuất hiện "nụ tầm xuân" ở cuối vườn? Không giải thích được. Mà cũng có thể tác giả bị ngòi bút dẫn đi với một cảm giác không hiểu "sao lại thế". Nhưng thơ hay thì dù vô nghĩa vẫn hay. Vì sao bốn câu thực, có lý qua một sự liên kết "quái đản" (Phan Ngọc) thế nào đó lại tạo ra một khoảng rất ảo, phi lý và nên thơ thú vị như vậy? Bí mật của tài năng ở đây là tác giả đưa người đọc đến trước "mơ hồ" điều muốn nói, rồi "để mặc" mỗi người tùy theo tâm trạng của mình cảm nhận nông sâu một cách khác nhau cái "nghĩa" mà câu thơ gợi ra. Thơ có thể và cần phải bớt đi cái "hợp lý" để thêm vào nhiều cái "phi lý". Trong thơ Hữu Thỉnh, đặc biệt ở câu kết, thường xuất hiện nhiều bất thường, "phi lý" (vì hình như trong ý đồ của người viết có sự cố ý vi phạm quy luật thông thường của ngôn ngữ), tạo ra sự "gián đoạn" trong tiếp nhận của người đọc. Điều ấy được tạo thành bởi những "tương tác" của ngôn ngữ. Có thể dẫn ra nhiều trường hợp: Gặp tình thương đi đưa đám hận thù (Buổi sáng thức dậy), Khiến cay đắng cũng nhuốm màu tha thứ (Gửi người bộ hành lặng lẽ), Người mua gương đã một lần trở lại/ Soi tưng bừng, rồi lặng lẽ quay đi (Xa vắng), Giọt đèn ấy bớt đi nhiều khuya khoắt, Đất nước theo em ra ngõ một mình/ Cau vườn rụng một tàu đã cũ (Đường tới thành phố), Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người (Ngẫu cảm), Cô đơn đầy đường không ai thèm nhặt/ Ngõ đứng trông người (Đi dưới cây), Quay về hoa vẫn cúc/ Anh cầm như trăm năm (Chăn Đa em ơi), Cha tôi mang về những khúc ca trôi nổi/ Cây khế có thêm môt vị buồn (Hạnh phúc), Chim đầy mùi trời/ Trời đầy mùi thiên hạ (Trường ca Biển)... Đấy chính là tư duy "cầu tính" của phương Đông, khác với tư duy "tuyến tính" của phương Tây. Và kiểu "cầu tính" này với người phương Đông, nếu cảm nhận được, sự thi vị của câu thơ sẽ lan tỏa mãi, còn đối với người phương Tây, nhiều khi hầu như vô nghĩa, và không một "ông Tây" nào có thể phiên dịch được hồn vía của nó sang ngôn ngữ của họ. Trong trường hợp trên: Sau vệt bỏng chiếc hôn đầu ngày ấy/ Ở cuối vườn có một nụ tầm xuân, không ai có thể phiên dịch nổi cái "mối liên hệ mơ hồ" giữa hai câu thơ mà Hữu Thỉnh tạo ra. Rất nhiều những câu thơ thực và ảo, có lý và phi lý tài hoa như vậy trong thơ Hữu Thỉnh, làm giàu chất biểu cảm, làm tăng sự quyến rũ, chạm đến sự tinh túy của thể loại thơ.
Thơ Hữu Thỉnh nhuần nhuyễn lối diến đạt của ca dao dân ca. Một đôi lần Hữu Thỉnh đã nói về điều này: Tôi đến ngôi đền của thơ ca bằng hơi thở của dân gian[4]. Liệu Hữu Thỉnh có bị "sái" trong thời buổi người ta đang háo hức khoác lên mình thơ những bộ cánh mỹ miều của "hiện đại" và "hậu hiện đại"?. Đã có không ít những cây bút cố sắp xếp, cố cắt dán, cố phá bỏ truyền thống, cố co duỗi, cố đưa vào thơ bao nhiêu những thứ "tân kỳ"..., và cuộc tìm kiếm diễn đạt ấy xem ra vẫn còn chưa có hồi kết. Một lối đi mới trong thơ Việt hiện đại thật cần thiết và những tìm tòi kia dù có đôi lúc đối với ai đó có đôi chút khó chịu, vẫn đáng ghi nhận (trừ một vài trường hợp thô thiển nhằm hạ thấp thơ Việt), vì không có vụ mùa nào mọc lên từ bãi đất hoang, không có một lối đi nào không bắt đầu từ những vết chân. Làm thơ, rút cục là một cuộc gieo gặt, là một sự tìm đường không mệt mỏi của nhiều thế hệ. Mỗi người làm thơ đến "ngôi đền" thơ ca và góp vào đó chút hương sắc của riêng mình. Hữu Thỉnh lục lọi trong kho tàng ca dao dân ca, gạn lấy cái bóng bảy của lối nói giàu hình tượng, giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh..., rồi tạo ra một lối đi của riêng mình phảng phất phong vị dân gian trong ngôn từ hiện đại.
Rất nhiều trong thơ Hữu Thỉnh những bài thơ được khơi nguồn từ cảm hứng dân gian, chất liệu dân gian:
Trông ra bờ ruộng năm nào
Mưa bay trắng cỏ, cào cào cánh sen
Mẹ tôi nón lá bước lên
Mạ non đầu hạ, trăng liềm cuối thu
(Trông ra bờ ruộng)
Một trạng huống rất quen thuộc: Trông ra (ca dao nói trông ra mà không nói nhìn ra) và vô số những thi liệu gần gụi: bờ ruộng (nhưng đây là bờ ruộng trong ký ức: cụm từ "năm nào" nói rõ điều ấy), mưa bay, cỏ, cào cào, mẹ tôi, nón lá, mạ non, trăng liềm, hạ, thu... Tất cả được gói trong bốn dòng lục bát với nhịp cổ xưa, mà sao cái "hơi khí" thì của ngày hôm nay, cái tâm trạng thì của người con đang hình dung về mẹ. Cái "cổ xưa" này được gặp khá nhiều trong thơ Hữu Thỉnh. Có khi nguyên dạng là lời ru: À ơi tình cũ nghẹn lời/ Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh (Trường ca Biển), Bên bồi bên lở về đâu/ Bên trong bên đục dài lâu tình đời (Đường tới thành phố), có khi nhắc tới một hình ảnh: Con chim xanh mê trái lựu trước vườn/ Mùa hạ trôi qua từ ngày chim trốn tiếng (Trở lại mùa xuân), có khi khơi gợi từ một cách nói của một vùng quê: Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy..., Bao giờ lúa trổ đòng đòng/ Lúa đang trổ/ Anh đang về đấy chị (Đường tới thành phố), có khi chỉ một từ "mờ tỏ" cũng đủ gợi lên một tâm trạng: Ngọn đèn bọc trong ống bơ/ Cho em mờ tỏ đến giờ trong tôi (Đường tới thành phố). Nhưng chỗ hơn người của Hữu Thỉnh là ca dao dân ca được vận dụng đúng chỗ, là ngòi bút biết làm chủ không rơi vào lạm dụng, là mượn lời, mượn ý, mượn "hơi" dân gian làm nền để diễn tả tâm lý và tình cảm hiện đại.
Thơ Hữu Thỉnh vốn thâm trầm càng về sau càng thâm trầm triết lý. Ngòi bút của Hữu Thỉnh tỏ ra trường sức khi viết dài và sâu sắc, tinh tế khi viết ngắn. Cũng có những cây bút (Phạm Tiến Duật chẳng hạn) viết ngắn thì rất giỏi, nhưng viết dài chưa chắc đã phải thế. Hữu Thỉnh viết ngắn, chắt lọc từ những nghiền ngẫm và chiêm nghiệm. Không thể viết dài trong hoàn cảnh "bàn viết" thường là ghế ô tô, tứ thơ xuất hiện bất chợt, rồi ngôn từ "đeo bám" mờ tỏ cho đến khi hiện dần bóng dáng từng câu. Một quá trình từ "đất đến bình" không "yên ả" sau tiếng máy gầm gừ của ô tô, sau loáng thoáng trần gian ngoài cửa kính. Bận rộn hình như làm thơ Hữu Thỉnh ngắn lại, thu chiều dài lại để hướng đến chiều sâu của nghĩ ngợi. Trong các tập Thư mùa đông (1994) và Thương lượng với thời gian (2005) thường ẩn hiện những câu hỏi nhức nhối về lẽ sống, về nhân nghĩa, triết lý về cõi người, về thời gian: Thấm mệt tôi ngồi nghỉ/ Bóng mát một chùm gai (Buổi sáng thức dậy). Câu chữ ám ảnh trong tâm thức nhắc mỗi chúng ta, rằng dù đây là "bóng mát" nhưng là bóng mát đầy hiểm họa. Triết lý trong thơ Hữu Thỉnh chính là những gì lắng đọng của thời gian sống: Tôi cố lách qua cặn lắng của đời mình/ Dưới đáy cốc của hy vọng (Cặn lắng), Lọc hết bùn đi/ Còn chút gì sót lại/ Đấy là anh sau những vui buồn (Lọc), Bất chợt/ những cánh chim vụt hiện/ vẽ đường đi vô định của con người (Bất chợt), Anh mang theo những tiếng chuông xưa/ Gõ trai tịnh dưới những vòm lá cổ (Gửi người bộ hành lặng lẽ), Đem cho. Đem cho/ Không giữ lại chút gì/ Đòi lại. Đòi lại/ Không hề thương tiếc.../ Thời gian/ Ông là ai? (Thời gian). Trong tập thơ mới chưa xuất bản của anh Ghi chú sau mây, viết trong khoảng mười năm từ 2006 đến 2016 tính triết lý khá đậm. Rất nhiều những bài ngắn "hai câu" như những đúc kết, những châm ngôn về nhân tình thế thái, về lẽ sống được nghiền ngẫm từ những "va quệt" như gió điếng (Hôm nay gió điếng đi qua ngơ - Ghi chú sau mây) trong "cõi người". Triết lý, với Hữu Thỉnh là để vót nhọn tư tưởng, vì thế anh không sa vào dài dòng triết luận, tư biện. Những điều anh nâng thành triết lý là những gì "lọc" ra từ "cặn lắng" của cuộc sống, đúng hơn, đó là một phần của cuộc sống: Đôi khi một ngọn cỏ/ Kéo ngắn một thôi đường (Đôi khi), Những cái nhất thời xô đẩy nhau đi/ Chỉ còn trời vừa lau qua dĩ vãng (Ghi chú sau mây), Bao nhiêu mỹ từ người ta dùng nát cả rồi/ Khi trống rỗng quay về im lặng cỏ (Bài số 8), Ở đây nhiều thánh thần nên cũng nhiều quỷ dữ (Cảm tác Lâm tì ni), Mặt trời mời tất cả lên chuyến tàu của mình/ Trừ bóng tối (Bài số 5), Sự thật đòi để nguyên/ Giả dối thích tinh chế (Bài số 16), Vốc nước lên/ Tôi soi thấy bao nhiêu ghềnh thác (Đồng vọng)...
Tóm lại, đọc thơ Hữu Thỉnh là mở cánh cửa vào một khu vườn đầy hương sắc, âm thanh và bị cuốn đi với lực hút của trí tuệ, bình thơ Hữu Thỉnh là thử thách trước những bất ngờ của ngôn từ, nhớ thơ Hữu Thỉnh là nhớ lại riêng tư của mỗi người, được ghi lại bởi một người, bằng vẻ đẹp của thi ca.
*
Thơ Việt Nam giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, xuất hiện đông vui rất nhiều cây bút, trong đó Hữu Thỉnh là một trong số những cây bút xuất sắc. Về phương diện nào đó, anh đi được xa hơn những gì Phạm Tiến Duật muốn đi mà không đủ thời gian. Nói cho công bằng, thơ chống Mỹ chưa bao giờ tưng bừng như khi thơ Trường Sơn hào hùng và lãng mạn của Phạm Tiến Duật xuất hiện. Nhưng thơ ấy lắng sâu và ám ảnh với những gì Hữu Thỉnh đem đến. Ngẫm lại, một đời cầm bút, có nhiều tập thơ hay, có nhiều bài thơ hay, có nhiều câu thơ hay... không phải là điều ai cũng làm được. Quan trọng hơn, thơ ấy đang luôn ở trong trí nhớ của người yêu thơ đương thời, tham dự vào những vui buồn của họ.
Tháng 2 & 3 năm 2017
L.T.N.
(Nguồn: Tạp chí Thơ HNV)