Chân dung văn

9/12
10:34 AM 2017

CHUYÊN MỤC NHÀ VĂN-TÁC PHẨM : NHÀ VĂN NGÔ TẤT TỐ

Đỗ Ngọc Yên « Ngô Tất Tố: Nhà Hán học tân thời bậc nhất uyên thâm »-Nhà văn Ngô Tất Tố sinh năm 1893 (Quý Tỵ) ở làng Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội). Lúc nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn xứ Bắc Ninh, nên bạn bè và người đời gọi là ông đầu xứ Tố, rồi đỗ thi hương khóa Ất Mão, cũng là khóa thi hương cuối cùng ở Bắc Kỳ...

Ngô Tất Tố đã từng làm báo, viết văn, dịch và biên khảo sách trong nửa đầu thế kỷ XX. Ông qua đời ngày 20 tháng 4 năm 1954 tại Yên Thế, Bắc Giang. Gần một nửa thế kỷ sau, năm 1996, nhà văn được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt I, năm 1996.

*

Cuộc đời cầm bút của nhà văn Ngô Tất Tố trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng chủ yếu là: làm báo, viết văn và dịch sách. Bên cạnh đó, ông còn biên khảo, viết kịch bản sân khấu, khảo cứu thơ văn,… Những tác phẩm mà ông để lại, phần lớn là các bài báo và những cuốn sách dịch, chủ yếu là từ tiếng Hán, còn số tác phẩm văn chương của ông được biết không nhiều, khoảng nửa chục, nhưng đều là tác phẩm thuộc loại kinh điển của dòng văn học hiện thực nghiêm ngặt. Đó là: Tắt đèn, Lều chõng, Việt làng, Hoàng Lê nhất thống chí và Tập án cái đình. Ngoài ra còn có hai tập truyện ký lịch sử là Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ và Đề Thám.

Nhà văn Ngô Tất Tố giỏi tiếng Hán đã đành, ông cũng có biết tiếng Pháp. Năm 1926, Ngô Tất Tố từ quê ra Hà Nội làm báo. Ông viết cho tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì thiếu tiền, tờ báo này phải tự đình bản, Ngô Tất Tố cùng với Tản Đà vào Sài Gòn kiếm sống. Mặc dù không gặt hái được là bao về nghề viết báo, đổi lại ông có cơ hội tiếp cận với tri thức và văn hóa phương Tây ở vùng đất khi đó là thuộc địa chính thức của Pháp, cũng như theo đuổi nghề báo hiện đại để sau này trở thành một nhà báo chuyên nghiệp có tầm cỡ. Trong thời kỳ này, ông viết dưới nhiều bút danh như: Bắc Hà, Thiết Khẩu Nhi, Lộc Hà, Tân Thôn Dân...

Sau gần ba năm ở Sài Gòn, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội, tiếp tục sinh sống bằng cách viết bài cho các báo: An Nam tạp chí, Thần chung, Phổ thông, Đông Dương, Hải Phòng tuần báo, Thực nghiệp, Con ong, Việt nữ, Tiểu thuyết thứ ba, Tương lai, Công dân, Đông Pháp thời báo, Thời vụ, Hà Nội tân văn,... với gần ba chục bút danh khác nhau: Thục Điểu, Lộc Hà, Lộc Đình, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ Nhơn, Thuyết Hải, Xuân Trào, Hy Cừ...

Thời kỳ 1936-1939, Ngô Tất Tố viết nhiều tác phẩm chỉ trích tệ nạn tham nhũng của quan lại phong kiến, tiêu biểu nhất là tiểu thuyểt Tắt đèn. Trong Nhà văn hiện đại, nhà ghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận xét về sự thay đổi của Ngô Tất Tố: Ông vào số những nhà Hán học đã chịu ảnh hưởng văn học Âu Tây và được người ta kể vào hạng nhà nho có óc phê bình, có trí xét đoán, có tư tưởng mới (1). Ngô Tất Tố là đại diện tiêu biểu cho một lớp người trí thức trong giai đoạn giao thời có những đổi thay khá táo bạo, dung hòa giữa nền văn hóa Việt Nam phong kiến thủ cựu và nền văn hóa Việt Nam tập tọng theo lối tân thời của phương Tây. Có lẽ, vì công việc kiếm sống hàng ngày của ông đầu xứ Tố luôn gắn liền với báo chí hiện đại, cùng với một cái nhìn sắc sảo trước hiện thực đời sống luôn đổi thay ở buổi giao thời, nửa Tây, nửa Tàu, nên Ngô Tất Tố hội đủ trong mình phẩm chất của một nhà Hán học tân thời bậc nhất uyên thâm.

*

Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, Ngô Tất Tố tham gia vào Ủy ban giải phóng ở xã Lộc Hà quê ông. Năm 1946, ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian này, Ngô Tất Tố đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng chi hội văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở thông tin khu XII, tham gia viết các báo Cứu quốc khu XII, Thông tin khu XII, tạp chí Văn nghệ, báo Cứu quốc trung ương,... Ngoài ra, ông còn viết văn. Ngô Tất Tố được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam tại đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (1948).

Thời kỳ này, ngoài các công việc của đoàn, hội, nhà văn Ngô Tất Tố dường như chuyển hẳn sang công việc biên soạn và dịch sách, với một khối lượng khá đồ sộ như: Trước lửa chiến đấu (dịch, truyện vừa, 1946), Trời hửng (dịch, truyện ngắn, 1946), Duyên máu (dịch, truyện ngắn, 1946), Doãn Thanh Xuân (dịch, truyện ngắn, 1946-1954), Địa dư các nước châu Âu (biên soạn chung với Văn Tân, 1948), Địa dư các nước châu Á, châu Phi (biên soạn chung với Văn Tân, 1949), “Địa dư Việt Nam” (biên soạn, 1951), Kinh dịch (chú giải, 1953), ngoài ra ông còn viết hai kịch bản sân khấu là Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (kịch bản chèo, 1951), Đóng góp (kịch, 1951).

Trong 4 tác phẩm được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, thì có đến ba tác phẩm viết và công bố trước Cách mạng tháng Tám là Tắt đèn; Việc làng; Lều chõng. Duy chỉ có Phiên chợ Trung du là tập bút ký viết sau Cách mạng tháng Tám, năm 1947- 1948. Như vậy có thể thấy, sự nghiệp văn chương của Ngô Tất Tố chủ yếu được khẳng định từ thời kỳ trước cách mạng tháng Tám.

Với khả năng quan sát tinh tường, nhạy bén của một nhà báo tân thời kết hợp với một tư duy sắc sảo, Ngô Tất Tố đã tạo lập nên cho mình một phong cách văn chương tả chân nghiêm ngặt, mà sau này các nhà nghiên cứu, lý luận gọi là dòng văn chương hiện thực phê phán. Thực ra với lối tả chân nghiêm ngặt, bản thân nó không những có tính phê phán cao độ, mà còn đạt đến sự đả kích kịch liệt đối với tầng lớp quan lại thống trị phong kiến từ ông lý, ông cai, đến ông nghị, bà nghị, mỗi người một kiểu, nhưng tựu chung lại suốt đời chỉ chăm chăm đẽo gọt tận xương tủy những người dân lành vô tội chốn quê mùa, đẩy họ rơi vào cảnh bần cùng.    

Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) từng khen ngợi tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố là một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy (2). Đối với những người cùng thời, chưa thấy Vũ Trọng Phụng khen ai hết lời như khen Ngô Tất Tố.

Rõ ràng là gần 80 năm trôi qua, bất cứ ai sinh ra và lớn lên từ những làng quê nghèo, hôm nay đọc lại Tắt đèn vẫn cảm thấy ấn tượng bao trùm là một bức tranh đời sống cực kỳ ngột ngạt và xót xa cho thân phận những người nông dân nghèo ở vùng quê Bắc bộ. Với bút pháp tả chân sắc sảo, góc cạnh và chi tiết từ quan chí dân, từ già đến trẻ, tất cả như đang ngồi trên đống lửa. Đặc biệt là hình tượng trung tâm, chị Dậu. Dường như những nỗi thống khổ nhất trên đời này, đáng lý ra chỉ dành cho lũ quan lại súc sinh, thì lại đổ hết lên gia đình người phụ nữ nông dân nghèo nhất thế gian này. Cuối cùng, cực chẳng đã, chị Dậu đã buộc phải bán đứa gái lớn, cái Tý cho nhà Nghị Quế để chuộc chồng, vì không có tiền nộp thuế thân cho anh Dậu.

Bây giờ, tuy đã có miếng ăn, miếng để, đời sống được cải thiện nhiều, vậy mà đọc lại những trang Tắt đèn, đối với không ít người thật khó cầm nổi nước mắt, xót thương cho số phận những con người dưới tận đáy xã hội. Có người bảo khi nhà văn Ngô Tất Tố viết những dòng này, chắc ông cũng phải nuốt vô khối nước mắt vào trong mới có thể viết được như vậy. Bản thân nhà văn không đau, không xúc động thì làm sao có thể truyền cái đau, sự xúc động đến cho bạn đọc. Thậm chí nhà văn còn đau hơn cả cái đau thực mà những nhân vật của họ phải chịu đựng, bởi lẽ đấy là nỗi đau đã được thăng hoa, chưng cất nhiều lần, chứ không phải là nỗi đau thực như nó vốn có trong cuộc sống. Nói như vậy cũng là để ghi nhận chỉ có những bậc kỳ tài như Ngô Tất Tố mới có thể kéo nỗi đau tận cùng nhân thế trải dài hàng thế kỷ trong những trang văn của mình.

*

Ngô Tất Tố không những là một bậc nho gia lão luyện, từng mang lều chõng đi thi, từng đỗ đạt, mà còn là người đẫm mình trong phong vị của văn hóa Nho giáo phương Đông.

Điều đáng nói là trông bề ngoài có vẻ như là một ông đồ cổ lỗ sĩ, nhưng trong ý nghĩ và trên trang viết, Ngô Tất Tố lại là người rất tân thời. Về dáng vẻ, cốt cách, người ta xếp ông với lớp người trưởng thành từ đầu thế kỷ XX như: Phan Kế Bính, Nguyễn Trọng Thuật, Phạm Duy Tốn,... nhưng về sự nghiệp báo chí và văn chương ông lại thường xếp cạnh Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, tức là ông thuộc lớp người tương thích với thời cuộc.

Tôi chia sẻ với nhận định trong lời giới thiệu Lều chõng do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2002: Tác phẩm của Ngô tất Tố như một lời cải chính, hơn thế, một bản tố cáo chế độ khoa cử lỗi thời và thấp thoáng sau mỗi chương, mỗi hàng chữ là một nụ cười chế giễu, có khi là tiếng cười ra nước mắt.

Hướng tới tương lai, học theo cái mới là điều dễ thấy đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, ở vào thời điểm Ngô Tất Tố viết Lều chõng (1939-1944), tức là khi ấy ông đã thuộc lớp người ngũ tuần, trên dưới 50, lại đã được trang bị một cách kỹ càng vốn Nho học, mà dứt áo ra đi đến với văn minh phương Tây là điều không phải ai cũng làm được lúc bấy giờ. Điều ấy chứng tỏ rằng ông là người mạnh mẽ và quyết liệt đến mức nào. Ông phê phán một cách mạnh mẽ nền giáo dục cũ. Ngô Tất Tố không chỉ muốn đoạn tuyệt với nền giáo dục thủ cựu phương Đông hồi đầu thế kỷ XX, mà ông đã chuẩn bị sẵn sàng để gia nhập nền văn minh phương Tây.

Khi bàn về Lều chõng người ta thường quan tâm và nhấn mạnh đến yếu tố phê phán chế độ khoa cử phong kiến của ông đầu xứ Tố mà quên đi mất một điều rằng chính bản thân ông ấy đang tự vượt lên bằng cách tự phê phán chính mình đã từng thoát thai và trưởng thành từ chế độ khoa cử ấy. Đồng thời ngay cả trong khi miêu tả những điều vô lý của chế độ thi cử ấy, nhà văn Ngô Tất Tố vẫn không quên tạo dựng hình tượng nhân vật Đào Vân Hạc, một mặt phải tuân thủ khuôn phép của trường thi, mặt khác vẫn thích tự do đùa giỡn một cách hồn nhiên với đám cô đầu Hà Nội, cái mà về sau này, nếu như thi đỗ ra làm quan chắc gì Vân Hạc còn có cơ may được gặp lại.

Thái độ Dùng dằng nửa ở nửa về xem ra có vẻ như cải lương về tư tưởng, nhưng lại rất hợp lý về hành vi ứng xử của ông đồ Tố ở buổi giao thời này, để sau đấy không lâu, ông hoàn toàn có thể trở thành một nhà báo chuyên nghiệp trứ danh, mà nếu chỉ với tư cách nhà văn chưa chắc Ngô Tất Tố đã gặt hái được nhiều thành công trong cuộc đời cầm bút của mình như thế.

Bất luận thời nào, chẳng có nhà văn nào thích viết những cái mình không muốn. Thế nhưng ở vào thời buổi văn chương hạ giới rẻ như bèo (Hầu Giời- Tản Đà) hồi cuối thế kỷ XIX đầu XX, thì nhà văn đành phải kiêm luôn nghề làm báo vậy, vì báo với văn lúc thì như anh em sinh đôi, lúc lại như con chú con bác, nên khi cần kiếm sống nhà văn kiêm luôn nhà báo cũng là lẽ thường tình. Ở ta, từ khi tiếp xúc với nền văn minh phương Tây thì để có thể trở thành một nhà văn (hay nhà báo) chuyên nghiệp, điều tiên quyết là cần phải có khả năng viết. Nhưng viết như thế nào và viết để làm gì lại là vấn đề không phải ai cũng có thể, mặc dù nhu cầu kiếm để sống thì ai cũng phải. Có lẽ vì thế mà không ít người ôm giấc mộng văn chương đã tạm đành gác bút chuyển sang nghề báo hoặc cùng một lúc làm cả hai. Nếu chỉ làm báo mà không viết văn thì đã đi một nhẽ, chẳng có gì phải bàn. Nhưng đối với những người không dứt được mộng văn chương mà vẫn phải làm báo kiếm sống mới là một cực hình. Bởi lẽ cái mình thích, mình muốn nhiều khi không được viết, mà phải viết những cái theo yêu cầu của người khác, nếu muốn được đăng để có tiền. Có lẽ đây là lằn ranh phân biệt rõ nét nhất sự khác biệt giữa báo chí và văn chương, một loại sản phẩm làm ra phục vụ cái nhất thời hôm nay, còn một loại sản phẩm làm ra như của để dành cho ngày mai.

Nói như vậy để thấy sự thích ứng một cách mau lẹ của thế hệ các nhà văn cuối thế kỷ XIX đầu XX như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan,... là điều rất đáng trân trọng và kính nể.   

Tuy nhiên Ngô Tất Tố là một trường hợp có tính chất điển hình, đại diện cho khả năng thích ứng của một lớp người trí thức Nho học khi thời cuộc đã đổi thay. Dù muốn hay không, khi lựa chọn nghiệp cầm bút, họ chỉ có cách hoặc là trở thành những “ông đồ tân thời” hoặc trở thành những ông đồ gàn. Tất nhiên những người thuộc lớp thứ nhất, thì sau này đều trở thành những nhà văn, nhà báo nổi tiếng đóng góp tích cực vào diện mạo văn chương Việt những năm đầu thế kỷ XX cũng như toàn bộ diễn trình văn chương Việt Nam hiện đại.

Nhà phê bình Hoài Thanh có lý khi ông cho rằng: Người Tây ngạc nhiên thấy ta hôm qua chỉ biết có Tứ thư, Ngũ kinh, mà hôm nay bỗng tin theo những thuyết rất mới mẻ. Học thuật, tư tưởng không phải là những căn bản tinh thần của dân tộc ta. Tư tưởng nào có lợi cho đời sống dân tộc thì ta theo, nhưng một khi tình thế đổi thay, tư tưởng ấy trở nên có hại cho đời sống chung ta sẽ trút bỏ dễ dàng không tiếc hối (3)

Tuy nhiên, dù khả năng thích ứng với sự đổi thay của thời cuộc là vậy, nhưng Ngô Tất Tố là một trong số những nhà nho có nhân cách và bản lĩnh, không bao giờ chịu hùa theo đám đông cả về văn chương lẫn cốt cách, dù cho ở cái đám đông ấy có tân thời đến đâu. Ông chỉ cần cái tân thời “đủ dùng” cho cuộc sống hằng ngày, còn về cốt cách ông vẫn giữ nếp nho gia, bởi ông bước lên văn đàn và báo đàn khi đã đỗ thi hương, chứ không phải như số đông những chàng thanh niên tân thời của Phong trào Thơ mới chỉ học hết bậc thành chung (THCS). Điều ấy đã làm nên điều khác biệt giữa ông và nhiều người cùng thời với mình./.  

……………….

Tham khảo

(1), (2). Xem: vi.wikipedia.org

(3). Vương Trí Nhàn. Ngô Tất Tố và một cách thích ứng trước thời cuộc. Xem:  

phebinhvanhoc.com.vn/

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *