Chân dung văn

16/8
3:37 PM 2019

PHÍA SAU TƯỞNG TƯỢNG*- TẬP THƠ CỦA MÃ GIANG LÂN

LÊ NGỌC MÙI-Những năm gần đây, người đọc đón nhận nhiều tập thơ của Mã Giang Lân: "Những mảnh vỡ tiềm thức" (2009), "Về một cây cầu" (2010), "Những lớp sóng ngôn từ" (2013) và "Phía sau tưởng tượng" (2017). Khác với phần đông các nhà thơ thường chọn bài hay để đứng tên cho cả tập, Mã Giang Lân đã đi con đường riêng. Tên mỗi tập thơ của ông gắn liền với một quan niệm nghệ thuật, một triết lý sống, một quan niệm nhân sinh.

 

Tập thơ "Phía sau tưởng tượng" được NXB Văn học ấn hành năm 2017. Cầm tập thơ mà lòng tự hỏi: Đằng sau tưởng tượng nhà thơ nói gì? Nói như thế nào? Có gì mới trong thơ Việt? Sau những câu chữ bề mặt, sau sự tưởng tượng của nhà thơ, tôi thấy thông điệp thơ: "Quẫy lên những dòng đời rưng rưng cũ" "mong sao nói được lời hay lời tốt mà không ngược với lòng mình" "kỳ vọng một ngày thanh thản hơn" (Bây giờ).

Những phận đời trong cõi nhân sinh chiếm một phần trong tập thơ. Thơ ông hướng về cuộc sống, về thân phận con người. Cả người sống lẫn người chết trong thơ cứ "quẫy lên" đi lại phô bày cuộc đời số phận.

Lũ lượt kiếp người

quên thời trai như trẻ mồ côi

quên nỗi buồn thân phận

(Cùng anh Phạm Đán Bình)

Đó là những"kiếp người" phải bỏ quê, xa xứ tới tận trời Âu. Nhưng trong thẳm sâu, họ vẫn còn lưu giữ "những cánh cò ký ức - những cánh đồng chiều bám chân núi đá", vẫn cứ chờn vờn tâm trí về xứ sở sinh ra mình:

Anh lặng lẽ nhắc thầm quê mẹ

chuông nhà thờ loang trong sương

(Cùng anh Phạm Đán Bình)

Ở quê nhà, thời ấy, trên bến sông ngọn đèn chai chập chờn bến nước, có người:

Sẩy chân một lần sông đưa đi mãi

tháng bảy về tháng bảy mỗi năm

hương khói đưa đường

nước sông trong lạnh gáy

(Sẩy chân một lần)

Giữa chiều khí thu cuộn lên cao ngất "ca nô thuyền bè chen chúc nhấp nhô - những cuộc đời lầm lụi" chỉ "sẩy chân một lần" mà "sông đưa đi mãi"! Sự sống và cái chết chỉ cách nhau một cái "sẩy chân". Câu thơ dồn nén, cô đọng về khoảnh khắc bi thương nhất của một cuộc đời, một số phận. Hồn đi "60 năm về không nhận ra bến xưa"! Những "kiếp người", những "thân phận", "những cuộc đời lầm lụi" bất hạnh, đau thương cứ "rưng rưng" đậm đặc trong thơ Mã Giang Lân.

Mã Giang Lân rất ý thức về ngòi bút. Trước trang giấy, ông "bồn chồn câu chữ". Bồn chồn về một thực trạng xã hội nhãn tiền:

Bây giờ mấy ai còn cặm cụi với lương tâm

mấy ai còn học thật làm thật nói thật

đêm đêm không phải dằn vặt giấc ngủ

chất vấn ngày qua

(Bây giờ)

Nhưng ta thấy nhà thơ "nói thật" về những kẻ "gặp hàng ngày":

Chẳng cần X quang cắt lớp

tôi thấy cái mặt dày thêm một phân

lệch nghiêng chín mươi độ...

 

Chẳng thấy buồn chẳng thấy vui

cứ lì xì thịt trâu chợ muộn

một cái bắt tay mùa đông

một cái gật chào con lật đật

(Gặp hàng ngày)

Mặc dù bọn người này mới chỉ là "viện vụ". Thơ ông đã tạc tượng những rô bốt - người thời hiện tại. Tôi cứ thấy thấp thoáng tục ngữ, thành ngữ trong những câu thơ trên (mặt nạc đóm dày; lì xì như thịt trâu chợ muộn). Chất dân gian đã được hiện đại hóa trong hình tượng thơ.

Tính thế sự trong thơ ông chiếm một tỷ lệ đáng kể. Những bài "Bây giờ", "Gặp hàng ngày", "Ra phố", "Đường phố", "Tôi đi xa thành phố", "Đêm phố cổ", "Nằm gắng"... đủ để ta cảm nhận phố phường "bây giờ" mất dần sự hào hoa thanh lịch. Thực trạng đường phố "Ngã ba ngã tư ngã năm ngã bảy - ta chôn chân như muỗi - dính vào dây tơ... ta kẹt xe giữa hai thế giới - mùi xăng mùi bia mùi rượu đỏ lừ"... và ông nhận ra kết cục "Cõi niết bàn không một ai tới được" (Đường phố). Thơ ông tự nhiên mà đậm đầy triết lý. Thơ ông đang tuýt còi về thực tại giao thông đường phố nhốn nháo hỗn loạn chứa đầy hiểm họa. Từ con đường có thực, nhà thơ liên tưởng đẩy hình tượng thơ lên một tầng mức mới tới "con đường lập thân". Nơi ấy bao kẻ:

Giở trò quấy càn che dốt nát

mượn vẻ âm u thay uyên bác

chẳng cần tu thân.

Lại có "con đường chạy chức - chạy như cháy nhà". Và cuối cùng như một tất yếu, một quan hệ nhân quả được nhà thơ chỉ ra: "con đường tới đích - chiều tịch mịch - vàng mã bay." Mạch thơ thoải mái tự nhiên, suy nghĩ trong thơ đã hòa tan vào hình ảnh. Những câu thơ đậm chất u mua trước thế sự xoay vần.

Quan niệm thơ của ông thật đáng quý. Thơ không thể dửng dưng trước số phận những người lam lũ, thơ phải "quẫy lên những dòng đời" bằng nỗi lòng "bồn chồn" bằng cảm xúc "rưng rưng cũ". Ông "Mong sao nói được lời hay lời tốt mà không ngược lòng mình". Rồi ông khẳng định như tục ngữ:

Lời cay đắng là lời chân thật

chân thật không cần uốn lưỡi

chân thật không cần nước thơm.

(Bây giờ)

Những lời chân thật nghịch nhĩ, chát lòng nhưng lại là "thuốc đắng dã tật". Ý thức xã hội về thơ như vậy, nên thơ ông vắng bóng những mĩ từ mĩ miều, những viễn cảnh xán lạn theo lối ngợi ca một chiều, tô hồng đánh bóng. Ông không ngại đưa những cảnh đời trớ trêu, nghịch cảnh vào thơ. Ông chọn sự đối lập để hiện thực vỗ sóng trong lòng người đọc.

Người không chỗ đặt lưng

Bao căn nhà đắp chiếu

Điều khiến người đọc luôn "rưng rưng" xúc động cùng nhà thơ vì cái nghèo, phận nghèo luôn khiến lòng ông "ngổn ngang bão rớt".

Lục lạc vàng kết nối những miền quê

vừa xem vừa lau nước mắt

tắt màn hình

lòng ngổn ngang bão rớt

(Cô đơn)

Nước mắt làm thanh sạch tâm hồn. Thơ đã nhân đạo hóa con người kì diệu.

Sức truyền cảm từ thơ tới người đọc nhờ con mắt "thấu thị" vừa thực vừa ảo của nhà thơ. Con mắt thơ "thấy được rất sâu rất xa". Ông thấy cuộc gặp gỡ giữa người sống và người đã chết. Bài thơ "Đỉnh núi" giàu màu sắc tâm linh. Cuộc gặp giữa hai người lính "Đại đội 4 cao xạ anh hùng" thời chiến tranh chống Mỹ. "Những người sống đã già" gặp "những người chết vẫn trẻ". Bài thơ tựa như hoạt cảnh: có nhân vật, có đối thoại, có sự việc, cái thực hòa cái ảo, hiện tại và quá khứ, anh hùng và đời thường, nhớ và quên, lỗi lầm và ân hận... Tất cả hiện hữu đan cài. Người sống bộc bạch tâm trạng: "Tôi sống vật vờ mấy mươi năm xa anh" và "tôi nợ anh lời hứa". Người đã khuất lòng vị tha an ủi: "Tôi chết nhẹ nhàng thành mây thành gió", "Thôi nào mẹ già tôi không còn đêm khuya ánh lửa - thôn ổ họ hàng cũng đã khác xưa". Rồi nhắc lại những ngày khốc liệt chiến đấu bên nhau.

Tôi nằm xuống

đỉnh núi hứng mấy trăm trận bom

anh đứng cùng pháo hướng máy bay giặc bổ nhào

Họ là những anh hùng chiến trận đã làm nên "Đại đội 4 cao xạ anh hùng". Nhưng quá khứ hào hùng đó "Bây giờ chắc không ai nhớ"! Lời hỏi như một thoáng nghi ngờ, nhưng lại là lời của người "nằm xuống" vì thế lời thơ mang nhiều ẩn ý cứ cắt cứa lòng người. Thơ ông đang cảnh tỉnh lòng người thời cơ chế thị trường. Nhức nhối hơn bởi kẻ sống chỉ "vật vờ" còn người chết lại "nhẹ nhàng". Điều đó đặt ra những câu hỏi găm vào lòng người đọc, dễ gì đã có câu trả lời. Quả đúng như ông quan niệm "Thơ ẩn chứa những điều hơn những gì ta biết" (Núi).

Sự "thấu thị" khiến "Phía sau tưởng tượng" trở nên ám ảnh day dứt người đọc. Âu như thế cũng là nghĩa phận cao đẹp mà thơ có thể làm được. Các bài "Ra phố", "Đêm làng chài", "Với người anh họ", "Khấn anh nước mắt khôn cầm", "Anh trở về"... đọc lên cứ thấy thực trạng xã hội, rồi bật lên lời hỏi: "Ôi, sao lại thế? Chuyện gì vậy? Như thế ư?..." Có sự bất an mỗi khi "ra phố": "Lững thững vỉa hè nem nép lối đi - sợ qua đường - sợ xe điên người vô cảm". Bất ngờ trước sự đổi thay lên ngôi bằng mọi giá: "chợ cóc thành siêu thị - mấy quán bún ốc riêu cua thành nhà hàng đặc sản". Niềm tin con người bất ổn:

Đụng Cây đa Nhà bò cây đa vẫn thế

cứ thấy nhiều người khấn vái dâng hương

(Ra phố)

Năm 2012, người ta đã báo nhầm cơn bão chỉ là áp thấp nhiệt đới. Những người làng chài làm ăn trên sông trên biển đã hứng chịu hậu quả kinh hoàng: "Trận bão mùa qua - mấy xác thuyền cắm nghiêng bãi cát". Sự tang thương thê thảm bao trùm làng quê:

Người không về

còn tiếng gọi ời ời trong gió

(Đêm làng chài)

Cái còn lại chỉ là sự hi vọng trong vô vọng mà thôi! Chỉ vài chi tiết, hình tượng thơ thật ấn tượng. Cái "không" và "còn" thật đau đớn. Chỉ ba tiếng "người không về" với người sống còn có đau xót nào hơn? Gia tài mất, người mất, chỗ dựa gia đình mất, cái còn lại chỉ là âm thanh "ời ời" thê thảm tan trong gió trước biển khơi. Ông đã nhìn thấu nỗi đau tận cùng của người chài lưới. Tiếng thơ nhân tình của ông đã làm tổ trong tâm hồn người đọc.

Đọc "Phía sau tưởng tượng", ta thấy rõ một cái tôi trữ tình rất Mã Giang Lân. Ông đã đi qua "Một thời người rất là người - cơm vơi áo vá mà thơi thới đời" (Một thời). Đến "bây giờ" ông tự xét "một đời thanh bần" (Vườn trên mái nhà) song ông tự hào "một tư thế bền lòng thời trong đục" (Vào đông) "cao sang thanh sạch giữa liêu xiêu đời" (Hỏi tôi). Trong ông luôn cháy lên niềm tin, giục giã "gió lên rồi - hãy sống" (Gió lên rồi), cháy lên niềm đam mê của một tâm trí tự biết mình biết thời, thung dung tự tại:

Biết thời biết thế thì thôi

cứ thênh thang sống cứ bồi hồi thơ

(Hỏi tôi)

Niềm đam mê ấy có chút ngạo nghễ đậm chất nghệ sĩ: "Cứ đam mê cứ say sưa - tôi soi gương vỡ thấy thừa thãi tôi" (Xuân). Tôi thích sự kiên trinh của ông trong "Mai tứ quý".

Chẳng bận lòng trong đục thói đời

mặc ai khoe sắc

 

Mỗi lần gặp ta

hoa cứ vàng

đơn độc

kiêu sa

Phải là người rất tự tin vào phẩm giá, bản chất vốn có mới có thể thanh thản, bao dung đến độ "Chẳng bận lòng... mặc ai khoe sắc" trước thói đời trong đục. Sự kiên trinh khác biệt "Hoa cứ vàng- đơn độc- kiêu sa". Câu thơ bậc thang thật lạ. Mỗi nấc thang là một nét đẹp phẩm chất của hoa được tôn vinh. "Hoa cứ vàng"- một màu vàng hoàng kim bất tử như thách thức cùng thời gian. Vẻ "đơn độc" chỉ sự tự tôn khác biệt với xung quanh. Và "kiêu sa"- kiêu hãnh sang trọng biết bao! Thế đấy, cái tôi trong thơ Mã Giang Lân thật tuyệt. Nó cứ như sắc vàng sự đơn độc kiêu sa của mai tứ quý trước đất trời.

Tập thơ "Phía sau tưởng tượng" có sự làm mới thơ Việt. Mã Giang Lân dùng thể lục bát nhuần nhị, độc đáo, vừa truyền thống vừa hiện đại khi ông chủ định dùng từ láy đôi trong tiếng Việt để gieo vần và tạo nhịp điệu mới cho câu thơ. Thể lục bát trong thơ ca dân tộc thường dùng nhịp chẵn có một ít nhịp 3/3. Nhịp thơ lục bát Mã Giang Lân rất linh động phong phú, đặc biệt nửa sau câu bát bao giờ cũng là nhịp 1/2/1. Trong tập thơ này, Mã Giang Lân có tới mười bốn bài lục bát dùng từ láy đôi (vị trí tiếng thứ 6 và 7 trong câu bát) để gieo vần và tạo nhịp mới lạ cho thơ trong suốt toàn bài. Lục bát của Mã Giang Lân, câu bát vừa có nhịp chẵn vừa có nhịp lẻ. Ví như:

- Hơi xuân/ mới đến/ lưng chừng

2/2/2

mà cây/ mà cỏ/ đã/ bừng bừng/ lên

2/2/1/2/1

- Cứ đam mê/ cứ say sưa

3/3

tôi soi gương vỡ/ thấy/ thừa thãi/ tôi

4/1/2/1

(Xuân)

- Đường đời/ khúc thẳng/ khúc cong       

2/2/2

còn mình/ thì/ cứ/ mải/ rong ruổi/ hoài

2/1/1/1/2/1

(Ngẫu hứng đầu năm)

- Cũng là/ một chốn/ nương thân

2/2/2

ngày chưa cạn/ chỉ/ mới/ ngân ngấn/ chiều

3/1/1/2/1

(Quê nhà)

Phải chăng Mã Giang Lân đã định hình một kiểu lục bát trong thơ Việt. Đọc những bài lục bát kiểu Mã Giang Lân, ta thấy từ láy trong tiếng Việt thi ca tự nhiên, phong phú, trong sáng nên thơ. Cái khéo của nhà thơ, sự tài hoa tinh tế khi nhà thơ đã chọn lọc từ ngữ tự nhiên diễn tả được ý, tình, hình, nhạc. Càng ngẫm càng ý vị.

"Phía sau tưởng tượng" mới là tập thơ thứ bảy của Mã Giang Lân. Nhưng với quan niệm nghệ thuật hướng về cuộc sống, con mắt "thấu thị" trước mọi biến thiên xã hội, một nội tâm phong phú, sâu sắc, nhạy cảm được thể hiện trong một hình thức tương xứng với nội dung, thơ ông đem lại những cảm nhận mới mẻ, những rung động tinh tế lay động con tim người đọc. Có thể ví thơ ông là "Mai tứ quý" trong vườn thơ Việt, trước những ba động cuộc đời.

10/2017
L.N.M.

NGUỒN: TẠP CHÍ THƠ

 

* Nhà xuất bản Văn học, H.2017.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *