Tin tức

1/6
4:54 PM 2016

TIN VẮN

“BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75” TÁI BẢN LẦN THỨ BA

Phiên bản đặc biệt của cuốn tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” vừa được tái bản lần thứ ba với số lượng 5000 cuốn, trong đó có 1000 cuốn bìa cứng.

Nhà văn Trần Mai Hạnh trong buổi ra mắt sách tái bản lần thứ ba

Ấn hành lần đầu vào tháng 4-2014 và đã đạt Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, lần tái bản này cuốn sách được bổ sung nhiều yếu tố mới. NXB Chính trị quốc gia - Sự thật vẫn giữ nguyên phần tư liệu ở cuối sách. Đây là những tài liệu mà tác giả được tiếp cận sau ngày 30-4-1975 liên quan trực tiếp đến cuộc chiến, trong thời gian diễn ra sự sụp đổ được xem là tuyệt mật của "phía bên kia", gần như lần đầu được công bố toàn văn.

Cuốn sách cũng bổ sung tư liệu là những lược trích ý kiến nhận xét của Hội đồng Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam; nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhận xét của ông M.R. Sukhumbhand Paribatra, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015 về cuốn sách tại Lễ trao giải; hai bài phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Văn học năm 2014 và Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN năm  2015, bài tham luận “Văn chương vì phẩm giá hiện tại và tương lai” tại Diễn đàn Văn học Đông Nam Á tổ chức tại Bangkok, Thái Lan ngày 16/12/2015 của nhà văn Trần Mai Hạnh…

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 có giá trị cao cả về mặt văn học, sử học và báo chí. Cuốn sách này góp phần lấp được một khoảng trống lớn cho văn học tư liệu về Chiến dịch Mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tác phẩm được viết với một góc nhìn điềm tĩnh, khách quan và đầy nhân văn.

BCH Hội Nhà văn Việt Nam đang tiến hành dịch thuật và hiệu đính tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 sang tiếng Anh nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học viết về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam tới bạn đọc trên thế giới. 

Theo: vannghequandoi.com.vn

CÀ MAU: BỒI DƯỠNG VỀ NGHỆ THUẬT MÚA

Từ ngày 26 đến ngày 30-5-2016, Hội VHNT tỉnh Cà Mau đã tổ chức Lớp bồi dưỡng kỹ năng biên tập và xây dựng kịch bản Múa cho hội viên và cộng tác viên chuyên ngành Múa. Các giảng viên Khoa quản lý Văn hóa - Nghệ thuật của Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh trực tiếp truyền dạy.

Một buổi lên lớp của các học viên

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Múa lần này nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản trong sáng tác tác phẩm múa, như viết kịch bản, dàn dựng tác phẩm và nhận diện tác phẩm múa... Nhiều hội viên chuyên ngành Múa tuy đang công tác trong lĩnh vực này ở Cà Mau nhưng phần lớn chưa qua trường lớp đào tạo bài bản nên còn những hạn chế. Lớp tập huấn sẽ giúp cho học viên hiểu về nghệ thuật múa, phương pháp sáng tác và các bước tiến hành dàn dựng, hoàn thành tác phẩm, khai thác hình tượng múa từ đời sống sinh hoạt hàng ngày mang đậm bản sắc vùng sông nước Cà Mau.

Sau 5 ngày học tập, 18 học viên đã hoàn thành 19 kịch bản múa, mỗi học viên đều viết được một kịch bản, có học viên viết đến hai kịch bản. Trong số 19 kịch bản trên, có 10 kịch bản được xếp loại A, B, C và khuyến khích, đây sẽ là niềm động viên, khích lệ để anh chị em tiếp tục hoàn chỉnh tác phẩm của mình trong việc dàn dựng, biểu diễn, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng Cà Mau.

Theo: hvhnt.camau.gov.vn

VĂN NGHỆ SĨ HÀ TĨNH THAM QUAN ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP

Nằm trong kế hoạch hoạt động của năm 2016 đã được Ban thường vụ Hội thông qua, từ ngày 24 đến 29-5-2016, đoàn cán bộ, văn nghệ sĩ Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh tổ chức chuyến thực tế tham quan đất nước Cam-pu-chia.

Đoàn tham quan đền Angko Wat, một kỳ quan của thế giới

Những ngày trên đất bạn, đoàn đã đến thăm các kỳ quan, thắng cảnh nổi tiếng như: cầu Rồng cổ nhất Đông Nam Á,  Đền Angko Wat, Angko Thom, Đền Bayon bốn mặt, Đền Taprom… Ngắm cảnh hoàng hôn trên đỉnh Bakheng cao 65 mét sau Đền Angko Wat, tham quan Hoàng cung, Chùa Vàng Bạc, Chùa Tháp, Quảng trường Độc Lập, ghé xem Sòng bạc Nagar Resort, đi du thuyền trên sông Tonlé sap, mua sắm tại siêu thị Sorya tại thủ đô Phnom Pênh, ghé vào chợ côn trùng, dùng các món ăn tự chọn tại các Nhà hàng Tonle Bassac….

Trên đường trở về, đoàn đã dừng chân một ngày đêm tại thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi công việc với các văn nghệ sĩ và gặp gỡ, người thân, bạn bè…

Theo: vanhocnghethuathatinh.org.vn

SƠ KHẢO GIẢI THƯỞNG VHNT YÊN BÁI 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái vừa hoàn thành vòng chấm Sơ khảo Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Yên Bái 5 năm lần thứ nhất. Hội đồng Giám khảo gồm 21 người. Ông Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo.

Một buổi làm việc của Hội đồng sơ khảo

Vòng Sơ khảo Giải thưởng VHNT Yên Bái 5 năm lần thứ nhất đã nhận được 200 tác phẩm của 90 tác giả (trong đó: văn xuôi có 14 tác phẩm của 14 tác giả; thơ 16 tác phẩm của 15 tác giả; mỹ thuật 24 tác phẩm của 12 tác giả; nhiếp ảnh 82 tác phẩm của 10 tác giả; âm nhạc 25 tác phẩm của 9 tác giả; văn hóa dân gian 3 tác phẩm của 4 tác giả; múa- biểu diễn- kịch 16 tác phẩm của 7 tác giả; điện ảnh- truyền hình 8 tác phẩm của 6 tác giả và nhóm tác giả; kiến trúc 12 tác phẩm của 13 tác giả và nhóm tác giả).

Hội đồng Sơ khảo đã chia thành 9 nhóm thuộc 9 chuyên ngành và phân công trưởng nhóm phụ trách. Các nhóm nhận tác phẩm về xem, đọc, thẩm định và chấm điểm theo thang điểm 10. Cuối tháng 6-2016, Hội đồng Sơ khảo sẽ họp thống nhất lần cuối danh sách các tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo dự kiến sẽ tiến hành vào đầu tháng 7-2016.

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái 5 năm là phần thưởng cao quý của UBND tỉnh dành cho giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà, nhằm khẳng định thành tựu VHNT và động viên văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao; góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm và nhu cầu thưởng thức của quần chúng nhân dân; làm cho VHNT Yên Bái ngày càng phát triển, đóng góp vào sự nghiệp chung của VHNT cả nước.

Theo: vanhocnghethuatyenbai.gov.vn

THƠ VĂN TRÊN KIẾN TRÚC CUNG ĐÌNH HUẾ LÀ DI SẢN THẾ GIỚI

Tại Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) họp vào cuối tháng 5-2016, hồ sơ "Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế" đã được xét duyệt và công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng được công nhận lần này còn có “Mộc bản trường học Phúc Giang” ở Hà Tĩnh.

Hội nghị lần này xem xét 16 hồ sơ của 10 nước đệ trình đăng ký công nhận là Di sản tư liệu chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để công nhận năm 2016. Trong đó, Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông và Macao)  có 04 hồ sơ, Việt Nam có 02, Hàn Quốc có 02, Malaysia có 02 hồ sơ. Các nước Uzbekistan, Nhật Bản, Singapore, Iran, Myanmar và Mông Cổ, mỗi nước có 01 hồ sơ. Việt Nam có 02 hồ sơ đăng ký là Hồ sơ "Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế"  và Hồ sơ “Mộc bản trường học Phúc Giang” ở Hà Tĩnh đều được thông qua với số phiếu cao.

Đây là nỗ lực từ phía Việt Nam để tiếp tục ghi danh những tư liệu vô giá của dân tộc, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc đồng hành cùng UNESCO để công nhận và bảo vệ các di sản văn hóa truyền thống. Hiện nay, trên kiến trúc cung đình Huế vẫn còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ… Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trong cả nước đều chung nhận định, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là nét độc đáo, riêng có.

Đến nay, sau gần 40 năm trở thành thành viên chính thức của UNESCO, Việt Nam đã có 8 di sản vật thể, 10 di sản văn hóa phi vật thể, 4 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.

Theo: tapchisonghuong.com.vn

TUYÊN HÓA Tổng hợp

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *