Tìm tòi thể nghiệm

22/5
10:18 PM 2017

NƠI TỔ QUỐC CHƯA BAO GIỜ NGƠI NGHỈ

Việt Thắng- Nơi hồn thiêng hội tụ. Đúng 8 giờ sáng ngày 3/4/2017, tàu KN490 của Kiểm ngư Việt Nam chở 197 hành khách cùng thủy thủ đoàn hú một hồi còi dài tạm biệt đất liền. Tất cả đều hướng về Trường Sa thân yêu với sự thành tâm “Tổ quốc vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc”.

                                           Lễ tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trên vùng biển Trường Sa

Chúng tôi, những người lần đầu được ra Trường Sa, không thể diễn tả hết tâm trạng bồn chồn, ngóng đợi để được đến với các hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió, tiền tiêu của Tổ quốc. Với riêng tôi, ước mong một lần được đến với Trường Sa đã cháy bỏng từ rất lâu. Thế hệ chúng tôi chỉ được biết tới Trường Sa qua lời kể, qua sách báo. Những chiến công và sự hy sinh trở thành bất tử của các anh hùng, liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã đi vào sâu thẳm trái tim tôi cùng những người dân đất Việt. Các anh đã trở thành bài ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng về bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Trong hải trình ngắn ngủi nhưng đầy xúc động lần này, chúng tôi được Đoàn công tác tổ chức hai Lễ tưởng niệm vô cùng xúc động và trang nghiêm tại vùng biển đảo Cô Lin - Gạc Ma và tại vùng biển phía Nam thềm lục địa Tổ quốc là Nhà giàn DK1/19. Đứng bên Cô Lin, nhìn sang phía Gạc Ma, vùng đảo thiêng liêng thuộc chủ quyền của chúng ta đã bị quân giặc dùng vũ lực cướp lấy, không một thành viên nào trong đoàn kìm nổi sự xúc động nghẹn ngào. Từ những vị tướng già đã nếm trải đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc của các cuộc chiến tranh như Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, 88 tuổi, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2 (thời kỳ 1985-1989), người đã trải qua cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới vô cùng khốc liệt ở Vị Xuyên, Hà Giang… tới những vị tướng trẻ như Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững và đến những người lính trẻ mới ngoài đôi mươi, sinh ra trong hòa bình. Gần như tất cả đều khóc, tiếng khóc giữa nghìn trùng tiếng sóng, họ tưởng nhớ tới các đồng đội của mình đã anh dũng ngã xuống giữ vững đảo quê hương. Tất cả cùng xiết chặt tay nhau, đứng thành vòng tròn giữa biển cả gầm gào miên man. Trong tôi hiển hiện Vòng tròn bất tử 29 năm trước. Tàu HQ-604 bị tàu chiến nước ngoài tấn công và bắn chìm, 64 sĩ quan, chiến sĩ hải quân và công binh đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại với biển cả mênh mông, máu các anh hòa lẫn với nước biển, vang mãi lời thề của Thiếu úy Trần Văn Phương, hy sinh khi trong tay vẫn giữ lá cờ Tổ quốc: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”! Vòng tròn bất tử năm đó đã tạo thành dáng đứng Việt Nam đầy kiêu hãnh trên biển, khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Và giờ đây, chỉ giữa biển cả mênh mông này, chúng tôi mới thấu hiểu sự hy sinh đó thật vô cùng lớn lao.

 
 
 

Vang vọng mãi tấm gương những chiến sĩ Hải quân hy sinh anh dũng tại Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần khi cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào phía Nam Biển Đông tháng 12-1990. Trong đêm đen, gió mỗi lúc một lớn đã quật đổ nhà giàn, cuốn trôi 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, trong đó 3 đồng chí đã hy sinh anh dũng. Chúng ta mãi mãi khắc ghi tấm gương của Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, trong bão tố gào thét, anh đã chỉ huy, hỗ trợ đồng đội chống chọi với sóng gió, và khi cận kề cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất để rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng. Rồi tấm gương của Đại úy Vũ Quang Chương - Trạm trưởng, và 8 cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên. Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng trước khi hy sinh, đã gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” để rồi thanh thản ra đi mãi mãi. Còn đó, tấm gương dũng cảm của Thượng úy Phạm Tảo, Thượng úy chuyên nghiệp Trần Văn Là, Chuẩn úy Lê Tiến Cường, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú, Hồ Văn Hiền đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh, dũng cảm hy sinh thân mình tìm kiếm, cứu vớt đồng đội bị nạn mà không một chút ưu tư, đắn đo.

Linh hồn những chàng trai con Rồng cháu Lạc ấy đã hội tụ trong sóng nước. Để hôm nay, những thông điệp về những giá trị sống được kết nối, hiện hữu và linh nghiệm trở về, thành những chiếc cọc Bạch Đằng thời nay, luôn sẵn sàng nhấn chìm, phá tan mọi âm mưu, tham vọng của bất cứ kẻ thù nào có ý đồ xâm chiếm dù một tấc đất, tấc biển của Tổ quốc. 

Sông núi nước Nam vua Nam ở…

Những ai may mắn trước đây được đến với Trường Sa, hẳn sẽ hiểu được sức mạnh của con người trên đảo. Họ thật quả cảm và đáng khâm phục. Những cán bộ chiến sĩ, nhân dân Trường Sa sống trong bão tố, thiếu thốn trăm bề, mà vẫn có những con người cả đời gắn bó với biển đảo. Những chàng trai mười tám, đôi mươi đã vượt lên mọi hoàn cảnh gian lao, hiểm nguy để ngày đêm chắc tay súng, giữ vững chủ quyền biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Họ canh gác từng mỏm đá, từng bãi san hô, coi đó như một phần thân thể mình. Bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt được tạc dựng trang nghiêm trên đảo Trường Sa Lớn, cùng với tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn sừng sững trên đảo Nam Yết đã khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời nhắn gửi thông điệp đanh thép tới những thế lực có mưu đồ thôn tính Biển Đông. Có tới đây, chúng tôi càng cảm nhận hết câu nói của Bác Hồ kính yêu từng căn dặn “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng/ Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển/ Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Hôm nay, đến với những đảo nổi Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn, Phan Vinh… chúng tôi được chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ, sự đổi thay nhanh chóng mọi mặt. Trường Sa hôm nay đã rất khác xưa, cây cối xanh tươi, tiếng cười nói trẻ thơ vọng khắp đảo. Bước chân lên Trường Sa mà cảm thấy như vẫn đang ở đất liền, đang ở một vùng quê như bao nơi khác, có đình làng, trường học, có trẻ nhỏ ê a học bài... Trên các đảo nổi, đảo chìm đã có điện. Điện được làm ra từ những chiếc quạt gió khổng lồ, những tấm pin mặt trời, từ nguồn tài nguyên thiên nhiên dường như vô tận, là gió và nắng. Nhờ có điện, việc sinh hoạt và công tác sẵn sàng chiến đấu được tiến hành thuận lợi, dễ dàng. Rồi nữa là nước, nước dùng cho sinh hoạt ở các đảo nổi cũng như đảo chìm trước đây vô cùng khan hiếm. Nước sinh hoạt phải được tận dụng triệt để như vệ sinh cá nhân xong thì dành tưới cây... Nay, nhờ hệ thống bể ngầm chứa nước mưa, cũng như lọc nước biển thành nước ngọt hiện đại, nước sinh hoạt đã đủ dùng. Chứng kiến màu xanh của thiên nhiên hoa trái, những cây bàng vuông, cây phong ba, những chậu hoa mười giờ đỏ thắm đang bật dậy với sức sống mãnh liệt giữa sóng gió biển khơi, những vườn rau thanh niên tự quản tươi tốt, phong phú với nhiều loại rau, củ, quả, ta biết đời sống vật chất cũng như tinh thần của Trường Sa đã đủ đầy hơn. Và ngạc nhiên hơn cả, trên các đảo đã có tiếng lợn kêu, tiếng gà gáy. Tôi được vào trong khu chuồng trại chăn nuôi trên Phan Vinh A, đàn lợn khoảng hai chục con đang độ lớn. Ngan, ngỗng, gà, vịt đầy chuồng. Bằng sự khéo léo, sáng tạo của người lính, họ đã tự ấp được trứng gia cầm, nhân giống để nuôi trên các đảo. Thay mặt Đoàn công tác, Thiếu tướng Lê Hiền Vân tặng các chiến sĩ Hải quân đảo Sinh Tồn Đông những cây tre được mang từ đất liền. Những cây tre sẽ được trồng trên đảo, vươn thẳng trong gió, tượng trưng cho dáng đứng Việt Nam không thể khuất phục. 

Đến với Trường Sa, có một điều thật kỳ diệu, nơi đảo xa là thế, khó khăn là thế, vẫn có một đời sống dân sinh thật phong phú. Những người dân nồng hậu, gần gũi đến lạ thường. Ở nơi đó còn có những ngôi chùa, với một mái chùa linh nghiêm với những nhà sư trụ trì, những tiếng chuông chùa, bài tụng kinh niệm phật của sư thầy cầu cho quốc thái dân an, chủ quyền biển đảo được giữ vững, sóng yên biển lặng, cầu cho hải lộ bình an… đó chính là hình ảnh của quê hương đất Việt nơi đảo xa này. Có đến với Trường Sa chúng ta mới thấy tình cảm quân dân nơi đây thật ấm áp, chân tình, cởi mở. Mới thấy trường học nơi đây thật đặc biệt, các bé từ lớp 1 tới lớp 5 cùng chung một lớp với những thầy, cô giáo trẻ trung yêu đời, yêu nghề. Những ngư dân ngày đêm bám biển như anh Dương Phẹo, anh Phạm Châu (quê Bình Định) đã đánh bắt ở ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa được 4 năm. Anh Phẹo tâm sự: “Mặc dù từ đất liền ra đây mất tới 4 ngày đêm, với ngư dân chúng tôi, sinh kế là một chuyện, nhưng được đánh bắt hải sản trên ngư trường của Tổ quốc mình là vinh quang không gì sánh nổi. Luôn sát cánh với ngư dân chúng tôi còn có lực lượng Kiểm ngư, họ hỗ trợ chúng tôi những lúc khó khăn do thiếu dầu, vơi lương thực, gặp tai nạn...”. Hơn cả, chính những người dân sinh sống trên mảnh đất Trường Sa cũng luôn tự hào, bởi chính họ là những cột mốc chủ quyền sống động, khẳng định quyết tâm của những người dân Việt Nam giữ gìn cương vực. Con, cháu họ cũng được sinh ra trên mảnh đất này, rồi đời đời, kiếp kiếp sẽ làm ăn, sinh sống trên mảnh đất mà cha ông họ đã dày công khai phá và gìn giữ...

Bài ca người lính

Các đoàn từ đất liền ra thăm Trường Sa chỉ có được vài tháng biển lặng để thực hiện chuyến đi. Những chuyến đi này thường diễn ra vội vã bởi phải phụ thuộc vào khí tượng, hải triều. Những lời ca tiếng hát, những cái bắt tay thật chặt và ấm áp tình quân dân, đôi khi là những giọt nước mắt, những sẻ chia với người lính đảo lạc quan yêu đời, đầy đam mê và khát vọng. Chúng tôi đã hát cùng với lính đảo bằng cả trái tim, và gửi gắm đến họ những lời nhắn nhủ từ đất liền rằng các anh cứ yên lòng và kiên trung canh giữ biển đảo, “Trường Sa vì Tổ quốc, Tổ quốc vì Trường Sa”. Trường Sa đẹp là vậy, nhưng chính tinh thần, ý chí và tấm lòng của những chiến sĩ trên đảo mới là điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Trong chuyến công tác này, hình ảnh những chiến sĩ Hải quân Việt Nam luôn theo tôi suốt hải trình, trở thành biểu tượng sâu bền không thể nào quên.

