HỘI THẢO KHOA HỌC TOÀN QUỐC “CÁC XU HƯỚNG VẬN ĐỘNG CỦA VHNT VIỆT NAM HIỆN NAY-THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN”
MAI NAM THẮNG - Ngày 5-12-2017, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, thực trạng và định hướng phát triển". Đại diện lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL, tỉnh ủy Quảng Ninh, Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học Việt Nam... và hơn 300 đại biểu là các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và cán bộ quản lý các tổ chức văn học, nghệ thuật (VHNT) các cấp đã tham dự hội thảo. Hội thảo đã nhận được 70 bản tham luận của các nhà nghiên cứu VHNT, các văn nghệ sĩ và cán bộ lãnh đạo, quản lý VHNT các cấp trong cả nước. Gần 30 tham luận đã được trình bày tại hội thảo.
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên TƯ Đảng, TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương - nhấn mạnh: Hội thảo lần này là bước đi liền mạch, khoa học của Hội đồng nhằm nhận diện, mô tả phân tích tình hình VHNT Việt Nam hiện nay; Làm rõ các xu hướng, khuynh hướng vận động của VHNT đương đại; Lý giải thực trạng và đánh giá tác động của thực trạng đó trong đời sống VHNT và trong cảm thụ của công chúng. Đồng thời, hội thảo cũng dự báo các khuynh hướng và đề xuất các giải pháp định hướng phát triển VHNT Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-nhận định: Dòng chủ lưu của VHNT nước ta thời gian qua vẫn tiếp tục tinh thần yêu nước, dân tộc, khoa học, dân chủ và nhân văn. Trong đó, nổi bật là xu hướng trở về với lịch sử dân tộc, lật xới những vấn đề của quá khứ để tìm ra câu trả lời cho những vấn đề bức xúc của đời sống đương đại và phương hướng của tương lai. Sau khi nêu lên một số hạn chế, tồn tại và một số biểu hiện lệch lạc của VHNT trong thời gian qua, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng nêu lên một số giải pháp trước mắt: Trước hết phải tiếp tục thực hiện những nội dung đã được xác định trong Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới; Đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa các hoạt động của VHNT; cần có đầu tư chiều sâu để có các tác phẩm VHNT đỉnh cao và đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý VHNT trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Quang cảnh cuộc hội thảo
Gần 30 tham luận trong tổng số 70 bản tham luận tham luận gửi về được trình bày tại hội thảo đã làm rõ: Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X), VHNT Việt Nam tiếp tục có bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện sáng tác, lý luận-phê bình, xuất bản, biểu diễn và quảng bá tác phẩm... Xu hướng tiếp tục phát huy và phát triển các giá trị VHNT cách mạng và kháng chiến vẫn là chủ đạo. Tuy nhiên, so với thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới và yêu cầu sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ cuốc trong tình hình mới, VHNT thời gian qua còn nhiều mặt hạn chế. Đời sống VHNT còn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng sự trông đợi và kỳ vọng của công chúng... Hoạt động lý luận, phê bình còn trầm lắng, thiếu tính tích cực, chủ động sắc bén, còn bộ lộ khá nghiệp dư, tự phát, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sáng tác và tiếp nhận VHNT. Đặc biệt, xuất hiện xu hướng “giải thiêng” phủ định các giá trị lịch sử; xu hướng chạy theo những thị hiếu tầm thường và thương mại hóa các hoạt động VHNT…
Tham luận của các đại biểu cũng nêu lên những kiến nghị về định hướng phát triển VHNT trong thời gian tới là phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tư duy lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước về VHNT; có những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển của lý luận-phê bình theo kịp đời sống VHNT; đổi mới cơ chế phát hiện, đào tạo và sử dụng các tài năng VHNT, nhất là các tài năng trẻ. Đồng thời có các giải pháp đồng bộ nhằm định hướng thẩm mỹ cho công chúng VHNT; trong đó bao gồm việc nâng cao chất lượng các chương trình VHNT trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Ảnh trong bài: VĂN ĐỨC