Tìm tòi thể nghiệm

9/11
2:56 PM 2017

BÓNG MÁT DƯỚI CHÙM GAI- TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ BÍCH VƯỢNG

Câu chuyện bắt đầu từ cái hôm 27/7, năm ấy cơ quan Vân tổ chức buổi gặp mặt các thương binh và thân nhân các gia đình liệt sĩ. Với cương vị là nhóm trưởng, Vân gọi điện thông báo cho Mến cũng là con liệt sĩ: “10h trưa nay cơ quan tổ chức buổi gặp mặt các thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ, ở hội trường giao ban. Em thu xếp công việc rồi lên đúng giờ nhé”.

Rồi vẫn nội dung này Vân gọi thông báo tiếp cho tất cả những người trong nhóm con liệt sĩ. Ai cũng hào hứng khi nhận được tin, và hứa với Vân là sẽ sắp xếp công việc để lên hội trường họp đúng giờ. Còn Thắng, khi nghe Vân báo tin, thì lại dửng dưng, không nói không rằng, để Vân phải nhắc đi, nhắc lại, đến nỗi phải gắt lên: “Anh đã nghe rõ em nói chưa?” Thắng mới ậm ừ, vẻ miễn cưỡng “Biết rồi”. Ấy thế nhưng, hội nghị khai mạc đã được năm phút mà vẫn chưa thấy Thắng có mặt. Vân sốt ruột, một lúc lại đảo mắt nhìn ra cửa. Bấy giờ Thắng mới đủng đỉnh mang theo nét mặt của người đưa đám bước vào hội trường, một mình ngồi ở hàng ghế cuối cùng. 

Mỗi lần cơ quan tổ chức gặp mặt, là một dịp ôn lại những kỷ niệm về các liệt sỹ, những người dù đã không còn trên đời, nhưng không hề mất trong trí nhớ của người đang sống. Những câu chuyện rất xúc động mà những thân nhân liệt sĩ kể lại về người đã hy sinh, vì thế cũng dường như họ luôn luôn sống trong ký ức của mọi người. 

​Lần ấy như những người khác, đến lượt Thắng được mời lên trước micro kể lại kỷ niệm về người cha của mình. Thắng chần chừ một lúc rồi mới đi lên, ấp úng hồi lâu chỉ nói được mấy câu, rằng, anh chỉ nhớ đêm trước khi ra đi, bố ôm anh vào lòng và hứa sẽ mang quà về cho anh một chiếc bút máy đẹp. Hồi ấy Thắng mới học lớp một, anh rất thích có cái bút đẹp, cái bút chỉ bơm mực một lần rồi có thể viết cả buổi mà không cần mang lọ mực theo. Nhưng rồi bố anh không về nữa. Thắng chỉ nhớ có thế. Đúng hơn anh chỉ kể ngắn ngủi như thế, trong khi những người khác được mời lên, họ có những câu chuyện cảm động làm cả hội trường lặng phắc rồi ai cũng thút thít lau nước mắt. Chẳng hạn như chị Mến ở khoa xét nghiệm, chị trích đọc một số trang nhật ký của bố viết cho mẹ từ khi chị ấy còn trong bụng mẹ. Vậy mà bố chị đã hình dung gương mặt đẹp và hiền của chị y hệt như Mến lúc này. Bố chị hy sinh khi mẹ chị một mình vượt cạn trong đêm, không kịp ra trạm xá, cũng không kịp gọi bà ngoại. Vừa ăn tối xong, mẹ đau quặn bụng dưới và chỉ kịp ngồi bệt xuống nền nhà thì cái thai đã nhô ra. Mến chào đời đúng ngay cái đêm bố chị ngã xuống cạnh hàng rào sân bay Tà Cơn. Cái tên của Mến cũng do bố chị đặt trong ngày bố chia tay mẹ vào mặt trận.

​Còn Vân thì nhớ những cánh diều thường bay rợp trong những giấc mơ mỗi đêm chị nhớ bố mình. Nhà có rặng tre ngà vàng óng, bố chọn những thân tre lóng dài, chuốt thành những xương diều, đem hơ qua lửa cho dẻo trước khi dùng nhựa cây duối phết lên những tấm giấy xốp nhẹ dán lên xương diều. Rồi bố thường dùng nước nâu, thứ nước mẹ nhuộm vải phết lên cánh diều, vì vậy diều bố làm thường nổi bật, rất dễ nhận ra giữa một nền trời chao liệng hàng mấy chục cánh diều trên cánh đồng quê chị. Ngày bố bị thương về điều trị tại Quân y viện 7, tuy còn nhỏ tuổi nhưng Vân thường đi một mình mấy chục cây số tới thăm bố. Bố chị bị một viên đạn thẳng từ trước ngực trái xuyên gần qua phổi thành một vết thương to như miệng chén sau lưng. Cũng chỉ được mấy tháng rồi bố qua đời. Các chú thương binh cùng điều trị với bố kể lại trong suốt những tháng ngày tại Quân y viện, họ chưa hề nghe thấy ông kêu rên bao giờ, mặc dù với vết trọng thương đó, họ biết ông vô cùng đau đớn. Còn Vân, tính tình gan lỳ cóc tía vậy mà Vân đã gào thét như điên dại ngày đưa bố về nghĩa địa quê nhà. Đó cũng là một buổi chiều trên bầu trời cánh đồng quê chị bay rợp cánh diều và rền rĩ tiếng sáo, như để vĩnh biệt một người con ưu tú của quê hương.

​Câu chuyện ấp úng của Thắng và vẻ miễn cưỡng phải đi họp, cộng với nét mặt luôn trầm tư của anh không làm ai để ý, nhưng Vân thì để ý. Thắng hơn Vân chừng dăm bảy tuổi. Cùng công tác ở một bệnh viện của tỉnh nhưng khác khoa nên ít khi gặp nhau. Vì thế nên Vân cũng không hiểu rõ về hoàn cảnh của Thắng. Hơn nữa mỗi khi bệnh viện tổ chức gặp mặt thương binh và thân nhân các gia đình liệt sĩ, Thắng thường ngồi lặng lẽ ở góc hội trường. Họp xong là ra về ngay, không bắt chuyện với ai, vì thế anh không để lại ấn tượng nổi bật gì đối với ai. Vân để ý đến câu chuyện cái bút máy của Thắng chỉ vì mấy lần Vân qua thăm người nhà bị ốm phải nằm điều trị ở khoa nội. Vân gặp Thắng đến khám bệnh cho người nhà mình. Cô đã liếc mắt nhìn vào tập bệnh án mà Thắng đang ghi chép và nhận ra anh có nét chữ rất đẹp, chứ không giống như chữ của một số bác sĩ khác, khó khăn lắm mới dịch nổi được cái đơn thuốc. Điều gì dắt dẫn trí tò mò của Vân thì Vân không biết nhưng những nét chữ ngay ngắn và bay bướm kia thì như muốn kể về chủ nhân của nó. Có điều, Thắng lầm lỳ làm Vân có phần băn khoăn, e ngại. Không những thế, Thắng còn tỏ ra rất miễn cưỡng mỗi khi vô tình họ đi cạnh nhau trong buổi đoàn đi tham quan, hoặc ngồi cùng bàn với nhau mỗi khi cả đoàn dừng chân bên đường giải lao uống nước. Như bất cứ một cô gái nào, Vân rất nhạy cảm với những gì khác biệt. Một anh chàng đẹp mã nhưng nhiều lời, lại hay phô diễn trước đám đông, chẳng khác nào một chú gà sống trước đồng loại khác giới, chỉ làm Vân chực muốn ói như khi nhấp phải một ngụm xi rô rẻ tiền phố huyện; Một anh chàng mập ú có cái kính đen gọng vàng, và cái ví căng phồng sau mông, ra dáng một tay lái trâu trúng mánh, vào nhà hàng gọi món cao giọng như quát tháo thiên hạ chỉ làm Vân bực bội đứng ngay dậy, bỏ sang nhà hàng khác không ngoái đầu lại. Thắng chẳng có gì đặc biệt. Anh ngồi đó lặng lẽ hút thuốc, không tỏ ra xa cách cũng không tỏ ra gần gụi. Anh không nói gì, đôi mắt xa xăm, nét mặt trầm tư, đôi khi như một ngọn núi nhỏ lẻ loi, bí mật, khắc kỷ, giấu kín tâm sự của mình. Mọi người hiểu tính Thắng, không ai muốn làm phiền anh.