 
 
 

Đó là những chiến sĩ đã yên mình dưới lòng biển cả đất mẹ thân yêu, những chàng trai binh nhất, binh nhì, khi hy sinh chưa tròn một tuổi quân, chưa một lần nếm trái ngọt tình yêu đôi lứa. Mọi người đều lặng đi với hình ảnh về những ngôi mộ trên đảo. Đây là nơi an nghỉ của các chiến sĩ Trường Sa đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Các anh cứu người, cứu hàng, nhưng xương thịt đã hòa vào biển cả. Những ai tới thắp hương đều cảm thấy xót lòng vì các anh còn rất trẻ, đều đang ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Rồi là những chiến sĩ đứng phất cờ hiệu trên cầu cảng để dẫn đường cho tàu thuyền ra vào, đến những chiến sĩ đứng gác cột mốc chủ quyền trên đảo, ở đâu, tôi cũng nhận ra bóng dáng người thân như trong gia đình. Chính họ, những người lính rất bình thường, giản dị, nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng đến cùng đã góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền của Tổ quốc trên vùng biên viễn bạc đầu sóng vỗ này.

Trải nghiệm trong chuyến công tác Trường Sa, chúng tôi hiểu rõ rằng, chủ quyền của chúng ta về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện hữu không chỉ từ phương diện lịch sử, với chứng cứ hết sức rõ ràng, mà còn là những cột mốc vững chắc chứa đựng thông điệp đanh thép về chính nghĩa, lòng người. Trong những buổi giao lưu ngắn ngủi giữa các văn nghệ sĩ của đoàn công tác và các chiến sĩ Hải quân trên các đảo chìm, đảo nổi, có những chiến sĩ còn ngượng ngùng, nhút nhát, thậm chí có anh lính trẻ đêm ngủ mơ vẫn gọi “Mẹ ơi!”. Có lẽ họ, đến khi nhập ngũ vẫn chưa kịp có nửa thương yêu của riêng mình, bởi họ đều còn rất trẻ. Có những anh lính trẻ vừa hát vừa khóc, khóc cho vợi đi những khát khao, mộng mơ. Họ đến từ khắp nơi, từ nhiều địa phương trong cả nước, nhưng giờ đây, họ đang cùng đội ngũ, cùng một nhà… Một chiến sĩ trẻ tâm sự: “Cháu quê ở Hà Nam, nhà 2 anh em, cháu là lớn. Khi được tin cháu nhập ngũ ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa, mẹ cháu đã khóc. Nhưng cháu biết, đó là những giọt nước mắt tự hào của mẹ khi có con trai được ra làm nhiệm vụ thiêng liêng nơi hải đảo xa, bảo vệ cõi bờ đất Mẹ”.

​Chia tay Trường Sa Lớn vào lúc nửa đêm. Trong đêm tối, nhìn xuống cầu cảng, quân và dân Trường Sa đứng thẳng hàng chia tay đoàn công tác. Khi những bài ca được cất lên, nước mắt cũng rơi, những cái vẫy tay cùng với những lời nhắn gửi thương yêu từ trên tàu, tất cả con tim đều hòa cùng một nhịp với bài hát của nhạc sĩ Đoàn Bổng… chúng tôi đứng đây giữ gìn quê hương. Đảo này là của ta, biển này là của ta… dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua… Mắt tôi cũng nhòa dần, nhòa dần trong mịt mùng sóng vỗ. 

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *