Tìm tòi thể nghiệm

20/8
3:43 PM 2020

“BẢN NGÔ TRẦN LƯU HẬU

 CAO NGỌC THẮNG

         Nhận xét về hoạ sĩ Trần Lưu Hậu, có rất nhiều lời ngợi ca về cuộc đời người nghệ sĩ và sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của ông. Sự đánh giá đều có chung điểm nhìn thấu thị, nhất quán, xuất phát từ cái đẹp của mỗi tác phẩm hội hoạ, từ đó toát ra vẻ đẹp chân phương của tư duy nghệ thuật cũng như lối sống đời thường của một danh hoạ.

     Jefferey Hantover (nhà văn, nhà nghiên cứu nghệ thuật người Mỹ) viết: “Ta có thể vạch một đường nối liền chủ nghĩa biểu hiện hiện đại Tây Ban Nha của El Greco đến Tahiti của Gauguin và Pháp của Matisse đến làng quê Việt Nam của Hậu.”             

     Dương Tường “đi” thẳng tới bản chất nghệ thuật của người hoạ sĩ: “Hậu không bao giờ vẽ sự vật như nó tự phô bày một cách khách quan, mà luôn luôn ‘nội tâm hoá’ nó trước, nói cách khác, nhúng nó vào tâm thức của mình trước khi thể hiện ra bằng phương tiện hội hoạ (…) Tất cả những gì ông vẽ đều được lọc qua bản ngã rồi kết tinh thành một tâm ảnh trong ông để cuối cùng, phóng chiếu lên mặt toan, mặt giấy (…) Triển diễn nghệ thuật của Trần Lưu Hậu vậy là một quá trình ngày càng hướng nội với một nghị lực điềm đạm, tự tin. Không vội vã, ông trưng cất cảm xúc suy tư của mình trước khi ngồi vào giá vẽ.

     Nhận định của nhà thơ Dương Tường có tính khái quát cao về phong cách nghệ thuật Trần Lưu Hậu. Tuy nhiên, trước các tác phẩm hội hoạ của Trần Lưu Hậu, xuất hiện những câu hỏi nghiêm túc, rằng: -Tại sao ông lại chọn lối biểu cảm không lệ thuộc vào chi tiết?, hay: -Giá trị nghệ thuật trong tranh của ông thực chất ở đâu?, và v.v…

                                        Họa sĩ Trần Lưu Hậu

     Các nhà phê bình mỹ thuật khi viết về Trần Lưu Hậu đều nhận định, và ngay cả bản thân hoạ sĩ cũng tự thấy: ông không lệ thuộc vào bất cứ lối vẽ nào, dù Đông hoặc Tây, mà luôn luôn tìm cách biểu đạt cảm xúc của riêng mình. Cái riêng của Trần Lưu Hậu là cái riêng của sự lựa chọn. Ông tách mình khỏi các trường phái, các khuynh hướng, cho dù là hiện đại, là thời thượng. Ngay cả câu nói của Henri Matisse (1869-1954; hoạ sĩ nổi tiếng người Pháp, cha đẻ của trường phái hội hoạ dã thú hồi đầu thế kỷ XX) “Sự chính xác đâu phải là sự thật” cũng được Trần Lưu Hậu chuẩn hoá là phải “nắm được cái thần thái của toàn cảnh”. Sự lựa chọn như vậy chỉ có thể có ở một nghệ sĩ tự biết phải làm thế nào để đạt được mục đích cần hướng tới và kiên trì thực hiện khao khát ấy một cách nhất quán. Sự lựa chọn như vậy ắt phải trải qua một quá trình bền bỉ, dài hay ngắn, quan sát và ngẫm suy, để đến một thời điểm nhất định sẽ cho ra đời những tác phẩm đẹp, không giống bất kỳ tác giả nào, trước đó hoặc cùng thời. Trong quá trình ấy, bản thân Trần Lưu Hậu đã phải, trước hết tự vượt qua chính mình, tự vượt qua những thành tựu mà mình từng đạt được. Hay nói cách khác, Trần Lưu Hậu ít nhất đã “băng” qua hai thời kỳ lao động sáng tạo nghệ thuật: thời kỳ biểu hiện cái tôi chủ quan của người sáng tác và thời kỳ biểu hiện cái tôi khách quan của đối tượng biểu cảm; mà thời điểm ông “vượt vũ môn” là khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới (khoảng đầu những năm 90 ở thế kỷ trước). [Ở đây phần nào có sự tương đồng với sự “chuyển mình” của nhà văn Nguyễn Tuân khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công; theo bài Nguyễn Tuân, quá trình chuyển biến của một phong cách, trong sách Phan Ngọc - Truyền thống văn hoá và cách xây dựng văn hoá dân tộc, Nxb Văn hoá-Thông tin, H. 2013].

     Ngay ở thời kỳ đầu, các tác phẩm hội hoạ của Trần Lưu Hậu đã đạt tới đỉnh cao của một phong cách; song, chưa hẳn đã riêng một lối, bởi tranh của ông vẫn phảng phất cái đẹp nhìn thấy của đối tượng, được biểu cảm qua sự rung động chủ quan của người hoạ sĩ. Đó chưa phải là cái đẹp bản chất toát ra từ sâu thẳm của đối tượng. Ở thời kỳ này, mỗi bức tranh của ông đều được đặt tên hoặc gọi tên các nhân vật và địa danh cụ thể, như: Anh hùng Nguyễn Thị Chiên, Du kích Cẩm Nhượng Nghệ An, Đồng bào Mèo thêu, hay tranh vận động đồng bào Tuyên Quang và Thái Nguyên tăng gia sản xuất, tiết kiệm, đóng thuế nông nghiệp, giảm tô, giảm tức (1949), tranh vận động dân công và bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (1953-1954), tranh chào mừng giải phóng Thủ đô (1954-1955), tranh phong cảnh làng Thư Thị (Hưng Yên,1963), tranh phong cảnh Hạ Long và mỏ Đèo Nai (1964), tranh phong cảnh nông thôn Hà Bắc, trung du, hoặc trang trí cho một số vở kịch nói (1985-1990)… Điều này có nghĩa, tranh của Trần Lưu Hậu ở giai đoạn này biểu hiện cuộc sống thực tại khá cụ thể, khá chi tiết.

     Bám sát và miêu tả thực tế cuộc sống là trách nhiệm của mỗi văn nghệ sĩ trước yêu cầu của cách mạng và nhu cầu của nhân dân. Trong khi thực hiện nhiệm vụ hàng đầu đó, hoạ sĩ Trần Lưu Hậu không ngừng khao khát hướng tới cái đích nghệ thuật của riêng mình. Có thể coi bức Đồng bào Mèo thêu (1985) chứa đựng dấu hiệu chuyển mình của ông, mà ở thời kỳ sau sẽ hiện lên rõ rệt ở một loạt mảng tranh với cách nhìn và biểu hiện hoàn toàn khác.      

     Tận hưởng luồng gió mát của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, Trần Lưu Hậu tiếp tục dấn thân vào cuộc truy tìm cái đẹp bản chất – cái đẹp toát ra từ chiều sâu của đối tượng, và xác định hình thức biểu cảm tương hợp. Sang thời kỳ thứ hai, mà loạt tranh vẽ về Biển Vũng Tàu (1991) có thể xem là xê-ri mở đầu, Trần Lưu Hậu thực sự thực thi ý niệm “nắm được cái thần thái của toàn cảnh” và thoát khỏi lối vẽ chi tiết. Ý niệm của Trần Lưu Hậu liên quan đến một vấn đề có tính triết học – cái đẹp được hình thành và chỉ được hình thành trong các mối quan hệ, liên hệ của sự vật và hiện tượng một cách ràng buộc và hài hoà, tuân theo các quy luật chung và riêng – đó chính là sự vận động liên tục và không lặp lại. Cái gọi là “hiện thực” mà ta nhìn thấy chỉ diễn ra trong chốc lát, để rồi các “hiện thực” khác liên tiếp ùa đến thay thế. Do vậy, cái đẹp luôn luôn biến động. Cho nên nói: thực tại là thoảng qua, cái đẹp là mong manh. Trước khoảnh khắc cái đẹp hiện ra và người nghệ sĩ “chộp” lấy, thì sự biểu tả ấy, dù chi tiết và tinh tế mấy, cũng vẫn thuộc về sự rung động tức thời, mang tính chủ quan. Ngược lại, việc “nắm bắt được cái thần thái của toàn cảnh” là lúc người nghệ sĩ thoát khỏi sự cảm nhận cái đẹp bề ngoài, trong giây lát của đối tượng, dùng trực giác của mình để nhận cho được sự rung động thực sự bên trong của đối tượng lay động, gọi mời một tinh thần biểu hiện mới – tinh thần biểu hiện cái đẹp khách quan của đối tượng. Do vậy, tính chủ quan của chủ thể sáng tạo đã đươc thay thế bởi tính khách quan của khách thể được biểu hiện, cho dù sự thay thế đó là tương đối (bởi, nếu là tuyệt đối thì giá trị sáng tạo thẩm mỹ ắt bị triệt tiêu). Quan trọng là người sáng tạo nghệ thuật tiệm cận và chế ngự sự thay thế ấy ở mức độ nào; điều này còn tuỳ thuộc vào khả năng và bản lĩnh của từng người. Phải chăng, việc nhận thức và biểu tả cái đẹp trong sự vận động liên tục có sự không tương đồng,  cả ở nghệ thuật biểu hiện chi tiết và cả ở nghệ thuật biểu hiện thần thái toàn cảnh, là nguyên cớ cho những ý kiến thẩm định tác phẩm hội hoạ không phải lúc nào cũng đồng nhất, thậm chí trái ngược; và, cũng bởi vậy khiến các nhà lý luận phê bình mỹ thuật dễ bị lún sâu vào sự chung chung khi đánh giá tác phẩm và tác giả với các cụm từ quen thuộc, có độ an toàn cao. Đó là điều khó tránh.

Ông và cháu (Tranh của Trần Lưu Hậu)

     Đối với tác phẩm của Trần Lưu Hậu, sự thẩm định, đánh giá có khác, tập trung hơn, chuẩn chỉ hơn; bởi các sáng tác của ông chứa đựng một quan niệm thẩm mỹ nhất quán: cái đẹp nhìn thấy của đối tượng là cái đẹp không “chịu” đứng yên, hằng được cái đẹp bên trong, cái đẹp tổng thể trong các mối quan hệ, liên hệ giằng dịt của các thành tố cấu tạo nên sự sống trên hành tinh trái đất, vừa thực vừa hư, ức thúc ra bên ngoài trong chốc lát, cho nên phải tìm cho được hình thức tương ứng biểu tả “cái thần thái của toàn cảnh” ẩn sau cái đẹp nhìn thấy, tức là biểu hiện nguồn gốc của cái đẹp vĩnh cửu. Cũng cùng chất liệu màu, cách vẽ chi tiết hoàn toàn khác cách vẽ “cái thần thái toàn cảnh”. Ngược lại với sự hiển lộ đường nét, màu sắc, tuân chỉ luật xa gần, thì nghệ thuật biểu tả “cái thần thái toàn cảnh” nhấn vào sự chuyển tiếp có tính nhịp điệu để “nói” lên được mối quan hệ, liên hệ thân thuộc giữa các sự vật và hiện tượng diễn ra trong một bối cảnh thống nhất, tạo cho bức tranh một bố cục vững vàng, thuyết phục. Điều này rất đúng với khẳng định của F. Enghenx, đại ý: trong thiên nhiên không có sự chuyển tiếp đột ngột.

     Ở thời kỳ thứ hai, tranh của Trần Lưu Hậu tập trung thành các chủ đề, tạo nên những xê-ri (chẳng hạn theo Trần Lưu Hậu – những tranh tiêu biểu 2003-2005; Nxb Mỹ thuật, H. 2005): Công viên (16 bức), Sapa (12 bức), Cát Bà (10 bức), Hoa (17 bức, trong đó Chợ hoa 3 bức) và Khoả thân (30 bức). Ở những loạt tranh này, hình thức biểu cảm của ông hoàn toàn mới và lạ, không còn mấy bóng dáng của lối vẽ chi tiết, mà màu sắc hoà quyện dưới những “cú” đề-tay mạnh và dứt khoát, dù bằng chất liệu bột màu, sơn dầu hay acrylic, trên giấy hoặc trên vải, cho thấy người hoạ sĩ chìm đắm “đuổi” theo sự vận động không ngừng nghỉ của khách thể, sáng tạo nên các loại hình phong cảnh, tĩnh vật hay chân dung, với vẻ đẹp chân thực và nhân bản. Tranh của ông, thoáng trông rất gồ ghề, nhưng dù gồ ghề đến độ mãnh liệt cũng không làm mất đi cái mềm mại vốn có của đối tượng biểu cảm. Núi đồi, đất đai, sông suối, mây trời, cây cối, hoa lá và con người đều chung một thế, một thần thái của sự vận động, tạo nên sự hợp nhất, xoá nhoà sự tách bạch, lẻ loi, biểu tả tới tận cùng cái toàn cảnh trong thể thống nhất hữu cơ. Đặc biệt là xê-ri tranh khoả thân, Trần Lưu Hậu đã xua tan mặc cảm ở người thưởng thức về cái lồ lộ ở một số tác giả, cái mà khiến lầm tưởng rằng tranh khoả thân nhất định phải thế. Đối tượng luôn luôn ở trong một bối cảnh nhất định, chịu sự tác động của bối cảnh, vậy thì người hoạ sĩ cũng phải nương theo đó mà hoà nhập, mà thức nhận một hình thức biểu cảm tương ứng. Chính vì vậy mà Trần Lưu Hậu “có tài dùng màu đỏ già vẽ phố cũ, màu nâu già vẽ ngõ quê, màu vàng già vẽ chiều buồn lây lan trong trời đất ngày thu, màu đen già chìm nặng, đổ ập hay từng nhát quật mạnh xuống mặt toan trong sự trì uất khó giải thoát của nỗi buồn. Ông cũng có màu tím chói, màu hồng tươi, màu xanh lơ hay ánh vàng chanh trong phấn hứng của niềm vui, bất thần tạo ra sự va đập ánh ỏi của màu sắc”, như nhận định của hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn. Cách xử dụng màu như vậy, người hoạ sĩ tài năng đã khai thác triệt để, để gửi gắm vào mỗi tác phẩm hội hoạ của mình một cách chân thực cảm xúc, thái độ đối với cái đẹp, là sự khách quan hoá cái chủ quan của chính mình.

     Trong quá trình quan sát và chiêm nghiệm trước thực thể mỗi đối tượng, hoạ sĩ Trần Lưu Hậu dần tiến tới sự giác ngộ căn nguyên của cái đẹp, tước bỏ cái tôi, dù là cái tôi chủ quan hay cái tôi khách quan của bản thân; tức là ông giác ngộ được thuyết không chấp, kể cả không chấp cái bản ngã, như giáo lý nhà Phật đúc kết, để hướng tới mối tương quan đa chiều của các quan hệ và liên hệ có tính quy luật của tạo hoá, làm nên cái đẹp chân thực, vĩnh hằng. Ông không vẽ cái đẹp nhìn thấy, mà ông biểu cảm cái đẹp tiềm tàng bằng tâm hồn mẫn cảm với sự giác ngộ xác tín. Nói giản dị, ông là hoạ sĩ biểu cảm cái đẹp từ bản ngã của chính đối tượng khách thể. Tranh của ông có giá trị thẩm mỹ cao ở sự thống nhất hài hoà giữa nội dung và hình thức biểu hiện.

     Xuất phát từ cách nhìn sâu vào bản ngã của đối tượng và biểu cảm cái đẹp của chúng bằng hình thức tương thích, tranh của Trần Lưu Hậu có sức bật vươn ra hội hoạ thế giới một cách vững bền. Và, tài năng của ông được đánh giá là một trong những danh hoạ của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại!

                                                          Hà Nội – những ngày hè năm 2020     

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *