NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11: TÌM THẦY Ở CÁC TRẠI VIẾT VĂN
1. Tôi ngộ ra điều này từ thời nhà thơ Bế Kiến Quốc chưa về báo Văn Nghệ, ông còn là cán bộ phòng sáng tác Sở Văn hóa Hà Sơn Bình, cùng phòng với thi sĩ “nhân văn” Trần Lê Văn, thi sĩ tập kết Hoàng Tố Nguyên, thi sỹ “lưu dung” Vân Long… Họ điều tôi – anh giáo làng đang dạy mãi trên Bất Bạt quê Tản Đà xuống dự trại sáng tác chạy bom Mỹ tại một xã vùng ven thị xã Hà Đông quê lụa. Sướng quá! Được nghe thầy Xuân Diệu (đạp xe từ Hà Nội vào) hướng dẫn sáng tác. Hướng dẫn ngay trong nhà dân mà chúng tôi ở đậu. Học trong mái ngói ba gian vừa là nhà thờ vừa là phòng khách. Thầy Diệu đăng đàn từ bộ tràng kỉ tre giữa nhà bên chai bia Trúc Bạch còn học trò chúng tôi ngồi xếp bằng trên hai phản ngựa hai bên vốn là giường ngủ. Tôi và Nguyễn Tấn Việt ngày ấy đều đã tốt nghiệp đại học (tôi sư phạm, Việt thì Anh văn) nhưng chúng tôi vỡ lòng bài lao động nhà văn như thế. Sau lý thuyết là thực hành, chúng tôi được đưa lên “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” trên Hòa Bình để theo dấu Quang Dũng tìm thơ nay trên miền đề tài xưa. Gần 50 năm kiên định trại viên, có thế nói mỗi trại là một nấc thang cao hơn đưa tôi vào nghề văn bút này. Tôi được học thầy Xuân Sách ở trại biển Vũng Tàu; học thầy Trần Hoài Dương ở trại Hồ Tây, Quảng Bá; học thầy Dương Duy Ngữ ở trại hồ trên núi Đại Lải… và có đi trại mới càng tin học thầy không tày học bạn. Một chức năng quan trọng mà các trại sáng tác đã thực hiện tốt là cung cấp bạn văn cho người làm văn. Và sau đó là việc mở cửa để chúng tôi đi xa hơn vào tổ quốc mình. Tôi đã đi Bình Châu tắm suối nước nóng và đã vào Z30D3 Bình Thuận ngắm Việt Nam cẩm tú - có từ Đền Hùng trên núi Tháp Rùa ngoài hồ tòa Thị chính Sài Gòn thời thuộc Pháp… từ trại sáng tác Vũng Tàu; đã tới Việt phủ Thành Chương nơi vua Thụy Điển lưu bút tích từ trại Quảng Bá và lần này tôi tới huyện mới Đạ Tẻh.
2. Tôi nhận được giấy mời của Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ – Phó chủ tịch Hội Nguyễn Quang Thiều ký mời đi dự trại sáng tác tại Đà Lạt từ 15 tới 29-3-2011. Xuống xe còn đang ngỡ ngàng trước hai tòa biệt thự tráng lệ kiến trúc bán cổ điển lối Pháp vừa mới xây xong trong khuôn viên nhà sáng tác Đà Lạt số 2 đường Yên Thế thì một lão ông tóc bạc đứng đó tự bao giờ tiến đến trước mặt tôi: “Thầy Toàn” – tôi ngẩn người ngạc nhiên. Chưa kịp nhớ ra đây là ai thì người ấy đã nói:
- Thầy không nhớ hết trò nhưng trò phải nhớ thầy. Chắc thầy nhớ bạn Trần Hòa Bình cùng trường đồng môn với em. Em là học sinh lớp 10C trường cấp 3 Quảng Oai huyện Ba Vì. Thầy đã đến trường em cùng thầy Thế Mạc và nhà thơ Bế Kiến Quốc năm ấy tới nói chuyện thơ trong nhà cô Vân vợ thầy Phạm Tiến Duật. Chắc thầy quên rồi!
- Cảm ơn! Anh vào Hội Nhà văn đợt nào mà hai ta được gặp nhau ở đây?
- Thưa chưa! Em có con gái Quỳnh Uyển là phóng viên Báo Lâm Đồng. Em thường kể về thầy cho nó nghe. Hôm qua nó được xem danh sách trại viên thấy có tên thầy liền báo. Em từ Đạ Tẻh lên Đà Lạt chào thầy!
Trưa ấy lão ông học trò mời tôi cùng những bạn văn Lâm Đồng của anh dùng cơm trưa ở quán đặc sản đường Hùng Vương quán thịt dê. Ngoài tôi còn có nhà giáo Nguyễn Thế Lực - cựu giáo viên cao đẳng sư phạm Đà Lạt và tiến sỹ lý luận văn học – nhà văn Phạm Quang Trung dạy Đại học Đà Lạt đang rất “máu” trong vụ Hội Thề. Thầy Trung chỉ vào người học trò tóc bạc của tôi:
- Cái ông Nguyễn Thanh Hương này không học tôi nhưng biết nhau 10 năm nay lúc nào cũng gọi tôi là thầy. Ngại quá!
- Sao lại ngại, thầy đào tạo cử nhân còn em về hưu rồi vẫn chỉ trung cấp quèn. Gọi là thầy chẳng đúng sao! Thầy Lực em đây trước khi về dạy văn trường cấp 3 Tùng Thiện huyện Ba Vì đã từng dạy văn cấp 2 xã Phú Châu huyện Ba Vì quê của em. Thầy Lực cũng không dạy em tiết nào nhưng thơ thầy em thuộc, tủ sách 300 cuốn của thầy em ngốn trong năm 66 - 67 - 68 là hết. Thầy tin người mê sách nên cho mượn luôn xe đạp đi chơi. Hồi ấy xe Tiệp Khắc phavơrít của thầy là loại sang trọng chỉ sau pơgiô của Pháp, cả phố núi Ba Vì chỉ có vài chiếc.
Thì ra cả ba ông giáo chúng tôi chẳng ai từng “gõ đầu trẻ” Nguyễn Thanh Hương nhưng đều được làm thầy anh học trò vừa mới là thủ khoa (môn truyện ngắn) một cuộc thi văn chương.
3. Vốn thích khám phá các vùng đất lạ, tôi theo Nguyễn Thanh Hương về quê mới Đạ Tẻh của ông. Hai thầy trò đi xe đò Cát Tiên vượt hơn 175 km. Chuyến xe chật cứng người Kinh và người Thượng. Băng trên cùng chỉ 2 ghế mà có lúc lèn tới 5… hành khách. Những bà mẹ những cô gái cao nguyên thật đẹp da mật nắng soi mắt biếc lông mi cong. Muốn tìm một di gan Esmeranda của Vich-to Huy - gô lạc tới Việt Nam chắc phải tìm trên đất này. Trên xe Nguyễn Thanh Hương cho biết “đạ” là nước, “teh” là nóng. Đạ Tẻh là tên con sông chạy dọc trung tâm huyện. Vùng đất này xưa kia thuộc chiến khu miền Đông Nam Bộ là nơi cư trú lâu đời của người Mạ. Sau 1975 hàng vạn thanh niên ở Hà Tây, Huế được điều động vào đây khai phá để làm nên một huyện mới có tên trên bản đồ tổ quốc. Đến Đạ Tẻh, Nguyễn Thanh Hương lại chở tôi bằng xe máy đi thăm hai “hồ trên núi” Đạ Tẻh, Đạ Ham; thăm thác Hơi, thác Xuân Đài thác 21. Thác và hồ ở Đạ Tẻh sẽ là điểm du lịch lý tưởng sau này nếu có đầu tư thích hợp. Từ thác tới thác, hồ tới hồ là mênh mông những cánh đồng lúa mà xưa là lau sậy là rừng nguyên sinh. Giữa nhiều thửa ruộng, nhiều vườn cây xanh tốt còn sót lại những gốc cây rất to mấy người ôm không hết. Có lẽ vì sự bể dâu này mà dù là huyện vùng sâu phố huyện Đạ Tẻh vẫn có những cửa hàng bán gỗ lũa mỹ nghệ. Nghe nói nghệ nhân Bùi Quốc Khánh có tác phẩm rễ cây đặt tên là “Ngọn lửa” kêu bán giá bốn cây vàng tôi đòi Nguyễn Thanh Hương dẫn tới…hỏi chuyện để được chiêm ngưỡng dấu tích đại ngàn, tiếc là ông Khánh vắng nhà nên danh mộc kia còn bí mật. Nhưng không tìm mà gặp là dấu tích hướng Nam của lịch sử dân tộc ta của riêng tôi trên đường từ quê lụa tới quê lũa. Gặp ngay trên mỗi bước đường. Ở Đạ Tẻh có gần như đủ các tên huyện ngoài Hà Tây xưa (nay là Hà Nội) quê nội quê ngoại của tôi. Có xã Quốc Oai, xã Mỹ Đức, xã Hà Đông… Có thôn Thạch Thất, thôn Ứng Hòa… Thành ra đi thăm đất mới mà người Hà Nội lại có cảm giác gặp lại quê mình…
Đạ Tẻh đang cuối mùa khô. Nắng vàng thơm vàng ngọt như mật ong rừng Tây Nguyên. Ve kêu râm ran ở hàng xà cừ cổ thụ quanh trường Dân tộc nội trú. Nhà Thanh Hương ở cuối con đường mang tên nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu nhìn sang sân trường. Ve kêu cả ban đêm. Không ngủ được tôi lần ra phòng khách thì đã thấy Thanh Hương một mình dưới đèn ngồi viết. Ông chủ nhà nhường cho tôi một góc bàn làm việc của mình. Tôi mở laptop, hai thầy trò cùng thức cho tới sáng.