HAI MƯƠI NĂM THAI NGHÉN MỘT TIỂU THUYẾT
Năm 2017, sau 20 năm không xuất bản bất cứ tác phẩm văn chương nào, bà công bố Diện mạo Hạnh phúc Trọn vẹn, tiểu thuyết có khả năng lại lần nữa dấy lên trận chiến pháp lý với chính phủ quốc gia. Giống như nhiệt huyết chính trị không hề vơi, dù phải đối mặt với án hình sự, tróc nã, sáng tác của Roy ôm khát vọng xé toang mạng lưới phân cấp xã hội của Ấn Độ, đòi quyền bình đẳng, kêu gọi đại đoàn kết.
1. Sáng tác không thể vội được
Với nhiều độc giả hâm mộ Arundhati Roy (24/11/1961), lý do ngừng sáng tác suốt 20 năm của bà là một câu đố. Roy 35 tuổi khi xuất bản Chúa tể của những điều vụn vặt (The God Of Small Things, 1997). Nó lập tức trở thành tác phẩm giành Man Booker, giải thưởng văn học thường niên cho tiểu thuyết dài hay nhất được viết bằng tiếng Anh, của năm. Hơn 8 triệu bản được bán ra trong 42 ngôn ngữ khác nhau, phim chuyển thể cũng trở thành tác phẩm nổi tiếng toàn thế giới. Trong suốt 20 năm tiếp theo, Roy xuất bản hàng chục cuốn sách tiểu luận và phi tiểu thuyết, tham gia làm phim, hoạt động phản đối sự tham nhũng của chính phủ Ấn Độ, chủ nghĩa dân tộc Hindu, suy thoái môi trường, bất bình đẳng, vận động cho sự độc lập của Kashmir, phiến quân Maoist, quyền đất bản địa, lọt vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới của Tạp chí Time. Bà là tiếng thét quyết liệt của chủ nghĩa kháng chiến, lý tưởng của thanh niên Ấn Độ, từng phải đối mặt với nhiều tội hình sự, bị bỏ tù, cuối cùng buộc phải chạy trốn khỏi Ấn Độ vào năm ngoái, 2016. Dù vậy, không có bất cứ tiểu thuyết hư cấu hay sáng tác văn chương nào ra đời trong khoảng thời gian sôi sục nhất cuộc đời này của bà.
Năm 2011, Roy từng nói đang viết tiểu thuyết thứ hai. Năm tháng trôi qua, vẫn không có tác phẩm nào được thực hiện. Nhiều người thậm chí quên mất Roy là một nhà văn. Chúa tể của những điều vụn vặt sử dụng văn phong tinh tế, cuốn hút, khác hoàn toàn với giọng điệu đanh thép, sắc gọn trong hoạt động chính trị của bà. Nó kể về câu chuyện của hai anh em sinh đôi, vì những “luật yêu” bất thành văn áp đặt “ai là người nên được yêu, yêu như thế nào, yêu bao nhiêu”, mà bị hủy hoại. Từ đó, tác phẩm khám phá khả năng ảnh hưởng đến hành vi và cuộc đời mỗi người của những điều tưởng chừng vô cùng vặt vãnh.
Con người thật của Roy có lẽ giống nhà văn Roy hơn chính trị gia Roy. Diện mạo xinh đẹp, cách nói năng nhẹ nhàng, sở thích biểu đạt bằng sự vui vẻ, bà là điển hình của mẫu phụ nữ thanh lịch. “Đối với tôi”, Roy cho biết, “Không có gì cao hơn tiểu thuyết. Không gì hết. Tôi là ai ư? Tôi chỉ là người kể chuyện. Kể chuyện là cách duy nhất để tôi có thể hiểu được thế giới với tất cả các vũ điệu của nó”. Với đam mê ấy, Diện mạo Hạnh phúc Trọn vẹn (The Ministry Of Utmost Happiness), cuốn tiểu thuyết dồn 20 năm tâm huyết ra đời.
Roy cho biết, Diện mạo Hạnh phúc Trọn vẹn có lẽ được chắp bút lần đầu tiên cách đây 10 năm, nhưng bà không chắc chắn về điều đó. Roy cũng không bận tâm phải mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành. Dù luôn hăng hái và cập nhật tiểu luận, bài phê bình kịp với các sự kiện, hành động quân sự, bản án của tòa,… Roy chưa bao giờ vội vàng với sáng tác. “Tiểu thuyết cần thời gian. Nó không thể bị bấn lên vì thời hạn. Tôi không thể viết nhanh hơn, cũng không thể viết chậm hơn. Tiểu thuyết giống như đá trầm tích vậy, cứ lặng lẽ tập hợp, tích trữ hết lớp này đến lớp khác mặc nước vây xung quanh. Sự khác biệt giữa tiểu thuyết và phi tiểu thuyết đơn giản là sự khác biệt giữa tức khắc và vĩnh hằng”.
Roy không có ý định viết một Chúa tể của những điều vụn vặt thứ hai, song, khi xây dựng Diện mạo Hạnh phúc Trọn vẹn, bà lần nữa ngược dòng về quá khứ, đắm chìm trong kỷ niệm thời thơ ấu, nhớ thói quen của tuổi trưởng thành. “Tôi muốn miêu tả lại nơi mà tôi từng quanh quẩn, việc mà tôi từng làm ở Delhi, trong những nhà thờ Hồi giáo cũng như các địa điểm xa lạ, tất tần tật cuộc đời tôi. Yêu thương cả những kẻ điên cuồng lẫn những người đáng mến, niềm vui trong nỗi buồn bi thương nhất và sự bất ngờ… Tôi không muốn bỏ lỡ bất cứ ai. Tôi ngồi xuống với điếu thuốc lá và nói ‘Này người ơi, chuyện gì đang xảy ra thế, nó xảy ra như thế nào’. Đó là, tôi nghĩ, một cuốn sách”.
2. Khao khát phá hủy mạng lưới phân cấp xã hội
Diện mạo Hạnh phúc Trọn vẹn là câu chuyện về một người đàn ông chuyển giới thành phụ nữ. Người Ấn Độ gọi họ là “hijra”. Trong phân cấp xã hội Ấn Độ, hijra là quần thể bị khinh miệt và cô độc nhất. Họ sống trong thế giới khuất tối, bí mật bên lề xã hội, tuân thủ những tập tục và quy định riêng, giữ khoảng cách nhất định với người bình thường. Địa vị xã hội của hijra thậm chí còn thấp hơn cả “tiện dân”, tầng lớp thấp nhất trong bốn giai tầng được công nhận. Phần lớn mọi người đều lẩn tránh các hijra. Họ vừa miệt thị lại vừa sợ hãi những người bị thiến này. Hầu hết hijra đều khoác những tấm sari sặc sỡ, đeo vòng trang sức nặng trĩu, trang điểm cực đậm. Bất kể họ xuất hiện ở đâu, lập tức các cư dân Ấn Độ khác tránh xa hoặc rẽ sang lối khác.
Nhân vật chính của Diện mạo Hạnh phúc Trọn vẹn, Anjum, rời nhà từ thuở nhỏ, sống giữa cộng đồng hijra trong một thành phố cổ xưa, đổ nát của Delhi. Ở tuổi 46, Anjum bị bắt trong vụ thảm sát ở Gujarat. Sau khi được phóng thích, cô quyết định rời khỏi thế giới tăm tối của hijra, trở lại cuộc sống bình thường. Dù phải chịu nhiều tổn thương, Anjum từng bước xây dựng cuộc sống mới. Cô lấy nghĩa trang làm nhà, dựng phòng khách ngay trên các ngôi mộ. Ngôi nhà không bình thường của Anjum được đặt tên là Nhà khách Jannat. Nó dần trở thành nơi trú thân của hỗn hợp những người bị xã hội ghẻ lạnh, loại trừ: Tiện dân, tín đồ Hồi giáo, kẻ nghiện ngập, người chuyển giới, thậm chí cả một đứa trẻ bị bỏ rơi, Zainab.
Song song với câu chuyện trở lại cuộc sống bình thường của Anjum là câu chuyện phức tạp khác, đặt trong bối cảnh Kashmir, khu vực phía Tây Bắc của tiểu lục địa Ấn Độ, mảnh đất của máu và nước mắt, nơi xung đột xảy ra liên miên. “Về mặt địa lý, Kashmir bị xé toạc bởi biên giới”, Roy cho biết. “Tất cả nhân vật trong Diện mạo Hạnh phúc Trọn vẹn đều có đường biên trên người. Vì thế, tiểu thuyết này là cuốn sách cho bạn biết làm thế nào để hiểu về biên giới cũng như làm thế nào để, sau khi vượt qua đường biên, tiếp cận và giao tiếp với người khác. Chỉ cần đến với Nhà khách Jannat, không cần biết là ai, bạn đều được chào đón”.
Có thể nói Diện mạo Hạnh phúc Trọn vẹn là cuộc diễu hành kỳ quặc của những kẻ lập dị. Nó giống như bữa tiệc mà khách mời mới cứ liên tiếp bước vào. Sự phân cấp xã hội của Ấn Độ ngăn cản mọi người đoàn kết. Ngay cả trong giai tầng thấp nhất, địa vị của mỗi người vẫn phân biệt thấp cao. Cả nước là một mạng lưới phức tạp của đẳng cấp, giai cấp, sắc tộc, tôn giáo. “Bạn là người Hồi giáo, Hindu, Shia, Sunni, Barelvi, Bà La Môn, Bà La Môn Saraswat, Dalit, hoặc đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới,… và bạn chỉ có thể giao tiếp với những người cùng giai cấp với mình. Không có bất cứ sự liên đới nào được cho phép”, Roy khẳng định. “Vì vậy, dù mọi người tin rằng mình tự do, họ thật ra vẫn là nô lệ”.
Ngay cả ngày nay, ít hơn 1% người Ấn Độ kết hôn với người ngoài phân tầng. Nhân vật Anjum, trong vụ thảm sát ở Gujarat, sống sót nhờ là một hijra. Chính cái bản sắc gạt bỏ Anjum ra khỏi thế giới lại là thứ khiến “cô” “cảm thấy sự kết nối, muốn hiểu thêm về những gì đang xảy ra bên ngoài miệng giếng của mình”. Để bước ra khỏi chiếc lồng chật hẹp giam giữ tâm trí suốt 46 năm, Anjum trở thành mẹ Zainab, sống cho và vì Zainab. Không thể chấp nhận mạng lưới phân cấp xã hội, cô ra sức xé rách nó và bước ra ngoài. “Đối với tôi”, Roy cười chân thành “Điều đó thật ngọt ngào”.
3. Mâu thuẫn với chính sách quốc gia
Thực tế, Roy đã sống cả đời bên ngoài mạng lưới phân cấp của Ấn Độ. Bà là kết quả của cuộc hôn nhân bất hợp pháp giữa mẹ là người Kito giáo thượng lưu Syria và cha là người Hindu tầng lớp thấp nhất. “Bất khuất và hiền hậu, mẹ tôi hệt như một nhân vật bước ra từ bộ phim của đạo diễn Federico Fellini (Cuộc sống ngọt ngào- La Dolce Vita) vậy”, Roy kể. “Khi ở bên mẹ, tôi có cảm giác hai chúng tôi là hai quốc gia tàng trữ bom hạt nhân”.
Sinh ra ở bang Meghalaya, Roy theo học ngành kiến trúc tại Delhi, kết hôn với nhà làm phim Pradip Krishen nhưng không sinh con. Con đường chính trị đưa bà đến với tổ chức phiến quân Maoist Ấn Độ trong rừng già, tới Moscow gặp gỡ Edward Snowden, người trở nên nổi tiếng khắp thế giới sau khi tiết lộ bí mật hàng đầu của Mỹ và Anh cho báo chí, tham gia vận động chống lại chính sách đối ngoại của Mỹ ở Afghanistan, phản đối chương trình thử nghiệm hạt nhân ở Ấn Độ, chống toàn cầu hóa, trở thành thiếu nữ đại diện cho nền độc lập của Kashmir. Mọi điều Roy làm đều trái ngược với quan điểm chính trị chủ đạo của Ấn Độ.
Hiện tại, Roy thể hiện sự mâu thuẫn với chính quyền Ấn Độ hơn bao giờ hết. Bà kịch liệt phản đối sự cai trị của Thủ tướng Narendra Modi. “Mọi người náo loạn về sự xuất hiện của Trump ở Mỹ, nói đến Modi như người đồng chí hướng song, Modi và Trums không hề giống nhau. Trump giống như chất thải mà một nhà máy độc hại tạo ra trong quá trình sản xuất còn Modi là sản phẩm. Ông ta là sản phẩm của tổ chức được gọi là RSS (tổ chức bán quân sự theo chủ nghĩa quốc gia Hindu, ủng hộ đảng Bharatiya Janata cầm quyền)”.
Đầu năm ngoái, các cuộc biểu tình của sinh viên Ấn Độ phản đối việc treo cổ một nhà ly khai Kashmir, người Roy viết bài ủng hộ, nổ ra tại các trường đại học trên khắp đất nước. Nhiều sinh viên bị bắt bớ, giam giữ, đưa lên trước tòa, thậm chí bị đánh đập tàn bạo ngay giữa tòa án. Cái tên Arundhati Roy đồng nghĩa kẻ đứng đằng sau xúi giục biểu tình. Bà buộc phải chạy trốn khỏi Ấn Độ.
Trước đó, Roy cũng phải đối mặt với tòa án Ấn Độ suốt 20 năm vì Chúa tể của những điều vụn vặt. Tiểu thuyết này đề cập đến quan hệ tình dục giữa hai anh em ruột. Năm luật sư liên kết, luận tội Roy làm “băng hoại đạo đức công dân”. Năm 2002, vì tham gia vào dự án đập Narmada ở Gujarat, Roy bị tống giam một ngày vì tội “khinh thị”. Bà còn bị kết án vì tội chỉ trích chính sách của Ấn Độ với Kashmir. Diện mạo Hạnh phúc Trọn vẹn cũng ít nhiều phê phán Thủ tướng Modi. Rất có thể, nó lại khơi nguồn cuộc chiến pháp lý mới. Roy không lo lắng. Bà tự tin là người được đông đảo mọi người yêu thích và ủng hộ. Thực tế, trên khắp thế giới, tại mọi địa điểm Roy thuyết trình, hàng ngàn người tụ hợp lắng nghe. Bà tự nhận “Tôi không phải người duy nhất đấu tranh. Tôi chỉ là một trong dòng suối đại đoàn kết khổng lồ chảy mải miết”.
Từ hai năm trước, Roy ly thân với chồng. Bà khẳng định vẫn xem chồng và hai con riêng của ông như gia đình dù kiên quyết sống độc thân. “Tôi không thể coi mình như một người vợ, dù về mặt pháp lý, tôi đã kết hôn”, Roy cười. “Ngay cả khi vừa mới cưới, tôi cũng không xem mình như một người vợ được… Tôi nghĩ não của tôi chỉ là não của một nhà văn hư cấu thôi”.
Roy không cảm thấy cô đơn. “Mọi người nghĩ tôi sống một mình nhưng đâu phải vậy. Tôi sống với các nhân vật của tôi”. Roy chắc chắn không phải là một hijra sống trong nghĩa địa song, tiếng nói của Anjum chính xác là quan điểm của bà. “Tôi sống một cuộc đời phi chính thống”, Roy tự hào. “Tôi có bạn bè ở khắp mọi nơi. Tôi là phụ nữ nghĩ mình như một đàn ông. Tất cả những gì tôi muốn là trở thành vợ của người đàn ông tên Arundhati Roy”.
Lược dịch theo Theguardian.com
Vũ Thị Huế ( dịch)
Nguồn Văn nghệ số 23/2017