TIN VẮN
Hội thảo về thành tựu văn học VN 30 năm đổi mới (1986 – 2016)
Khoa ngữ văn, Trường đại học khoa học-Đại học Huế vừa tổ chức cuộc hội thảo khoa học với chủ đề: Thành tựu văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986 – 2016). Hội thảo là sự gặp gỡ của nhiều kiến giải, nhận định từ các nhà nghiên cứu phê bình văn học về những thành tựu của văn học Việt Nam kể từ năm 1986 đến nay.
Hội thảo đã thu hút được hơn 70 tham luận của các nhà khoa học và những người yêu văn học từ các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu trên cả nước. Nhìn chung, những tham luận trong hội thảo đã bao quát được thành tựu của các lĩnh vực cốt yếu như thực tiễn sáng tác, lý luận, phê bình, dịch thuật văn học trong ba thập niên qua.
Về diện mạo của khoa nghiên cứu văn học thời kỳ đổi mới, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương cho rằng: Thành tựu nổi bật nhất của khoa nghiên cứu văn học thời kỳ đổi mới là việc đánh giá công bằng đối với các hiện tượng văn học (khuynh hướng, trào lưu, tác giả, tác phẩm) trong quá khứ.
Trong tham luận: Lý luận phê bình văn học Việt Nam đổi mới-Cấu trúc tam tài và thế hệ F, nhà nghiên cứu văn học Phan Tuấn Anh, với tâm thế của thế hệ trẻ cho rằng: “Ngày nay, một nhà lý luận phê bình “mù chữ số” sẽ dần bị loại ra khỏi cuộc chơi, bởi tầm ảnh hưởng và tác động lên đời sống văn học của anh ta sẽ bị thu hẹp lại theo thời gian… Do đó, một thế hệ được sinh ra , lớn lên, đọc, viết và kết nối lẫn nhau trong nền tảng mạng đương nhiên sẽ dần chiếm lĩnh đời sống văn học nói chung (chứ không đơn thuần là văn học mạng) nhanh hơn chúng ta tưởng…"
Về thành tựu của thơ đã có nhiều tham luận giá trị. Tham luận Thơ Việt ba mươi năm đổi mới (1986 – 2016) của nhà thơ, nhà phê bình văn học Hồ Thế Hà đã bàn tới những khai mở của thơ ca trong những năm qua. Ông viết: Quan sát toàn cảnh thơ Việt từ 1986 đến 2016, chúng ta chứng kiến sự tồn tại nhiều khuynh hướng và nhiều nhóm thơ, kể cả nhiều nhà thơ cùng lúc sáng tác nhiều khuynh hướng, ở nhiều nhóm thơ trong nhiều thời khoảng khác nhau.”
Hội thảo đã có nhiều ý kiến phản hồi từ người nghe và những lý giải của các nhà khoa học cho những câu hỏi có tính vấn đề được nêu ra.
Theo tapchisonghuong.com.vn
Khai mạc Tuần lễ sách Nhật Bản
Sáng 12-5-2016, tại Nhà sách số 40 Nguyễn Huệ Q.1 TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ khai mạc Tuần lễ sách Nhật Bản và khai trương gian hàng sách tiếng Nhật.
Tuần lễ sách Nhật Bản do Công ty FAHASA phối hợp với Tập đoàn Kinokuniya tổ chức, diễn ra từ ngày 12-5 đến 19-5-2016, tại 2 địa điểm: Nhà sách Nguyễn Huệ (số 40 Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM) và Nhà sách FAHASA Tân Định – Lầu 2 (số 387-389 Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM).
Tham dự buổi lễ có ông Satoshi Nakajima-Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh; ông Hirotaka Yasuzumi-đại diện tổ chức xúc tiến thương mai Nhật Bản tại TP.HCM; ông Masashi Takai-Chủ tịch Tập đoàn Kinokuniya; ông Lê Hoàng-Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam…
Đọc diễn văn Khai mạc, ông Phạm Minh Thuận - Tổng giám đốc FAHASA cho biết: Trong khuôn khổ Tuần lễ sách Nhật Bản có triển lãm trưng bày và bán hơn 2.000 tựa sách với hơn 12.000 bản sách các loại, bao gồm: sách học Tiếng Nhật, sách thiếu nhi (của các NXB: Fukuinkan, Kaiseisha, Tokuma-shoten), sách văn hóa Nhật Bản, sách văn học, sách thời trang, sách nấu ăn, sách thủ công, sách làm vườn, sách kiến trúc (của các NXB Bunka-Shuppan, Boutique-sha, Graphic-sha)…
Hướng tới ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và mùa nghỉ hè đang tới, chiếm số lượng lớn trong các thể loại sách trong triển lãm này là sách dành cho các em thiếu nhi, từ những series truyện tranh được đã quen thuộc với nhiều thế hệ thiếu nhi như: Thủy Thủ Mặt Trăng, Doraemon, 7 viên Ngọc Rồng, Kỵ sĩ mặt nạ, Thám tử Conan… đến cổ tích Nghìn lẻ một đêm và sách dạy kỹ năng sống…
Trong thời gian diễn ra triển lãm, người mua được hưởng mức chiết khấu ưu đãi 10% giá bìa cho tất cả các loại sách. Bạn đọc cũng có thể mua sách đang triển lãm qua trang thương mại điện tử Fahasa.com. Được biết, công ty FAHASA sẽ cùng với tập đoàn Kinokuniya tiếp tục mở gian hàng sách tiếng Nhật tại Nhà sách FAHASA Hà Nội và tiến tới xuất khẩu sách Việt Nam tới Nhật Bản qua trung gian là tập đoàn Kinokuniya.
Một góc triển lãm sách tiếng Nhật
Tin và ảnh: Quốc Toàn
Khai mạc Trại sáng tác âm nhạc 2016
Sáng 6-5, tại Nhà sáng tác Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Hội nhạc sĩ Việt Nam đã khai mạc trại sáng tác âm nhạc năm 2016. Trong thời gian 15 ngày (từ 6-5 đến 20-5), các nhạc sĩ đến từ nhiều tỉnh, TP trên cả nước tham dự trại sẽ trao đổi kinh nghiệm sáng tác, học hỏi lẫn nhau, tham quan thực tế một số địa danh ở Đà Lạt - Lâm Đồng để lấy cảm hứng sáng tác.
Phát biểu tại lễ khai mạc, nhạc sỹ Tôn Thất Lập – Uỷ viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam mong muốn: Các nhạc sĩ tham dự trại lần này sẽ cho ra đời nhiều ca khúc mang tính nghệ thuật cao, khám phá những bút pháp thể hiện mới, với ngôn ngữ âm nhạc mới, mang hơi thở mới. Về nội dung, đề tài, Trại sáng tác hướng đến những tác phẩm phản ánh thực tiễn cuộc sống đương đại.
Theo baolamdong.vn
Xuất bản Tuyển thơ về quê hương Hà Tĩnh
Nhân kỷ niệm 185 năm ngày thành lập và 25 tái lập tỉnh Hà Tĩnh, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy và sự phối hợp của Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh tổ chức xuất bản Tuyển thơ giới thiệu những tác phẩm viết về quê hương của những người con Hà Tĩnh xa quê.
1. Đối tượng được tuyển chọn là các tác giả quê Hà Tĩnh hoặc có nhiều năm gắn bó với Hà Tĩnh, nhưng sau đó sinh sống, công tác tại các vùng quê khác, kể cả ở nước ngoài (có thể đã mất hay còn sống).
2. Mỗi tác giả chỉ chọn tối đa 5 bài (trích đoạn với trường ca) với chủ đề viết về quê hương Hà Tĩnh (ký ức về một thời về quê Cha đất Tổ cũng như những cảm xúc kỷ niệm khi được trở về chứng kiến sự đổi thay của quê hương sau ngày tái lập tỉnh).
Ngoài phần tác phẩm, mỗi tác giả gửi kèm 01 ảnh chân dung tự chọn và trích ngang tiểu sử: Họ và tên; Quê quán hoặc thời gian sinh sống, công tác tại Hà Tĩnh; Chức vụ, Hội viên của các Hội nhà văn, Hội VHNT; Nơi công tác hoặc địa chỉ liên lạc hiện nay, điện thoại, Email…
3. Tác phẩm được công bố kể từ năm 1945 lại nay.
4. Địa chỉ liên hệ: Trần Hải Vân - Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh. 34B, Nguyễn Công Trứ- TP Hà Tĩnh. Email: tranhaivan.vhnt@gmail.com. ĐT: 0983337293.
- Với tác giả ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, có thể gửi về: Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc -TBT báo Gia đình và Xã hội. 138 A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 0913229956 / Email: canhnhac@gmail.com
- Với tác giả tại TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, có thể gửi về: Nguyễn Công Bình - NXB Thanh niên, Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh. 270 Nguyễn Đình Chiểu, P. 6, Q. 3, Tp. Hồ Chí Minh . ĐT: 0968136748. Email: hoangvan.nxbtn@gmail.com
5. Hạn chót nhận bài vào ngày 15-6-2016 (theo dấu bưu điện hoặc thời gian gửi vào hộp thư Email của BBT)
Theo vanhocnghethuathatinh.org.vn
TUYÊN HÓA tổng hợp