Tác phẩm và dư luận

4/7
7:20 AM 2017

MẮT NGƯỜI GIỮ ĐẢO

ĐOÀN VĂN MẬT-Đường ra đảo là con đường của những đôi mắt. Làm sao tôi có thể diễn tả được đôi mắt của những người ra đảo khi tiếng còi tàu đang thúc giục liên hồi, khi muôn ánh nhìn muốn bạt đi tất cả nhà cửa, cây cối và núi đồi, muốn thu lại cả ngàn cây số biển để được gặp Trường Sa cho thỏa lòng mong mỏi.

 

 

Làm sao tôi có thể diễn tả được đôi mắt của vị tướng già lúc này, Cát Lái là đây, hơn bốn mươi năm chừng như vừa về lại. Thôi cứ để mắt người tự nói. Tôi, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 325 tham gia chiến dịch Giải phóng Sài Gòn. Ngày 29/4/1975 tôi đã ở đây, cùng đồng đội đánh vào Cát Lái. Lúc ấy. Sài Gòn khắp nơi vang dậy, tiếng hô xung phong, tiếng đạn rít, bom rung, tiếng của ngày thống nhất non sông, lẫn cả tiếng những người thua trận: “Phải rút bằng đường sông!” và tất cả đổ dồn về Cát Lái. Chúng tôi phải mở đường máu để chiếm giữ nơi này, để chặn địch thoát lui ra biển, những cánh quân của Sư 325, vừa giải phóng Bình Sơn, Nhơn Trạch, Long Thành, dồn cả về và mở cuộc tiến công. Tôi nhớ tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nguyễn Ánh Dương hi sinh, trên con đường tiến vào Cát Lái. Tôi nhớ đồng đội mình ngã xuống trước ngày giải phóng, máu nhòa theo sóng nước Sài Gòn. Tôi nhớ những anh em bị thương mắt vẫn cháy trút căm hờn vào địch.

Không ngôn ngữ nào có thể diễn tả được đôi mắt…
Năm nay 88 tuổi, đi bộ đội năm 1948, từng đỏ lửa với Quảng Trị suốt 81 ngày đêm, tham gia giải phóng Sài Gòn, Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên, nhưng lần đầu ra với Trường Sa. Cậu đừng nghĩ tôi là một lính già, không đủ sức quăng mình vào biển. Khi nhận được tin lên đường, vợ tôi khuyên lên, nhủ xuống.

Đôi mắt chợt cười.
Đã là một người lính, Tổ quốc ở đâu là tôi đến. Biết không thể cản, bà ấy suốt đêm rủ rỉ tâm tình “ông hãy lo cho mình, giữa sóng to biển lớn, Trường Sa gió cả sóng lừng”. Ngay hôm sau tôi vào viện. Tôi mang về tặng bà một tờ giấy khám (mọi chỉ số bình thường). Nhưng ai khám cho tôi! Là tôi tự khám cho mình. Cậu năm nay bao nhiêu tuổi? Tới Trường Sa lần nào chưa? Tôi bảo: cháu cũng đi lần đầu, nhưng Hoàng Sa thì đã đến. Đôi mắt ông làm tôi nhớ Lâm. Năm 2015, trên biển Hoàng Sa – nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan HD 981 tại vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tôi đã gặp đôi mắt Hoàng Văn Lâm chỉ huy tàu KN 628 cũng ánh lên như thế. Lâm kể: Con tàu này bị 13 lần đâm va khi làm nhiệm vụ, có lúc tưởng như đã bị chìm xuống. Nhưng không, sự kiên trung và bền gan không cho phép những người lính chúng tôi gục ngã. Một ngọn sóng không đổi, một tất đất không rời, những người lính chúng tôi vẫn nhủ lòng như thế. Khi đã đến đây, không ai muốn là người vắng mặt, với quê hương, Tổ quốc của mình.

Mắt nói khi tôi nhìn xuống
Tháng tư Sài Gòn nắng vàng như lụa, gió xa mà nước thì gần, hai bên bờ sông những hàng cây vẽ nắng, còn nắng thì vẽ bóng người, dập dềnh trên sóng. Mắt bảo tôi thôi đừng mơ mộng. Tàu đã đến cửa sông.
Tàu đã đến cửa sông, mọi ánh nhìn đổ dồn ra boong, tất cả reo lên. Biển, mênh mông là biển. Trường Sa trước mặt kìa. Không! Trường Sa xa lắm, hơn 400 hải lí cơ mà. “Không xa đâu Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh…”(1), một giọng hát trong trẻo vút lên, tôi quay đầu lại nhìn. Là Giàng Thị Hoa, cô ca sĩ đoạt giải nhì giọng hát Sao Mai năm 2014. Giọng hát của Hoa cất lên làm cho không ít người bùi ngùi, rộn rạo. Gớm ra Trường Sa mà cứ như đi gặp người tình ý nhỉ! – Ai đó chêm vào. Dẫu không phải là người tình thì cái tình với Trường Sa cũng nặng lắm anh! Nhà báo Trịnh Văn Dũng (Báo Quân đội Nhân dân) tiến lại gần và như nói thay lời của Giàng Thị Hoa: “Trước đây em là lính Hải Quân, từng ra Trường Sa nhiều lần. Nhưng từ năm 2012, khi chuyển về công tác ở Báo thì chưa một lần ra lại đó. Nhớ lắm! Bao lần tính lên xin các anh lãnh đạo tòa soạn để được đi nhưng ngần ngại vì ai cũng biết mình từng ở Trường Sa, ra Trường Sa nhiều lần rồi mà cơ quan thì biết bao nhiêu người đang chờ đợi còn chưa đến lượt, nên đành phải chịu. Lần này thì quyết đánh liều, mạnh dạn đề đạt với cấp trên để được cho đi và may mắn em đã được đồng ý. Trường Sa là thế, đi là nhớ, về là thương. Cứ mỗi lần ai nhắc đến Trường Sa lại như nghe thấy tiếng sóng vỗ quanh mình. Cứ mỗi lần ai nhắc nhắc đến Trường Sa lại hiện lên những gian nan vất vả của người lính nơi đầu ngọn sóng, như thấy đâu đây đồng đội gọi tên mình. Nhớ và thương lắm”. Nghe nhà báo Trịnh Văn Dũng chia sẻ nhiều người muốn nán lại nghe thêm, cũng không ít người lặng lẽ trở lại boong, đuổi theo những ý nghĩ cho riêng mình.

Đêm của những mắt người không ngủ
Trên tàu, tôi được xếp ở cùng phòng với 12 người. Có người đi Trường Sa nhiều lần như Phạm Quang Tiến, Trịnh Văn Dũng, Phạm Thanh Hùng… Có người lần đầu tiên ra với Trường Sa như tôi. Nhưng dù đi nhiều hay lần đầu thì câu chuyện Trường Sa đều làm cho những đôi mắt trong đêm thao thức. Dũng kể: Ngày mình còn làm ở Hải quân, trong một hội nghị lớn về Trường Sa với sự có mặt của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân, các cơ quan liên ngành về biển đảo cùng các đảo trưởng. Trong hội nghị tất cả các ý kiến từ vĩ mô, vi mô về biển đảo được đề cập đến, râm ran vang cả nghị trường. Riêng có một đảo trưởng suốt buổi không thấy nói gì khiến ban tổ chức phải gọi lên hỏi. Chúng tôi tạo điều kiện cho đồng chí vượt cả ngàn cây số biển để vào đất liền dự hội nghị mà sao đồng chí không có một ý kiến phát biểu nào? Lúc ấy đảo trưởng mới đứng lên: “Thưa các anh, tất cả những ý kiến vừa đưa ra đều sâu sát với tình hình thực tế ngoài đảo. Nhưng với tôi và nhiều đảo, đặc biệt là đảo chìm, với nhiều anh em trên đảo thì chỉ cần mang cho mỗi người lính một bao đất. Đối với lính đảo, đất là thứ vô cùng quý giá và cần thiết. Mỗi bao đất là một điểm tựa, thêm một cây xanh được trồng vừa làm lá chắn vừa là bóng mát cho đảo, mỗi bao đất là cả trăm hạt mầm rau xanh, mọc lên, giúp anh em thêm chất trong bữa ăn hàng ngày… đó là điều rất cần đối với người lính trên đảo”. Cả hội nghị như lặng đi, mọi ánh mắt đổ dồn về phía đảo trưởng vừa phát biểu đồng cảm, sẻ chia, như áy náy một điều gì đó. Đêm, những đôi mắt vẫn không ngừng trò chuyện cùng nhau, mặc cho sóng biển cấp 5, cấp 6 làm cho con tàu rung lắc liên hồi, mặc cho ai đó nói cần chút nghỉ ngơi để dưỡng sức khi ngày mai cập đảo.
 

 
 
 


 
Mắt người giữ đảo
Trong cuộc hành trình đến với Trường Sa, chúng tôi đến mười hai điểm đảo: Đá Lớn, Sơn Ca, Đá Thị, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô-lin, Phan Vinh, Đá Tây, Trường Sa… và Nhà giàn DK. Đi đến đâu, ở lại đâu cũng đều đọng trong mắt người biết bao tình cảm. Đi đến đâu cũng gặp những mắt người dù phong ba bão tố, vẫn vững vàng nơi đầu sóng gió. Ở Trường Sa, một mầm lá, một hòn đá, một con thuyền… cũng làm nên hình dung về mắt người giữ đảo.

Sinh Tồn một ngày dồ dạt nắng, nắng mênh mang theo câu hát “lính đảo đợi mưa”, nắng vời vợi trong mắt người sâu thẳm, nắng thầm thì câu chuyện lính đảo với đồng lương hàng tháng... và ai đó trầm trồ dưới nắng. “Lương lính đảo cao thế!”. Và ai đó bỗng nhiên im lặng, quay đi. Trong câu chuyện ấy, tôi đã gặp Lượng - thượng úy Mai Ngọc Lượng, sinh năm 1988, quê Thái Bình. Ánh mắt xa xăm, Lượng bảo. “Đừng nhìn vào đồng lương và phụ cấp của lính đảo mà hãy nhìn vào công việc của họ. Ở đây, hàng ngày, hàng giờ chúng tôi phải đối mặt với biết bao gian khó, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, đêm cũng như ngày, mưa cũng như nắng. Với những người ở đất liền thì điểm tựa là gia đình, bạn bè, người thân còn với người lính nơi đầu sóng ngọn gió chỉ có ý chí, tinh thần quyết tâm và tình yêu làm điểm tựa”. Sau sự chia sẻ ấy lại có ai đó cúi đầu rời đi, ngậm ngùi ra bến lên tàu. Khi chỉ còn tôi và Lượng. Anh kể: “Bố em bị mù nhiều năm nay rồi. Mẹ thì không còn sức lao động, ốm đau cũng nhiều. Vợ em chưa có công ăn việc làm và hiện ở nhà trông con... Chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào đồng lương bộ đội cả. Mỗi lần gọi điện về nhà, thương bố lắm anh ạ. Bố em sinh ra ở miền quê biển, ầm òa với sóng nước đã quen. Nhưng từ khi bị mù thì ông không còn biết biển ra sao và ở phương nào nên mỗi lần nghe tiếng con trong điện thoại, bố chỉ muốn nghe em kể chuyện biển. Có lúc gọi về ông bảo “đêm qua bố mơ thấy mình đi biển, trên con thuyền có rất nhiều cá” biển hôm nay thế nào, kể cho bố nghe đi. Hôm khác bố lại nói “đêm qua bố mơ gặp con ở đảo Trường Sa”... Cũng có lần bố hỏi “biển Trường Sa có đẹp như biển Thái Bình quê mình không con? Câu hỏi của ông làm em ứa nước mắt. Em bảo với bố biển Trường Sa đẹp, rất đẹp, biển của đất nước mình chỗ nào cũng đẹp. Ông vui lắm. Có cảm giác như biển đang reo quanh ông, hồn biển đang phả vào để ông trở lại một thời trai trẻ. Đời một con người là thế, khi cái gì đã gắn bó với mình, ăn vào máu thịt của mình mà nay bỗng nhiên phải xa rời thì có gì để buồn hơn. Cũng bởi vậy, từ khi biết em phấn đấu để trở thành chàng trai của biển thì ông mừng và tự hào lắm. Bố càng tự hào hơn khi em là một người lính Trường Sa”.
Khi những câu chuyện đi qua, tôi cúi xuống, còn anh nhìn ra biển, những con sóng dạt dào, nắng vẽ hình lính đảo để người lính ấy, giữa khơi xa, gửi tới cha mình.
 
Mắt xanh giữa muôn trùng sóng
Nam Yết trong đêm, trăng 14 dát vàng, đảo như con thuyền Tổ quốc giữa trùng khơi. Tôi ngồi dưới tán cây, những bông hoa bàng vuông nở trắng như sao trời xa thẳm, như mắt người trong đêm. Giữa tiếng gió lao xao, cây thầm thì với tôi rằng: “Đấy giữa muôn trùng bão tố và nắng lửa, mỗi chiếc lá trên thân tôi là mắt dõi về biển cả, quê hương, dõi theo từng bước chân người lính. Trên thân tôi còn rất nhiều mảnh đạn. Tuổi tôi đã quá trăm năm. Bão tố đến rồi qua, những đau đớn cũng dần liền sẹo nhưng biển xanh thì còn mãi. Tổ quốc không thể nào mất biển, đảo là nhà cho sóng tới trú chân, đảo là nhà nên Tổ quốc thật gần, nên người lính vẫn vững vàng trên đảo. Vào đêm trăng sáng, những người lính đã ngã xuống nơi này thường hay đến bên tôi, dù thân xác nằm dưới đáy đại dương, linh hồn họ vẫn trở về canh đảo, họ hóa thành những con hạc trắng”. Những con hạc trắng. Thì thầm của cây làm tôi nhớ đến những cánh hạc bay ngang bầu trời Nam Yết lúc chiều buông. Khi đó tôi tự hỏi: Đó có phải là những người lính đã hi sinh ở nơi này, Gạc Ma 14/3/1988? Đó có phải là hàng vạn ngư dân mang dòng máu Lạc Hồng ra khơi bám biển, đem xác thân dựng cột mốc chủ quyền, linh hồn họ hóa thành hạc trắng, hải âu chỉ lối dẫn đường? Tôi lặng thầm nhìn đàn hạc bay cao, những cánh trắng đang xếp hình đảo nhỏ, những cánh trắng thành vòng tròn bất tử, kết nhớ thương trong triệu trái tim người.... Đang suy tư bên gốc bàng vuông, chợt một cái vỗ vai khiến tôi giật mình. Thái Thị Hải - cô bạn Truyền hình Quân đội, ánh mắt nao nao hỏi. “Giờ này mà anh còn ngồi đây à?”, - “Ừ, mình muốn dạo quanh thăm đảo chút” - tôi trả lời. - “Em cũng không ngủ được anh ạ. Trăng sáng quá, trên đảo có cái gì bồn chồn khó tả nên rủ cô Phạm Thị Minh cùng đi dạo. Hoa bàng vuông nở rồi kìa. Hoa trắng nở về đêm. Hoa như linh hồn người lính trẻ...”. Câu nói của Hải làm tôi chột dạ. Trưa nay khi viếng thăm mộ liệt sĩ trên đảo tôi cũng gặp hai người phụ nữ này khóc những tuổi hai mươi đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Các anh hi sinh cho Tổ quốc, cho Trường Sa mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Cô Phạm Thị Minh, người từng mất chồng trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm nào, nỗi đau tưởng không vượt qua nổi. Hơn ba mươi năm một mình nuôi con khôn lớn, lặng lẽ thờ chồng. Cô bảo: “Được ra Trường Sa lần này mình thấy nhẹ lòng hơn, nỗi đau mất chồng nguôi ngoai hơn. Những người lính trẻ nằm đây thiệt thòi nhiều quá. Anh nhà mình hi sinh nhưng còn có vợ con, còn được nằm trên đất quê hương. Còn các anh...”. Hai người đàn bà lại ôm nhau khóc... những giọt nước mắt lặn vào đêm.
 
Đêm những “mắt thần” trên biển

Khi đặt chân lên Nam Yết, tôi đã được các anh chỉ huy trên đảo xếp phòng nghỉ như nhà khách ở đất liền. Phòng có tivi, quạt, bàn làm việc, có cả tắm nóng lạnh. Phòng đủ là thế, nhưng tôi muốn mình có một đêm thức cùng lính đảo. Những bước chân đêm đưa tôi đến với người lính ở Trạm Ra-đa 57. Biết tôi công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội - nơi nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đang làm việc, anh em ra-đa vui lắm. Sở dĩ có điều đó là bởi vì nhà văn Nguyễn Xuân Thủy từng có 2 năm làm lính phòng không trên đảo và không ít người đã đọc Biển xanh màu lá của anh. “Ông là bạn của Thủy thì cũng là bạn của chúng tôi” – Thiếu tá Nguyễn Thái Học nói. Tôi bảo chúng ta cùng là người lính là đồng đội của nhau nên đêm nay tôi muốn ở lại với các anh em trên trạm. Không ai bảo ai, tất cả anh em ra-đa đều trả lời: Được! Vậy là trà nóng, cây lá được bày lên chốt trạm. “Thông cảm cho lính ra-đa nói riêng và anh em trên đảo nói chung, từ lâu ở đảo chỉ có trà chứ không có rượu. Đó là quy định và cũng là ý thức của anh em. Ở đây, dù bất kì thời điểm nào, hoàn cảnh nào thì tinh thần sẵn sàng chiến đấu luôn được đặt lên cao nhất: Không một phút lơ là, không một giờ ngơi nghỉ, chúng tôi đứng đây canh giữ biển quê nhà, chúng tôi người lính ra-đa, những “mắt thần” trên biển, đôi mắt chúng tôi là muôn cánh sóng, đôi mắt chúng tôi như những cánh chim trời, giữa bão tố phong ba chưa bao giờ biết mỏi...”, Trạm trưởng Nguyễn Xuân Lượng vừa nói vừa cười. Tôi đáp lại lời anh: “Tưởng lính ra-đa khô khan mà lãng mạn quá nhỉ!”. -“Không lãng mạn mà Nguyễn Xuân Thủy trở thành nhà văn à?. Mà chúng tôi không chỉ có thơ, có nhạc đâu nhé, còn rất nhiều thứ khác nữa đấy!” - Trạm phó Đoàn Văn Hiến bổ sung. Vậy là cả trạm lại rung lên bởi những tiếng cười. “Phú bảy ngày”, cậu nói gì đi chứ? Đừng có nhớ vợ lúc này. Cứ yên tâm, tháng sáu tới anh em của trạm sẽ nhường hẳn cho vợ chồng cậu một phòng, thỏa cơn nhớ vợ. Mà vợ đã ra là phải thể hiện tinh thần của lính ra-đa... khi ra thăm chỉ một người nhưng về thì dứt khoát phải hai nhé” - Câu đùa của thiếu tá Nguyễn Thái Học khiến chàng trung úy trẻ Trần Phú (sinh năm 1990) bẽn lẽn. Anh em ở trạm đặt cho Trần Phú biệt danh “Phú bảy ngày” vì khi cưới vợ anh chỉ được nghỉ phép tròn một tuần (đường về mất hơn 2 ngày, chuẩn bị cưới 3 ngày, ở với vợ được một đêm thì đi). Phú bảo: “Em đã đăng kí với cấp trên và được chuẩn y tháng 6 này vợ em sẽ ra thăm chồng. Cũng mong nhưng lo lắm anh ạ. Tháng sáu hay có bão, sóng to gió lớn mà phụ nữ chân yếu tay mềm lại bị say tàu xe thì không biết có ra nổi không. Bảo được ra thăm chồng , vợ em quyết tâm lắm, dù công việc làm may bận tối ngày nhưng ngơi lúc nào lại tập thể dục, nâng cao sức khỏe. Các bạn ở công ti trêu: “Gớm sắp ra thăm chồng có khác, mày mà khỏe quá, anh Phú sẽ không chịu được đâu. Nghe nói ngoài đảo thiếu đủ thứ, ai cũng đen như hòn than và gầy như ông đạp xích lô ngoài phố kia kìa” nghe mà cười chảy cả nước mắt. Mà bọn em ở đây đen thì có chứ đâu gầy anh. Đời sống trên đảo bây giờ được Nhà nước, Quân đội quan tâm nhiều. Trước đây nước là một vấn đề của lính đảo nhưng giờ nhiều đảo không có giếng nước ngọt thì đã có máy lọc nước biển thành nước lợ, tắm thoải mái, thức ăn ngoài phần được chu cấp, còn có phần chăn nuôi, trồng trọt tự cung, tự cấp. Thứ thiếu nhất là tình cảm của gia đình thôi”. Quả thật, khi quan sát ở trên đảo chỉ thấy người lính nào cũng sạm đen, rám nắng, chứ thân thể thì cường tráng vạm vỡ lắm.... Đã lâu rồi tôi mới có được một đêm chuyện trò với lính mà vui đến thế. Gần sáng, anh em Trạm nghĩ tôi đã mệt vì đi nhiều và ít ngủ nên nhắc tôi về phòng nghỉ. Tôi về phòng nhưng không ngủ được, lại lặng lẽ ra lan can ngồi. Trăng đã lặn, trên trời muôn vì sao vẫn lấp lánh sáng. Lính ra-đa có lẽ người đã ngủ, người vẫn trên chốt trạm để trông từng cánh sóng. Ngàn cánh sóng bay đi lại hồi về muôn ngàn hình ảnh: Trời Trường Sa, biển Trường Sa, đảo Trường Sa... Còn hình ảnh các anh đang hồi về tâm trí của hàng triệu người con nước Việt. Yêu lắm! Mà cũng tự hào lắm!

Chia tay Trường Sa, chia tay những người lính nơi đầu sóng ngọn gió, đường trở về đất liền sẽ vẫn là những đôi mắt. Mắt lính trông về đất mẹ với lời thì thầm: “Chúng tôi sẽ giữ yên biển trời của Tổ quốc, một ngọn sóng không đổi, một tất đất không rời”. Mắt người trở về vợi vợi nỗi nhớ mong, ước thêm một lần được ra với Trường Sa, được là người lính Trường Sa cho thỏa chí trai. Vậy đấy, cuộc đời con người luôn là những chuyến đi dài.
Những chuyến đi để thương để nhớ.
Trường Sa, tháng 4 năm 2017
Đ.V.M (Nguồn: Văn nghệ Quân đội)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *