Văn học với đời sống

30/3
9:03 AM 2017

MƠ HỒ THEO DẤU VÂN CÂY

VŨ NHO-Vũ Từ Trang là cái tên quen thuộc với bạn đọc. Anh viết chân dung văn học (một công việc cực khó, đòi hỏi quen biết và gần gũi nhiều bạn văn và phải có năng lực quan sát chi tiết, khái quát), truyện dài, tiểu thuyết, khảo cứu nghề truyền thống. Nhưng có lẽ thơ là mảng anh dành nhiều tâm huyết. Vì số lượng thơ là nhiều nhất 6 tập. Tập sách đầu tiên của anh cũng là thơ.

                                                                          Nhà thơ Vũ Từ Trang

Một chặng dài trong cuộc đời cầm bút, thơ của Vũ Từ Trang cũng thay đổi theo thời gian, theo kinh nghiệm sống, sự từng trải và sự thay đổi quan niệm về nghệ thuật. Ngay từ tập "Vòng tròng không đồng tâm" (2010) nhà thơ Vũ Quần Phương đã ghi nhận sự thay đổi ấy: "Tập thơ này có nét khác so với các tập trước của Vũ Từ Trang: không hướng thơ ra hiện thực ngoài đời mà lại quay vào những kỉ niệm, những chiêm nghiệm của lòng mình" (Bóng mát dọc đường xa, nxb Hội nhà văn, 2014, trang 276). Với tập " Cây chuyển mùa", nhà thơ tiếp tục xu hướng đó một cách bình tĩnh, tự tin hơn.

Nhớ kỉ niệm, hoài niệm là một trong những hoạt động tâm lí của con người. Nhưng có lẽ khi người ta trẻ, con đường phía trước đang rộng mở, người ta có bao nhiêu khát vọng thì nhu cầu ngoảnh lại phía sau tuy có, song không phải là nhiều. Chả thế mà hầu hết những nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội xuất hiện nhu cầu viết hồi kí chỉ khi tuổi đã cao. Hoài niệm cũng vậy, khi người ta càng đi xa mốc xuất phát thì người ta càng hay "ngoảnh lại" phía sau. Nhà thơ Vũ Từ Trang cũng thuộc về quy luật chung đó. Viết về một dòng sông, con sông Gâm, nhà thơ nhớ:

Em ta sang sông bơ vơ một mình

vạt áo mỏng manh trái tim bỏ ngỏ

Sông Gâm thuyền tan bè lao thác đổ

ném cả tuổi xuân rừng xanh núi đỏ

"Tuổi xuân" trong câu thơ thứ tư làm chứng cho mạch hoài niệm đó. Bạn đọc sẽ còn thấy nhiều nữa những dấu mốc "hoài niệm" khác đậm đặc trong Sen, Noel 1979, Khúc hát xưa, Khúc ngoặt, Lời mưa, Chiều, Quê, Chùa, Nhớ bạn, Hoa cải vàng,...

Những kỉ niệm một thời xa vắng luôn luôn thấp thoáng. Một thời gian khó, vất vả, nhưng đầy nhớ thương. Hình như những nơi cằn cỗi, nhọc nhằn lại là những nơi hằn sâu kỉ niệm. Hoặc giả là tạng Vũ Từ Trang là tạng người của những vất vả, cần lao? Nhớ mẹ ở làng, nhà thơ nhớ cùng với cảnh:

tiếng sáo diều u u tiếng quạt trần cắt gió

mẹ tôi ngồi kiểm những đồng tiền khốn khó

đồng tiền lương thiện một ngày

Hình như đêm phủ

Nhà thơ nhớ "xóm nhỏ khói sương", em và người mẹ tảo tần:

Mẹ cuốc đồi

bờ sông mê man gió

con đường mòn

lúa chín vàng

lẫm châm bước chim di

Khúc ngoặt

Đi nhiều nơi, trải nhiều miền, nhưng nơi nào thiên nhiên càng khắc nghiệt thì kỉ niệm càng lấp lánh sáng. Cao nguyên đá Đồng Văn neo trong thơ anh hình ảnh "Mẹ già còng lưng gùi nước lên nương/ Mẹ lầm lũi đi nghìn năm đá dựng/ Cháu bé lũ tũn sách bút đá dốc/ Đá sắc hơn dao, bàn chân giật thót" (Cao nguyên đá). Những người dân Phan Rí thật kiên cường dù chỉ là sống cuộc sống bình thường trên mảnh đất quê:

Cát đỏ rực dưới bầu trời mùa hạ

nắng như rang và gió như phang [...]

Nụ cười nhăn nheo, cánh đồng khát nước

dẫu cay cực

vẫn bám quê mà sống

hạnh phúc nhỏ nhoi

trái cây non bói quả đầu mùa

giọt mồ hôi sôi trên cát bỏng

Hạ khát

Đến Khe Mo một chiều giông gió, chứng kiến Khe Mo "đất cằn cỗi, vườn nhà cằn cỗi" "hội Khe Mo là mùa dỡ sắn", và ám ảnh nhất là người Khe Mo:

Con mắt lầm lì bàn chân lận đất

Con mắt Khe Mo âm u héo hắt

thời gian thũng thẵng đi qua bếp nghèo

Khe Mo

tác giả "mới thấm đời mình mấy khi đã khổ", kể cả khi "vừa đói vừa rách", khi xe đạp tuột xích, hai tay "dính đầy dầu luyn" hay khi lỡ chuyến vì "Tàu như bão lướt qua, anh vẫn chậm như rùa", và cả khi "anh trắng tay!" (Noel 1979Đường trên cao).

Ngôi nhà xưa ở làng, góc vườn nhỏ, con đường lá rụng, đầm sen, "thăm thẳm đầu sông một ngọn đèn nhỏ", "con đường dốc, khúc ngoặt bất ngờ". "em mãi là cây trám lẻ bên trời", rồi hoa cải vàng "giữa trời cao núi dựng"... cứ thấp thoáng, cứ lấp lánh sáng trong hoài niệm gợi một nỗi bâng khâng, một niềm day trở có khi lặng lẽ, có khi nhức nhối "đau mắt người nhớ mong".

Những kỉ niệm về gia đình, bè bạn, những người thân, những người đã gặp trong cuộc sống trong tập thơ 40 bài lần lượt cho người đọc thấy tâm sự, tâm tình, và chân dung tâm hồn người viết.

Vũ Từ Trang tự nói với bác sĩ "bệnh" của mình ấy là "căn bệnh cả nghĩ":

những ý nghĩ lung tung vỡ vụn thủy tinh

những ý nghĩ không định hướng

những ý nghĩ

như cánh chim khắc khoải

muốn cất cảnh khỏi mặt đất phiền muộn

Trong phòng khám bệnh

Anh nghĩ về những đổi thay của cảnh vật, con người, về thân phận " người viết thơ sen ba tấc đất yên rồi":

Phố huyện đèn dầu giờ sáng loáng cửa gương

em trong ngần lầm lì buôn đất

thơ sen chôn cất

đầm sâu

Sen

Anh nghĩ về "con đường lá chập chờn định mệnh" (Con đường lá rụng), về thời gian chiều tà và đường đời, đường nghệ thuật:

Con đường ngày một lùi xa

bước chân chớm mỏi

con đò ngẩn ngơ

phận người tỉnh tỉnh mơ mơ

Chiều

Anh nghĩ về khó khăn của hai chữ "bình yên" khi mà:

Cuộc sống tít mù miếng mặn miếng chay

đồng tiền ngày đêm trắng đen sấp ngửa

Buổi cầu lễ

Anh nghĩ về "ngôi nhà quê, ngày thêm quạnh quẽ/ cây cau âm thầm rơi bẹ cau/ gốc bưởi ào ào lá đổ/ mảnh sân gạch rêu lên tứ phía" (Bình tro). Về chuyện phá chùa rồi lại xây chùa "nay sư thầy trẻ nói tiếng Anh như hát/ cà sa sa tanh phóng vèo xe cúp" (Chùa). Anh nghĩ về "da thịt con người chảy ngược từ đáy móng lên đỉnh tháp" rồi bật lên câu hỏi "Bayon bốn mặt cười/ mặt khóc dấu đâu, em". Anh nghĩ về sự "mong manh thơ bạn thơ mình" (Nhớ bạn). Rồi băn khoăn như bao người viết:

Thơ tôi có đủ làm ngọn gió mát lành

lau má em khô nước mắt?

là tấm bánh nhỏ nhoi trên tay người đói khát

có đỡ mẹ mỏi chân giữa cánh đồng chiều

có dắt tay ai phân vân ở ngã ba đường

Ảo giác

Nhà thơ quan sát tranh hay là những chiêm nghiệm, quan sát, ngẫm nghĩ từ cuộc đời:

Những cặp mắt mở to trách móc

những bàn tay mệt mỏi buông lơi

những bàn chân rã rời dò dẫm

những khát vọng không còn đất sống

người thêm cô đơn giữa vòng tay người

Tranh siêu thực

Trong tập "Những vòng tròn không đồng tâm", nhà thơ day dứt với tường vi:

Hoa tường vi bây giờ đã chết

Em có còn nhớ hoa ấy không?

Trong tập này câu hỏi đó lặp lại với Sen:

Người viết thơ sen ba tấc đất yên rồi

Câu thơ sen giật mình thầm hỏi

Em còn nhớ sen?

Tường vi hay Sen là biểu tượng của cái đẹp, sự thanh khiết, sự trong trẻo của một thời gian khổ mà mơ mộng, cũng là biểu tượng của những con người tử tế. Điều tốt đẹp ấy đáng sợ nhất là người ta vô tình lãng quên!

Sẻ chia những kỉ niệm, những ý nghĩ không định hướng, khắc khoải; sẻ chia những gì chiêm nghiệm bằng một giọng tâm tình, thủ thỉ như nói với bạn, mà cũng như chỉ là để nói với mình. Đó là điểm mạnh và cũng là điểm thú vị của tập thơ này.

Những dòng trên đây tạm coi là cách mơ hồ theo dấu vân cây, khi "Cây chuyển mùa". Nhưng vẫn mong sẻ chia với người viết và những bạn đọc yêu quý thơ anh.

Nguồn: Tạp chí Thơ

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *