KHUYNH HƯỚNG CÂY BÚT “ĐA NĂNG” ĐANG PHÁT TRIỂN
Thạc sĩ HOÀNG ĐĂNG KHOA
Lịch sử văn học nước nhà, nhất là từ thời kỳ hiện đại, được chứng kiến sự trình hiện, bung trổ hết sức ngoạn mục, ấn tượng, thuyết phục của những tác giả đa năng, đa tài. Chẳng hạn như Xuân Diệu, người ta biết đến ông với tư cách là “ông hoàng của thơ tình yêu”, người ta cũng biết đến ông với tư cách là nhà văn, là nhà phê bình, và là dịch giả.
Hoặc như Nguyễn Đình Thi, không kể tư cách nhạc sĩ, chỉ tính riêng trong lĩnh vực văn học thì người ta cũng thấy bất an khi định vị, định danh ông là “nhà” gì, bởi ở ông “nhà” gì cũng lớn: Nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận-phê bình, nhà viết kịch...
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, phát biểu tại Hội thảo khoa học "Xuân Diệu-Tác gia và di sản" tổ chức tại TP Hà Tĩnh ngày 20-1-2016,
nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu (2-2-1916 / 2016). Ảnh: TUYÊN HÓA
Trong không gian văn hóa đương đại, hiện tượng những cây bút đa năng cũng không phải là hiếm. Chẳng hạn như: Trương Đăng Dung, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Chí Hoan, Chu Lai, Hồ Anh Thái, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Lê Thành Nghị… Tiêu biểu cho những tác giả “nhiều tay nhiều súng” thế hệ 7x, có thể kể, là Nguyễn Ngọc Tư, Lê Thiếu Nhơn, Văn Cầm Hải, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Thụy Anh, Bình Nguyên Trang…
Đặc biệt, có thể nói, văn đàn đương đại đang chứng kiến sự trỗi dậy ấn tượng của một thế hệ cây bút trẻ (sinh năm 1980 trở lại đây) “nhiều trong một”. Đó là Mai Anh Tuấn, đoạt giải nhất cuộc thi thơ online trên trang web thotre.com năm 2008, đoạt giải cuộc thi Văn học tuổi 20 lần IV năm 2010 với tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu, thời gian gần đây nổi lên với tư cách là một tiếng nói phê bình cá tính, sắc sảo, và hiện tại đang bước đầu thử sức với lĩnh vực dịch thuật. Đó là Nguyễn Thị Thùy Linh, đoạt giải nhì cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015-2016, là dịch giả của nhiều công trình được xuất bản, ngoài ra còn là tác giả của những truyện ngắn được đăng tải trên nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín. Đó là những người vừa làm thơ vừa viết văn xuôi như: Trịnh Sơn, Vũ Thị Huyền Trang, Văn Thành Lê, Hồ Huy Sơn, Ngô Thị Thanh Vân...; vừa làm thơ vừa viết phê bình như: Vi Thùy Linh, Phan Tuấn Anh, Trần Hoàng Thiên Kim, Phạm Vân Anh, Lương Kim Phương, Nguyễn Nhật Huy, Phạm Văn Vũ...
Những người sinh ra để làm văn chương thì không có gì thuộc về văn chương mà lại có thể xa lạ với họ. Chẳng hạn, một khi đã là nhà thơ, nhà văn đứng được trên văn đàn thì dù có viết phê bình hay không, bản thân người đó trước hết đã là một nhà phê bình, tự định hướng, tự biên tập và tự đánh giá, thẩm định sáng tác của mình, và anh ta cũng sẽ đọc sáng tác của người khác với tư cách là một người đọc lý tưởng, tức là một nhà phê bình.
Tác giả Nguyễn Minh Khiêm chia sẻ: “Có người khuyên tôi nên tập trung một món thôi, đừng bừa xằng cả ruộng thế. Tôi nghĩ khác. Victor Hugo sáng tác hàng nghìn bài thơ, hàng nghìn bức tranh, đâu phải mình tiểu thuyết. Rabindranath Tagore cũng có hàng nghìn bài thơ, hàng nghìn bản nhạc, hàng chục cuốn tiểu luận, bao nhiêu tiểu thuyết… Tôi coi viết là một cuộc khám phá chính mình. Càng viết, tôi càng thấy có một nguồn năng lượng sâu thẳm nào đó trong tôi tuôn chảy. Cảm thấy vừa tay với cái gì thì tôi viết cái đó”. Tác giả trẻ Phan Tuấn Anh khẳng quyết: “Không có khoảng cách nào và cũng chẳng có mâu thuẫn gì giữa lý thuyết với sáng tạo văn học. Giữa tư cách nhà thơ với nhà lý luận-phê bình cũng vậy. Nếu như có một nhà lý luận-phê bình nào đó làm thơ dở thì đó là do anh ta kém tài tư duy sáng tạo chứ không phải do tư duy lý luận-phê bình làm hại”. Tác giả trẻ Nguyễn Thị Thùy Linh giãi bày: “Sáng tác thơ, truyện ngắn hay dịch văn học đều là những công việc hấp dẫn của văn chương. Tôi say mê thơ nhưng nếu có khả năng và điều kiện viết truyện ngắn hay dịch thuật thì tôi luôn hào hứng. Tôi không thấy có bất lợi gì ngoài việc một lúc nào đó tôi trở nên bất tài trước lĩnh vực đó thôi. Những công việc ấy bổ trợ cho nhau, ít nhất là chúng thanh lọc cảm xúc trong tôi hiệu quả”.
Mọi sự là “tùy duyên”. Có người không có khả năng viết đồng thời nhiều thể loại. Có người có thể viết đồng thời nhiều thể loại nhưng họ chỉ chuyên tâm chuyên chú đi đến tận cùng một thể loại mà họ sở trường nhất, thuận tay nhất. Có người muốn được khám phá mình, tìm kiếm mình, bung trổ mình, giải phóng năng lượng sáng tạo của mình bằng nhiều thể loại khác nhau. Có nghĩa là, trở-thành-ai là hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng và sự lựa chọn của mỗi người.
Thực tiễn văn học của thế giới và Việt Nam cho thấy, nhiều cây bút tài năng, có trữ lượng sống và viết vạm vỡ, hoàn toàn có thể thành công trên nhiều lĩnh vực, thể loại. Họ kiến tạo nên hiện tượng giao thoa, thâm nhập, cộng sinh, liên thể loại rất thú vị. Văn xuôi, văn phê bình của người làm thơ thì thường cô nén, ám gợi, giàu thi tính. Thơ của người làm phê bình thì thường cảm xúc được tiết chế để ưu tiên khơi vẫy những đối thoại tư tưởng. Văn phê bình của người sáng tác thì thường mềm mại, tươi sống, tung tẩy, tính chất nghệ thuật lấn át tính chất kinh viện hàn lâm khoa học, được viết bằng lợi thế của người trong cuộc, thông tường bếp núc văn chương. Sáng tác của người dịch thuật thì thường pha nhuốm sắc màu hiện đại, phi dân tộc tính, hướng đến những giá trị phổ quát. Văn phê bình của người dịch thuật thì thường uyên bác, thông tuệ, tựa trên một chân đế lý thuyết và hệ tư tưởng triết-mỹ vững chắc…
Sự trình hiện, bung trổ ấn tượng, thuyết phục của những đa năng, đặc biệt là những cây bút trẻ, vừa phản ánh quy luật, hiện tượng tự nhiên, tự thân của văn học, vừa chứng tỏ nội lực văn hóa mạnh mẽ, phông nền kiến văn dày rộng, khả năng thực hành sáng tạo phong phú và sự đắm đuối với văn chương chữ nghĩa vô bờ bến nơi những chủ thể sáng tạo văn học hôm nay.
(Nguồn: qdnd.vn)