TIẾNG NÓI NHÀ VĂN-PHỎNG VẤN NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA :DỊCH ĐANG BÙNG PHÁT, LẠI BÀN VỀ DỊCH
-Phóng viên: Vẫn biết dịch Covid 19 là chuyện cũ rồi. Chuyện đã xảy ra từ cuối năm 2019. Nghĩa là chuyện của năm ngoái, xa lắc xa lơ. Bây giờ đã giữa Tháng Ba năm 2020 rồi. Nhưng độ nóng của nó vẫn không cũ. Vì nó đang hoành hành trên khắp hành tinh. Càng ngày càng dữ dội. Hàng tỷ người đang vật lộn với nó. Đã có bao nhiêu ngàn người chết vì nó rồi. Số lượng người chết vẫn tăng từng giờ chóng mặt. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm nạn dịch từ Vũ Hán giờ đã chuyển sang Châu Âu. Rồi nó còn quét sang những vùng lãnh thổ nào nữa? Vì thế mà chúng ta vẫn phải bàn. Ông đồng ý với tôi không, ông Trần Đăng Khoa?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Gớm chết, bà cứ õng ẹo. Tôi chỉ là phận con Ong cái Kiến. Chèo lái câu chuyện thế nào là quyền của bà, chứ có phải tôi đâu. Mặc dù trong thâm tâm, tôi rất chán cái con Virus Vũ Hán này…
-Trước hết, chúng ta phải thống nhất tên gọi. Đề nghị ông gọi là Covid 19. Đấy là yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới. Trung Quốc phản đối gọi Virus Vũ Hán, vì gọi thế là kỳ thị Vũ Hán, Kỳ thị người Trung Quốc…
-Thế chúng ta vẫn gọi bệnh VIÊM NÃO NHẬT BẢN, cả loài người gọi căn bệnh nguy hiểm chết người là VIÊM NÃO NHẬT BẢN thì có kỳ thị người Nhật Bản không? Tại sao người Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản không phản ứng mà người điều hành Trung Quốc lại phản ứng? Có phải có tật thì giật mình không? Ừ thì thôi, bây giờ ta gọi virus Vũ Hán là Covid 19 nhé. Nhưng trước khi gọi thế cũng cần sòng phẳng. Bởi nhìn thoáng qua bên ngoài cách gọi này có vẻ cũng hợp lý và nhân văn. Cần tránh sự kỳ thị. Bởi đây là nạn dịch chung. Cả loài người khốn khổ vì nó. Nhưng nạn dịch này bắt đầu từ Trung Quốc. Và các vị cũng nhớ cho rằng cả dịch Sar kinh hoàng cũng bắt đầu từ Trung Quốc. Tại sao những loại dịch khủng khiếp đều khởi phát từ Trung Quốc mà không phải từ một nước nào khác? Dịch sau lại nguy hiểm hơn, giết người tàn bạo hơn. Để nạn dịch lan ra khắp hành tinh, gây nguy hại cho toàn thế giới thì dịch khởi phát từ đâu, nơi đó phải chịu trách nhiệm. Có lẽ vì tránh trách nhiệm này mà người ta cố tình xoá đi dấu vết để rồi đổ lỗi cho người khác, nước khác. Xin đừng nghĩ tôi kỳ thị Trung Quốc. Tôi chỉ ghét cái ác thôi. Dù cái ác mang biệt danh nào thì cũng phải gọi thẳng tên nó ra, đừng lù mù rồi nhập nhẹm. Tôi yêu đất nước Trung Quốc vô cùng, yêu nền văn hoá vĩ đại của Trung Quốc, những tài năng xuất chúng mà thời nào họ cũng có. Tôi thuộc làu hàng trăm bài thơ Đường Trung Quốc, ngưỡng mộ những đỉnh cao của văn học Trung Quốc từ xưa cho đến nay. Tôi chỉ ghét, và phải nói là ghét cay ghét đắng bọn cướp biển, cướp đảo, gây hấn với 14 quốc gia cùng chung đường biên, trong đó có Việt Nam chúng ta. Chính họ đã bôi bẩn đất nước và nền văn hoá Trung Quốc, khiến Trung Quốc bị thế giới kỳ thị, xa lánh. Họ chỉ cần thiên lương như các nhà lãnh đạo khác trên thế giới thôi thì đất nước TQ sẽ vượt xa các nước trên thế giới. Mới đây, họ còn ra bộ sách tự khen mình dập dịch giỏi xuất bản bằng 5 thứ tiếng, rồi ông WHO cũng lại khen Trung Quốc dập dịch giỏi, nói y như giọng TQ. Dập dịch giỏi nhất phải nói là Việt Nam chứ không phải TQ hay nước nào khác. Bằng cớ là đến nay, vào thời điểm tôi đang tán gẫu với bà, dù Việt Nam đã tăng người nhiễm dịch lên đến ba con số rồi, nhưng hiện thời Việt Nam vẫn chưa có người chết dịch. Tất nhiên có thể sau cuộc trò chuyện của chúng ta, sẽ có người chết dịch, rồi lượng người mắc nhiễm sẽ tăng lên, không phải hàng trăm mà hàng ngàn, thậm chí dịch sẽ bùng phát. Đấy là điều không tránh khỏi trong hoàn cảnh của chúng ta bây giờ. Điều này Chính phủ chúng ta cũng đã lường hết rồi, và ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng đặc trách Y Tế cũng đã nói cách đây đến cả một tuần, nhưng lượng bùng phát ở ta tiến triển rất chậm, tiến theo cấp số cộng, chứ không lây lan chóng mặt theo cấp số nhân như các nước Châu Âu. Có thể nói chúng ta đã kìm được chân con mãnh thú tàn bạo này…
-Ông vừa nói Việt Nam ngăn dịch, dập dịch giỏi. Thế còn nước Lào thì sao? Lào còn chưa có người nhiễm dịch.
Lào là tuyệt vời. Nhưng Lào khác chúng ta, vì ít có những người đến từ vùng dịch. Đó cũng là một may mắn, thuận lợi lớn cho Lào.
-Theo ông vì sao chúng ta hạn chế được nạn dịch?
Trước hết là cách điều hành của Chính Phủ. Ngoài ông Thủ tướng, chúng ta còn dành riêng cho ngành Y tế cả ông Phó Thủ tướng. Nhiều người nhầm tưởng ông Vũ Đức Đam là Bộ trưởng Bộ Y tế. Không đâu. Ông ấy là Phó Thủ tướng phụ trách toàn diện ngành Y tế. Hiện Bộ Y tế vẫn chưa có Bộ trưởng. Ông Đam sang Phụ trách Y tế là giải pháp tình thế. Nhưng tôi lại thấy hay. Ở tầm Phó Thủ tướng ông ấy mới xử lý được tình hình phức tạp này. Ở ta có ba Bộ bị dân kêu rất nhiều. Đó là Bộ Y tế, bộ Giáo dục và bộ Giao thông. Bây giờ Bộ Y tế đang phát sáng và phát sáng ngay trong lúc cam go nhất. Nếu chúng ta có được ba ông Phó Thủ tướng đặc trách ba lĩnh vực nan giải nhất mà tôi vừa nói thì hy vọng đất nước sẽ đổi khác…
-Ông bảo Chính phủ điều hành dập dịch tốt. Vậy tốt ở chỗ nào?
Chúng ta làm được rất nhiều việc. Nhưng tôi chỉ đơn cử một việc cụ thể mà ai cũng thấy. Đó là công tác truyền thông. Chúng ta minh bạch thông tin. Cập nhật liên tục về nạn dịch. Ngoài các kênh truyền thông của nhà nước, Bộ Y tế còn thông báo đến từng người dân qua các tin nhắn vào các điện thoại di động cá nhân. Tôi liên tục nhận được tin nhắn của Bộ Y tế. Ngoài Bộ Y tế, còn có cả tin nhắn của Thủ tướng chính phủ. Người bị nhiễm và có nguy cơ nhiễm là cách ly ngay, dù ở bất cứ cấp nào. Cách ly nhiều cấp độ, ở nhà riêng, ở nơi tập trung, ở bệnh viện. Rồi những người tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm, những F1, F2, F3, F4 có danh sách tên người, với địa chỉ cụ thể thông báo cho toàn dân biết. Và như thế, một người nhiễm là hệ luỵ đến hàng trăm người, thậm chí hàng ngàn người. Nhưng vẫn phải làm. Việc cách ly này rất quan trọng. Ở nước ngoài họ không làm như chúng ta, thậm chí ra ngoài đường họ không đeo khẩu trang như chúng ta, vì đeo khâủ trang dễ bị kỳ thị. Thế thì dịch lan dữ dội và người chết như rạ là phải rồi. Tôi có cô cháu ruột rất ngoan đang học ở nước ngoài. Cháu là con út của Thuý Giang. Cháu giỏi nhất nhà, thông minh nhất nhà. Đang dịch. Cháu không về nước mà trụ lại. Tôi nhắn cháu phải tự cách ly trong nhà, không ra đường, tránh tiếp xúc, không a dua. Mình phải tự cứu mình. Không trông chờ ai cả. Giữ mình để không bị nhiễm. Cháu mà nhiễm thì cháu sẽ chết. Chắc chắn chết. Vì không còn con đường nào khác. Cũng không có cái xấu với cái xấu hơn để mà lựa chọn. Nghĩa là không có phương án thứ hai. Vì mình là người ngoại quốc. Số phận người ngoại quốc ở đất khách quê người mong manh lắm. Cũng không thể trách được người ta. Người nước họ, họ còn không chữa được thì làm sao họ chữa được cho mình. Đấy là lý do hàng vạn người Việt ở nước ngoài ùn ùn về nước trong mùa dịch mà mang cả dịch về theo. Có người về còn chửi rủa om xòm. Ông bạn tôi bảo: Khổ cho cái nước mình quá. Nghèo thì họ bỏ nước ra đi, đến khi hoạn nạn thì lại đổ về. Có người do quá tức giận còn chửi cả Việt Kiều. Đấy cũng lại là một u mê nghiêm trọng. Thực chất Việt Kiều có vai trò rất quan trọng. Họ chuyển bao nhiêu kiều hối về nước. Họ sát cánh cùng bà con ta, hỗ trợ bà con trong hoạn nạn thiên tai. Những người ùn ùn về nước kia không phải Việt kiều mà là những người Việt đang học tập hoặc lao động, làm cu li ở nước ngoài. Việt kiều coi như người của nước sở tại. Họ được ưu đãi như người ở nước sở tại. Ví dụ như Mỹ, mỗi người được ông D. Trump hỗ trợ 1000USD, rồi được miễn thuế, miễn tiền điều trị Dịch Tầu (Dịch Tầu là chữ của Tổng thống Mỹ chứ không phải tôi) rồi miễn cả tiền điện thoại, tiền internet. Không phải người sở tại thì không có chế độ ấy. Họ trở về là dễ hiểu. Vả lại bác sĩ mình rất giỏi. Đây không phải tôi nói mà là đánh giá của giới chuyên môn nước ngoài. Tôi vào một bệnh viện nước ngoài khám mắt, ông bác sĩ bảo: “Anh là người Việt, sao không về Việt Nam mà chữa. Bác sĩ Việt giỏi lắm. Họ đến học chúng tôi nhưng họ vượt xa chúng tôi. Họ chỉ thua chúng tôi máy móc và điều kiện làm việc”. Bây giờ nhiều bệnh viện có máy móc tốt. Bác sĩ nhiều người rất tài. Nhưng điều kiện bệnh viện thì rất khó khăn. Nhiều bệnh viện hai, ba người nằm một giường. Tôi vừa đến thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang câp cứu vì bị tai biến, đi qua những hành lang dát đặc người. Bệnh bình thường còn thế. Dịch bùng phát thì sao? Tất nhiên chúng ta có bệnh viện dã chiến là những doanh trại bộ đội. Rồi anh em bộ đội sẽ nhường chỗ ở của mình làm nơi chữa bệnh, rồi ra ngoài trời ở. Bộ đội bão mưa sương gió quen rồi. Bệnh nhân nằm giường bộ đội thì tốt hơn mấy người chen nhau trong giường bệnh viện. Nhưng máy móc, và điều kiện chữa bệnh thì doanh trại làm sao bằng bệnh viện được. Vì vậy tôi thiết tha cầu mong lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo các tỉnh thành dồn mọi sự ưu tiên cho ngành Y tế. Chúng ta bớt các khoản chi tiêu chưa cần thiết đi, như xây dựng các quảng trường, các tượng đài, các lễ hội, các khách sạn, các trụ sở quá sa hoa để xây dựng bệnh viện rồi trang bị những máy móc tốt nhất, nhập khẩu có giám sát chặt chẽ những loại thuốc tốt nhất để dành cho dân. Làm sao những người dân nằm viện, ai cũng có giường riêng. Làm được điều ấy có khó không? Tôi nghĩ là không khó. Chỉ cần chúng ta tiết kiệm, đặc biệt là tiêu diệt đến tận gốc nạn tham nhũng, thu được tất cả mọi khoản tiền thất thoát trong các vụ án tham nhũng là xây dựng được hàng trăm, hàng ngàn bệnh viện rồi…
-Các bác sĩ của chúng ta rất giỏi. Tôi đồng ý với ông…
Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng người dân. Hiện nay dịch đang lây lan rất khủng khiếp. Chính phủ, Bộ Y tế cùng mọi người đang căng mình dập dịch. Nhưng như tôi nói, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân. Chỉ một vài người vô ý thức là dịch bùng phát và nếu chúng ta vô trách nhiệm với mình, với cộng đồng thì thì mọi cố gắng của chính phủ, của Bộ Y tế và của chúính chúng ta nữa cũng sẽ đi tong. Vì thế vai trò của mỗi người dân chúng ta là vô hạn quan trọng. Hãy sát cánh cùng Chính Phủ và Bộ Y tế để dập dịch. Bà đồng ý với tôi không?
-Xin cảm ơn ông
VŨ THANH ghi