Văn học với đời sống

20/5
8:15 AM 2017

NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

ĐỖ THỊ NGỌC CHI-(Đọc tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang, Nxb Hội Nhà văn, 2013).Sau sự thành công của tiểu thuyết lịch sử viết về đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, Nguyễn Thế Quang đã ấp ủ ý tưởng viết về hình tượng người mẹ - nguồn sống bất tận của muôn loài, muôn người. Khúc hát những dòng sông là kết tinh của sự nghiền ngẫm, từng trải, và có lẽ cũng là món nợ mà ông muốn trả khi gần đi trọn cuộc đời.

Vì vậy, người đọc rất dễ nhận ra trong tiểu thuyết của ông sự thâm sâu của ý tưởng, sự giản dị của ngôn từ, sự ấm nóng nơi giọng điệu của người nghệ sĩ già và không thiếu sự mới mẻ trong tư duy nghệ thuật.

Lấy nguyên mẫu từ nhân vật có thật trong lịch sử, bà Hoàng Thị Loan, vợ của ông cử Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Thế Quang hiểu hơn ai hết những giới hạn và thử thách mà ông cần phải vượt qua. Viết về cuộc đời nhân vật lịch sử ít nhiều đã sống trong lòng dân tộc từ lâu, lại là thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tưởng chừng dễ mà lại vô cùng khó. Dễ vì hình tượng đã được định vị, minh chứng, khẳng định qua thời gian; khó là một mặt không thể phóng bút tưởng tượng, tùy tiện hư cấu nhưng mặt khác làm sao để người đọc nhận diện được chân dung bà Hoàng Thị Loan với tư cách vừa là nhân vật lịch sử vừa là nhân vật tiểu thuyết với những phát hiện, kiến giải mới, góc nhìn, thức nhận mới.

Khúc hát những dòng sông được kết cấu 4 phần: Quê nhà, Đường vô xứ Huế, Giữa chốn kinh thành  Vĩ thanh; không gian được trải rộng từ quê hương Nam Đàn đến đất kinh đô với thời gian vỏn vẹn 6 năm. Tác phẩm đã tái hiện một thời đoạn đặc biệt trong lịch sử dân tộc, cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ ở Việt Nam. Cùng với đó là chân dung của các nhân vật lịch sử như Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Hoàng Thị Loan, Nguyễn Sinh Cung… Trên cái nền lịch sử tao loạn ấy là hành trình của người mẹ - bà Hoàng Thị Loan dìu dắt, dạy dỗ người con yêu thương - cậu bé Nguyễn Sinh Cung đến chân trời mới cùng những hiểu biết mới. Đó không đơn thuần là sự dịch chuyển không gian địa lí - văn hóa mà còn ghi dấu một hành trình lớn lao hơn - hành trình trưởng thành, lớn khôn từ dòng sông mẹ ấm nóng ra biển cả bao la của cậu bé Cung. Cùng với đó, gương mặt tâm hồn, chân dung tinh thần của người mẹ - Hoàng Thị Loan hiện lên vô cùng chân thực và xúc động lòng người.

Sinh ra và lớn lên nơi vùng quê Nam Đàn thanh bình, bên dòng Lam yên ả, ngay từ nhỏ, bà Hoàng Thị Loan đã được nuôi nấng, dạy dỗ bởi người cha phúc đức, nhân hậu, người mẹ tần tảo, hết mực yêu thương. Ngay từ lúc còn trẻ, bà đã thể hiện tính cách mạnh mẽ, cương nghị khi gạt bỏ những lời đàm tiếu để lựa chọn Nguyễn Sinh Sắc, chàng thanh niên mồ côi cha mẹ, không một thước đất cắm dùi nhưng vô cùng hiếu học, làm người bạn đời trăm năm. Người vợ trẻ không quản ngại khó khăn, lam lũ chăm lo nuôi dưỡng con cái để chồng yên tâm học hành, thi cử. Thế nhưng đó chưa phải là sự lựa chọn khó khăn nhất, bởi dẫu vất vả, thiếu thốn nhưng ít ra bà còn có gia đình, làng xóm thân thuộc làm nơi nương tựa, chở che. Đến sự lựa chọn thứ hai, khắc nghiệt hơn gấp bội, đó là rời bỏ quê hương, theo chồng vào kinh đô, một mảnh đất xa lạ, không người thân để nuôi chồng ăn học, thỏa nguyện ước khoa bảng của người cha đã khuất. Động lực lớn nhất để bà quyết tâm thực hiện quyết định ấy là mong muốn mang lại cho những đứa con của mình cơ hội học hành, trải nghiệm ở một môi trường tốt hơn. Chính tình yêu cháy bỏng, sự hi sinh của người vợ, người mẹ đã tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc bà từ biệt quê hương, bản quán đến kinh thành, nơi mà bà hiểu hơn ai hết những nhọc nhằn, vất vả đang chờ đợi ở phía trước: “... Đời con gái như con thuyền lênh đênh mười hai bến nước… Ta đã có một bến đậu yên bình, rất yên bình với một người chồng nghèo mà giỏi giang giàu nghị lực - một ông cử danh giá trong vùng và những đứa con ngoan. Nhưng ta phải ra đi, đi đến những bến bờ xa lạ đầy sóng gió để cho chồng có danh vọng hơn, cho con cái lớn khôn hơn. Dù khó mấy ta cũng phải đi. Là người đàn bà, làm vợ có bổn phận lo cho sự nghiệp của chồng, làm mẹ phải biết dạy con nên người. Ta phải đi…” (Khúc hát những dòng sông, tr.64).

Hình ảnh bà Hoàng Thị Loan với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai, một bên là sách vở của chồng và bên kia là cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ vùng quê yên bình, vượt qua cái bỏng rát của cát, hơi lạnh của gió mưa, nỗi hiểm nguy của rừng đêm… bấm chân bước từng bước về phía trước, khiến người đọc không khỏi xúc động, kính nể bởi lòng quả cảm, sự can trường, sức chịu đựng phi thường của người phụ nữ Việt. Phẩm chất đáng quý ấy nơi bà lại càng được khẳng định giữa chốn kinh thành, thân cô thế cô, thiếu thốn trăm bề. Muốn chồng tập trung học hành, bà phải tất tả ngược xuôi, đêm đêm miệt mài bên khung cửi lo miếng cơm no, manh áo ấm cho cả nhà. Ngay khi túng thiếu, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm; rồi cả những lúc tiếng gọi bản năng, khát khao cháy bỏng của người đàn bà xa chồng trỗi dậy, bà vẫn giữ được sự thanh sạch, không ngã lòng trước sức cám dỗ của thể xác và tiền bạc. Chính tấm lòng trung trinh, can trường của bà đã hóa giải cơn mê muội, đánh thức tính thiện nơi quản cơ Tấn.

Bà nhận thức rõ ràng rằng trách nhiệm của mọi người mẹ không chỉ dừng lại ở việc cho con một hình hài, chăm bẵm từng miếng ăn, giấc ngủ mà quan trọng hơn là dạy cho con nên người, sống có ích và cống hiến cho dân tộc: “Làm mẹ, đẻ con ra, phải lo làm nuôi con đã đành nhưng dạy con nên người là điều hệ trọng hơn hết. Không lo dạy con, không biết dạy con, con hư hỏng, đau lòng mình, nhục gia tộc, mà làm hại cả làng xã. Cha ông đã nói “Đức hiền tại mẫu”, để con hư, người mẹ thật có tội với mọi người và có tội với ngay cả đứa con của mình” (Khúc hát những dòng sông, tr.138).  Từ tâm niệm đó, bà tìm mọi phương pháp để dạy con mình. Lời ru thiết tha, điệu hát phường vải Nghệ Tĩnh, điệu hò giã gạo xứ Huế chan chứa chân tình, đạo nghĩa được bà dùng để dạy cho cậu bé Cung về đạo lí làm người “uống nước nhớ nguồn”, nặng tình nước non. Bà đã đánh thức niềm tự tôn, nghĩa đồng bào ruột thịt, tình yêu quê hương đất nước nơi bé Cung bằng những truyền thuyết về mẹ Âu Cơ, mẫu Liễu Hạnh, bằng những câu chuyện về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, cùng với đó là những tấm gương về phẩm hạnh, khí tiết, lòng kiên trì, nghị lực của người dân Việt Nam, đặc biệt là người phụ nữ. Muốn con tận mắt chứng kiến cảnh lầm than, cơ cực của đất nước, giúp con hiểu hơn nỗi đau của dân tộc chịu cảnh nô lệ, cảm nhận nỗi đau của mọi sinh linh như chính nỗi đau của mình, bà đã dẫn cậu bé Cung tới người hát xẩm, nạn nhân còn sót lại của tấn bi kịch thời loạn, để con lắng nghe vè Thất thủ Kinh đô: “Bài học lớn đầu tiên mẹ đưa con đi học là nỗi đau buồn mất nước” (Khúc hát những dòng sông, tr.118). Từ những câu chuyện nơi cửa Phật, bà Loan dạy cho con biết yêu thương muôn loài, muôn người; gieo hạt giống từ bi, vị tha; vun mầm thiện trong lòng con trẻ. Lần đầu tiên trong đời, cậu bé Cung nghe hai tiếng “tự do” giản dị và thiêng liêng, để rồi biến nó thành khát vọng, lí tưởng sống của không chỉ riêng mình mà còn của cả dân tộc nô lệ. Bà đã sắm vai người thầy mẫu mực, sẵn sàng chịu đựng những nỗi đau khổ vĩ đại, thậm chí cả tính mạng của mình để cho con những bài học quý giá, tự tin bước vào trường đời. Để rồi tất cả thấm dần và kết tinh thành nhân cách, phẩm chất đạo đức cao đẹp của cậu bé Nguyễn Sinh Cung, đặt nền móng vững chắc cho sự trưởng thành của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này.
 

Những ngày tháng cuối đời là thời điểm khó khăn, cô đơn nhất của bà Loan. Sức khỏe suy yếu do lao lực, kham khổ; bụng mang dạ chửa lúc ông Sắc và cậu con trai lớn - Khiêm về quê nhưng bà vẫn cắn răng chịu đựng, chắt chiu chăm lo cho Cung, và không quên truyền cho cậu những bài học cuối cùng. Trước khi ra đi, bà vẫn giữ trong lòng đứa con trai yêu của mình hình ảnh người mẹ với tinh thần lạc quan, lòng quả cảm, giàu ý chí và nghị lực sống.

6 năm xa quê, rời bỏ tất cả những gì thân thuộc và thiêng liêng nhất, đối mặt với bao gian nan, nhọc nhằn, và khi cận kề cái chết, bà chưa bao giờ oán than số phận. Với bà, đó là một sự lựa chọn đúng. Chỉ duy nhất một điều luôn khiến bà day dứt, đó là nỗi nhớ nhung quê nhà chưa bao giờ nguôi; niềm day dứt không làm tròn bổn phận với người mẹ già và đứa con thơ dại… Có chăng niềm an ủi lớn nhất, xoa dịu niềm đau riêng đó là hàng ngày chứng kiến sự lớn khôn, trưởng thành của người con yêu dưới sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của bà. Tiếng gọi “mẹ” nghẹn ngào trước khi vĩnh biệt cõi trần như là một sự giải thoát cho bao nỗi uất ức, tủi phận mà bà đã phải cam chịu suốt những năm tháng xa quê.

Phần Vĩ thanh là một sự sáng tạo riêng của Nguyễn Thế Quang, khi tác giả phóng trí tưởng tượng của mình theo bước chân của cậu bé Cung, nay là Nguyễn Ái Quốc nơi trời Tây (1920). Đứng bên bờ sông Seine (Paris, Pháp), ngẫm suy lại những biến cố trong cuộc đời, chàng thanh niên chợt nhận ra mẹ Loan chính là nguồn sống bất tận, là tấm gương lớn để cậu soi mình, tìm kiếm sức mạnh, lòng quả cảm, ý chí vượt qua những chặng đường gian nan trước mắt. “Mẹ ơi! Mẹ là tất cả! Mẹ là ngọn nguồn, là nơi bắt đầu của những điều tốt đẹp nhất mà con làm được. Trong dòng chảy lạnh lùng của thời gian, trong dòng đời dữ dội qua giông bão và lửa cháy, Mẹ như dòng sông trong trẻo của tình yêu và đức hi sinh nuôi dưỡng tâm tính con, gột rửa bao lỗi lầm và tiếp cho con bao sức mạnh, dắt con từ trong đêm tối nô lệ, vượt qua bao thác ghềnh đi tìm ánh sáng tự do để hôm nay con tìm được đường đi cho dân tộc. Đường còn dài, gian nguy còn lắm, nhưng bên con luôn có mẹ, con sẽ làm được điều mẹ và con cũng như cả dân tộc ta đang mong” (Khúc hát những dòng sông, tr.274). Hình ảnh dòng sông xuất hiện xuyên suốt, trở đi trở lại trong tác phẩm từ chương mở đầu cho đến kết thúc phần Vĩ thanh, gắn với từng biến cố trong cuộc đời mỗi nhân vật. Dòng Lam xanh mướt, lững lờ trôi với những kí ức ngọt ngào, êm đềm, nơi chứng kiến bước chân ra đi với bao ước vọng thiêng liêng của bà Loan và gia đình; dòng Hương mênh mang, lặng lẽ là chứng nhân cho nỗi nhọc nhằn, lo toan, nơi trong khoảnh khắc cuối cùng, bà Loan thanh thản nói lời từ biệt trần thế; sông Sài Gòn tấp nập, rộn ràng, nơi khởi đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành; sông Seine thơ mộng, lãng mạn, nơi Nguyễn nhận ra con đường cứu dân tộc thoát khỏi ách nô lệ. Dòng sông trong tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang trở thành một biểu tượng thiêng liêng, biểu tượng về Mẹ - Dòng sông - Biển cả - Nhà - Quê hương - Đất nước - Hồn thiêng dân tộc.

Bằng ngôn từ giản dị, mộc mạc, giàu suy nghiệm, Nguyễn Thế Quang đã dựng nên bức tượng đài về người mẹ - Hoàng Thị Loan, kết tinh những đức tính, phẩm chất cao đẹp của người mẹ Việt Nam - bao dung, độ lượng, nhân hậu, vị tha, quả cảm, mạnh mẽ, giàu ý chí, đức hi sinh, nghị lực sống. Khám phá thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông là thêm một lần ta được trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc, lắng mình nghe tiếng vọng của quá khứ, đó cũng là cách nuôi dưỡng và gột rửa tâm hồn mỗi người. Chân thực và thi vị, say mê và xúc động, giản dị và thiêng liêng, tác phẩm của Nguyễn Thế Quang đã gói trọn hồn quê hương ở những phần lung linh, đẹp đẽ, trân quý nhất và cả những phần lam lũ, nhọc nhằn, đắng cay nhất trong lòng người mẹ vĩ đại. Lắng nghe và nghiệm suy từ những “khúc hát” tâm tình ấy, chúng ta như thêm tự hào về mảnh đất nơi ta sinh ra, tri ân người mẹ sinh thành, nuôi nấng, dưỡng dục; để thêm yêu đời, yêu người, yêu những điều bình dị nhất trong cuộc sống. Đó chính là những giá trị nhân văn lâu bền mà Nguyễn Thế Quang và tiểu thuyết của ông mang lại cho người đọc.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *