THƯƠNG TIẾC NHÀ THƠ ĐỖ VIỆT DŨNG
Sau một thời gian lâm trọng bệnh, nhà thơ Đỗ Việt Dũng-Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam-đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6 giờ 47 phút ngày 24-6-2017 tại Quân y viện 103-Hà Nội. Lễ viếng nhà thơ sẽ bắt từ lúc 7 giờ 30 phút ngày 25-6-2017 tại Nhà Tang lễ viện 103. Lễ truy điệu và di quan bắt đầu từ lúc 9 giờ cùng ngày, an táng tại quê nhà. Hội nhà văn Việt Nam và Ban biên tập Vanvn.net xin thành kính phân ưu cùng gia quyến nhà thơ Đỗ Việt Dũng.
Những ngày trên giường bệnh, nhà thơ Đỗ Việt Dũng vẫn nâng niu những kỷ vật thời quân ngũ (Ảnh: internet)
Nhà thơ Đỗ Việt Dũng sinh năm 1949 ở Vụ Bản-Nam Định; thường trú tại 82 Chùa Láng-Đống Đa-Hà Nội. Ông là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần thương binh Đồng Đội, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Thương binh Thành Đô, là những đơn vị kinh doanh mang tính xã hội, quy tụ con em thương binh, cựu chiến binh. Sinh thời, ông rất tâm huyết và tích cực với các hoạt động xã hội hướng về những người có công, các gia đình chính sách, đối tượng thương binh, thân nhân liệt sĩ… Nhiệt tình và tâm huyết ấy cũng được ông bộc lộ trong thơ. Ông phác họa chiến tranh, hòa bình, cuộc sống và con người… bằng những vần thơ dung dị, không câu nệ niêm luật thơ, chẳng mấy chau chuốt mà vẫn đạt hiệu quả. Ông đã có 4 tập thơ in tại NXB Văn hóa, NXB Hội Nhà văn: Người không quê; Mùa sau; Độc thoại; Hai mặt đồng tiền. Bạn bè, người thân, nhất là đồng đội yêu mến tính cách chân thành ở ông và thường thích ngâm ngợi thơ ông. Có thể thơ ông nhiều bài chưa toàn bích, nhưng trên hết vẫn là một tấm lòng yêu thơ và sống hết mình với thơ. Đặc biệt, phẩm chất người lính hòa quyện trong những vần thơ đã thay ông trò chuyện tâm tình với những người bạn lính qua nhiều bài thơ xúc động.
Thương tiếc nhà thơ Đỗ Việt Dũng, Vanvn.net xin giới thiệu chùm thơ ông viết về chiến tranh và người lính.
THẾ HỆ ANH HÙNG
Cứ mỗi lần thăm lại chiến trường xưa
Lại hao hụt mất vài ba đồng đội
Chưa kể hết những mẩu đời lửa khói
Chốn dương gian đã xộc xệch đội hình
Hới những ai chưa biết giật mình
Khi Cựu chiến binh mỗi ngày một ít
Chưa lành vết thương da thịt
Đã tiến nhau về già
Chiến tranh lùi xa
Tấm huân chương cất kỹ
Cơm áo đời thường mấy khi được nghỉ
Ngày lễ định mang đeo lại thấy ngại ngùng
Để trở thành Dũng sỹ
Để trở thành Anh hùng
Có máu xương của người ngã xuống
Có cả mồ hôi của người làm ruộng
Thì tấm huân chương kia đâu phải của riêng mình
Ở chiến trường một nhgười lĩnh hy sinh
Thì ở hậu phương thêm một người góa bụa
Và còn nhiều nhiều nữa
Những Anh hùng không tên
Đến một ngày đâu đó dần quên
Tất cả thành quá khứ
Nhưng chắc chắn mai sau lịch sử
Sẽ tạc chân dung
Một thế hệ Anh hùng
GƯƠNG MẶT CHIẾN TRANH
Sau trận bom napan
Anh không còn nhận ra mình nữa
Mặt hoen hoét như ruộng cày nham nhở
Thắng trận về con tưởng bố là ma
Với mọi người chiến tranh đã lùi xa
Nhưng với anh vết thương vẫn đó
Nhức nhối cả khi không trở trời trái gió
Mới thấy chiến tranh còn ở rất gần
Đồng đội anh mù mắt, cụt chân
Thương tích ấy, thời gian nào xóa được
Chỉ có trái tim tình yêu đất nước
Phương thuốc diệu kỳ dịu bớt cơn đau
Mấy chục năm anh chẳng muốn đi đâu
Chẳng dám soi gương xem mình cười hay khóc
Cứ cặm cụi với củ khoai hạt thóc
Cố quên đi gương mặt của chính mình…
Hôm, vào thăm Hợp tác Thương binh
Người họa sĩ run run bút vẽ
Trước một bức chân dung như thế
Gương mặt chiến tranh.