Thời sự văn học nghệ thuật

9/10
7:59 AM 2017

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 PHẢI CÓ VỊ TRÍ XỨNG ĐÁNG TRONG LỊCH SỬ VĂN HỌC NƯỚC NHÀ

Trần Hoài Anh-Làm được điều này nghĩa là chúng ta sẽ làm giàu có và sang trọng hơn cho nền văn học vốn còn nghèo nàn và chưa thật đa dạng, phong phú của dân tộc ta. Và điều này cũng phù hợp với tinh thần đổi mới mà Đảng đã khởi xướng để đưa đưa đất nước bắt nhịp được với xu hướng hội nhập trong thời kỳ toàn cầu hóa.

 Trong hai số báo ra ngày thứ 7 (19/8/2017) và (20/8/017), báo Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà giáo dục về việc hưởng ứng việc đánh giá lại một cách công bằng, khách quan về các vấn đề lịch sử dân tộc lâu nay được xem là “nhạy cảm” như vấn đề “công” và “tội” của triều đại nhà Nguyễn, vấn đề nhìn nhận chính quyền Việt Nam cộng hòa như một thực thể lịch sử, vấn đề xem cuộc chiến biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc … Những vấn đề trên đã được các nhà sử học “dũng cảm” “sửa sai” khi viết lại bộ lịch sử Việt Nam gồm 15 tập với hơn 10.000 trang “được xem là bộ thông sử quy mô chưa từng có từ trước đến nay ở Việt Nam” ra mắt ngày 18/8/2017 tại Hà Nội. Trong bộ lịch sử này khi viết về chế độ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 đã xác quyết “Chính quyền Việt Nam cộng hòa là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm (…) VNCH là nối tiếp của Quốc gia Việt Nam (…) Trước đây khi nhắc đến chính quyền VNCH mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó, mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn. Lịch sử phải khách quan, phải viết thế nào cho mọi người chấp nhận.” (trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ của PGS.TS. Trần Đức Cường).

 

  Như vậy, lịch sử Việt Nam đã chính thức xem chính quyền VNCH trong giai đoạn 1954-1975 là một thực thể lịch sử ở miền Nam. Vì thế, các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, văn học ở miền Nam giai đoạn này cũng là một thực thể, một hệ giá trị trong di sản văn hóa dân tộc, cần được trao truyền cho các thế hệ mai sau để họ có trách nhiệm bảo tồn và phát triển.

   Muốn vậy, cần phải viết lại lịch sử văn học Việt Nam, ít ra là văn học giai đoạn 1954 -1975, phải xem bộ phận văn học văn học miền Nam là một phần không thể không có của lịch sử văn học Việt Nam cùng song song, tồn tại với văn học miền Bắc cùng thời kỳ. Vì thế, khi viết về giai đoạn văn học này, các nhà văn học sử không nên chỉ chú trọng miêu tả nền văn học ở miền Bắc xem như là tất cả nền văn học dân tộc và không hề nói đến văn học miền Nam, hoặc có nói đến thì xem đó là văn học “đồi trụy phản động dưới chế độ Mỹ ngụy” mà không thấy được những giá trị văn chương đích thực trong nền văn học này. Bằng chứng là trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 Nxb. Giáo dục 2009, bài “Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết TKXX” có dung lượng là 17 trang, trong đó phần viết về bộ phận văn học miền Nam chỉ có 28 dòng với nội dung rất sơ sài, chỉ nhắc đến một vài tác giả, tác phẩm như: Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam.

        Với cái nhìn đơn giản và phiến diện như thế, có thể nói, bộ phận văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 đã bị đối xử không công bằng và bị loại ra khỏi nền văn học dân tộc.

      Chúng tôi thiết nghĩ, khi lịch sử đất nước đã công nhận chính thể Việt Nam cộng hòa là một thực thể lịch sử thì bộ phận văn học ở miền Nam 1954-1975 cũng phải được coi là một thực thể văn học trong di sản văn chương dân tộc. Như vậy, lịch sử văn học Việt Nam cũng phải được viết lại trên tinh thần “hòa mạng” bộ phận văn học miền Nam 1954-1975 vào nền văn học dân tộc, không thể để tồn tại những bài viết về lịch sử văn học phiến diện như hiện nay trong sách giáo khoa phổ thông cũng như các giáo trình đại học.

       Làm được điều này nghĩa là chúng ta sẽ làm giàu có và sang trọng hơn cho nền văn học vốn còn nghèo nàn và chưa thật đa dạng, phong phú của dân tộc ta. Và điều này cũng phù hợp với tinh thần đổi mới mà Đảng đã khởi xướng để đưa đưa đất nước bắt nhịp được với xu hướng hội nhập trong thời kỳ toàn cầu hóa.

                                                                             Nguồn Văn nghệ số 38/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *