VỚI TÔ HOÀI, CỐT LÕI CỦA VĂN CHƯƠNG LÀ HIỆN THỰC
Tô Hoài lớn không chỉ ở số lượng tác phẩm trong suốt văn nghiệp của ông, mà đáng nói hơn là ở giá trị của mỗi tác phẩm. Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức toạ đàm Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi, với sự tham gia của đông đảo các nhà văn, nhà phê bình và những người yêu mến tài văn của ông.
Cốt lõi của văn chương là hiện thực
Trong cuốn Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã xếp Tô Hoài là nhà văn tả chân. Tô Hoài rất tôn trọng hiện thực, và nhờ những hiện thực ngồn ngộn, phong phú, sinh động quanh ông mà ông đã có những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc, lại rất gần với người đọc. Tô Hoài tránh sự lí giải hay phán xét, văn chương ông theo mạch tự nhiên, điềm đạm, có khi hóm hỉnh, có lúc lắng sâu, nhưng dù ở giọng điệu nào Tô Hoài vẫn giữ cho mình cái hiện thực làm cốt lõi.
Những Quê người, Nhà nghèo, Cỏ dại, Truyện Tây Bắc, Miền Tây, Mười năm, Cát bụi chân ai, Chiều chiều… đã cho ta thấy chất hiện thực trong văn Tô Hoài là nền tảng để thấm sâu và đi vào lòng bạn đọc. Ông gần gũi, thân thiết với tầng lớp bình dân vậy nên ông thường viết về tầng lớp này như viết về chính mình. Bên cạnh đó, ông viết về những người bạn trong cuộc sống, hay bạn văn, những người ông thực hiểu, thực thân. Những vùng đất mà ông gắn bó, thấu hiểu cũng góp một phần không thể thiếu làm nên thành công cho những tác phẩm của ông. Như vậy, có thể thấy, Tô Hoài đã sống và viết, trước hết xuất phát từ chính tình cảm, cảm xúc của mình với những hiện thực xung quanh. Trong Tự truyện, Tô Hoài cho biết, thậm chí, “cả những chuyện loài vật tưởng như xa lạ kia cũng không ngoài cái rộn ràng hay thầm lặng của khu vườn trước cửa”.
Chân dung nhà văn Tô Hoài
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học chia sẻ: Tô Hoài kiến tạo hiện thực ông cảm thấy hơn là nhìn thấy. Ông viết giản dị nhưng không hề đơn giản, mà cao cường nhất của nghệ thuật là sự giản dị. Tô Hoài đã kéo mọi thứ lại gần ông để viết. Vì thế mà ông hiểu mọi thứ, mọi chuyện, và vì hiểu nên ông viết rất sâu, rất hay.
Tô Hoài lắng nghe và đón nhận mọi thứ, cứ tưởng điều đó làm cho ông bị mệt, nhưng hoá ra, đó lại là nguồn chất liệu bất tận cho văn chương của ông. Và có lẽ xuất phát từ chính sự lắng nghe, quan sát, đón nhận ấy mà Tô Hoài nhận ra hiện thực là tài nguyên vô tận của văn chương.
Tại buổi tọa đàm, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ về sự vận động trong quan điểm viết của Tô Hoài: Càng cao tuổi Tô Hoài càng đánh giá cao hiện thực và xem đó là cốt lõi của văn chương. Hướng đi này cũng là một hướng đi suôn sẻ, rất Tô Hoài. Tuy nhiên, nếu nhập cuộc vào thời bây giờ, Tô Hoài chắc chắn còn phát huy được hết tài năng quan sát và hiểu biết sâu rộng của mình, bởi ông vốn như cuốn từ điển sống về văn hoá, xã hội vậy.
Người kiến tạo thế giới văn học thiếu nhi
Nhà văn Tô Hoài cũng chính là người tiên phong khai đường mở lối và xác lập một vị thế vững chắc cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông là một trong những thành viên tham gia sáng lập NXB Kim Đồng, người lấy tên của vị anh hùng thiếu niên Kim Đồng đặt cho Nhà xuất bản thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam.
Tô Hoài viết rất nhiều tác phẩm cho thiếu nhi và rất thành công. Ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký nổi tiếng, ông có hàng loạt sáng tác được trẻ em nhiều thế hệ yêu thích như: Mực tàu giấy bản, Nói về cái đầu tôi, Ngọn cờ lau, Võ sĩ Bọ Ngựa, Ba anh em, Ba bà cháu, Con mèo lười, Đám cưới chuột, Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Chim hải âu, Chim chích lạc rừng, Chú bồ nông ở Sa-mác-can… Ở mảng sáng tác này, dù là đề tài sinh hoạt, cổ tích hay lịch sử, ngay cả khi tuổi tác không còn trẻ, Tô Hoài vẫn có được cách cảm nhận và thể hiện đời sống qua trang văn phù hợp với tâm hồn, nhận thức của tuổi thơ. Và ông đã dẫn dắt các em đến với một thế giới có vô vàn điều kì thú, góp phần bồi đắp nhân cách, nuôi dưỡng vẻ đẹp và sự trong sáng, cao thượng cho những tâm hồn thơ bé.
Nói về văn học dành cho thiếu nhi của Tô Hoài, tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Anh bày tỏ: Bên cạnh những bài học từ tác phẩm mà chúng ta vẫn nhắc đến thì Tô Hoài còn mang đến cho các em sự hài hước, hóm hỉnh, nhân hậu và sáng tạo. Bằng thứ ngôn ngữ đầy cảm xúc, màu sắc, âm thanh ông đã thôi thúc và kích thích sự sáng tạo bằng những liên tưởng, tưởng tượng, các em được trải nghiệm từ ngữ của ông bằng các giác quan. Đó là điều quan trọng và tuyệt vời nhất với các em khi đọc văn Tô Hoài.
Từ góc nhìn nhà trường, Tô Hoài cũng đã trở thành nhà văn của mọi lứa tuổi khi mà tác phẩm của ông có mặt ở tất cả các cấp học từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Tô Hoài viết cho trẻ thơ bằng giọng văn hồn nhiên, anh nhi. Những câu chuyện của ông luôn đem lại sự hấp dẫn và bất ngờ bởi ông không nhìn trẻ con là sự thu nhỏ của người lớn, ông không dạy dỗ chúng mà trải nghiệm cùng chúng qua những cảm xúc, những hành động, suy nghĩ vừa logic vừa phi logic.
Trẻ thơ đọc Tô Hoài để tìm thấy mình, soi mình trong những tác phẩm của ông. Văn chương của ông có sức mạnh để làm nên cả một khung trời tuổi thơ của những đứa trẻ, và ngay cả khi đã thành người lớn, chúng ta vẫn có thể soi mình vào thế giới ấy để trong trẻo hơn, tin yêu hơn cuộc sống này.
TÙNG PHƯƠNG
NGUỒN: VNQĐ