VĂN HỌC ĐỒNG THÁP-TRÁCH NHIỆM VỚI VÙNG ĐỀ TÀI ĐƯỢC GIAO
1.Hình như ở vùng đất mới Nam Bộ của tổ quốc ta, mới nhất (it ra là trong lãnh vực thông tin về vùng đất này bằng hình tượng nghệ thuật) lại là vùng Đồng Tháp, chứ không phải đất mũi Cà Mau “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” đang bước ngày càng xa ra biển Đông. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu của Đồng Tháp trong tác phẩm “văn hóa dân gian vùng Đồng Tháp Mười” có những thông tin khoa học, giải thích vì sao một vùng đất cổ có chiều sâu của nền văn hóa Ốc Eo lại còn rất mới trong nhận thức của chúng ta. Theo ông, “đến cuối thế kỷ thứ 19, công cuộc khai hoang Nam Bộ coi như hoàn tất, nhưng vùng Đồng Tháp Mười nằm ở trung bộ của vùng đất này vẫn còn hoang hóa, con người chỉ định canh định cư ở vùng ven, vùng rìa” thậm chí ông còn nói “Tên gọi Đồng Tháp Mươi được dùng phổ biến có lẽ bắt đầu từ cuộc kháng chiến chín năm (1945-1954)…”; Còn hoang hóa cho nên bí ẩn. Sự bí ẩn khiến Đồng Tháp Mười được chọn làm đất chiến khu. Đất rừng, đất ruộng và ngư trường thành chiến trường, sự biến đổi bất thường tạo diện mạo văn học khác thường cho đất này. Trên bản đồ lịch sử Việt Nam viết bằng văn chương, ở thời kháng chiến chín năm chống Pháp, rồi chuyển qua 20 năm kháng chiến chống Mỹ, hiện rõ, hai đầu não kháng chiến là Việt Bắc và Đồng Tháp:
Học đi em
Học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải
Từ mũi Cà mau
đến địa đầu Móng Cái
Quê hương ta
Đồng ruộng phì nhiêu
Đủ bốn mùa hoa trái
Núi Trường Sơn vĩ đại
Bờ biển rộng bao la
Có Việt Bắc mồ ma giặc pháp
Nối liền Đồng Tháp Nam bộ thành đồng
Bài thơ trên là bài học trong sách giáo khoa tiểu học mà một nửa nước phía Bắc đã thuộc lòng, để thương nhớ miền Nam trong thời đất nước chia cắt. Bằng phép tư duy hình tượng mang tới từ bài thơ, Viết Bắc tương trưng cho nửa nước phía Bắc, tương trưng cho miền Nam là Đồng Tháp. Trong văn học đương đại Việt Nam, có nhiều năm các danh từ riêng Đồng Tháp, Tháp Mười, Đồng Tháp Mười, trực diện hay kín đáo, hiển ngôn hay hàm ngôn, mang nghĩa - thành đồng Nam Bộ.
Hình ảnh cả Nam Bộ kháng chiến hiện lên trong bài trường ca Đồng Tháp Mười của nhà thơ Nguyễn Bính. Ở “mảng giang sơn” này:
Tháp Mười chung oán hận với non sông
Bông súng ngoài đồng bầm gan tím ruột
Ở “mảnh giang sơn” này:
Tiếng quốc canh trường kêu khắc khoải
Đồng hoang vời vợi bóng trăng soi
Vì oan hận trên, khắc khoải trên:
Tháp Mười đứmg dậy
Vững vàng
Tháp Mười sấn tới
Hiên ngang
Tháp mười quyết chiến không lùi bước
Vì Tháp Mười là một mảnh giang sơn
Mảng giang sơn ấy là cả Nam Bộ thành đồng.
Trong văn xuôi những năm chống Mỹ cứu nước, nhà văn Lê Văn Thảo lại chọn một Đêm Tháp Mười để dồn nén vào đấy tất cả quật cường, đau đớn, đằm thắm, hy vọng… của những người Nam Bộ “đi trước về sau” theo đuổi tới cùng cuộc kháng chiến thần thánh. Cho tới phần kết thúc, thiên văn xuôi mang tính sử thi Đêm tháp mười mở ra một bình minh Việt Nam tuyệt đẹp, đẹp như trong cổ tích: “chân trời rạng một màu hồng…Mặt nước phút chốc từ đen thẫm trở nên trong xanh như gương, những gợn sóng bạc như những con rắn tung tăng nhảy múa. Nước trong vắt thấy rõ những bụi rong đung đưa lặng lờ…”. Trong bức tranh phong cảnh được tỉa tót kĩ lưỡng này, cái đẹp Tháp Mươi đã thành cái đẹp Việt Nam. Hơn nhiều vùng văn học khác, văn học Đồng Tháp đã có được không ít những thăng hoa để làng quê hóa thành đất nước, để, chính trị với tên tuổi lớn của một chính khách có thể tự nhiên, sinh động, giản dị trong cuộc đời như loài hoa trời sinh trên một Cánh đồng hoang:
Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ
Một đặc điểm dễ nhận ra ở văn học Đồng Tháp là uy danh, trách nhiệm văn học của hai từ Đồng Tháp lớn hơn rất nhiều diện tích địa lí, giới hạn hành chính của địa danh này. Đặc điểm này không phải văn học tỉnh nào cũng có.
2. Riêng Đồng Tháp Mười trong tỉnh Đồng Tháp còn mới mẻ tới mức, cho mãi tới những năm giữa TK 20, chính xác là vào năm 1944 nhà văn Nguyễn Hiến Lê mới bắt tay viết 7 ngày trong Đồng Tháp Mười vừa như là du kí vừa như là biên khảo để giới thiệu vùng đất này, khi ông tiện liệu “nói đến Đồng Tháp thì mười người Việt, chưa chắc được một người biết” và ông rất tự tin “Sau sáu bảy tháng như vậy [sống trong Đồng Tháp Mười], tôi có thể tự hào rằng rất ít người Việt, ngay cả những bạn Nam, được biết rõ cảnh Đồng Tháp như tôi”. Viết từ 1944 nhưng cho mãi tới 1953 sách này mới được xuất bản. Có thể hình dung Đồng Tháp Mười như một vùng đất bị bỏ quên trên đường dân Việt tiến về phương Nam, theo hướng đã ghi trong tên nước mình – Việt Nam. Đồng Tháp Mười như một người đẹp ngủ trong rừng và nhiều chàng trai muốn đánh thức. Có Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp có một kho đề tài văn học giầu trữ lưỡng. Nhà văn cả nước về với Đồng Tháp trước hết là hướng về kho đề tài này, là hướng tới Đồng Tháp Mười- miền đề tải rất xanh và rất sâu. Đất linh biết chiều nghệ sĩ, nhà văn nào tới đây cũng có tác phẩm để lại.
Xuân Diệu tới đây như trở lại với thiên nhiên, được lẫn vào thiên nhiên:
Ôi hồn tôi nở hoa điên điển
Cho đến chân trời , gặp áng mây
Nước ngập dập dồi vàng lấp lánh
Hoa điên điển nở điệp trùng vây
Xuân Diệu tới đây và như đã trở lại được cội nguồn xa xưa nhất, đã tìm thấy thời hồng hoang của loài người khi không chỉ được ngắm hoa, tắm hoa, mà còn được:
Ăn hoa như thể tiên trong truyện
Mát dịu mà thơm vị giá thanh
Thanh Thảo đến Đồng Tháp Mười ngay từ thời chiến tranh ác liệt. “đến đây thì ở lại đây” đã “ bén rể “ đã “xanh cây” vẫn ở lại đây trong đội hình chiến đấu. Là người lính cầm bút ông biết cách gieo thân mình, biết cách “gắn liền với đất” để Đồng Tháp Mười mọc lên những thân cây văn chương:
Đồng Tháp rộng vô cùng
Nhưng ổ bàng mà tôi chui quá chật
Chật đến nỗi người tôi gắn liền với đất
Hệt những cọng bang từ đất vươn lên
Bế Kiến Quốc đến Đồng Tháp muộn hơn nhiều đồng nghiêp nhưng thâm nhập có vẻ sâu hơn. Anh theo mạch dân ca đi tới được những cung bậc sâu lắng của các làn điệu:
ĐIỆU LÝ QUA CẦU
Bằng lòng đi em…
Nhưng má anh đã mất
Mịt mù xa nam bắc khó đưa dâu
Bằng lòng đi em…
Nữa mai rồi cách mặt
Chuyện tâm tình muốn nói dễ chi đâu!
Bằng lòng đi em…
Có chiếc xuồng ba lá của riêng nhau
Bằng lòng đi em…
Mỗi khi buồn đến khóc
Một mình anh ca điệu lý qua cầu…
Chắc ai cũng nhận ra trong bài thơ trên những câu chúng ta đã nghe đến thuộc lòng qua ca từ Ngẫu hứng lí qua cầu của nhạc sĩ Trần Tiến, những câu khởi nhịp bằng lòng đi em và những câu đẩy dòng nhạc lên cao trào mỗi khi buồn đến khóc / một mình anh ca điệu lí qua cầu. Bế Kiến Quốc đã viết bài thơ sau một chuyến thực tế Đồng Tháp Mười như viết ca từ cho điệu lý kia. Nhạc sĩ Trần Tiến là người nhận ra điều này, ông đã đưa thơ Bế Kiến Quốc vào Ngẫu hứng lí qua cầu của mình và cả nứơc đã cùng hát một tình khúc đằm thắm, da diết viết từ Đồng Tháp.
