Tìm tòi thể nghiệm

28/5
11:40 AM 2015

Đối mặt với thực tiễn, phân tích và rút ra bài học

VanVN.Net – Nhân dịp Viện Văn học Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học: “Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: Thực trạng và triển vọng” tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Hà Nội, ngày 28/05/2015, VanVN.Net trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam (Ảnh: vienvanhoc.vass.gov.vn)

 PV: Thưa ông Viện trưởng, trong cuộc hội thảo cũng do Viện Văn học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức hồi tháng 11-2006 để nhìn lại 20 năm “văn học thời kỳ đổi mới” có một số ý kiến đáng lưu tâm cho rằng, tuy nói nhìn lại 20 năm, song hầu hết tham luận và nghiên cứu chỉ nhắc tới một danh mục tác giả quen thuộc của mấy năm đầu đổi mới mà không nhắc đến các tác giả mới đông đảo và táo bạo xuất hiện trong khoảng mười năm sau đó. Ông có bình luận gì về thực trạng đó không? Và xin ông cho biết trong hội thảo tới đây có dự kiến đánh giá về thực trạng văn học được bao quát và đầy đủ hơn không?

 PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp:

 Hội thảo mà anh nói đến được tổ chức vào thời điểm sự nghiệp đổi mới đất nước đã diễn ra vài chục năm. Nhưng với vài chục năm ấy, ai cũng nhận thấy thành quả đổi mới là hết sức rõ nét. Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng để phát triển, thế và lực được nâng cao, đời sống nhân dân đã được cải thiện một bước, tinh thần dân chủ được mở rộng. Đó cũng là thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO (2007). Đổi mới và hội nhập trở thành những từ khóa quan trọng nhất khi nói về giai đoạn từ 1986 đến nay. Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, sự nghiệp đổi mới đã tạo nên những luồng cảm hứng mới, niềm say mê mới. Bên cạnh những cây bút nổi danh từ thời kháng chiến vẫn tiếp tục tham gia sáng tác với tư cách là đội quân chủ lực là những cây bút mới đầy triển vọng, trong đó, có những cây bút ngay từ khi mới xuất hiện đã để lại dấu ấn hết sức sâu đậm trong đời sống văn học. Nhìn một cách tổng thể, nhận thức của nhà văn về bản chất sáng tạo nghệ thuật được nâng cao hơn, ý thức cầm bút sâu sắc hơn, những tìm tòi đổi mới về phương thức thể hiện được khuyến khích, nhất là sau khi Nghị quyết 5 ra đời. Theo đó, văn học thời kỳ đổi mới là một thực thể đa dạng, phong phú, thấm đầy tinh thần nhân văn hiện đại. Dòng chính vẫn là dòng văn học gắn bó với sự nghiệp cách mạng, vừa thể hiện nỗ lực hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Tất nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng, văn học từ 1986 đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, và những hạn chế này đã được nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới chỉ rõ. Xã hội Việt Nam đang có những bước chuyển đổi quan trọng nên sự đan xen giữa cái mới và cái cũ, giữa thuận lợi và khó khăn là một thực tế.

Việc có một “danh mục tác giả quen thuộc mấy năm đầu đổi mới” được nhắc đến nhiều lần, còn các tác giả xuất hiện sau thời gian đó ít được nhắc đến trong Hội thảo năm 2006 thì tôi không thật rõ vì tôi không nằm trong Ban tổ chức. Bởi thế tôi không muốn bình luận gì. Có chăng, tôi chỉ đặt ra vài ba giả thiết từ góc độ người làm nghiên cứu văn học: Thứ nhất, văn học đương đại là một thực thể đang vận động nên việc bao quát, cắt nghĩa, lý giải nó là chuyện không đơn giản; thứ hai, những tác giả mấy năm đầu đổi mới thường gắn liền với những giá trị tương đối ổn định và nổi trội nên nhắc đến họ vừa là “quán tính”, vừa “yên ổn” trong nhận định; thứ ba, những tác giả xuất hiện sau đó hoặc do sự định hình chưa thật rõ nét, hoặc quá “phức tạp” nên chưa hút được sự quan tâm thích đáng của bạn đọc. Hơn nữa, nghiên cứu sâu về họ cũng cần đến thời gian, cần đến sự đồng cảm và chia sẻ từ nhiều phía. Ở đây, tôi muốn nói thêm rằng,muốn hiểu văn học đương đại thì phải có tinh thần đương đại. Mang một cái nhìn cũ để cắt nghĩa một cái mới chắc chắn là sẽ bị vênh lệch. Đó là chưa nói đến chuyện, việc nhắc nhiều đến các tác giả quá mới quá “phức tạp” cũng rất dễ bị tai nạn nghề nghiệp. Nó khiến người ta ngại, nhất là khi phê bình văn học là nghề rất ít được/ tự bảo hiểm. Nhiều khi, nó chỉ đơn giản như thế. Nhẹ thì sợ mất lòng. Nặng thì sợ bị quy chụp. Điều đó khiến nhiều người chọn cách nói an toàn. Biết đâu, việc anh hỏi tôi về cái danh sách “quen thuộc” lại chẳng gắn liền với tâm lý ấy.

Hội thảo lần này không “giới hạn” một danh sách nào cả. Vì chúng tôi coi hội thảo là một không gian mở, một diễn đàn mời gọi đối thoại nhưng dứt khoát, nhưng đối thoại phải gắn với mục đích vì sự phát triển của văn học dân tộc. Chỉ một khi chúng ta dám đối mặt với thực tiễn, phân tích thực tiễn để rút ra bài học kinh nghiệm thì sự phát triển của văn học mới thực sự hiệu quả. Ý định của Ban tổ chức Hội thảo là như thế, nhưng sự đánh giá riết róng, thẳng thắn về văn học thì còn phải tùy thuộc vào chất lượng của các tham luận và chất lượng của các trao đổi học thuật trong hội thảo này. Đó là điều chúng tôi chờ đợi từ các nhà văn và các nhà nghiên cứu văn học tham gia hội thảo.

 PV: Từ nhiều năm gần đây mỗi khi nói về triển vọng văn học đương đại người ta thường nghiêng về thảo luận các khía cạnh khả năng “hội nhập thế giới” của văn học Việt, ít khi thấy bàn đến triển vọng văn chương chiếm lĩnh thị trường văn học trong nước như thế nào. Vậy xin ông Viện trưởng cho biết trong hội thảo sắp tới có thảo luận khía cạnh đó của triển vọng văn học của 30 năm “thời kỳ đổi mới” hay không? Và đối với bộ phận văn học không tuân theo những áp lực thị trường của “thời kỳ đổi mới” thì dự kiến triển vọng sẽ ra sao, thưa ông?

 PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp:

 Trước hết, việc chúng ta tập trung thảo luận khả năng hội nhập thế giới là hết sức cần thiết vì hai lý do: Một, thời đại chúng ta đang sống là thời đại toàn cầu hóa; thứ hai, văn học Việt Nam phải được hình dung như là một bộ phận của văn học/ văn hóa thế giới. Còn thị phần của văn học trong đời sống hiện đại, nhất là trước sự bành trướng của các phương tiện thông tin đại chúng và áp lực của kinh tế thị trường cũng đã được bàn đến trong một số hội thảo, tọa đàm khoa học. Hiện nay, khi mà cái gọi là văn học mạng đã là một thực tế, không ít cây bút viết xong là ngay lập tức post lên mạng, hoặc, sau một thời gian “viết chơi”, hết hứng, bèn bỏ bút đi làm nghề khác. Cái gọi là sinh nghề tử nghiệp xem ra không còn quá quan trọng đối với nhiều cây bút trẻ. Tuy nhiên, Hội thảo lần này, do yêu cầu tập trung phân tích, đánh giá những thành tựu, hạn chế của thực tiễn sáng tác văn học nên chưa có điều kiện dành nhiều thời gian cho vấn đề mà anh đề cập, mặc dù như tôi đã nói, đó là một vấn đề rất đáng bàn luận. Trong thời đại kinh tế thị trường, tuy văn học là sản phẩm tinh thần, nhưng nó vẫn bị chi phối bởi quy luật thị trường. Nói khác đi, tác phẩm văn học cũng được coi là một loại hàng hóa, chỉ có điều đó là thứ hàng hóa đặc biệt. Chúng ta cũng không nên quá vội vàng khi đổ tất cả lỗi cho kinh tế thị trường, cứ như thể mọi yếu kém trong văn học là do nguyên nhân khách quan, còn khía cạnh chủ quan thì không việc gì! Tôi nghĩ, cách lý giải ấy ít nhiều hàm chứa sự bao biện. Ở đây phải thấy kinh tế thị trường có cả tiêu cực lẫn tích cực. Thì đấy, nhiều quốc gia có nền văn học phát triển đều có nền kinh tế thị trường phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật và gần đây là Trung Quốc. Vì thế, bộ phận văn học “không tuân theo những áp lực của nền kinh tế thị trường” như anh nói cũng buộc phải có cách thích ứng để tồn tại. Nếu tôi không nhầm thì ở đây anh muốn nói đến thứ văn học đích thực, không chịu chạy theo thị hiếu dễ dãi, câu khách hoặc quá nghiêng về chức năng giải trí…sẽ tồn tại ra sao trong thời đại này. Tôi cho rằng, loại văn học đích thực này vẫn tồn tại vì nó có loại độc giả của riêng nó, nhất là giới trí thức và những bạn đọc khó tính. Và một khi đó là những tác phẩm nghệ thuật ưu tú, nó sẽ không bao giờ chết, vì độc giả không bao giờ quay lưng lại với các giá trị nghệ thuật mà nhà văn đã dày công sáng tạo để làm giàu cho tài sản tinh thần của dân tộc và nhân loại.

PV: Xin cám ơn ông Viện trưởng đã trao đổi!

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *