NGƯỜI CÓ ĐUÔI-TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN THẾ HÙNG
Ảnh minh họa-nguồn: Internet
Nghĩa là anh ấy đã có một quãng đời tuổi trẻ để hấp thụ cái văn hóa Đ. B và đương nhiên là làm cho một vài cô gái mãi ôm những vết thương ngọt ngào trong lòng nhưng chỉ mình cô ấy và Trần biết. Khi chúng tôi lên đến nơi, sau một chầu rượu “khát vọng”, Trần lẳng lặng lặn mất tăm tích với một trong số những cô bạn mới một vài phút trước còn ngoắc tay “khát vọng”. Rồi chả hiểu sao, tôi cứ ngồi lại và những người bạn cứ lẳng lặng ra về hết chỉ còn lại mỗi Nguyệt ngồi bên.
Chỉ còn lại hai người, với bếp lửa hồng, với nậm rượu Mông Pê còn hôi hổi nóng, tôi và Nguyệt vẫn cùng nhau uống “khát vọng” như thường. Nghe nói Nguyệt đã từng lọt vào tốp mười của cuộc thi Người đẹp hoa ban mấy năm trước. Đúng là Nguyệt đẹp thật, má bắt ánh lửa, rượu Mông Pê đã ngấm, đôi mắt Nguyệt cũng như có một ngọn lửa nho nhỏ, chập chờn gọi mời. Nguyệt ngồi gần tôi hơn một tầm tay với. Đến ly “khát vọng” thứ ba, tôi nghe thoảng bên tai Nguyệt hỏi: “Anh có muốn đi không?” Thường trong hoàn cảnh đó, người ta sẽ nghĩ rằng Nguyệt đang muốn rủ tôi đi khách sạn, hay chí ít cũng đi như Trần đã đi với cô bạn của anh ấy nửa tiếng trước đây, nhưng lạ, riêng tôi lại không nghĩ rằng, Nguyệt đang muốn rủ tôi đi như thế. Chính vì không nghĩ vậy nên tôi mới hỏi lại Nguyệt: “Em muốn đưa anh đi đâu?”. “Đi xem làng người có đuôi, năm một lần, vào ngày này, lúc nửa đêm, họ sẽ cởi bỏ hết quần áo mà nhảy múa, những cái đuôi tuyệt đẹp cứ quấn vào nhau… Họ dùng lá thích - vì ở đây không có lá nho - che đi những bộ phận nhạy cảm trên thân thể và những cái đuôi, nhưng cái đuôi cứ quấn riết vào nhau, dũng mãnh nhưng mềm mại, mơn trớn rồi đẩy đưa”. “Có giống đuôi những con ngựa không? Hay là như đuôi của những chú khỉ?”. “Không, trông xa giống đuôi cá sấu, nhưng mềm mại hơn, mềm như lông chồn hương anh ạ. Khi họ múa những cái đuôi quấn vào nhau, rồi họ có thai và sinh con, cả làng ấy có thai cùng một giờ và những đứa con được sinh ra cùng một ngày, trước sau chỉ vài tiếng đồng hồ…”. “Lạ nhỉ, từ đây đến đó bao xa, mình đi bằng phương tiện gì?” “Không xa lắm đâu, khắc đi khắc đến mà, anh cứ theo em”. Không thể cưỡng lại được sự tò mò, tôi chếnh choáng bám vai Nguyệt xuống từng bậc cầu thang rồi đi trong mông lung sương mù Đ. B. Rượu Mông Pê đã ngấm, nhưng sao đầu óc tôi tỉnh táo vô cùng, tỉnh táo để phân vân là tại làm sao có một tộc người có đuôi, sống ngay trên đất nước mình mà tôi lại không được biết, chí ít thì cũng có một người nào đó biết rồi kể lại, rồi Trần - anh bạn thân của tôi nữa - sinh ra và lớn lên ở đây, chả lẽ anh ấy lại không biết… Tôi đem thắc mắc ấy ra hỏi thì Nguyệt nói: “Em cũng thấy lạ là chỉ mình em biết chuyện này, mà em nói thì chả ai tin, nên anh là người đầu tiên tin và theo em đi xem đấy. Đến đó rồi anh sẽ biết”.
