NGƯỜI ĐƯỢC QUYỀN ĐẶT TÊN HANG ĐỘNG
( Hồ Khanh - người bên phải trong ảnh)
Chuyến đi tìm trầm đáng nhớ
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bên cạnh niềm vui chiến thắng sau gần 30 năm cả dân tộc “Đốt cháy Trường Sơn” đi cứu nước, nhân dân ta phải đương đầu với biết bao khó khăn vất vả trong những năm tháng khôi phục sau chiến tranh.
Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình có phà Xuân Sơn và đường “20 Quyết thắng” quyết tử trong chống Mỹ cứu nước chạy qua, ba bề bốn bên là rừng núi đá vôi chập chùng bao bọc cũng chịu số phận ấy.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê này, năm 1990, anh Hồ Khanh lấy vợ. Để tạm có cái ăn, cái mặc trong buổi đầu tách hộ từ cha mẹ ra ở riêng, anh đã cùng như bao trai tráng trong làng lên rừng đạp trầm. Đạp trầm (từ gọi công việc của người đi tìm trầm) phải xuyên rừng, xẻ rú. Đôi khi lạc đường, ngủ giữa rừng vài ba ngày sau mới tìm được lối cũ. Một tuần, hai tuần và đôi khi ba tuần, lương thực, thực phẩm mang theo đều hết sạch, người đi tìm trầm vác ba lô xép kẹp về không.
Hồ Khanh có vài ba chuyến đạp được trầm thô (loại trầm vỏ). Nhưng cũng chẳng bõ bèn gì. Liên tiếp những chuyến đi khác đều bị “âm”. Anh nhớ lại: “vào một buổi chiều, tách bạn, tôi mạnh dạn đạp rừng đi theo một hướng khác. Rừng hoang vắng đến lạnh người. Thỉnh thoảng đâu đó có tiếng tắc kè trên lèn đá vọng xuống, làm rợn da gà. Ý chí “mệ” (từ chỉ thần linh rừng rú mà người địa phương thường dùng –NV) sẽ cho, giục tôi càng dấn bước. Len vào giữa khỏang trống chừng 20 mét, một bên là núi đá vôi dựng đứng, một bên là bức thạch nhũ cao 3, 4 chục mét chạy dài, bỗng người tôi thấy mát dịu, bởi một luồng gió mát từ trên vách núi thổi xuống. “Mệ” cho rồi đây! “Mệ” làm tín hiệu gọi mình lên đó rồi đây! Tôi nghĩ vậy và theo hướng có làn gió mát mà tiến tới”.
Khi len vào giữa những hàng cây thẳng tắp, trước mắt anh là một khoảng trống mờ mờ ảo ảo. Anh nhận ra, mình đang đứng trước một cái hang lớn. Anh bước vào hang, tiến sâu vài chục mét. Cả một thế giới kỳ ảo hiện ra trước mắt. Đó là những dòng thạch nhũ trăm hình vạn trạng, lặng lẽ bao đời đông kết lại, rũ xuống. Một con suối róc rách chảy qua. “Ừ thì cũng như hang động Phong Nha quê mình thôi mà!”. Anh nghĩ vậy và trở ra. Vì cuộc mưu sinh, anh không muốn tò mò và can đảm tiến sâu hơn, phải đi tìm cánh tay của “mệ”. Chuyến đi ấy lại thêm một lần “âm” nữa.
Chuyện cái hang động kia mờ nhạt dần trong ký ức với cái nghề tìm trầm đãi đằng trong năm tháng. “Tôi đã bỏ nghề săn trầm, trở về làng với mấy sào đất HTX cấp cho và làm thợ phụ hồ đắp đổi tháng ngày”, anh Hồ Khanh trải lòng.
Trở lại hang sau 13 năm
Đoàn thám hiểm hang động Hoàng Gia Anh trước đó đã có nhiều duyên nợ với mảnh đất Quảng Bình. Vì nền khoa học hang động của nhân loại mà họ đã bỏ tiền, bỏ sức, tiến hành thám hiểm vùng đá vôi Catstơ nhiều nơi trên thế giới. Quảng Bình là một trong những địa chỉ đỏ của họ. Chính họ đã tiến sâu, vẽ bản đồ hơn 12 km trong hang động Phong Nha mà du khách hiện nay đến đó để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hóa ban cho, vì địa hình hiểm trở đã không thể tiến sâu vào được. Chính họ đã tìm thêm được một số hang động mới ở rừng đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng từ những năm 1990, bổ sung cho bản đồ địa lý về hang động của thế giới. Năm 2007, khi nghe các vị lãnh đạo ở UBND xã Sơn Trạch, Bố Trạch cho biết, anh Hồ Khanh phát hiện được một cái hang chưa có tên, đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh mừng rỡ liền đến gặp để nhờ anh dẫn đường. Anh đồng ý. Nhưng, đã hơn 10 năm rồi, rừng nhiệt đới đã ken dày lớp lớp cây. Hai ngày giữa rừng đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng, anh Hồ Khanh không tài nào tìm ra được cái hang động năm xưa mình đã một lần đặt chân đến ấy, khi đã dẫn một số người trong đoàn đến đây. Thất bại và trở về.
Trong chuyến đi lần ấy, ông Howard Limbirt, trưởng đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh, với nhạy cảm nghề nghiệp, quan sát địa mạo nơi mà anh Hồ Khanh dẫn đến đã quả quyết với anh rằng: “ở đây chắc chắn sẽ có một cái hang động lớn”. Thời gian công tác đã hết. Đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh phải chia tay Quảng Bình, chia tay Việt Nam. Trước khi lên đường, ông Howard Limbirt đã dặn dò với anh Hồ Khanh: “Anh nhớ tìm cho được nhé. Hai năm sau chúng tôi sẽ trở lại”.
Lời dặn dò, hẹn ước ấy đã thúc giục Hồ Khanh. “Năm 2008,tôi sắp xếp công việc gia đình, thực hiện chuyến đi tìm cái hang năm xưa. Sau một ngày vượt rừng, từ cây số 0 đường 20 Quyết thắng quê tôi đến ngã ba gần “Hang Tám cô” chừng 2 km, rẽ trái về đường Hồ Chí Minh, xuyên rừng thêm 3 giờ nữa, ước chừng 15 - 20 km, tôi đã đến vùng rừng mà ông Howard Limbirt đã đoán định với tôi rằng, chắc chắn ở đây sẽ có một hang động. Tôi đã quan sát địa hình và quyết định tiến lên phía vách núi đá vôi phía Đông. Thì ra, cái rặng thạch nhũ hàng ngàn năm buông xuống phía trước dãy núi như một tấm bình phong khổng lồ che mất tầm mắt mọi người. Tôi đã lọt vào khoảng giữa bức bình phong và vách núi đá vôi ấy. Tiến thêm khoảng 100 mét nữa, tôi nhận ra, chỗ dừng chân 13 năm trước của mình, khi đi tìm trầm. “Mệ” cho mình “chộ” của quí rồi đây!”. Tôi nghĩ thế và tiến vào hang. Cả một thế giới huyền ảo trong hang động đang hiện ra trước mắt tôi. Mừng vui đến trào nước mắt, rồi lẳng lặng ra về, đợi chờ ngày tái ngộ của đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh. Thế là 13 năm, tôi nhẩm tính, mình đã đến nơi mình đã từng đến.”, anh Hồ Khanh nhớ lại.
Ngày 4 - 4 - 2009, đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh trở lại Phong Nha - Kẻ Bàng Quảng Bình. Lúc này, anh Hồ Khanh và người vợ trẻ cùng ba con đã là chủ nhân của một quán cà phê nhỏ bên đường 20 quyết thắng. Hôm sau, 5 - 4 – 2009, cuộc đi săn hang động mới trong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng bắt đầu. Bây giờ, đường vào đó anh Hồ Khanh đã thuộc lòng. Nó thuộc nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, tiến sâu về phía Đông đường chim bay ước chừng 7 - 8km. Sau một ngày đi bộ, tối đó, họ dừng tại ngủ lại ngoài cửa hang. Sáng hôm sau, cuộc thám hiểm hang động bắt đầu. Đoàn người gùi hàng, máy móc phía Việt Nam chỉ tiến sâu được 2km thì phải quay ra vì cần bảo vệ sinh mạng. Đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh 4 người, với thiết bị nhà nghề tối tân đã tiến sâu vào phía trong và hẹn gặp lại họ ngoài cửa hang lúc 4 giờ chiều. Y hẹn, đoàn thám hiểm đã trở lại cửa hang an toàn. Tối đó, bên ngọn lửa bập bùng giữa rừng, những người dẫn đường và những người thám hiểm của nước Anh hỉ hả nâng cốc rượu ngoại mang theo. Họ cho biết, họ đã tiến sâu vào phía trong hang thêm khoảng 7km nữa và chụp được hàng ngàn bức ảnh. Cả đoàn quay về, sau đó đã tiến hành tổ chức thám hiểm hang động này gồm 3 đợt, tất cả là 14 ngày với những kết quả ban đầu thật mĩ mãn. “Hơn 2 km chiều sâu trong hang chúng tôi đã vào, cơ man thạch nhũ, trăm hình vạn trạng lơ lửng giữa trần không. Có một dòng sông ngầm chảy men theo các khe đá. Có một khoảng trống trên trần hiện ra, có đường kính 9 mét (theo số đo của các nhà thám hiểm). Mặt trời có thể dọi xuống đáy hang. Chỗ chúng tôi đi qua. Không gian bốn bề âm u, tĩnh lặng. Chỉ có tiếng lanh tanh của những dọt nước nhỏ xuống từ những đầu vú của thạch nhũ...” - anh Hồ Khanh đã kể lại.
Hang được mang tên mới: Sơn Đoòng
Theo ông Howard Limbirt cho biết: Hang Sơn Đoòng được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, lâu ngày tạo thành những vòm hang khổng lồ. Hang có chiều rộng 150 mét, cao hơn 200 mét, chiều dài lên tới gần 9 km. Ước tính dung tích của Hang Sơn Đoòng là 38.5 triệu mét khối. Với kích thước như thế, hang Sơn Đoòng đã vượt qua hang Deer ở Vườn quốc gia Gunung Mulu của Malaysia (với chiều cao 100 m, rộng 90 m, dài 2 km) để chiếm vị trí là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Ngoài ra ở một số đoạn hang Sơn Đoòng còn có kích thước lớn tới 140 m x 140 m, trong đó có các cột nhũ đá cao tới 14 m. Một bức ảnh lộng lẫy do nhiếp ảnh gia Carsten Peter chụp vào tháng 5 năm 2010 ghi nhận đoạn hang có bề rộng khoảng 91,44 m, vòm hang cao gần 243,84 m - có thể chứa lọt một tòa nhà cao 40 tầng. Trong hang các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một dòng sông ngầm dài 2,5 km và có cả những cột nhũ đá cao tới 70 m. Hang có những quần thể san hô và di tích thú hóa thạch. Hang có hai "giếng trời", là hai nơi mà trần bị sụp, đưa nắng chiếu vào, tạo điều kiện cho cây cối phát triển như một khu rừng nhiệt đới trong hang động, một nơi trong đó được gọi là "vườn Edam".
Đó là một tài sản vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho Quảng Bình, cùng với hang động Phong Nha – Tiên Sơn và Thiên Đường hiện nay. Theo truyền thống của luật ước Quốc tế, những ai phát minh ra những điều mới mẻ cho nhân loại đều có quyền mang tên mình hoặc người thân của mình. Anh Hồ Khanh đã không lấy tên mình đặt cho tên cái hang mà là đặt tên nó là Sơn Đoòng. “Sơn” là chữ đầu của xã anh (Sơn Trạch). “Đoòng” là rú Đoòng, vùng rừng núi dân quê anh thường gọi. Từ đây, Sơn Đoòng là một danh từ mới, đã có một địa chỉ cụ thể trên bản đồ Quảng Bình nói riêng và hang động thế giới nói chung.
Anh Hồ Khanh thú vị cười khi cho tôi biết, anh đã được quyền đặt tên cho 12 hang động lớn nhỏ khác mà anh đã giúp đoàn thám hiểm Hoàng Gia Anh phát hiện ra, trong đó có tên các con trai, con gái và vợ anh.
Đầu năm 2011, đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh, theo lời hẹn đã trở lại Quảng Bình. Mục tiêu và hiệu quả đạt được là thám hiểm, vẽ bản đồ, ghi hình về hang Sơn Đoòng. Bấy giờ Sơn Đoòng, nàng tiên huyền diệu hàng triệu triệu năm ngủ yên đã được vén màn, cuốn chăn. Chưa có một hang động nào trên thế giới kỳ vĩ, tráng lệ, đa dạng, độc đáo như Sơn Đoòng của Quảng Bình.
Sơn Đoòng thu hút du khách bởi nó không chỉ là hang động lớn nhất thế giới với vẻ đẹp hùng vĩ ngoài sức tưởng tượng cùng những giá trị địa chất và hệ sinh thái vô cùng độc đáo, mà còn là hang động có độ khó và độ nguy hiểm cực kỳ cao có thể nói vào loại hàng đầu trên thế giới. Chính vì thế, tuor du lịch mạo hiểm Sơn Đoòng được xếp vào loại “thám hiểm” (expedition) chứ không chỉ là khám phá (adventure) nữa. Như nhiều ý kiến thì sức hấp dẫn của Sơn Đoòng là yếu tố khó khăn, mạo hiểm của cuộc hành trình, đòi hỏi cao về sức khỏe, tâm lý cộng với ham muốn khám phá và yêu quý thiên nhiên. Du khách muốn chinh phục Sơn Đoòng cần có các khả năng:
- Vượt 50 km rừng núi
- Leo dốc cao đến 400m (từ đường đến thung lũng)
- Vượt nhiều sông rộng 10-50m (khoảng 40 lần) với mực nước cao đến đầu gối.
- Đi 10 km trong hang với địa hình phức tạp, có đoạn phải trườn hay sử dụng dây thừng trợ giúp.
- Đu dây 80m với sự hỗ trợ của dây thừng và dây gai.
- Vượt sông ngầm với dòng chảy mạnh.
- 5 ngày/4 đêm ở trong hang.
Không phải ai cũng đủ sức khỏe và tâm lý để đáp ứng những tiêu chuẩn ngặt nghèo ấy, đã có những người buộc phải quay về khi bắt đầu cuộc thám hiểm.
Năm 2014, Tạp chí The New York Times xếp hạng Sơn Đoòng đứng thứ 8 trong “52 điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh”; Năm 2015, Tạp chí Khoa học Smithsonian của Mỹ bình chọn Sơn Đoòng là vị trí thứ nhất trong danh sách “25 địa điểm khách du lịch cần đến của thế kỷ 21”; Trang Huffington Pot cũng xếp Sơn Đoòng đứng thứ 5 trong số “10 điểm đến trên thế giới du khách nên tham quan một lần trong đời”.
Từ tháng 3/2014, du lịch sinh thái thám hiểm Hang Sơn Đoòng đã được khai thác. Các tour di lịch hàng năm dược khách quốc tế đăng ký đều kín chỗ, kể cả năm 2017. Nhờ những đóng góp buổi đầu mang ý nghĩa lịch sử và giá trị kinh tế cho Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung, năm 2015, anh Hồ Khanh đã được UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. “Phần thưởng tuy nhỏ nhưng đối với tôi, có sức cổ vũ lớn lao. Nhưng nếu thiên nhiên Quảng Bình không có món quà thiên phú mà trời cho thì tôi không thể có phần thưởng đó”, anh Hồ Khanh nói.
Nguồn Văn nghệ