CHẦM CHẬM MÃ A LỀNH
Nhà văn Mã A Lềnh
Tôi đoán già đoán non chắc là nhà văn Mã A Lềnh, người có bài tham luận “Văn học Tây Bắc vẫn là đất hoang” trong cuốn kỷ yếu đây mà tôi không làm sao kiếm được cớ để bắt chuyện. Khi rời xe ở Hà Nội, ông chào mọi người, và tôi cũng được chào:
- Quỳnh Giao về, khỏe nhé, bữa nào lên Lào Cai, nhớ gọi cho tôi!
Bóng ông khuất vào dòng người đông đúc và nóng nực làm tôi thoáng bâng khuâng sao lại không chào ông trước, lẽ ra tôi còn có thể tiễn ông ra ga tàu hỏa.
Thế là lần ấy lên công tác, tôi gọi ông. Sau buổi làm việc, ông gọi vợ chồng tôi đi ăn cơm, rồi đi uống giải khát.
Gió hiu hiu hắt từ mặt sông Hồng.
- … Viết văn à? Luôn luôn là số không (0). Nhà nông, đi từ hai bàn tay trắng đến mảnh ruộng, mảnh nương, dần dần thu về một cót thóc đến một gia tài. Nhà văn, sau một tác phẩm, lại bắt đầu đặt bút chữ đầu tiên... – Mắt ông nhìn đăm đăm ra dòng sông.
- Thế cái «bắt đầu» đầu tiên của chú như thế nào ạ?
Theo như ông kể thì ông vào ngành giáo dục năm 1964. Hôm ấy anh chàng Thạch Mã đang cùng gia đình gặt lúa đám ruộng bên bờ suối. Có hai cán bộ đi qua cây cầu khỉ vắt vẻo trên ghềnh thác tung bọt trắng xóa rồi tiến đến.
- Có phải cậu tên là Lềnh?
- Vâng ạ!
- Ngày mai đến trường nhận công tác nhá!
Người thứ hai chân bước đi mà miệng còn thủng thẳng:
- Thể nào rồi sẽ đến ngày cậu lãnh đạo chúng tớ cho mà xem!
Tin bất ngờ làm chàng Thạch Mã đứng trơ ra một lát. Chàng Thạch Mã nộp hai đơn, công an và giáo dục nhưng thâm tâm mong ngóng theo nghề cha, vì một ông cán bộ ty công an đã nói khi cha dẫn đến chào gặp:
- Ta sẽ cho cháu đi học tám năm, biết dùng nhiều loại súng, biết lái nhiều loại xe, cả lái máy bay, tàu thủy, nói nhiều thứ tiếng nữa!...
Chờ đợi mấy tháng rồi. Cứ vào giáo dục đã, có thể công an sẽ gọi sau.
Ngày hôm sau, chàng đeo túi dết đến trường xã. Ngôi trường đồng thời là trụ xã nằm chơ vơ cách biệt với nhà dân, nếu có việc khẩn cũng phải chạy bộ hai mươi, ba mươi phút mới tới ngôi nhà dân gần nhất. Anh chào mọi người nhưng không ai chào lại, mà họ chỉ nhìn anh từ đầu xuống chân, rồi một anh nói cộc lốc:
- Lềnh hử? Vào dạy lớp vỡ lòng ghép lớp một nhá!
Lớp vỡ lòng ghép lớp một ở chỗ nào? Ăn uống ra sao? Ngủ ở đâu?
Mọi việc rồi cũng êm thuận. Buổi lên lớp đầu tiên, không có sách nên anh bắt đầu kể chuyện.
- Ngày xửa ngày xưa ở làng ấy có hai người bạn cùng trang lứa chơi thân với nhau từ tấm bé. Lớn dần lên, họ yêu nhau và nguyện sẽ thành vợ chồng mãi mãi. Nhưng Nù Giáo còn mải đi học khèn rồi học võ nghệ. Khi về thì nàng Dở đã bị hổ bắt vào rừng...
Dần dần, trường có từ lớp vỡ lòng đến lớp ba thì học trò đều dồn hết vào lớp «thầy giáo người mình». Thấy các em ở xa nhà tá túc tại trường ăn ở kham khổ, nhếch nhác quá, «Thầy giáo người mình» liền hô các em cùng trồng rau, cùng làm chuồng nuôi gà, nuôi cả lợn, chó, rồi hằng ngày cử mấy em lớn tuổi nấu để mọi người ăn chung nồi. Ngày chủ nhật, thầy còn hô các em xuống đường cái chặt củi xếp thước, nhờ dân bán cho ô tô lên chợ huyện, xuống chợ tỉnh. Có buổi chiều thì tổ chức thi nhảy xa, nhảy cao, chơi đu, đẩy gậy, thi bắn nỏ. Buổi tối chỉ thắp một ngọn đèn dầu, tất cả cùng ngồi quây quần tập hát «Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh... Pêz tuôv cxix sir jus cơưv, pêz tuôv cxix uô si...» vừa hát vừa vỗ tay theo nhịp vui như hội. Năm ấy tết đến, tất cả các thầy cô người miền xuôi đều về nhà. Chẳng nói với ai, «Thầy giáo người mình» lẳng lặng tự nguyện ở lại trông trường, vì trên gác có cả đống lương thực do bố mẹ học sinh đóng góp, lại còn bồ thóc thuế của dân nữa. Đêm giao thừa, màn đêm quánh đặc, rét thấu xương, bỗng dưng con chó ghẻ nằm dưới gầm giường sủa ré lên làm thầy Lềnh bật dậy. Kiểu sủa gay gắt giật lùi như thế này là sủa ma đây! Mở toang cửa, sương lạnh ùa vào phòng. Ngoài kia chỉ có đêm đen. Anh không ngủ lại được nữa. Mà cũng chẳng còn sách gì để đọc. Thế là anh bắt đầu cắn bút viết. «Thầy giáo bản Chư Lin». Ra được cái tên truyện. Cố rặn thêm mấy câu rồi tịt... Ăn tết xong, chẳng hiểu sao thầy Lềnh lại bị điều lên phòng, rồi được phân công đi nghiên cứu và xây dựng phong trào ở xã Lao Chải. Rồi đi làm thầy giáo trường thanh niên dân tộc ở mãi xã Thanh Phú. Được vài tháng thì nhà trường chuyển lên xã Sa Pả, cách huyện lỵ 5 cây số. Khi nhà trường đang chiêu sinh thì anh giáo trẻ Thạch Mã được huyện ủy triệu tập đi học lớp cảm tình đảng, sáng đi, tối về. Một buổi chiều về đến trường đã nhá nhem tối, thấy một ông già nói là cán bộ ty đến tìm. Anh mời ông cán bộ cùng ăn suất cơm mày ngô, may mà trong ống hóp để ở đầu giường còn một ít xương băm gừng mặn.
- Trưởng ty tên là Phạm Hồng Phúc bảo tớ đi tìm cậu đấy. Về ty với tớ nhá!
Không tin đó là sự thật nhưng kết thúc lớp cảm tình đảng thì có giấy gọi. Anh vội chào mọi người rồi về nhà nghỉ mấy hôm, sau đó tìm đến ty và được phân công làm ở phòng chữ Mèo do cụ Doãn Thanh làm trưởng phòng. Mùa hè 1965 anh đi công tác huyện. Xong việc ở Bắc Hà, anh vào Sin Ma Cai. Từ Bắc Hà vào Sin Ma Cai chừng ba chục cây số chỉ là lối mòn trơ đất đá với nắng nung. Không một bóng cây. Giữa độ đường có một vũng nước trong vắt, trâu, ngựa, chim, chuột và người bộ hành đều đến uống. Vục đầu xuống, làn nước mát lạnh thoa lên đầu, lên cổ. Có nắm cơm mèn mén nhưng không muốn ăn. Ngồi trên tảng đá nhìn vũng nước, bất ngờ xuất hiện mấy câu thơ: Đi suốt ngày trời nắng chang chang / Bỗng tìm thấy mạch nước ngầm trong vắt / Vục đầu xuống, nước trùm lên cơn khát / Lại xốc ba lô bước tiếp đường dài. Dường như một lối mòn giữa rừng đại ngàn văn chương và thi ca được mở ra. Nhưng khốn nỗi bốn câu thơ vấp ngay những tiếng sì sèo: Đoàn viên thanh niên là phải hiên ngang, ngẩng cao đầu chứ! Anh nén chặt góc tâm hồn thơ của mình vào lòng để đến năm 1969 bạn bè hân hoan đọc và chúc mừng tác giả bài «Người Hmông nhớ Bác» đăng báo Văn nghệ hẳn hoi nhưng anh chỉ cười cười, vì đó là bài thơ nháp vội, nên không bao giờ xuất hiện lại nữa. Còn bài thơ bốn câu, chừng hai chục năm sau, thấy in trong một cuốn sách nhiều tác giả, khốn nạn cho cái thằng biên tập, có thể vì sợ mấy chữ «vục đầu xuống» nên đã viết thêm một câu kết: «Suối ơi, nhớ suối trọn đời». Anh liền xé luôn tờ giấy đó vo vún rồi cho một mồi lửa, lòng thầm nhủ không bao giờ làm thơ nữa.
Cùng đi lên thị trấn du lịch Sa Pa, đến quãng có con suối và dốc ba tầng, ông chỉ tay về phía triền núi xa mờ có làn mây trắng bảng lảng.
- Quê mình đây! Mường Tiên kham khổ! Chúng nó ngọng nên gọi bừa thành Móng Sến. Những nếp nhà chênh vênh như những cái tổ chim chìm lấp trong cỏ, trong mây... Trong xa mờ kia một thời từng có một thằng bé được cha mẹ gọi là Mê Tu...
Mã A Lềnh kể: Nhà thằng Mê Tu, từ gọi của bậc cha mẹ với con trai yêu, có hai gia đình, là bác trai, bác gái và bố mẹ ở chung. Hai bác sinh được hai chị, không có con trai. Bố mẹ thì sinh được nó với một đứa em trai nữa nhưng mẹ bị bệnh hiểm nghèo nên đã sớm khuất núi; thằng em trai không có sữa nên cũng đi theo mẹ luôn. Bác gái biết nhiều cổ tích, đặc biệt giọng kể của bác đã nhiều lần làm cho Mê Tu khóc cười. Bác trai là một thầy Mủ uy tín nên trong làng hễ có người chết là liền tìm đến nhờ hát bài Răn đường; Và bố là thầy khèn giỏi chuyên được mời đi thổi cho các đám tang. Còn Mê Tu, mặc dù say sưa nghe cổ tích, khèn tang và bài ca của bác nhưng không làm sao nhét vào đầu được. Đầu thập niên 50 may sao có ông cán bộ hạ phóng tá túc trong nhà. Mê Tu đòi học chữ nhưng lại cứ học trước bài như là « cầm đèn chạy trước ô tô » làm ông bực mình. Mấy phen bị véo tai đau điếng, Mê Tu bỏ luôn, theo trâu ra sườn núi bẫy chuột, cạm chim, xuống suối mò cá thích hơn. Bên sườn núi chênh vênh, nó vẫn ngóng xuống chân dốc có con đường cái thỉnh thoảng một chiếc ô tô trông như con bọ sừng lại bò lên phố huyện hoặc trườn xuống phố tỉnh. Nó nhủ một lúc nào sẽ theo con đường đó xem tới đâu? Phía những chân trời xa hút kia là gì? Còn nếu theo tiếng khèn trầm bổng của bố, theo tiếng hát ề à của bác, thì cả cuộc đời chỉ quẩn quanh bếp lửa, cối xay mà thôi. Thế là một ngày trời nắng vàng ong, những tràn ruộng bậc thang đang kỳ lúa chín trải ánh vàng khắp các triền núi, anh đeo túi dết, xắn quần, chân đất ra đi làm một học trò trường thiếu nhi miền núi của tỉnh đặt tại phố huyện Sa Pa. Trong giờ học, anh luôn được thầy giáo gọi đọc mẫu cho cả lớp, hay đọc chính tả cho cả lớp chép. Giờ chơi, mọi người đùa nghịch, hò hét thì anh cứ lẩm bẩm một mình: Ngóng, ngỗng, chí, trí..., gấm, gớm... Bất chợt thầy Cấn Văn Hành đứng ngay trước mặt: «Gớm gớm cái gì?». «Chào thầy, em đang luyện phát âm ạ!». Lên huyện họp, rồi thăm nó, bố bảo vẫn thấy rõ vết chân của nó in khuôn hình trên lối mòn đất nhão. Lòng cộm lên, nó đặt bút viết thử: «Dấu chân trên đường». Giữa phố có bác Sơn trông coi «Hiệu sách nhân dân». Bố cho mấy hào ăn sáng, nó đem mua sách. Hết tiền, nó rủ rỉ với bác, thế là bác cho mượn đọc ngay tại chỗ, quên cả bữa cơm, không được mang về, vì sợ làm sách nhàu, không bán được. Tồn tại không bao lâu thì trường thiếu nhi miền núi sáp nhập với trường bổ túc công nông, ở Làng Giàng. Không phố xá. Không cửa hàng sách. Chỉ sáng sáng có bà bánh sắn và nồi sắn luộc ngồi ở cổng trường. Không có tiền nên không dám ăn. Chủ nhật, măc người ta chạy nhảy, nô đùa, một mình đeo dao bên hông lên rừng. Chiều, anh vác về hai bó củi nứa bán cho nhà bếp, chú kế toán trả cho tám hào. Đã mấy ngày chủ nhật anh đều có củi bán cho nhà bếp. Thấy thế, những chủ nhật sau, anh Lèng, anh Pẩu lớn tuổi cũng mang dao theo lên rừng. Vác củi của các anh to hơn, được năm hào. Tích cóp được chút tiền, ngày chủ nhật, anh chạy mười hai cây số trên đường tàu hỏa lên phố tỉnh, tìm tới hiệu sách nhân dân, rồi lại chạy về.
Một lần đang tiết văn, bất chợt thầy Vi Văn Tùng từ trên bảng đi xuống, thấy anh hí húi viết gì đó trong một cuốn sổ tự đóng, nhỏ bằng bàn tay.
- Làm gì thế? Thầy xem nào!
Anh chín mặt. Nhưng thầy đã cầm cuốn sổ lên. Đeo cái kính lúp mấy tròng thế mà mắt thầy tinh thế! Thầy giơ cuốn sổ cho cả lớp xem. Tưởng thầy sẽ mắng cho một trận. Nhưng không. Thầy rạng mặt:
- Sổ tay văn học! Thế mới là học trò giỏi văn chứ! Rồi Lềnh sẽ trở thành nhà văn cho mà xem! Lớp có bao nhiêu người có sổ tay văn học?
Không ai có. Ngay trang đầu ghi dòng chữ nắn nót: «Văn học là nhân học - Mác xim Goócrky». «Văn học là trò chơi trí tuệ - Mã A Lềnh».
Hết lớp bảy, chàng Thạch Mã theo con đường bắt đầu nhìn thấy những con bọ sừng bò lên, trườn xuống nối dài sang tận Thái Nguyên, từ đó, anh đến thủ đô Hà Nội, rồi đi tiếp sang Mátxcơva, và một số nước khác trên thế giới. Sau này có lần ông nói: «Muốn hiểu sâu nền văn hóa của dân tộc mình, thì nên biết nền văn hóa các dân tộc xung quanh».
Cuối năm 1979 Mã A Lềnh, người Hmông, là một trong ba nhà văn người dân tộc thiểu số đã có tên tuổi trên văn đàn từ Lào Cai tới trường viết văn Nguyễn Du khóa I cùng Phạm Vương Anh, dân tộc Mường, từ Thanh Hóa tới, và Ma Trường Nguyên, dân tộc Tày, từ Thái Nguyên về. Trong hoàn cảnh nhà cửa vừa tan hoang sau chiến tranh biên giới, ông để lại vợ con nheo nhóc tá túc trong ngôi nhà tập thể chỉ đủ kê một tấm phản ở Trấn Yên, một huyện của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Tuy đói, rách cùng cực nhưng ông vẫn cắm cúi vừa học vừa viết. Chúng bạn rủ nhau góp tiền thuê ô tô đi thăm Đền Hùng, ông không đi mà ở nhà đọc sách. Kiếm được một cái thẻ thư viện quốc gia, lần đầu tiên ông được tiếp xúc với những tác phẩm kinh điển, với những bộ phim «nghiên cứu nội bộ», với những nền văn minh của thế giới, một chân trời thẩm mỹ mới mở ra... «Không thể viết như cũ được. Hãy tìm lối mới mà đi. Hãy sâu xa hơn nữa vào cõi nghệ thuật». – Ông tâm sự. Và đánh dấu cho sự chuyển mình ấy, là cái truyện ngắn được lấy tên đề làm tên chung cho tập sách của học viên trường Nguyễn Du khóa I: «Dòng suối dân ca». Truyện ngắn này ông đang viết dở tại khóa I. Khi trở về địa phương, được tỉnh ủy phân công lên nằm vùng biên giới ở huyện Mường Khương, ông mới có cơ hội để hoàn thành, được bạn bè khen «đặt tít truyện hay» ; và trong một bài viết, nhà nghiên cứu văn học Lê Kim Vinh, nay đã quá cố, đã dành những trang xứng đáng để nhận xét, bình luận về truyện ngắn này.
Công tác ở địa phương, vô khối những trắc trở, những chuyện ấm ớ trớ trêu tự nhiên sập đến chi phối dòng tâm tưởng, nhưng ông cứ mặc, cứ lặng lì với những trang viết của mình, thậm chí ông cười thầm. Có người thì thào nửa kín nửa hở với ông, rằng: «Chúng nó mổ dê uống máu ăn thề để bàn nhau hạ bệ ông ra đấy!». Lão Mã cười cười: «Càng tốt chứ sao. Tớ đang mong!». «Lạ thật. Có ghế mà không biết giữ!» - Nhiều bạn tỏ ý phẫn nộ, bất bình thay cho ông. Đó là thời kỳ ông làm chủ tịch hội văn nghệ Lào Cai. Vậy là ông làm công tác hội từ năm 1983, tiếp theo, khi thì kiêm nhiệm, khi thì trực tiếp, rồi 1998, thôi hẳn mấy cái chức vụ con con, như là cất đi được những cái quanh gánh lủng lẳng bên mình, như là ném toẹt những con đỉa, con vắt vào lửa, thở phào nhẹ nhõm, ông lao vào đọc – đi – viết để cho đến bây giờ có được gần năm mươi đầu sách các loại hình dâng hiến cho nhân dân Lào Cai nói riêng, cho bạn đọc cả nước nói chung, nào truyện ngắn, ký, thơ, truyện thiếu nhi, tản văn, bình luận văn học, kịch bản phim truyện, kịch bản truyền thanh và nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu văn hóa dân tộc Hmông.
Năm 2014, với công trình «Tiếp cận văn hóa Hmông», ông được nhận giải A của hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số đồng thời nhận giải B của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, còn thêm nhiều báo mạng ca tụng, tôi tìm đến thăm nhân một chuyến ông có việc về Hà Nội.
- Chú viết từ bao giờ mà cuốn sách dày, lại bí mật thế?
- Cả cuộc đời. Chầm chậm viết. Vừa đi vừa viết. Tự cắt đi nhiều. Chứ nếu để cả thì phải nghìn trang!
Quả là cuốn sách gần bảy trăm trang đọc thật thú vị, cứ như thể ông chầm chậm kể những câu chuyện trong cõi người Hmông cho người đọc có thì giờ mà nhâm nhi thưởng thức. Có người làm công việc nghiên cứu xã hội Hmông rồi từng viết sách; có vị phó Giáo sư giảng dạy trong trường đại học cũng phải nể cách viết của ông: «Viết sách nghiên cứu mà đọc sướng lắm!».
- Mảng sáng tác thì sao?
- Sáng tác ư? Mình tài cán gì mà sáng tác. Có người nghe đến cái tên Mã A Lềnh, ý nghĩ đã luôn sẵn thường trực: «Lão ấy viết có ra gì đâu. Đọc chán chết». Hẵng tạm ngừng để dồn cho nghiên cứu, sưu tầm đã, vì cái này không làm, mình chết đi, là chúng sẽ chết theo! Sáng tác, lúc nào thư thả thì viết!
Và tôi được biết, ông đã xong bản thảo «Tục ngữ, câu đố Hmông» chừng một nghìn câu; đặc biệt ông cũng đã kịp hoàn thành bản thảo bài ca «Răn đường», sử thi độc nhất vô nhị, chứa đựng cả hồn cốt Hmông trong đó.
Với sáng tác, nói vui thế thôi, chứ năm 2015 ông vừa ra cuốn «Dòng suối dân ca», tập truyện ngắn chọn lọc, hơn 300 trang in do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Và giữa năm 2016 này ông cũng mới ra tập thơ «Tình ca đá núi» do nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành. Cả hai cuốn sách đều rất đáng đọc, vì biên độ thẩm mỹ và trí tuệ không chỉ bó hẹp trong tộc người Hmông nữa, mà đã vươn tầm quốc gia và thế giới. Có thể nhận ra ở các truyện thiếu nhi như «Dấu chân trên đường», «Làng mình», «Chuyện xưa ở Mường Tiên», hay như các truyện ngắn «Biển xa xăm», «Lão Khìn đi lên rừng», « Con chó dựng đuôi chạy trên bờ biển», v. v... Ví dụ như truyện ngắn «Lão điên lật nắp thùng chàm» ông dựng lên một nhân vật nhút nhát sợ tiếng nổ, sợ súng nên phải trốn chạy khỏi môi trường quân sự; anh ta, nhân vật ấy chỉ có chút tài vặt: Làm thợ rèn tại nhà, lấy vợ, sinh con, sống với ruộng nương; từ đó mà đặt ra một vấn đề lớn lao: Con người hãy biết tự đặt mình ở vị trí năng lực của mình. Chớ có ham hố mà hỏng việc. Hay như «Lão tử tù chết còng queo dưới chân cột điện», một truyện ngắn thật sự khuôn thước, mẫu mực, tính kịch cao, giá trị nhân văn lớn.