*
Hình như là đêm đã vào sâu lắm, trăng lu sau những cánh rừng thích đang mùa thay lá, lạ cho con chim Bắt Cô Trói Cột cứ hằn học hậm hực kêu mãi một câu “bắt cô trói cột, bắt cô trói cột, bắt cô trói cột, bắt cô trói cột…” Phía sườn núi bên kia con chim Đa Đa đang khản giọng khảm khắc vào đêm những tiếng khêu khắc khoải, rỏ máu từ tim: “Cóc đập chết Đa Đa… Cóc đập chết Đa Đa… Cóc đập… chết… Đa Đa…” Trong đêm và trong cái ắng lặng của u linh rừng núi, của cái đẹp hoang tàn mùa thích vàng đổ lá. Cũng chỉ là tiếng kêu đơn điệu vậy thôi mà người nghe như thấy, như nghe tiếng kêu đau thương của một người con gái đang lặn lội trong rừng đêm kiếm tìm hiến dâng và tố cáo. Ơ thật là buồn và hay, thiên nhiên hùng vĩ, bí ẩn quá. Sự bí ẩn của thiên nhiên để cho con người còn biết sợ. Mẹ thiên nhiên nhân từ nhưng sự bao dung nào cũng sẽ có giới hạn của nó.
Nguyệt vẫn đi trước tôi không xa, trong gió và những lá thích đang đổ vàng rơi lã chã trên tóc Nguyệt - mái tóc cũng vàng và xác xơ sau nhiều lần hấp nhuộm. Gió vẫn thổi từ bên kia thung lũng tràn sang, tôi nghe như có một mùi hương thương nhớ, mùi hương của quá khứ đang lẩn khuất thoang thoảng đâu đây. Mùa này uất kim hương nào đã đến độ bung nở mà ướp hương đêm đến ngọt ngào, hay dưới sườn non kia có một bụi cây móng rồng đang trổ hoa? Tự nhiên Nguyệt thở dài nói:
- Thương quá anh nhỉ?
- Thương ai em?
- À nghe con chim Đa Đa kêu khản giọng, tự nhiên em thương thân người con gái.
- Anh cũng cảm thấy thế.
- Thì đúng là một người con gái mà anh.
- Em nói sao anh không hiểu, núi rừng bí ẩn thật, anh tưởng mình biết đã nhiều…
- Nếu anh chưa biết thì em kể anh nghe…
Khi Nguyệt nói đến đó thì bên tai tôi đã nghe tiếng trống, tiếng chũm chọe vọng sang từ bên kia triền dốc và ở đó còn có một quầng sáng hình rẻ quạt hắt lên bầu trời đêm, mùi hương cũng hình như cũng nồng hơn, quyến rũ, Nguyệt đi trước, váy ngắn, chân thẳng, bắp chân bắt ánh trăng trắng mơ mơ. Vẳng nghe trong gió mùi lễ hội đã mưng mưng. Tôi và Nguyệt rảo chân bước nhanh hơn, háo hức hơn, muốn được chứng kiến ngay từ đầu những gì diễn ra trong đêm nay.
*
Câu chuyện về những con chim đêm.
… Ngày xưa, ngày mà ông bà ta chưa có ở trên đời, thì ở đây đã có núi, có rừng, có thảo nguyên và những rừng thích vẫn thay lá theo mùa, dân trong vùng sống bằng nghề săn bắn và trồng trọt. Họ sống hài hòa với trăng nước mây ngàn, chăn dắt phần hồn của họ là những câu hát Sly, Slam - nghe đâu đó là điệu hát của hai nàng tiên đưa tự trên trời xuống dạy cho trai gái trong vùng.
Trong rừng thích bên một bờ suối vắng có đôi vợ chồng già sống với nhau rất thuận hòa, họ yêu thương nhau, yêu thương muông thú cây cỏ và bà con trong bản làng, nhưng không biết họ có lỗi gì mà ông trời không cho họ có lấy một mụn con để nương tựa tuổi già.
Một ngày nọ, khi ông mặt trời đang ngủ vùi phía bên kia sườn núi, người chồng nghe tiếng trẻ con khóc như ngạt hơi trong hang đá trước sân nhà, ông vội vã chạy ra thì bắt gặp một đứa trẻ đang nằm khóc ở đó. Ông vội vã bồng nó vào nhà cũng vừa lúc bà vợ thức dậy. Hai vợ chồng già mừng rỡ gỡ những tấm vải ra xem. Một bé trai, má đỏ môi hồng như Tiên Đồng. Vợ chồng già đặt tên cho bé là Đa Trí, họ mong con mình sau này đa mưu, túc trí để giữ sản nghiệp bao đời của tổ tiên làm ra. Đúng một năm sau, cũng vào thời điểm bé trai vào nhà vợ chồng già thì người vợ lại nghe tiếng trẻ khóc, lần này là một bé gái, họ đặt tên cho con là Ngọc Hoa.
Năm hai anh em mười bảy, mười tám tuổi thì cha mẹ nuôi đều chết cả. Trước khi lìa cõi trần, ông bố gọi hai con lại bên cạnh rồi cho chúng biết sự thật. Ông nói: “Gia đình ta đã bao đời nay gắn liền với đất đai, thung thổ nơi đây. Đất là cuộc sống, là máu thịt của gia tộc. Người nông dân yêu đất như chiến binh yêu ngựa và yên cương, vậy nên khi ta mất đi, bằng giá nào các con cũng phải giữ lấy mảnh đất thiêng liêng này. Anh em con nay đã lớn, đã đến tuổi lập gia đình riêng, ta thấy hai con thương yêu nhau như duyên tiền định, nay ta cho các con biết một sự thật… Hai con không phải là con đẻ của vợ chồng ta, hai đứa không phải là anh em ruột, nên các con có thể trở thành vợ chồng…”
Hai anh em vốn đã thương yêu nhau, nay gặp cảnh hiu quạnh, lại càng yêu thương nhau hơn trước và rồi họ trở thành vợ chồng của nhau.
Họ đang sống hạnh phúc, thanh bình như cuộc sống của cha mẹ họ đã từng sống qua, cho đến một hôm Tổng Cóc - tên trọc phú trong làng - cùng đám gia nhân rủ nhau vào rừng săn bắn, đi gần đến khu rừng thích bỗng đâu Tổng Cóc nghe vẳng bên tai tiếng ai đang hát điệu Sly trầm bổng lan giữa núi rừng, Tổng Cóc bảo gia nhân người ngậm tăm, ngựa tháo chuông, chó bịt mõm… rồi lần theo tiếng hát mà đến. Đến nơi Tổng Cóc thấy một người con gái đang xõa mái tóc dài bên suối chuẩn bị gội đầu, áo ngoài nàng đã cởi bỏ lại trên bờ. Nàng để lộ đôi vai trần, cái cổ cao ba ngấn trắng như mảnh sứ vỡ, trên mái tóc nàng còn sót lại mấy cánh hoa ban trắng như những chú bướm nhỏ xinh xinh. Bên kia, ẩn dưới cánh rừng thích đang mùa thay lá là một nếp nhà tranh đẹp như cảnh thần tiên. Đối với đàn ông thì quyền lực và đàn bà luôn là nỗi ám ảnh, là khát vọng len cả vào trong những giấc mơ. Tổng Cóc cũng thế, dù đã có đến chín bà vợ, một đàn con và những cánh rừng, nhưng khi nhìn thấy nàng Ngọc Hoa và căn nhà bên bờ suối vắng, hắn nghĩ ngay đến việc chiếm đoạt và sở hữu. Cảnh sắc này, người đẹp này phải là của hắn, hắn là chúa tể, hắn phải được hưởng những lạc thú thần tiên. Trong cơn “ngáo đất” và “ngáo sắc”, hắn đem ra bao lời ngon ngọt kèm của cải vật chất để mê hoặc nhưng nàng Ngọc Hoa vẫn một mực không đồng ý theo hắn. Không dụ dỗ được thì cướp, hắn lệnh cho gia nhân bắt nàng Ngọc Hoa trói vào cột nhà. Đúng lúc đó chàng Đa Trí vừa đi săn từ rừng về, thấy vậy chàng liền chạy lại can ngăn thì bị đám gia nhân của Tổng Cóc bắt trói nốt…
*
Tiếng trống, tiếng chũm chọe đã ở gần lắm, trong gió còn nghe cả tiếng người đang huyên náo, hình như có nhiều người đang hát những câu Sly, Slam trữ tình. Những câu hát lơ lửng tầng không, những tình yêu bay lượn qua chín suối mười đồi để đến với người mình yêu, mình nhớ. Nguyệt vẫn đi trước, tấm lưng và chiếc eo thon hình như đã lấm tấm mồ hôi, chưa thể nhớ là mùi hương gì, nhưng hình như là quen lắm, yêu lắm từ trong quá vãng vọng về, tôi còn nhớ nhưng chắc gì em đã nhớ. Hương xưa, mỗi người chúng ta thường được những mùi hương gợi lại những kỷ niệm trong đời. Mặc dù háo hức muốn đến ngay lễ hội, nhưng quầng sáng đã ở trước mặt mà tôi và Nguyệt đi mãi vẫn chưa tới, tôi buột miệng hỏi Nguyệt:
- Thế rồi chúng nó giết chồng, cướp vợ, cướp đất à?
- Đúng thế. Sau khi trói cả hai người lại, tên Tổng Cóc nói rằng nếu nàng Ngọc Hoa không chịu theo về làm vợ thứ mười của hắn thì hắn sẽ cho gia nhân đập chết chàng Đa Trí.
Sự tàn ác của cường quyền vô học đã đẩy bi kịch đến tận cùng, ngay sau cái lắc đầu của nàng Ngọc Hoa thì chàng Đa Trí đã bị chúng nó đánh chết tươi. Nàng tưởng chúng nó chỉ dọa để nàng thuận theo ai ngờ chúng nó đã làm thật. Với trái tim nhân hậu và những suy nghĩ thanh kiết như chốn thần tiên nàng đâu có thể biết được rằng, khi quyền và tiền đã nằm trong tay những kẻ trọc phú thì có tội ác nào mà chúng nó không dám làm. Uất nghẹn, nàng Ngọc Hoa hét lên: “Tổng Cóc, ta căm thù ngươi, suốt đời suốt kiếp này ta sẽ đi kêu kiện ngươi, đến chết ta cũng sẽ kêu kiện cho đến khi nhà ngươi phải bị trả giá…” Không cần nghe nàng nói, Tổng Cóc cho người bắt nàng đem đi và phao tin với dân làng là chàng Đa Trí đi săn bị ngã vực mà chết, Tổng Cóc đã bịt được bao cái mồm của thiên hạ…
- Thế rồi số phận của nàng Ngọc Hoa sau này ra sao?
- Tổng Cóc đã bịt được bao cái mồm thiên hạ nhưng không thể bịt được mồm nàng Ngọc Hoa, cứ có cơ hội là nàng chạy ra đường kêu lớn: “Tổng Cóc đập chết Đa Trí…. Tổng Cóc đập chết Đa Trí…” Và cứ mỗi lần như vậy, Tổng Cóc lại sai người bắt nàng lại, trói vào cột nhà và đánh đập không hề tiếc thân hoa, dáng ngọc. Cứ thế rồi nàng kiệt sức mà chết, nàng biến thành một con chim, miệng mãi kêu câu: “Cóc đập chết Đa Đa… Cóc đập chết Đa Đa…” Núi rừng có thêm một loại chim mới, người đời đặt tên chim theo tiếng chim kêu - chim Đa Đa. Không biết có phải tiếng kêu của nàng Ngọc Hoa đã thấu đến tận trời hay nỗi ám ảnh về tội ác của mình khi gặp lại cảnh cũ?! Một tuần sau khi nàng Ngọc Hoa chết, Tổng Cóc thấy trong người không yên nên đã cùng gia nhân vào rừng săn bắn, khi bọn họ đi qua ngôi nhà nhỏ nép dưới rừng thích bên bờ suối vắng, trời đang trong xanh không một gợn mây bỗng đâu trên thinh không một tiếng sét xé trời làm con ngựa Tổng Cóc đang cưỡi giật mình, hất hắn ngã xuống suối đúng nơi nàng Ngọc Hoa tắm ngày trước. Tổng Cóc ngã xuống, đầu đập vào đá chết tươi. Hồn hắn biến thành con chim suốt ngày kêu mỗi một câu: “Bắt cô trói cột, bắt cô trói cột…” Dù tàn ác và tham lam nhưng hắn vẫn còn biết sợ, hắn cứ muốn nàng mãi bị trói để không thể đi kêu kiện và tố cáo hắn được. Nỗi ám ảnh đó ám hắn ngay cả khi đã chết.
Ngày nay, khắp cả cánh rừng này, cả ngày lẫn đêm tiếng chim Đa Đa và tiếng chim Bắt Cô Trói Cột vẫn cứ như những tiếng kêu cảnh tỉnh người đời, nhắc nhở người đời rằng, những tình yêu đẹp luôn sống mãi để người đời tụng ca và những tội ác tầy trời cũng sống mãi để người đời nguyền rủa.
*
Tôi và Nguyệt bước đi hối hả hơn trong tiếng trống như đang thúc giục, lội qua một đoạn suối trong, ánh đèn pin soi rọi cả những hòn cuội nơi đáy suối, những con cá bảy màu vẫn ngủ vùi, nhưng tua rua xúng xính vờn trong nước lả lơi. Nguyệt vẫn đi trước, chân dài và váy ngắn, tấm lưng đã thấm đẫm mồ hôi, hương xưa vẫn ướp đầy trong gió, theo như Nguyệt nói, chỉ cần chúng tôi đi qua cái núi Yên Ngựa trước mặt là sẽ đến, làng ở khuất sau dãy núi Yên Ngựa trước mặt. Tôi hăm hở lần theo lối hương xưa mà bước.
Trên bạt ngàn cao, gió lộng thổi thốc vào mặt như cái tát phũ phàng. Chúng tôi trở về đúng sau hồi cái quán mà chập tối cả bọn đã ngồi. Tôi và Nguyệt đã đi trọn một vòng núi trong đêm. Tôi và Nguyệt không khác gì con chim Đa Đa và chim Bắt Cô Trói Cột, bay vòng hết một ngọn núi thì trời sáng.
Trần đón tôi và Nguyệt với nụ cười như muốn nói: “Chúc mừng hai bạn đã có một đêm tuyệt vời giữa núi rừng”. Biết là Trần đang hiểu nhầm nhưng tôi cũng chẳng còn muốn thanh minh. Cũng như Nguyệt, nếu bây giờ tôi nói tôi và Nguyệt vừa đi để đến làng người có đuôi thì có ai mà tin cho được. Nhưng rõ ràng, cho dù có thể lạc đường, nhưng mắt tôi đã thấy quầng sáng, tai tôi đã nghe tiếng trống, tiếng chũm chọe và không khí lễ hội rất gần.
Trưa hôm đó, trong bữa rượu chia tay Đ. B để về xuôi, tôi được bố trí ngồi gần Hoành - chủ tịch xã và là bạn của Trần - Không thể giữ được cái ấm ức trong người lâu quá. Tôi hỏi Hoành:
- Hình như trong địa bàn xã anh quản lý, có một làng người có đuôi?
- Nói thật trên này cuộc sống đang khó khăn - Hoành trả lời - nhưng cũng đâu có đến nỗi người dân phải sống cuộc sống của người vượn như dưới xuôi đang nghĩ về chúng tôi.
Biết là Hoành hiểu nhầm về câu hỏi của mình, nên tôi nói:
- Ý tôi không phải thế, tôi nghe nói vùng này có một làng con người có đuôi, họ có lễ hội và những cái đuôi quấn vào nhau…
Biết tôi đang nghiêm túc nên Hoành nói:
- Làm gì có chuyện đó anh, tôi sinh ra và lớn lên ở đây…
- Nhưng tối qua là ngày hội của họ đấy, chính mắt tôi đã thấy quầng sáng và tai tôi đã nghe…
- Tôi nghĩ là không có, nhưng nếu anh thích, tôi cho dân quân xuống đó bắt vài đứa về đây, lột quần mà xem thì biết ngay thực hư, chuyện nhỏ như con thỏ ăn cỏ mà anh.
Nghe Hoành nói bỗng dưng tôi rụng rời cả chân tay, câu nói của chủ tịch xã, của một ông quan địa phương, chỉ cần muốn giải thích, làm rõ thắc mắc của một người xa lạ là tôi mà Hoành sẵn sàng bắt vài người dân lên để lột quần ra xem! Nghe cách nói và nhìn thái độ, biết Hoành nói là sẽ làm nên tôi vội vàng:
- Không, không, tôi đùa anh đấy, làm gì mà người lại có đuôi, không phải đâu…
Tôi chẳng còn muốn ăn uống, tiệc tùng gì nữa, chỉ mong mau đến giờ để ra máy bay về xuôi. Tôi lẳng lặng vào trong trả tiền cho chủ quán, bữa ăn cũng hết nửa con trâu, đối với đồng bào là to lắm. Đầu buổi tiệc Hoành đã tuyên bố hôm nay Hoành mời và mọi người cứ ăn uống thả ga…
Nguyệt tiễn tôi ra đến tận cửa lên máy bay, gửi theo một vòng tay khát vọng. Tôi hứa nhỏ vào tai Nguyệt là sang năm, độ này tôi sẽ lên Đ. B, lại sẽ cùng Nguyệt đi đến làng người có đuôi. Tin rằng lần sau sẽ không đi lạc. Nguyệt nghe tôi nói thế, mặt em đỏ bừng lên, mắt lấp lánh hạnh phúc, tôi lại nghe thoảng trong gió mùi hương xưa mà không thể nhớ lại một kỹ ức xưa thật rõ ràng, chỉ thấy Nguyệt gần lắm và quen lắm. Hay những cô gái đẹp thường giống nhau và có chung mùi hương đặc trưng để gửi thương gửi nhớ.
*
Xa Đ. B được mấy tháng thì trong một cuộc trò chuyện, Nguyệt thông báo là mình đã có thai, tôi còn trách Nguyệt là tại sao đám cưới mà không mời, dù gì thì hai đứa cũng có một kỷ niệm vui. Nghe tôi trách, Nguyệt chỉ gửi vào tin nhắn cho tôi biểu tượng một khuôn mặt cười. Chuyện rồi cũng qua, một người đẹp đi lấy chồng, rồi có thai, sinh con, rồi làm mẹ, rồi bận bịu và dần quên hết bạn bè, đến khi con cái trưởng thành, rồi khịa ra đủ lý do như họp lớp, kỷ niệm tứ tung ngày để mà gặp nhau, để mà ôn lại, để mà ngậm ngùi tiếc nuối những ngày xanh. Để mà ước ao giá mà trí khôn như bây giờ và sức khỏe như khi xưa thì… Giá mà, giá mà… Con người ta thường tiếc những cái gì đã mất, đã qua nhưng lại hờ hững với hiện tại và cứ mong một sự đổi đời ở tương lai. Nhưng nếu không biết vun trồng cho gốc hiện tại thì trái tương lai làm sao mà sum suê cho được kia chứ.
Tôi thực sự sốc khi bị Trần chỉ trích. Trần bảo rằng tôi vô trách nhiệm, tôi không tôn trọng Trần, tóm lại tôi là kẻ không ra gì khi đã làm cho Nguyệt có thai rồi truất ngựa truy phong. Tôi cứ ngồi yên mà nghe Trần nói, Trần sỉ nhục. Biết nói gì nữa đây, rõ ràng rằng đêm đó, Trần đã thấy tôi và Nguyệt đi từ trong rừng ra. Hai người một nam, một nữ ở trong rừng với nhau cả một đêm thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Cho dù cả tôi và Nguyệt đều biết rằng, đêm ấy chúng tôi chỉ đi, đi và đi chứ không hề gần gũi nhau. Mặc cho Trần xỉ vả, đầu óc tôi lại nghĩ đến câu chuyện ngày còn học đại học. Ngày đó, đói và rét, một hôm trời mùa đông, tôi và anh bạn đang ngồi sưởi ấm bên bếp củi thì anh ấy buột miệng ngậm ngùi:
- Trời lạnh thế này, thấy thương mấy con cá quá, ở dưới nước chắc chúng nó lạnh lắm.
- Dở hơi ông ơi, không có chuyện gì nữa đi thương cá đang lạnh dưới nước.
- Và nhiều khi lẩn thẩn tôi nghĩ đúng là loài người sướng hơn loài cá ông ạ, dù mình đang đói và rét nhưng đói thì có thể cắm quán, rét thì đốt lửa sưởi ấm, còn cái khoản yêu thì, thì… thôi rồi, lên bờ xuống ruộng như thế mới gọi là yêu chứ. Ai như loài cá, rét quá là ngủm củ tỏi vì dưới đó có đốt lửa được đâu, còn yêu đương thì chán phèo, đến mùa động dục, cá cái bơi trước đẻ trứng, cá đực bơi sau cầm… bình và… xịt… xịt… như thế mà cũng gọi là yêu, yêu là phải gần gũi chứ…
Nghe anh ấy nói, tôi chả muốn tranh luận lại, thôi thì cứ cho hắn nghĩ, dù là nghĩ lẩn thẩn còn hơn là không nghĩ gì thì đói lắm. Biết đâu, con cá dưới nước nó cũng đang thương loài người, nó bảo yêu đương gì mà cứ phải huỳnh huỵch như đánh dậm thế, yêu đương mà phải phùng mang trợn mắt với nhau thì còn gì là yêu thương nữa. Phải học theo loài cá chúng tôi đây này, yêu đương như một cuộc dạo chơi, em bơi trước, anh theo sau, em đẻ, anh xịt, đẻ, xịt, đẻ, xịt… thế là cho ra đời những chú cá con… Hay tôi và Nguyệt đêm ấy đã thành những con cá, hay tôi và Nguyệt là những người… có đuôi…? Tôi đang suy tư thì Trần kéo tôi về thực tại:
- Thế bây giờ ông tính sao? Cưới hay không cưới?
- Ơ, mà tôi có nghe Nguyệt bảo gì đâu, chỉ thông báo là có thai thôi.
- Thì đó là thông báo rồi còn gì, người đẹp lại đầy tự trọng như Nguyệt mà ông còn đòi cô ấy phải năn nỉ ông cưới à?
- Nhưng, nhưng chí ít…
- Không nhưng nhị gì cả, tính sao thì tính nhanh cho tôi nhờ.
Nói xong Trần hậm hực đi ra khỏi phòng tôi và sập mạnh cửa. Đúng là không thể nói thêm được gì trong trường hợp này, cũng như cái chuyện người thương cá, cá thương người vậy… Biết rằng ngồi lại cơ quan cũng sẽ không thể làm việc được nữa. Tôi tắt đèn đi về nhà và vào ngay phòng tắm… và tôi đã không thể tin vào mắt mình, khi vừa trút bỏ hết quần áo trên người, tôi nhìn vào gương và há hốc mồm, phía sau tôi, phía sau tôi đã có một cái đuôi tự bao giờ mà tôi không hay biết!
Tôi vội vã lên Đ. B tìm đến nhà Nguyệt. Nguyệt vừa sinh con ngày hôm qua, là một bé trai kháu khỉnh. Tôi bồng đứa bé lên, nghe cồm cộm trong lòng bàn tay khi nâng vào mông đứa bé, vội vàng lật tã ra xem, đứa bé có một cái đuôi đang nhu nhú, ngắn mũm mĩm, màu hồng tươi đẹp vô cùng. Tôi ôm con và hôn lên đôi môi nhợt nhạt vì mất máu sau cơn sinh nở của em. Nguyệt ưỡn người đón nhận nụ hôn đầu tiên chúng tôi trao nhau. Thoảng trong gió, hương xưa lại tràn về, căn phòng ngập đầy hạnh phúc của một gia đình nhỏ. Phải chăng, mùi hương xưa tự ngìn đời đã quay trở về trong căn phòng ấm cúng này, căn phòng của những người có đuôi.
Nguồn Văn nghệ số 20/2017