​Nhưng Vân phần vì tò mò, phần thì vì trách nhiệm. Là nhóm trưởng nhóm thương binh và thân nhân liệt sĩ của cơ quan. Lại là người sống tình cảm, luôn quan tâm đến mọi người, nên Vân rất băn khoăn muốn tìm hiểu xem tại sao?

 

Không hẹn trước, Vân đến nhà Thắng vào một ngày nghỉ chủ nhật. Vừa lúc anh sang bên nhà hàng xóm thăm bệnh cho một bác ở xã bên về. Nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại trên mặt và thấm ướt cả hai bên vai áo Thắng. Vì bất ngờ, nên Thắng tỏ ra hơi khó chịu. Anh miễn cưỡng bảo Vân ngồi tạm trên chiếc chõng tre đặt mé thềm, rồi đi vào phòng bên. 

Vân lặng lẽ ngắm khu vườn nhà Thắng. Mùa này đỗ lạc đang ra hoa tím vàng cả một vùng. Một luống cà chua đang lấp ló những chùm quả xanh đỏ sau chùm lá. Bốn bề vắng lặng. Một hàng cây bồ kết đang đổ bóng xuống nửa vạt sân. Vân nhìn lên, chi chít bên những chùm quả là tua tủa những chùm gai. Những chùm quả quen thuộc, hiền khô bên những chùm gai nhọn hoắt ghê sợ. Nhưng khi đổ bóng xuống vạt sân thì toàn bộ cây bồ kết sum suê chỉ còn là bóng mát.

Thắng đã trở lại trong bộ quần áo gấp nếp. Anh đặt lên chõng hai bát nước vối cho mình và cho khách, rồi chủ động:

- Nhà có khó không?

- Dễ mà anh. Em hỏi mấy bác đang làm cỏ lúa ngoài kia, ai cũng chỉ dẫn tận tình. Chỉ hỏi một lần là đến được anh ạ.

- Làng thay đổi nhiều quá - Thắng có phần cởi mở hơn - Nếu mấy năm trước Vân có hỏi cũng chẳng ai chỉ cho đâu.

- Sao vậy anh Thắng? À, chắc thời chiến nên họ sợ... anh nhỉ? - Vân ngập ngừng. Thắng ngần ngại một lát rồi tiếp. - Chuyện dài lắm mà cũng buồn lắm!

- Anh Thắng kể cho Vân nghe đi…

 

Bây giờ Vân mới biết, bố Thắng bị du kích bắn chết trong một trận phục kích bên cầu bắc qua con sông Cẩm La sang phía Hòa Đam. Một đêm rét mướt, nhận mật tin từ cơ sở, một tốp du kích hóa trang bùn đất từ mé sông ào lên nổ súng như trút lửa vào chiếc xe nhà binh chở mấy tên sĩ quan Pháp cùng với những tên Việt gian tháp tùng. Sáng ra, dân làng gom xác đi chôn và nhận ra trong số tử thi bên cạnh những tên sĩ quan Pháp, có Toàn, bố của Thắng. Du kích muốn bà con trong làng ngoài ngõ nhận rõ mặt thằng Việt gian bán nước nên mấy ngày sau mới cho mẹ Thắng nhận xác bố Thắng về chôn. Rồi đang đêm mẹ Thắng phải ra ngoài chợ thuê người thiên hạ khiêng xác chồng chôn ngay trong vườn nhà, bốn bề không một ánh đèn, lầm lụi không dám khóc một tiếng. Ngôi mộ không dám đắp cao, chỉ là một gò đất nhỏ xíu. Đấy là ngày giữa tháng giêng năm một chín năm tư, lúc Thắng mới hơn bảy tuổi.

 Sau cái chết của bố, ngày nào đến lớp Thắng cũng bị đám bạn gào lên đả đảo thằng Việt gian bán nước. Thầy giáo phải nhiều lần nhắc nhở đám bạn mà chúng vẫn không để Thắng yên. Có đứa gặp Thắng trên đường đến trường liền lượm đất đá ném Thắng. Nhưng cậu bé này vẫn nuôi một ý nghĩ trong đầu, rằng bọn bạn học cùng lớp có thể chửi mắng, khinh thường vì Thắng là con của một kẻ phản bội. Nhưng phải nể, phục Thắng về việc học hành. Và chỉ có học giỏi Thắng mới thoát ly được khỏi cái làng mà lúc nào mọi người cũng nhìn mẹ con Thắng bằng ánh mắt sắc, nhọn như chùm gai bồ kết đứng ở góc sân kia. Ý nghĩ ấy đã khiến cậu bé đói khát, khổ sở là thế mà vẫn luôn dẫn đầu lớp.

Sang đến đận cải cách ruộng đất một chín năm nhăm, năm sáu, nhà Thắng bị quy là thành phần địa chủ. Hồi ấy, đã là Việt gian thì mặc nhiên cũng là địa chủ. Vậy là mẹ con Thắng một nách hai mang: Tội Việt gian bán nước và tội cường hào địa chủ và bị tịch thu toàn bộ tài sản. Căn nhà gỗ trên mảnh vườn và mấy mảnh ruộng của nhà Thắng được chia cho mấy cố nông nghèo. Mẹ con Thắng bị dồn ra tận rìa làng. Cái mộ của bố Thắng ở tít cuối vườn cũng không yên, mấy lần bị dọa đưa ra khỏi vườn. Nhưng rồi trong những ngày làng xóm như lên đồng ấy, mấy hộ nông dân ngày đêm bận rộn đi mít tinh hội họp, bỏ hoang mảnh vườn và cũng quên luôn ngôi gò đất bé xíu lút cỏ cuối vườn kia. 

Mẹ con Thắng bỗng chốc không còn một củ khoai, hạt gạo. Hai mẹ con ngày ngày cúi mặt xuống bờ mương lần từng con cua, con ốc. Nhìn Thắng gầy gò, đói cơm, mẹ như cắt từng khúc ruột. Trồng được một ít rau, luống cà ở mé vườn, mẹ mang một ít xuống chợ bán lấy tiền đong gạo, vậy mà rau, cà mang đi lại mang về. Không ai mua của địa chủ. Mẹ Thắng trở nên cùng quẫn.