Đối với thơ, có những câu khiến ta giật mình thích thú: Nếu ta là hạt mưa sương / Ta xin tan trên bàn tay nàng / nếu ta là bông tuyết trắng / Ta xin tan dưới bàn chân nàng / Là chàng trai miền núi / Ta xin tan trên thân thể nàng, «Tình khúc 33»; Sáng tinh sương nước băng còn đọng trên đường / Ta lê bước về mà miệng còn ngậm quên ở nơi ngực em / Sáng tinh mơ cây cỏ còn đọng sương / Ta lê bước về mà hồn vẫn ngủ quên ở chỗ thắt lưng em, «Nửa khúc dân ca» ; Lòng se thắt / Tiếng khèn tiếng trống âm vang lồng ngực / Em lẫn vào cổ tích dân ca / Tôi lại nhao mình xuống núi / (Vì em bảo đời người ngắn ngủi tấc gang / Câu nói như làn gió thoảng qua) / Con đường rộng đưa tới miền đo hội phồn hoa / Con đường chữ dẫn lên những vùng văn hóa / Nhưng ba lô tôi / trĩu nặng / chiếc lá ngón / nhỏ nhoi / úa vàng. «Lá ngón», v. v... Thơ của Nhà Thơ người Hmông Mã A Lềnh đấy! Ông cho ta thấy được cái rạo rực, cái táo bạo, cái chân thực, cái tình yêu không thể nào giấu giếm rất Hmông, một giọng điệu rất riêng, khác thường, độc đáo. Viết được những trang văn, câu thơ có sức nặng như thế, là bởi theo ông, trong một buổi chuyện trò về lao động nhà văn với bạn viết trẻ Lào Cai, ông nói, đại ý: Những trang viết phải rút từ ruột ra, đẫm máu hay ngộp tiếng cười; phải cho người đọc cùng khóc, cùng cười, cùng đau đớn hay cùng vui sướng... Nếu viết nhàng nhàng để khoe ta đây với thiên hạ thôi, thì tốt nhất, hãy làm việc khác! Thời gian cho cuộc đời ngắn ngủi lắm!
Cũng như vậy, trong cuốn tập hợp một số bài tiểu luận mang tên đề «Tần ngần trước văn chương», hội văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai xuất bản, tôi cứ bị ám ảnh bởi bài viết «Tần ngần trước văn chương». Ông đưa ra triết lý chia con người làm bốn bảng: Trị vì, chuyên gia, phá phách, và trung dung. Con người trung dung, họ chỉ là động vật cao cấp, hành động của họ ít mang lại lợi ích cho con người nên không bàn đến. Trị vì mạnh, thế giới yên ổn. Trị vì kết hợp với chuyên gia, thế giới cường. Trị vì kết hợp với phá phách, thế giới nát bét.
Hỏi lấy đâu ra triết lý đó. Ông cười.
- Chiêm nghiệm và đúc kết thôi. Văn học là trò chơi trí tuệ mà. Chị thử nhìn trước, nhìn sau xem!
Quả đúng thế!
Giữa năm 2016 này trên giá nhà tôi xuất hiện một cuốn sách mới dày dặn, bề thế: «Mã A Lềnh tuyển tập», 1.300 trang do nhà xuất bản đại học Thái Nguyên biên soạn và ấn hành, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Thị Việt Trung viết giới thiệu. Thật xứng đáng! Tuy không đầy đủ những tác phẩm của ông mà theo như PGS – TS. Trần Thị Việt Trung, bỏ bài nào cũng tiếc, cũng cảm thấy cuốn sách bị thiếu, song dù sao cuốn tuyển tập ra đời, các môn sinh trường đại học được cung cấp tài liệu tham khảo cơ bản nếu cần nghiên cứu, thậm chí cần làm luận văn, luận án tốt nghiệp đại học, hoặc thạc sĩ, tiến sĩ, trong khi vốn biết rằng lâu nay, với cơ chế thị trường, hầu hết các nhà xuất bản, do nguồn kinh phí hạn hẹp, khó khăn, đã gạt bỏ việc dựng tuyển tập ra khỏi chương trình kế hoạch công tác của mình.
Không hối hả. Không nháo nhào. Chầm chậm mà chắc chắn, Mã A Lềnh vẫn đang độc hành từng bước trên con đường văn chương đầy khó nhọc, tuy những kết quả ấy không tính ra được thành tiền bạc, nhưng đó là một khối gia sản cống hiến cho cuộc đời, mà theo ông, có được bởi tình yêu, nếu như tình yêu càng bao la rộng lớn thì càng giàu sang.
Nguồn Văn nghệ số 25/2017