Có thể nói văn học Việt Nam giao cho Đồng Tháp “quyền quản lý” đề tài Đồng Tháp Mười, như giao một vườn quốc gia, nói đúng hơn, như là giao một cánh đồng quốc gia. Đồng Tháp đã làm tốt việc quản lý này và văn học Đồng Tháp, nhờ cánh đồng đề tài rất mênh mông ấy, chẳng những có thêm nhiều tác phẩm, mà có thêm các tác giả đền từ nhiều miền đất khác.
Là một hội viên Hội văn Nghệ Đồng Tháp, tôi xin được chuyển qua bàn đến trách nhiệm của tỉnh nhà với vùng đề tài được giao.
3.Đồng Tháp là quê hương văn học của tôi một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam từ Đồng Tháp. Tập thơ đấu tiên của tôi in bằng tiền của Hội văn nghệ Đồng Tháp, in ở nhà máy in Đồng Tháp, tập thơ tên là Tháp mười nhỏ. Có thể nói tên gọi Đồng Tháp làm nên danh mục tác phẩm văn học của tôi, xin phép được kể: Khát vọng Tháp Mười, Tình ca Tháp Mười, Giữ lúa Tháp Mười, Buổi chiếu phim giữa đồng Tháp Mười, Đạp xe về huyện Tháp Mười, Ong mật Tháp Mười, Thợ khoan dầu Liên Xô về Tháp Mười ăn Tết, Tiếng Đàn dưới chân Gò Tháp, Cầu bập bênh trên sồng Tiến, Vườn hồng Sa Đéc, Mận Hòa An…
Xin được “xuống xề” một bài:
CẦU TỤT TRONG VƯỜN TRẺ NHÀ TRỜI
Ba má cắt lúa mướn đồng xa
những đứa bé nông dân
chơi với đất và nước
trong vườn trẻ nhà trời
Tháp Mười
thênh thang…
Các em tụt từ bờ dốc xuống lòng kinh
rơi vào những ngón tay của dòng Cửu Long.
Tụt xuống từ cầu vồng bảy sắc sau mưa
những con nắng tò he
màu sochola…
Những nắng trai, nắng gái
chỗ nào cũng phù sa
cả chim và bướm!
Chưa kẽm gai, chưa mảnh sành, chưa ngọn cỏ
Chỉ có
tinh khôi phù sa
các em tụt òa từ đất xuống nước.
Từ đất và nước Đồng Tháp Mười, xin mượn diễn đàn nay để nói lời tri ân với vùng đất:
Một chục mười tám trái xoài
Con sông bù đắt lòng người phì nhiêu
Đồng Tháp đã cho tôi một không gian nghệ thuật sâu rộng khoáng đạt để tôi thực hiện các bài tập văn học vào thời thanh niên của mình. Vào những ngày ấy tôi đã sống theo khuôn mẫu mà vùng đề tài này sinh ra:
Chưa rán như cây lúa nước
Mỗi mùa vươn mấy thước cao
Vai lúa chưa mang bông nặng
Đâu biết Tháp Mười bao sâu!
Chứa gắng thành con én liệng
Đo dọc đo ngang bàu trời
Không bay khi mùa xuân hết
Nào hay mênh mông Tháp Mười
Tôi và nhiều bạn văn của mình đã bơi và bay hết sức mình những ngày ấy, đã kịp ghi nhận một Đồng Tháp Mười trước thời biến đổi khí hậu, để một mai biến đổi ấy diễn ra thì Đồng Tháp Mười vẫn còn, ít nhất là trong các trang văn học. Không biết có quá lời không khi đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào hội thảo này, nhưng xin chân tình được nói tới sự phạt triển văn học Đồng Tháp bằng cách lưu ý nghệ sĩ chúng ta về trách nhiệm của mình với vùng đề tài này. Xin kiến nghị với tỉnh nhà:
(1).Nên chăng trong giải văn nghệ định kì Nguyễn Quang Diêu của tỉnh Đồng Tháp có một giải thưởng riêng về Đồng Tháp Mừời vùng đất thiêng của tổ quốc chung.
(2).Gắn liền với giải thưởng chuyên sâu nói trên là một chế độ đãi ngộ hợp lí của tỉnh Đồng Tháp với người sáng tác toàn quốc. Thí dụ một lời mời có hạn định thời gian cùng chế độ ăn nghỉ tối thiếu có thể với các cá nhân nghệ sĩ có ý muốn sáng tác về Đồng Tháp Mười và được cơ quan văn nghệ quản lý mình giới thiệu.
Chú thích ảnh: Bốn hội viên Hội NVVN trưởng thành từ Đồng Tháp (Từ trái qua) Thai Sắc, Trần Quốc Toàn, Thu Nguyệt, Nguyễn Hữu Nhân.