CON ĐƯỜNG CỦA CÁI ĐẸP VÀ TÌNH YÊU CON NGƯỜI
Toàn cảnh Hội thảo 30 năm giao lưu văn học Việt- Mỹ
Tên cuốn sách chính là con đường mà trong 30 năm qua các nhà văn cựu binh Mỹ và Việt Nam đã đi. Và văn bản quan trọng nhất mà mỗi nhà văn của hai phía mang theo trong những lần đi qua biển ấy là thông điệp về Cái đẹp và Tình yêu con người.
Năm 1986, có một cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc, người cựu binh ấy đã đến trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam với tình yêu đối với con người và văn hóa của xứ sở này. Đó là nhà thơ Kevin Bowen, giám đốc Trung tâm William Joiner nay là Viện William Joiner. Và năm 1987, một người lính, một nhà văn Việt Nam đầu tiên đã đặt chân đến nước Mỹ. Đó là nhà văn Lê Lựu. Trong trí tưởng tượng vô tận của các nhà văn vốn là những người lính của cả hai phía Việt Nam và Mỹ khi còn cầm súng cũng khó có thể hình dung được rằng: đến một ngày, họ bỏ súng và bước đến trước nhau cùng cất tiếng về Cái đẹp và Tình yêu con người. Xin chúng ta hãy cùng nhau nghe bài thơ Chơi bóng rổ với Việt Cộng của cựu binh, nhà thơ Kevin Bowen :
‘’Một chiều xa trong chiến tranh
Khi chúng ta đang rạp mình phục kích
Những người đàn ông, đàn bà
Kẻ thù của chúng ta và trâu bò của họ
Hòa lẫn vào cây cỏ đất đai
Lúc đó chúng ta chẳng bao giờ nghĩ tới
Người đàn ông tóc hoa râm đi dép
Chiều nay đến ngồi dưới mái nhà ta
Hút thuốc lá Gô-loa
Và uống bia nhãn Mỹ
Cơn ho chiều cắt ngang câu chuyện
Khi ông kể về một ngày kháng chiến
Năm 1954
Ông đã làm ra sao để đánh lừa lính Pháp
Giờ ông đến gõ cửa nhà ta
Gọi chúng ta ra sân chơi vài đường bóng rổ
Sau một hồi ông vụng về, bỡ ngỡ
Những đường bóng gọn gàng tới đích đẹp làm sao
Ông nâng chân trái lên
Hai cánh tay lượn từ sau ra trước
Quả bóng bay theo quỹ đạo cầu vồng
Một, hai, ba... rồi mười lần trúng đích.
Chúng ta đứng nhìn ông im lặng
Quần soóc, áo phông, dép, tóc hoa râm
Ông nhìn chúng ta mỉm cười
Đó là món quà để con người hạ súng
Như ông đã cười bên chín nhánh Cửu Long
Và ở những nơi khác nữa chúng ta nghe
Lời ông thì thầm như thở
Còn có thể thắng thêm vài quả nữa
Chỉ với một bài thơ thôi, Kevin Bowen đã mở một cánh cửa lớn cho người Mỹ nhìn sâu vào ngôi nhà mang tên Việt Nam. Và từ năm 1987, sau chuyến đi của nhà văn Lê Lựu và Ngụy Ngữ đến Mỹ, hầu hết hàng năm vào mùa hè, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã lần lượt tham dự hội thảo mùa hè của Trung tâm William Joiner. Từ Trung tâm William Joiner ở Boston, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã tỏa đi nhiều nơi khắp nước Mỹ để giao lưu và đọc tác phẩm của họ. Và các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ Việt Cộng đầu tiên xuất hiện trên các tạp chí văn chương của nước Mỹ. Và cũng là lần đầu tiên, người Mỹ đã nhìn thấy một Việt Nam của những vẻ đẹp thẳm sâu và lộng lẫy của văn hóa và của văn chương chứ không phải một Việt Nam của cuộc chiến tranh như họ đã từng biết và từng tham dự. Một trong những nhà thơ của Việt Nam đã đặt những viên gạch đầu tiên khởi công những trụ cầu của cây cầu mang tên Cái đẹp và Tình yêu con người là người lính, nhà thơ Hữu Thỉnh. Trong chuyến đến Mỹ đầu tiên, nhà thơ Hữu Thỉnh đã mang theo bảo bối cho chuyến đi qua biển của mình. Bảo bối ấy khi mở ra chỉ vẻn vẹn ba cụm từ tiếng Anh. Ba cụm từ đó là Buddy: là bạn thân, Conscience: là lương tâm và Strong, firm, solid: là bền vững.
Năm 1991, tại khu biệt thự Tây Hồ đang vào mùa sen nở, cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa các nhà văn cựu binh Mỹ và Việt Nam đã diễn ra. Tôi đã được tham dự cuộc gặp mặt lịch sử ấy. Các nhà văn cựu binh của hai phía ngồi đối diện nhau trong hội trường . Bên này là Vũ Tú Nam, Hữu Chính Hữu, Hữu Thỉnh, Hữu Mai, Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Nguyễn Duy, Lê Minh Khuê...bên kia là Kevin Bowen, Bruce Weigl, Tim Obrien, Yusef Komuniakaa, Phillip Caputo...Nhưng cách họ ngồi không phải cách họ từng đối mặt trong cuộc chiến tranh trước đó với tiếng lách cách của súng đạn mà họ ngồi đó như hai bờ của con sông để cho dòng nước của Cái đẹp và Tình yêu con người cuộn chảy ra biển lớn. Tôi đã ngắm nhìn họ lúc đó và tôi nhận thấy : Họ là những ví dụ kỳ diệu của nhân loại.
Sau chuyến đi của Lê Lựu, Thời Xa Vắng được dịch và ra mắt tại Mỹ. Năm 1994 tập thơ đầu tiên của nhiều tác giả đã được nhà xuất bản báo chí Đại học Massachusetts ấn hành. Tập thơ mang tên Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ ( Poems from the Captured doccuments) do nhà thơ Bruce Weigle và tiến sỹ Kim Thanh dịch. Đó là những bài thơ ghi chép trong sổ tay hoặc trong những giấy tờ khác của những người lính giải phóng Việt Nam được quân đội Mỹ thu giữ trong chiến tranh. Khi đọc những tài liệu này, các nhà thơ của Trung tâm William Joiner phát hiện ra một điều kỳ lạ là : một hình ảnh mà chủ nhân của những cuốn sổ tay hay giấy tờ ấy đều vẽ là những con chim hòa bình và một loại văn bản được ghi chép trong hầu hết các cuốn sổ tay và giấy tờ ấy là những bài thơ về đất nước, về mẹ, về vợ, về người yêu và giấc mơ trở về cày cấy, gieo hạt, lấy vợ sinh con đẻ cái sau khi chiến tranh kết thúc. Phát hiện ấy đối với những cựu binh Mỹ và người Mỹ có lẽ là một trong những phát hiện lớn nhất về chiến tranh Việt Nam và con người Việt Nam.
Trong suốt 30 năm, thông qua Trung tâm William Joiner, thơ văn của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam từ cổ điển đến đương đại đã lần lượt được xuất bản tại Mỹ như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, thơ thiền Lý Trần, thơ Hồ Chí Minh, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đức Mậu….Khi tuyển thơ đầu tiên của các nhà thơ Việt Nam viết trong chiến tranh được dịch ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ, nhà thơ Kevin Bowen chính là người đã đặt tên cho tuyển thơ đó là Sông Núi. Ông lý giải một cách đơn giản là ông dựa trên tinh thần của bản tuyên ngôn viết bằng những câu thơ về nền độc lập của người Việt Nam : Nam quốc sơn hà nam đế cư….
Để làm được những điều này, nhà thơ Kevin Bowen và các cộng sự của mình ở Trung tâm William Joiner như Nguyễn Bá Chung, Bruce Weigl, Larry Heinam… đã đương đầu với nhiều thách thức và đe dọa thậm chí có những đe dọa nguy hiểm tới tính mạng của họ và gia đình họ. Bên cạnh những nhà thơ, nhà văn của Trung tâm William Joiner là những người phụ nữ tràn ngập tình yêu thương và lòng quả cảm như chị Leslei Bowen, vợ nhà thơ Kevin Bowen và chị Phan Thị Ngọc Chấn, vợ nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung. Trong con mắt của các nhà văn Việt Nam, nước Mỹ chính là Trung tâm William Joiner ( nay là Viện William Joiner), là ngôi nhà của Kevin Bowen, là ngôi nhà của Nguyễn Bá Chung, của Bruce Weigl….Và nhân dân Mỹ chính là Kevin Bowen, Thomas Kane, Bruce Weigl, Larry Heineman, Yusef Komuniakaa, Martha Collins, Fred Marchant, Leslei Bowen, Phan Thị Ngọc Chấn...
Trong dịp Viện William Joiner kỷ niệm 30 năm chương trình hội thảo văn học của các nhà văn Mỹ và Việt Nam, tại thư viện Boston, chính quyền thành bố Boston, bang Massachusetts đã công bố quyết định của Thị trưởng thành phố Boston vinh danh nhà thơ Kevin Bowen cho những gì ông đã làm trong mấy chục năm qua trên cương vị là Giám đốc Trung tâm William Joiner. Quyết định có đoạn viết : “ Tôi, Martin J. Walsh, Thị trưởng thành phố Boston, nhiệt liệt ủng hộ việc tạo ra một "Ngày Kevin Bowen" để thừa nhận những việc làm quan trọng của ông và sau đây tuyên bố 27 tháng 6 năm 2017 là : NGÀY KEVIN BOWEN tại thành phố Boston”.
Một trong những lý do quan trọng nhất để Thị trưởng thành phố Boston quyết định có NGÀY KEVIN BOWEN được ghi trong Bản tuyên bố như sau : “ Dưới sự lãnh đạo của ông, Viện William Joiner đã dịch 14 tập thơ, tuyển thơ cùng tiểu thuyết của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Đây là số lượng lớn nhất mà một tổ chức đã làm được trên thế giới. Thực hiện sứ mệnh này, Kevin Bowen đã làm cho nước Mỹ hiểu một cách sâu sắc hơn nền văn học và văn hóa của Việt Nam, một kẻ thù cũ”.
Quả thực, công việc quan trọng nhất và tốn nhiều thời gian nhất cũng như phải đương đầu với nhiều thách thức nguy hiểm nhất là đón các nhà văn Việt Nam tới Mỹ, dịch và công bố tác phẩm của họ trên hơn 40 tạp chí văn chương của nước Mỹ trong suốt 30 năm qua, đặc biệt trong thời gian chính quyền Mỹ đang thực hiện chính sách cấm vận Việt Nam. Và hiện thực cho thấy, Viện William Joiner đã biến nước Mỹ thành quốc gia dịch và giới thiệu nhiều nhất tác phẩm văn học Việt Nam so với tất cả các nước còn lại trên thế giới kể từ sau năm 1975. Chính thế, việc vinh danh nhà thơ Kevin Bowen của chính quyền bang Massachusetts chính là vinh danh Viện William Joiner, là vinh danh con đường mà các nhà văn Việt Nam và Mỹ đã dựng lên. Và giờ đây, con tàu mang tên William Joiner lại tiếp tục hành trình về tương lai và người thuyền trưởng mới, Tiến sỹ Thomas T. Kane đã nhận lấy sứ mệnh vẻ vang và không ít nặng nề này. Trong chuyến thăm Mỹ tháng 6 năm 2017, được sự ủy nhiệm của Chủ tịch và Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam, đoàn nhà văn Việt Nam đã làm việc với Giám đốc Viện William Joiner, Thomas T. Kane về những điều khoản cụ thể trong chương trình giao lưu và hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Viện William Joiner trong thời gian tới đặc biệt là việc dịch và giới thiệu tác phẩm của cả hai phía.
Các nhà văn Việt Nam và Mỹ đã không mệt mỏi đi trên con đường của Cái đẹp và Tình yêu con người suốt 30 năm qua. Con đường của họ đã chọn và đã đi cho họ được quyền kiêu hãnh nói rằng: con đường ấy chính là con đường mà nhân loại đã đi, đang đi và mãi mãi đi. Và chỉ bằng con đường đó họ mới làm được những điều đẹp đẽ cho cả hai dân tộc trong ba thập kỷ qua.
(Nguồn: Văn Nghệ)