Một hôm mẹ ôm Thắng rất lâu, nước mắt mẹ nhòa trên mặt Thắng. Sau đó mẹ bỏ nhà lên chùa gặp sư trụ trì tâm sự hoàn cảnh. Sư trụ trì thương cảm nhận mẹ vào quét lá dâng hương nơi cõi phật. Hôm nào mẹ cũng nhang đèn cẩn thận rồi đứng rất lâu trước ban thờ. Bà biết chồng mình không thể nào là kẻ phản bội, nhưng không thể nào minh oan được cho chồng. Bà chỉ còn cách hàng ngày cầu nguyện cho chồng sớm được minh oan và thanh thản nơi chín suối. Cầu nguyện cho con qua thời đoạn khổ cực này. Thắng không giận mẹ, vì Thắng hiểu mẹ đã rất khổ tâm, đã cạn nước mắt trước cảnh bị dân làng ghét bỏ, kỳ thị, không dám ngước mắt nhìn ai, không thể sống nổi ở xứ này. Bà mới phải bỏ lại Thắng để lên chùa. Thắng một mình trơ trọi như cây vối cạnh cái chòi lá rìa làng. Rồi một vài tuần khi đêm đến mẹ lại lẻn về làng thăm Thắng, lần thì mẹ mang về cho Thắng oản, lần thì mang trái cây, lần thì gói kẹo lộc nhà chùa. Lần nào về hai mẹ con cũng ôm nhau khóc một chặp rồi mẹ lại khăn áo ra đi. Mẹ vốn sống lặng lẽ lại càng tìm cách xa lánh mọi thứ trên đời. Thắng hàng ngày phải đi mót khoai, mót lúa. Có những ngày đói lả, xiêu vẹo tối mịt mới về. Một hôm trời đứng trưa vắng vẻ, Thắng đang hì hụi bới đất tìm những củ khoai còn sót lại đã lên mầm trên thửa ruộng thì nhận ra từ xa có người phụ nữ đang đi về phía mình. Theo thói quen, thấy người, Thắng liền rẽ xuống ruộng ngô tránh mặt. Nhưng bác ấy cũng rẽ xuống ruộng ngô và đến ngay trước mặt Thắng. Biết không thoát được, Thắng cúi gằm xuống chờ một hình phạt sẽ sắp sửa đến với mình. Bác ấy nhìn trước nhìn sau, thấy không có ai, liền kéo Thắng cùng ngồi thấp xuống, rồi thì thào “Có phải cháu con bố Toàn không?”. Thắng hoảng sợ không dám trả lời. “Cháu đừng sợ, bác biết bố cháu, tội nghiệp, cháu gầy nhom thế này ư? Nghe bác dặn này, hàng ngày bác sẽ giấu các thứ cháu cần vào hốc cây duối thứ ba kia, chờ khi không có ai thì ghé vào đó lấy nhé. Cẩn thận nhé cháu. Cháu không được nói với ai chuyện này”. Bác ấy nói rồi không đợi Thắng trả lời, đứng lên đi nhanh về cuối cánh đồng. Thắng không dám tin vào những gì bác ấy nói, không dám tin những lời đầy tình thương mà từ lâu Thắng không nghe thấy ai nói như thế với mình. 

Rồi hôm sau đợi cho người đi làm đồng về hết, lúc đầu Thắng sợ định không dám đến gần, nhưng rồi vì đói quá, anh thử ghé vào hốc cây duối. Từ đó, ngày nào Thắng cũng nhận được thức ăn, khi thì gói xôi, khi thì nắm cơm, khi thì mấy củ khoai, mấy bắp ngô luộc. Thắng sống được qua những ngày tháng gian nan, đầy hiềm khích ấy là nhờ những thứ đồ ăn mà người phụ nữ trạc tuổi mẹ mình hàng ngày giấu trong hốc cây, người mà anh không hề biết họ tên quê quán ở đâu. Sau này lớn lên, ngẫm lại những ngày buồn ấy, Thắng nhận ra trong cùng cực tuyệt vọng, miễn là con người đừng tuyệt vọng, cuộc đời sẽ tìm ra lối đi cho dù đó là những lối hẹp không ai ngờ tới.

Thắng lớn lên trong gian nan, khổ đau như vậy. Anh không biết nói chuyện hoặc hỏi han ai. Người duy nhất biết anh là người phụ nữ xa lạ, chỉ gặp mặt một lần trên cánh đồng Hòn Mô, như người đứng trong bóng tối, vẫn mang thức ăn cho anh mỗi ngày, mà anh không sao gặp lại. Rồi một hôm Thắng quyết định gặp bác ấy bằng được. Anh nấp kín sau rặng duối chờ người phụ nữ ấy xuất hiện, rồi nhân lúc bác ấy đến bên gốc duối, Thắng bước lại gần. Anh ấp úng: “Bác ạ, cháu lớn rồi, bác không phải cho cháu nữa. Cháu xin đi làm được rồi”. “Dù gì, cháu vẫn phải cố mà học, học cho giỏi cháu nhé”. “Dạ, vâng ạ”. Thế rồi, khi Thắng ngước lên thì bác ấy đã đi khuất sau cánh đồng, Thắng mới sực nhớ ra điều anh tâm niệm lúc còn ở nhà là hỏi tên, thì lúc này bác ấy đã đi xa, anh đành lặng lẽ quay về.

 Rồi trong xóm có đợt thanh niên tình nguyện nhập ngũ, lúc này chiến trường miền Nam đang ác liệt. Thắng một mình xuống Ủy ban xã ghi tên nhưng chờ mãi không được gọi. Hỏi lại ông Xã đội Trưởng mới biết vì lý lịch. Ông bảo Thắng: “Chiến trường cần nhiều người, nhưng những người có hoàn cảnh như anh thì chưa đến lúc cần”. Vậy là Thắng lại tiếp tục đi làm thuê kiếm tiền ăn học. Trời đã không phụ lòng người Thắng đỗ đại học Y Hà Nội. Mẹ Thắng mừng lắm, bà mua cho Thắng một chiếc bút máy, nói là, mẹ thay bố Toàn tặng con trai mà một lần hai bố con Thắng nói với nhau mẹ đã nghe được. 

Rồi một ngày cờ hoa tưng bừng khắp phố xá, làng quê, cờ hoa tưng bừng trong mắt người già đã mỏi chờ qua nhiều năm tháng, cờ hoa tưng bừng trong tay những đứa trẻ chạy tung tăng khắp làng chào đón hòa bình, cờ hoa tưng bừng trong những gia đình có người đi chiến đấu suốt những năm dài chiến tranh. Nhà ai cũng thắp hương nhớ người đã ngã xuống trong chiến tranh. Nhà ai cũng cắm cờ mừng ngày 30 tháng 4 trước cửa, riêng nhà Thắng, anh không dám. Một vết cắt từ sâu trong tâm khảm, suốt những năm tháng ấu thơ, như chùm gai, cắm sâu trong trái tim anh, đến nỗi trước cái vui lớn lao của đất nước, Thắng như người vô hồn, ngoài cuộc, cảm thấy niềm vui ấy không dành cho gia đình mình. Thắng không dám ra đường trong ngày trọng đại ấy. Anh cũng không thắp hương trên bàn thờ bố. Ngược lại anh thấy rất giận bố.

Một năm sau ngày hòa bình, khi Thắng đang chuẩn bị đi làm thì có người đến trước cổng. Thắng hơi hoảng khi có người hỏi nhà anh, vì lâu lắm có ai thăm nom gì nhà anh đâu. Bác ấy bước qua cổng, đứng giữa sân hồi lâu, vừa lúc Thắng từ trong nhà rụt rè bước ra.

- Chào cháu, cho bác hỏi thăm, có phải đây là nhà của mẹ con chị An có chồng là Toàn mất đã lâu không?

- Dạ.

- Bác nhớ ngày trước nhà cháu ở giữa thôn cơ mà, sao bây giờ lại ở rìa nhỉ?

- Dạ.

Thấy Thắng rụt rè, không đợi Thắng mời, ông vào nhà rồi ngồi xuống ghế. Thắng nơm nớp lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình. Người khách lạ nhìn Thắng một lát, rồi hỏi: “Cháu là con bố Toàn mẹ An, đúng không? Nhìn cháu là bác biết, cháu giống hệt bố. Thế mẹ An đi đâu, cháu?”. Vẻ ôn tồn của ông khách làm Thắng lấy lại đôi chút bình tĩnh. Ông tự giới thiệu: “Bác là Thân, bạn của bố cháu”. “Dạ, bác, bố cháu đã… mất từ lâu rồi ạ”. “Bác biết rồi, bố cháu và bác ngồi trên một chiếc xe nhà binh cùng với mấy tên sĩ quan Pháp, bị du kích ta phục kích bắn cháy bên cầu thôn Hòa Đam ngày 18 tháng 1 năm 1954, sao bác lại không nhớ chứ. Đêm ấy, bác thoát được còn bố cháu hy sinh tại chỗ. Chiến tranh mà cháu, nhầm là chuyện có thể xảy ra mà. Nhưng không hẳn là du kích nhầm. Chính bác và bố cháu ngầm báo về cơ sở để du kích tiêu diệt bọn binh lính Pháp đấy chứ. Sau khi bố cháu mất, mấy lần bác định đến thăm nhà cháu, nhưng rồi chưa kịp thì bác được lệnh xuống Hải Phòng vào Nam, mãi đến hôm nay mới có dịp. Nào kể cho bác nghe xem cháu học hành ra sao, mẹ con cháu sống thế nào trong thời gian ấy nào”.

Thắng đắn đo không biết nên nói những gì với ông khách lạ. Chỉ sau khi nghe ông nói là ông có đem về cho Thắng chiếc bút máy, mà trước khi mất một ngày, linh tính thế nào đó, bố Thắng có nhờ ông hôm nào qua chợ trên thành phố, mua hộ để ông tặng con trai đang học trường làng. Chỉ đến khi đó, Thắng mới dần dần lấy lại bình tĩnh, rồi kể lại câu chuyện về quãng thời gian đầy khổ cực của hai mẹ con Thắng cho bác Thân, bạn của bố nghe. Bác Thân như chết lặng. 

 Vào những năm bác Thân và bố của Thắng được Cục tình báo lựa chọn cấy vào hàng ngũ binh lính Pháp. Họ hoạt động điệp báo đơn tuyến đặc biệt, tuyệt đối bí mật, chỉ có hai người biết với nhau, tự xử lý các tình huống khi chui sâu vào hàng ngũ binh lính Pháp, thu thập tin tức chuyển về cơ sở. Trước đó, họ đều học trường Bách nghệ do Pháp bảo hộ. Qua một linh mục nhà thờ Cửa Bắc giới thiệu, họ trở thành nhân viên sở mật thám Pháp. Cả hai đều thông thạo tiếng Pháp, lại tỏ ra mẫn cán, kín đáo nên nhanh chóng được tin dùng. Toàn được lựa chọn làm phiên dịch, còn Thân ở bộ phận hồ sơ.

Đêm 18 tháng 1 năm 1954 Thân và Toàn tháp tùng ba tên sĩ quan Pháp và mấy tên lính tay sai trên một chiếc xe nhà binh qua sông Cẩm La sang bên kia đường 5 bảo vệ cho một chuyến tàu chở gạo từ Hải Phòng lên Hà Nội. Tin ấy được nhanh chóng chuyển về cho lực lượng du kích huyện. Và, trong cái đêm rét mướt ấy, Toàn cùng hơn một chục tên sĩ quan, binh lính Pháp chết ngay trong loạt đạn đầu tiên của du kích bên cạnh cầu thôn Hòa Đam, trong khi Thân vừa kịp lao xuống dòng nước, bơi sang bờ bên kia, chạy thoát.

Sau cú giáng tê điếng ấy, bọn Pháp điều một đơn vị khác về thay thế. Thân bị chuyển liên miên khắp địa bàn Hải Dương, Hưng Yên nên không thể kịp báo cho chính quyền địa phương biết sự hy sinh của Toàn. Vả lại, điều đó Thân cũng không được phép. Rồi chiến thắng Điện Biên Phủ chưa được bao lâu, anh lại nhận nhiệm vụ gấp gáp, nhập vào dòng người di cư vào Nam, hoạt động trong tổ chức Z8 nội thành Sài Gòn cho đến ngày toàn thắng. Và sau hơn hai mươi năm Thân mới được nghỉ phép trở lại miền Bắc thăm gia đình. Về lại vùng đất quê hương, sau vài ngày sum họp với vợ con, Thân nhớ lại ngày đầu anh xa quê, nhớ cái đêm 18 tháng 1 năm 1954 anh suýt chết bên cầu Hòa Đam. Người đầu tiên anh nhớ là Toàn. Thực ra, trong thời gian hoạt động tại nội đô Sài Gòn, Thân luôn canh cánh bên lòng rằng ước nguyện của người bạn đã quá cố muốn tặng con chiếc bút máy. Trước khi về miền Bắc, Thân ra chợ Bến Thành lựa mua một chiếc bút rất đẹp mang về cho con trai Toàn. Anh hoàn toàn không biết gì tình cảnh gia đình bạn mình suốt những năm tháng chiến tranh, dù vài hôm sau khi từ Sài Gòn về, có lần chị Nụ, vợ anh, kể sơ qua về những ngày sau khi Toàn chết, con trai Toàn rơi vào tình cảnh rất khốn khó, chị cũng đã bí mật tiếp tế cho cháu chút ít. Nhưng rồi hồi ấy, phần vì chị linh cảm đang bị theo dõi, phần vì đến lúc cháu cũng đã tự lo được nên chị không liên hệ gì với cháu nữa.

 Thân đâu có ngờ sự việc lại trầm trọng đến mức này. Sau lần gặp Thắng, nét mặt bác Thân đầy đăm chiêu, đau buồn, cảm thông, nghĩ ngợi, anh chia tay Thắng và hẹn ngày trở lại. Rồi cũng sau hôm ấy, Thân quyết định gặp mọi cấp chính quyền làm sáng tỏ câu chuyện buồn của bạn. Sau nhiều lần tất tả ngược xuôi, gặp gỡ tổ chức, lục tìm hồ sơ của Toàn từ cấp xã, đến cấp huyện, cấp tỉnh, gặp gỡ những người cùng thời, cuối cùng, mấy tháng sau anh tìm đến Cục hồ sơ an ninh và xác minh rõ ràng cho Toàn. Toàn được truy tặng danh hiệu liệt sỹ và nhiều huân chương. Hôm chính quyền địa phương tổ chức truy điệu và trao tặng cho gia đình Toàn, địa phương cử người lên chùa mời sư An, vợ Toàn về. Thân đứng cạnh Thắng trước hội trường nghẹn ngào kể lại những ngày hoạt động của Toàn, những ngày chịu đựng của vợ con Toàn. Cả hội trường lặng phắc xót xa. Mấy bà ngồi hàng ghế sau bật khóc, tưởng như chính họ đã gây ra tấn bi kịch của gia đình Toàn. Chính quyền địa phương nhanh chóng đi tới một quyết định tìm chỗ ở mới cho mấy hộ đang ngụ trong vườn của gia đình Toàn, trả lại cho con trai anh, cháu Thắng, căn nhà và mảnh vườn hương hỏa của cha ông. Việc đó cũng đã cách đây khá lâu rồi. 

*

Suốt buổi lặng nghe Thắng kể Vân tưởng mình cũng đã trải qua những cay đắng, xót xa, lên thác xuống ghềnh cùng với Thắng. Nước mắt đã thấm ướt chiếc khăn chị cầm trên tay. Là người sống nội tâm, tận sâu xa trong lòng mình, Vân cảm thấy rất thương cảm và khâm phục Thắng. Hóa ra linh cảm của Vân về sự lầm lỳ của Thắng là đúng. Giờ thì chị hiểu trong con người Thắng những uẩn khúc, trắc trở, cục cằn nữa, đôi khi như dòng suối đang chảy mạnh vấp phải một tảng đá lớn, lục cục dội lên cuồn cuộn, ngầu bọt. Dòng suối ấy kích thích sự tò mò của những ai muốn khám phá. Thắng khác hẳn với những đám trai mà Vân từng gặp, những người lớn lên, no đủ, học hành, chải chuốt, ăn nói lịch sự… nhưng khá nhạt. Vân rất khó chịu với người nhạt. Bản tính thích khám phá của Vân mỗi ngày một tích lũy làm đầy lên kho báu tinh thần mà chỉ cần gặp qua Vân một lần, ai cũng có thể cảm nhận được nội tâm phong phú của chị. Nghe xong câu chuyện của Thắng, mắt Vân đỏ hoe, ngấn nước: “Em hiểu vì sao anh Thắng thường im lặng trong các cuộc họp. Thôi, chỉ cho em mộ của chú Toàn, em muốn thắp cho chú nén hương”. Hai người đi về phía cuối vườn. Ngôi mộ giờ đã được ốp đá xẻ, nằm khiêm nhường dưới tán hàng cây bồ kết. Trên tấm bia nhỏ khắc hàng chữ: “Liệt sỹ Lê Toàn-chiến sĩ điệp báo-Hy sinh ngày 18 tháng 1 năm 1954”. Nắng chiều chưa tắt. Bóng mát trùm lên khắp mảnh vườn. Hàng cây bồ kết mùa này chi chít những chùm quả và chi chít những chùm gai.

 

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *